Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017

Tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Việt-Nhật

Tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản
Lê Hồng Hiệp: Việt Nam và Nhật Bản đều có nhiều điểm tương đồng về lợi ích, đây sẽ là những động lực, nền tảng để hai quốc gia tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Mối quan hệ này không chỉ mang lại lợi ích cho Nhật Bản và Việt Nam, mà nó còn có những tác động tích cực cho mạng lưới quan hệ song phương và đa phương trong khu vực.
Tóm tắt
- Mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản từ lâu đã được định hướng bởi các lợi ích kinh tế, nhưng sự hợp tác chiến lược gần đây đã nổi lên như một trụ cột quan trọng nữa của mối quan hệ này.

- Sự hỗ trợ của Nhật Bản cho việc xây dựng năng lực biển của Việt Nam đã trở thành một ưu tiên đối với hai nước, phản ánh những mối quan ngại được chia sẻ của họ về những sự thay đổi gây xáo trộn trong bối cảnh về những vấn đề trên biển của khu vực.

- Mong muốn của Việt Nam củng cố sự can dự quốc phòng của nước này với Nhật Bản chủ yếu nhằm mục đích tạo thế đối trọng sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này ăn khớp với kế hoạch của Chính quyền Abe “bình thường hóa” tư thế phòng thủ của Nhật Bản và giảm sự phụ thuộc về an ninh của Tokyo vào Mỹ bằng cách tăng cường các mối quan hệ phòng thủ với các nước khu vực.

- Sự hợp tác chiến lược song phương có thể góp phần tạo ra “một mạng lưới an ninh có nguyên tắc” bù đắp cho khả năng giảm những cam kết quân sự của Mỹ dành cho khu vực này. 

- Những thách thức đối với hợp tác chiến lược song phương bao gồm chính sách không liên kết của Việt Nam và những hạn chế trong hiến pháp của Nhật Bản, nhưng những thay đổi dần dần trong tư duy chiến lược của Việt Nam do những áp lực của Trung Quốc và triển vọng Thủ tướng Sinzo Abe vẫn cầm quyền cho tới năm 2021 có nghĩa là quỹ đạo chiến lược song phương hiện nay sẽ có thể được duy trì trong những năm tới.

Giới thiệu

Chuyến thăm của Nhật hoàng Akihio và Hoàng hậu Michiko đến Việt Nam từ ngày 28/2 đến ngày 5/3/2017 là một bước ngoặt lịch sử trong mối quan hệ song phương do nó là chuyến thăm đầu tiên của một vị Nhật hoàng đến nước này. Đáng chú ý hơn, chuyến thăm diễn ra chỉ 6 tuần sau chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Sinzo Abe đến Hà nội vào tháng 1/2017. Trong khi chuyến thăm của ông Abe tập trung vào thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế, chính trị và chiến lược song phương, chuyến thăm của Nhật hoàng Akihito giúp thúc đẩy “sức mạnh mềm” của Nhật Bản ở Việt Nam và góp phần củng cố những sự kết nối xã hội và văn hóa giữa người dân hai nước. Hai bên đã tán dương những kết quả tích cực của các chuyến thăm, với việc các quan chức Việt Nam ca ngợi mối quan hệ này là “mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.

Bài viết này đánh giá những phát triển hiện nay trong mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, tập trung vào tầm quan trọng chiến lược của nó. Trước tiên, bài viết sẽ mang lại một cái nhìn tổng quan về mối quan hệ này, sau đó là một phân tích về sự tập trung ngày càng tăng của hai nước vào sự hợp tác chiến lược trong những năm gần đây. Cuối cùng, bài viết sẽ tìm hiểu những động lực ẩn chứa bên dưới xu hướng này và những tác động khu vực của nó.

Các mối quan hệ mạnh mẽ dựa trên những nền tảng mạnh mẽ

Những tương tác giữa Việt Nam và Nhật Bản có từ thế kỷ thứ 8, khi Phật Triết (tiếng Nhật Bản là Buttetsu), một nhà sư người Chăm từ nơi hiện nay là miền Trung Việt Nam đến Nhật Bản vào năm 736. Phật Triết đã giúp truyền bá âm nhạc và điệu nhảy Chăm, tiếng Nhật gọi là Rinyugaki, mà cuối cùng đã trở thành một phần trong âm nhạc và các điệu nhảy trong cung đình Nhật Bản (gagaku). Thương mại song phương cũng phát triển mạnh giữa hai nước trong thế kỷ 16 và 17, khi các thương nhân Nhật Bản thành lập “thị trấn Nhật Bản” ở Hội An để tạo thuận lợi cho những trao đổi trong tương lai. Chẳng hạn, trong đầu thế kỷ 17, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất cho Đàng Trong (miền Nam Việt Nam), và phải tới khi Tokugawa Shogunate áp đặt những hạn chế đối với những trao đổi nước ngoài vào những năm 1630 thì Trung Quốc mới bắt đầu thay thế Nhật Bản trở thành đối tác thương mại hàng đầu của miền Nam Việt Nam.

Vào đầu thế kỷ 20, Việt Nam đã bị Pháp chiếm làm thuộc địa, trong khi Nhật Bản đã chuyển mình thành công thành một cường quốc không phải phương Tây thông qua thời kỳ Minh trị phục hưng. Do đó, Nhật Bản đã trở thành một nguồn cảm hứng cho những người yêu nước Việt Nam một thời gian ngắn, nhiều người trong số họ đã đến đó để học hỏi về hiện đại hóa đất nước và giành lại độc lập quốc gia. Tuy nhiên, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã chiếm đóng Việt Nam một thời gian ngắn, và 2 triệu người Việt Nam đã chết đói do hậu quả của việc Nhật Bản tái tổ chức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam để hỗ trợ cho những nỗ lực chiến tranh của nước này. Giai đoạn bi thảm này dường như không đè nặng lên mối quan hệ song phương sau này, mà chính thức được thiết lập vào năm 1973.

Từ cuối những năm 1970 đến 1992, các mối quan hệ bị kiềm chế bởi sự phản đối của Nhật Bản khi Việt Nam đưa quân vào cuộc xung đột ở Campuchia. Tuy nhiên, sau khi Hiệp định hòa bình Paris 1991 về Campuchia được ký kết, các mối quan hệ song phương đã phát triển mạnh, đặc biệt trong thập kỷ trước. Trong năm 2006, hai nước đã tuyên bố rằng họ đang làm việc hướng tới “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”. Vào tháng 4/2009, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đến Nhật Bản, hai nước đã chính thức thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược” song phương, mà được bổ sung bởi Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản đã có hiệu lực 6 tháng sau đó. Trong năm 2014, hai phía đã nâng tầm quan hệ lên mức “Đối tác chiến lược toàn diện”.

Việc củng cố các mối quan hệ song phương đã không giới hạn ở các tuyên bố chung và các tên khác nhau mà họ gán cho mối quan hệ này. Các mối quan hệ song phương đặc biệt phát triển mạnh trong 3 lĩnh vực kinh tế then chốt: việc Nhật Bản cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, đầu tư và thương mại.

Đặc biệt, cho tới tháng 9/2016, Nhật Bản đã cung cấp xấp xỉ 2.800 tỷ yên ODA cho Việt Nam. Số tiền như vậy đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cũng như việc áp dụng nhiều cải cách xã hội-kinh tế của Việt Nam. Đến lượt mình, các dự án lớn của Việt Nam được ODA của Nhật Bản cấp vốn đã thúc đẩy xuất khẩu của Nhật Bản sang Việt Nam và mang lại các cơ hội kinh doanh cho các nhà thầu Nhật Bản. Vào cuối năm 2016, các công ty Nhật Bản đã đầu tư vào 3.320 dự án ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký 42,5 tỷ USD, bằng 14,6% tổng vốn tích lũy FDI đã đăng ký ở Việt Nam. Việc này làm cho Nhật Bản trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai ở Việt Nam sau Hàn Quốc. Về thương mại, trong năm 2016, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản và hàng Nhật Bản xuất khẩu sang Việt Nam lần lượt trị giá 14,68 tỷ USD và 15,04 tỷ USD. Do đó, Nhật Bản hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc. Các mối quan hệ đầu tư và thương mại song phương sẽ mở rộng thêm nếu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương vượt qua được những trở ngại hiện nay để đi vào có hiệu lực trong tương lai.

Các mối quan hệ kinh tế là một trụ cột then chốt của mối quan hệ của họ đương nhiên phản ánh những lợi ích lâu dài của cả hai nước. Trong khi Việt Nam coi thị trường, vốn và công nghệ Nhật Bản là những nguồn lực quan trọng cho sự phát triển quốc gia của nước này kể từ khi thực hiện đổi mới, Nhật Bản coi Việt Nam là một cơ hội lớn, do nguồn dân số lớn và trẻ, sự tiêu dùng hàng hóa đang tăng lên, và nền kinh tế năng động, phát triển nhanh chóng của nước này. Do đó, sự hợp tác kinh tế từ lâu đã chi phối chương trình nghị sự song phương.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự hợp tác chiến lược đã xuất hiện như một trụ cột quan trọng nữa cho mối quan hệ song phương. Bất chấp quy mô ở mức khiêm tốn hiện nay do những hạn chế nhất định ở cả hai phía, mô hình hợp tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản rộng hơn cho thấy xu hướng tiến lên phía trước mà phản ánh những lợi ích chiến lược ngày càng hội tụ của cả hai nước trong việc phản ứng lại những thay đổi đáng ngại trong bối cảnh địa chiến lược khu vực.

Những trọng tâm mới trong sự hợp tác chiến lược

Trước khi Việt Nam và Nhật Bản thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược trong năm 2009, hợp tác quốc phòng giữa hai nước giới hạn ở những trao đổi các phái đoàn quân sự và các chuyến thăm của các tàu hải quân Nhật Bản cập cảng Việt Nam. Tuy nhiên, sau năm 2009, các mối quan hệ quốc phòng và an ninh đã được củng cố và đa dạng hóa nhanh chóng.

Trong năm 2011, hai nước đã thông qua một kế hoạch hành động để thực hiện quan hệ đối tác chiến lược của họ, đã dẫn đến việc mở các văn phòng tùy viên quốc phòng ở cả hai nước, và việc bắt đầu đối thoại chính sách quốc phòng chính thức. Hai nước cũng đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) dành cho các hoạt động hợp tác quốc phòng phạm vi rộng, bao gồm những trao đổi cấp bộ trưởng, tham mưu trưởng và người đứng đầu các quân chủng; các cuộc ghé thăm cảng hải quân; đối thoại chính sách quốc phòng thường niên ở cấp thứ trưởng quốc phòng; hợp tác trong hàng không quân sự và phòng thủ trên không; huấn luyện nhân sự; chống khủng bố; cứu nạn trên biển; đào tạo về IT; quân y; và gìn giữ hòa bình. MOU cũng đặt ra khuôn khổ pháp lý cho hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực như tìm kiếm và cứu nạn, cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo.

Sau khi ông Shinzo Abe quay trở lại ghế thủ tướng vào tháng 12/2012, sự hợp tác chiến lược giữa hai nước đã gia tăng hơn nữa. Vào tháng 1/2013, Abe đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến nước ngoài đầu tiên của ông, trong chuyến thăm đó, ông đã tán thành quan điểm của Việt Nam về việc xử lý các tranh chấp Biển Đông bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế. Vào tháng 5/2013, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tổ chức một buổi hội thảo về y học dưới biển ở Việt Nam, và cung cấp huấn luyện về y học dưới biển cho Hải quân Việt Nam tại một căn cứ hải quân của Nhật Bản 4 tháng sau đó. Sự hợp tác này có thể được thực hiện theo yêu cầu của Việt Nam, do kế hoạch của Hà Nội đặt mua tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên vào đầu năm 2014.

Cũng trong tháng 9/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã có chuyến thăm đến Việt Nam, trong chuyến đi, ông đã đến thăm các sở chỉ huy thuộc Vùng 4 Hải quân ở cảng Cam Ranh và đã quan sát công tác chuẩn bị phòng thủ của Việt Nam cho quần đảo Trường Sa. Sự kiện này là một bằng chứng cho thấy mức độ tin tưởng lẫn nhau cao, và phản ánh mong muốn của Việt Nam tăng cường sự can dự hải quân với Nhật Bản cũng như mối quan tâm của Nhật Bản đến tranh chấp Biển Đông. Cũng trong chuyến thăm, ông Onodera đã có các buổi tham vấn với người đồng nhiệm Việt Nam, Tướng Phùng Quang Thanh, trong đó hai bên đồng ý mở rộng sự hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực, dò phá vũ khí chưa phát nổ, hiện đại hóa các cơ quan chấp pháp biển và công nghệ quân sự.

Quả thật, sự hỗ trợ của Nhật Bản cho việc hiện đại hóa và xây dựng năng lực của các cơ quan chấp pháp biển của Việt Nam kể từ đó đã trở thành một ưu tiên trong hợp tác quốc phòng song phương. Đặc biệt, vào đầu tháng 8/2014, Nhật Bản đã tuyên bố rằng nước này sẽ cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra để hỗ trợ các hoạt động phòng thủ trên biển của nước này ở Biển Đông. Tuyên bố này xuất hiện chỉ sau khi kết thúc cuộc khủng hoảng trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc do Trung Quốc đã đặt giàn khoan dầu khổng lồ trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam trong hơn 2 tháng. Trong chuyến thăm của mình đến Việt Nam vào tháng 1/2017, Thủ tướng Abe đã tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ cung cấp cho Việt Nam thêm 6 tàu tuần tra trị giá 338 triệu USD. Sự trợ giúp của Nhật Bản là một sự tăng thêm đáng giá vào những nỗ lực của Hà Nội cải thiện khả năng của các cơ quan chấp pháp biển, đặc biệt là lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam, và cơ quan giám sát nguồn cá Việt Nam mới thành lập. Khi Trung Quốc tập trung vào việc sử dụng các tàu thân trắng để kiểm soát các vùng biển ở Biển Đông, khả năng mạnh hơn của các cơ quan chấp pháp biển của Việt Nam sẽ làm cho nước này có thể phản ứng một cách hiệu quả hơn.

Theo thông tin thì Nhật Bản cũng lên kế hoạch bán 2 radar quan sát mặt đất tiên tiến cho Việt Nam. Đơn đặt hàng này, dự tính được thực hiện vào năm 2018 và do ODA của Nhật Bản tài trợ, sẽ tăng cường thông tin tình báo trên biển của Việt Nam ở Biển Đông. Đồng thời, thông tin cũng cho rằng Hà Nội cũng đang cân nhắc mua một máy bay theo dõi chống tàu ngầm P-3C đã qua sử dụng từ Tokyo. Nếu được mua, máy bay đó sẽ có thể được dùng trong các nhiệm vụ theo dõi ở Biển Đông.

Việt Nam và Nhật Bản cũng phối hợp quan điểm của họ tại các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế. Trong khi Nhật Bản ủng hộ ngoại giao tích cực, và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong các vấn đề khu vực, Việt Nam ủng hộ vai trò của Nhật Bản là một bên tham gia quốc tế lớn. Chẳng hạn, Việt Nam ủng hộ sự can dự mạnh mẽ của Nhật Bản trong ASEAN và khu vực tiểu vùng sông Mekong, cũng như nỗ lực của Tokyo trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Sự hợp tác quốc phòng và an ninh Việt-Nhật là một phần trong bức tranh chiến lược khu vực rộng lớn hơn, khi nó mở rộng và sâu sắc hơn, chắc chắn sẽ tác động đáng kể đến bối cảnh địa chính trị khu vực.

Tầm quan trọng mang tính khu vực về sự hợp tác chiến lược Việt-Nhật

Hợp tác quốc phòng trên biển song phương là kết quả tự nhiên của lợi ích an ninh được chia sẻ của hai nước. Sức mạnh hải quân ngày càng áp đảo của Trung Quốc và những động thái quyết đoán của nước này trong các tranh chấp trên biển với Việt Nam và Nhật Bản, như việc Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông và việc nước này xây dựng 7 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, đã đe dọa làm thay đổi hiện trạng khu vực, điều mà cả hai nước phản đối. Hợp tác chiến lược để đối phó với Bắc Kinh do đó đã trở thành cần thiết đối với cả hai bên. Đòi hỏi này được phản ánh rõ trong những cam kết của ông Abe trong chuyến thăm đến Hà Nội vào tháng 1/2017. Đề cập đến nguồn nước sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam chảy ra Biển Đông và Biển Hoa Đông mà kết nối với Vịnh Tokyo, ông Abe đã tuyên bố rằng “Không gì có thể cản trở việc tự do đi lại trên tuyến đường này. Nhật Bản và Việt Nam là hai nước láng giềng được kết nối bởi vùng đại dương không thuộc quyền sở hữu của nước nào”.

Việt Nam mong muốn tăng cường sự can dự quốc phòng với Nhật Bản để củng cố quốc phòng và tạo thế đối trọng sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc này phần nào giải thích lý do tại sao việc củng cố các mối quan hệ quốc phòng song phương đã bắt đầu vào khoảng năm 2011 khi xu hướng Trung Quốc quyết đoán trên biển trở nên rõ ràng. Ý định này cũng được phản ánh trong yêu cầu Nhật Bản cung cấp các tàu tuần tra của Việt Nam cũng như những sự trợ giúp khác để củng cố khả năng trên biển của nước này.

Theo quan điểm của Hà Nội, Nhật Bản có thể là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam trong tương lai trước mắt. Quan hệ song phương nhìn chung là không có rắc rối, dựa trên nền tảng kinh tế vững chắc, sự tin tưởng lẫn nhau mạnh mẽ, và các lợi ích chiến lược hội tụ cao, đặc biệt là về vấn đề Trung Quốc. Đối với Việt Nam, Nhật Bản quan trọng hơn nhiều so với bất cứ cường quốc nào khác bởi vì Tokyo không chỉ có khả năng kinh tế và quân sự, mà nước này còn sẵn sàng giúp củng cố Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác để duy trì cán cân sức mạnh khu vực. Quan trọng hơn, Nhật Bản là một cường quốc Đông Á, và có quan hệ rắc rối từ lâu với Trung Quốc. Các yếu tố này biến Nhật Bản trở thành một đối tác an ninh đương nhiên của Việt Nam, và khiến các cam kết an ninh của Nhật Bản đáng tin hơn nhiều. Mong muốn của Việt Nam ăn khớp chặt chẽ với những ý định của Nhật Bản dưới chính sách quốc phòng và an ninh của Chính quyền Abe, đó là tìm cách “bình thường hóa” tư thế quốc phòng của Nhật Bản và giảm sự dễ bị tổn thương của Tokyo do sự phụ thuộc về an ninh của nước này vào Mỹ. Động lực này có thể trở nên mạnh mẽ hơn trong những năm tới do những sự không chắc chắn về chính sách của Mỹ đối với khu vực.

Nguy cơ Chính quyền Trump có thể giảm sự can dự quân sự của Mỹ ở châu Á đe dọa gỡ bỏ những nguyên lý trật tự khu vực sau Chiến tranh thế giới thứ hai và làm bất ổn an ninh khu vực. Sự hợp tác chiến lược trong số các nước khu vực do đó trở thành một sự phòng ngừa chủ yếu chống lại nguy cơ này. Sự hợp tác như vậy, dù là trong các hình thức song phương hay đa phương thu nhỏ, có thể góp phần tạo ra một “mạng lưới an ninh có nguyên tắc”, mà từng được Chính quyền Obama đề xuất. Các mối quan hệ an ninh được thúc đẩy của Nhật Bản với Việt Nam, và với các nước khác trong khu vực có tư tưởng giống nhau như Úc, Philippines, Singapore và Ấn Độ, có thể làm tăng khả năng xuất hiện một mạng lưới như vậy. Như Slaughter và Rapp-Hooper lập luận, “các mạng lưới mắt lưới có khả năng phục hồi cao bởi vì không có một mắt lưới cá nhân nào là trọng yếu đối với sự tồn tại của cấu trúc này – cho dù một liên kết đứt gãy, cấu trúc này vẫn tồn tại”, Việt Nam và Nhật Bản có thể nằm trong số những mắt lưới đầu tiên của một mạng lưới như vậy nếu các mối quan hệ quốc phòng song phương tiếp tục được củng cố và thể chế hóa.

Kết luận

Sự hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản đã tăng cường trong những năm gần đây do nỗ lực phối hợp của hai nước trong việc phản ứng những thách thức an ninh chung, đặc biệt là trong lĩnh vực biển. Mặc dù mối quan hệ hợp tác đầy hứa hẹn, hai bên vẫn đối mặt với những hạn chế nhất định. Trong khi Việt Nam mong muốn duy trì chính sách không liên kết và bước đi một cách thận trọng trên con đường ở giữa Trung Quốc và các cường quốc khác, Nhật Bản đối mặt với những hạn chế trong hiến pháp, điều khiến cho khó có thể hoàn toàn cam kết về các mối quan hệ quân sự có ý nghĩa với các nước ngoài, bao gồm cả Việt Nam.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các mối quan hệ chiến lược song phương vẫn có một triển vọng tích cực. Về phía Việt Nam, các động thái quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu năm 2014 và việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, đã làm cho các nhà lãnh đạo Việt Nam bạo gan hơn và làm thay đổi tư duy an ninh của họ theo chiều hướng làm sâu sắc thêm các mối quan hệ quân sự với Nhật Bản và các cường quốc chủ yếu khác.

Trong khi đó, Chính quyền Abe cũng đang làm việc để sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản nhằm mang lại cho các lực lượng vũ trang sự linh hoạt lớn hơn trong việc đối phó với các thách thức an ninh cấp bách. Quyết định của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cho phép ông Abe tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp với tư cách là chủ tịch đảng LDP đã mở đường cho ông vẫn giữ được ghế thủ tướng cho tới năm 2021, điều sẽ tạo thuận lợi cho việc hiện thực hóa các tầm nhìn chiến lược của ông. Nếu LDP và ông Abe vẫn cầm quyền, quỹ đạo hợp tác chiến lược hiện nay giữa Nhật Bản và Việt Nam vẫn có thể duy trì. Câu hỏi khi đó là hai nước này sẽ tiến lên như thế nào từ đó. Ngoài việc thông qua các sáng kiến hợp tác phòng thủ đáng kể hơn, việc đưa quan hệ hợp tác chiến lược song phương vào các khuôn khổ đa phương thu nhỏ, như các mối quan hệ giữa Nhật Bản, Mỹ và Úc, hoặc Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, có thể là một lựa chọn để cả hai bên cân nhắc.

Lê Hồng Hiệp
* Lê Hồng Hiệp là chuyên viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS)-Viện Nghiên cứu Yusof Ishak. Bài viết được đăng trên ISEAS.

Văn Cường (gt)
(Nghiên Cứu Biển Đông)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét