Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2023

Chính phủ Trung Quốc bơm khủng nhưng tiền đi đâu ?

Đọc bài này để so sánh với Việt Nam. Trong bài này có đoạn Giáo sư Tạ Điền nói không đúng. Ông nói: "chỉ số CPI của Trung Quốc không đáng tin cậy vì nó không bao gồm khoản chi mua nhà ở như ở Mỹ và các nước châu Âu. CPI sẽ vô nghĩa nếu Trung Quốc không tính các khoản mua bất động sản". Điều này sai vì ở Mỹ, "Giá thuê nhà ở (chứ không phải giá mua nhà) được sử dụng để ước tính sự thay đổi trong chi phí nhà ở, bao gồm cả nhà ở do chủ sở hữu sử dụng chiếm khoảng 1/3 CPI (Housing rents are used to estimate the change in shelter costs including owner-occupied housing that account for about a third of the CPI)".
Chính phủ Trung Quốc bơm khủng nhưng tiền đi đâu ?
Hà Gia Hạnh • Diệp Bình • 24/08/23 Chính phủ Trung Quốc bơm hơn 4 nghìn tỷ USD vào thị trường, số tiền đó đang ở đâu? Đây là câu hỏi đang được các chuyên gia tranh luận. 
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã in một lượng tiền khổng lồ và bơm vào nền kinh tế nhưng sản xuất và tiêu dùng vẫn không khởi sắc. (STR/AFP via Getty Images)

Trung Quốc, vốn là nước tiêu dùng lớn nhất thế giới, đang rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế chưa từng thấy, cả chỉ số giá tiêu dùng CPI và chỉ số giá sản xuất PPI đều giảm. Từ tháng 4/2022 đến tháng 4/2023, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã in một lượng tiền khổng lồ và bơm vào nền kinh tế nhưng sản xuất và tiêu dùng vẫn không khởi sắc. 
1. Số tiền đó đã đi đâu?

Để kích thích tăng trưởng kinh tế, chính phủ Trung Quốc đã in thêm và phát hành một lượng lớn nhân dân tệ. Chỉ tính riêng cuối tháng 4/2023, cung tiền M2 đã là 280,85 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cung tiền M2 là một yếu tố quan trọng trong việc dự báo các vấn đề kinh tế như lạm phát, v.v. Cũng có nghĩa là trong 12 tháng, tổng lượng tiền nhân dân tệ trên thị trường đã tăng khoảng 31 nghìn tỷ (hơn 4,2 nghìn tỷ USD).

Chuyên gia: Số tiền đó đã đổ vào doanh nghiệp của nhà nước và ‘găng tay trắng’

Giáo sư Tạ Điền (Xie Tian) tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, Hoa Kỳ nói tiền đã vào tay các quan chức tham nhũng và giới quyền quý trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ông nói, "TQ liên tục in và phát hành tiền. Số tiền này chủ yếu được các ngân hàng đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước, các nền tảng tài chính của ‘găng tay trắng’ trong ĐCSTQ và một số ít công ty tư nhân”.

“Găng tay trắng” là từ để chỉ các doanh nhân phục vụ chính trị gia, các chính trị gia đứng sau chỉ đạo, còn các doanh nhân này sẽ ra mặt thực thi. 
“Găng tay trắng” ở TQ giống như lãnh đạo các doanh nghiệp sân sau của các quan chức ở Việt Nam

Giáo sư Tạ cũng chỉ ra, “một lượng lớn tiền mặt còn nằm trong tay của nhóm quan chức tham nhũng, các gia tộc ‘hồng nhị đại’ và giới quyền quý trong đảng, chứ chúng chưa được đưa vào lưu thông đầu tư. Nhưng hiện giờ họ không dám chi tiêu quá tay”. “Họ không mua nhà [trong nước] mà hầu như đều muốn chuyển tiền ra nước ngoài”.

Ngoài ra ông cho rằng, chỉ số CPI của Trung Quốc không đáng tin cậy vì nó không bao gồm khoản chi mua nhà ở như ở Mỹ và các nước châu Âu. CPI sẽ vô nghĩa nếu Trung Quốc không tính các khoản mua bất động sản.

Các doanh nghiệp nhà nước được ĐCSTQ coi như “con đẻ” của chế độ. Trên thực tế, tài sản quốc gia do giới quyền quý trong ĐCSTQ trực tiếp kiểm soát. Trước năm 2018, các doanh nghiệp quốc hữu của ĐCSTQ chiếm 56% trong tổng số doanh nghiệp. Sau khi chính quyền này thúc đẩy hình thức công tư hợp doanh, một số doanh nghiệp tư nhân đã bị doanh nghiệp nhà nước thôn tính. Đến nay, doanh nghiệp nhà nước chiếm hơn 60%.

Thống kê của Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, tỷ số tổng nợ trên tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước là 64,4%, tỷ lệ này của doanh nghiệp trung ương là 67,1% và của doanh nghiệp nhà nước tại các địa phương là 63,1%. Khi tung ra các gói cho vay, ĐCSTQ sẽ cho các doanh nghiệp trung ương và các doanh nghiệp lớn của nhà nước vay trước để đảm bảo rằng họ vượt qua những khó khăn. Còn các doanh nghiệp tư nhân thì không dễ mà vay được.

Giáo sư Tạ Điền còn nói rằng, các gia tộc quyền lực trong ĐCSTQ và các quan chức tham nhũng có thể vay nợ dưới nhiều danh nghĩa khác nhau, nhưng họ lại không minh bạch về cách chi tiêu chúng. Tiền chảy vào túi họ, họ có đầu tư thất bại thì cũng không bị truy cứu. 

Trước đây khi ông Tập Cận Bình muốn phát triển chip, một lượng lớn công ty đã đổ xô vào ngành này nhưng sau đó hầu hết đã phá sản. Bây giờ lại đến ngành trí tuệ nhân tạo AI. Lượng tiền mà chính quyền Trung Quốc dự định đổ vào AI cũng đang bị giới quyền quý trong đảng nhắm tới và họ cũng có thể dễ dàng lấy được số tiền này.

2. Nhà phân tích tài chính: Kinh tế suy thoái, có bơm thêm tiền cũng vô dụng

Trong ba năm qua, lượng tiền gửi ngân hàng của Trung Quốc không ngừng tăng lên, tiết kiệm có kỳ hạn của người dân cũng tăng lên đáng kể. Các kênh truyền thông nhà nước đang kêu gọi người dân lấy tiền ra chi tiêu để kích thích nền kinh tế.

Theo số liệu do ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố, trước tháng 4 năm nay là thời điểm số tiền gửi có kỳ hạn của người dân và các khoản tiền gửi khác gia tăng mạnh nhất. Cụ thể là tăng từ 75,2 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2022 lên 91,6 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2023, tăng ròng 16,4 nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 2,2 nghìn tỷ USD).

Thống kê cho thấy, khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc rất lớn. Khoảng 2% người dân thuộc tầng lớp trung lưu trở lên sở hữu khoảng 80% tài sản. Đặc biệt, chưa đầy 0,1% tầng lớp giàu nhất sở hữu gần 1/3 tài sản.

Ông Tạ nói, “Người dân không có nhiều tiền, để ngăn ngừa khủng hoảng, họ chọn cách an toàn hơn là gửi tiền vào ngân hàng. Người dân không đủ khả năng để mua nhà”; “Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân không vay được tiền, có chút tiền cũng không dám đầu tư, mua sắm. Do đó, cả CPI và PPI đều giảm”.

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Trung Quốc công bố gần đây, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng Bảy năm nay đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái; còn chỉ số giá sản xuất PPI trong tháng Sáu giảm 5,4%, chỉ số PPI tháng Bảy lại tiếp tục giảm 4,4% so với tháng Sáu, vượt quá cả ước tính 4,1% của các chuyên gia. Các con số trên cho thấy nhu cầu ở Trung Quốc yếu, sức mua của người tiêu dùng giảm, nền kinh tế khó phục hồi sau dịch bệnh.

Ông Hà Băng (He Bing), một nhà phân tích tài chính cấp cao tại Hoa Kỳ, nói vào ngày 15/8 rằng, chính quyền TQ đã phát hành rất nhiều tiền nhưng vật giá không tăng, là vì các doanh nghiệp nhìn chung gặp khó khăn trong hoạt động, tỷ lệ thất nghiệp cao, người nghèo thì đông mà nhu cầu lại giảm. Hiện tượng giảm phát trong thời suy thoái kinh tế này cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc đã không còn thuốc chữa, có phát hành thêm tiền cũng không hiệu quả.

Ông Tôn Lập Bình (Sun Liping), Giáo sư tại Đại học Thanh Hoa Trung Quốc, cho biết trong một bài viết trên trang cá nhân vào tháng 4 rằng, từ đầu năm nay nguồn cung tiền của Trung Quốc tăng lên nhưng nước này lại đang đối mặt với nguy cơ giảm phát. Nguyên nhân chủ yếu là, tuy dòng tiền trên thị trường khá dồi dào nhưng phần lớn lại chảy vào tầng lớp trên, vào các cơ quan của chính quyền hay các đề án lớn, chứ chưa chảy vào các lĩnh vực có liên quan trực tiếp tới đời sống của nhân dân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét