Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

Đồng Tâm - cần một cái kết thực sự có hậu

Đồng Tâm - cần một cái kết thực sự có hậu
Tô Văn Trường - Mọi người đã thở phào nhẹ nhõm khi cuộc họp giữa Chủ tich Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân xã Đồng Tâm ngày 22/4/2017 kết thúc. Quả bom đã được tháo ngòi, cái nút thắt đã được gỡ. Bởi nếu không, thì tình hình sẽ diễn biến theo chiều hướng cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên, cả chính quyền và người dân đều vẫn lo lắng. Chính quyền thì lo còn tiềm ẩn nguy cơ của những khiếu kiện tập thể, của những hành động bạo lực bột phát. Còn người dân thì vẫn chưa tin rằng các nhóm lợi ích đã chịu thúc thủ bỏ cuộc, quyền lợi chính đáng của họ còn bị đe dọa.

Lo lắng nói trên lại được thổi bùng lên thông tin: “Chiều 13/6, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) để điều tra về 2 tội danh “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo quy định tại Điều 123 – Bộ luật Hình sự và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại Điều 143 – Bộ luật Hình sự. Việc khởi tố nhằm điều tra, làm rõ những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong vụ việc. Trên cơ sở đó, cơ quan tiến hành tố tụng mới có đủ căn cứ xem xét để ban hành hoặc không ban hành quyết định khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự các bị can liên quan.”

Có ý kiến cho rằng tình hình của nước ta nhìn chung, nó rối như khu rừng nhiệt đới, tầng trên, tầng dưới, cây to, cây bé, dây leo chằng chịt, hoặc như cái cột điện “tổ quạ” trên phố. Mối quan hệ giữa các thực thể, các yếu tố cực kỳ phức tạp, do thể chế đan xen. Pháp luật không nghiêm, điều hành thiếu minh bạch, dân chủ hình thức, cho nên tuy nó dở, nó mục… nhưng khó sửa.

Về vụ Đồng Tâm, dân cũng rất khôn ngoan, khi cho toàn phụ nữ ra bắt giam các chú cảnh sát cơ động. Nếu cảnh sát cơ động không tình nguyện cho dân bắt, thử hỏi những người phụ nữ tay không này có dám giữ cảnh sát ở giữa đất Thủ đô mà còn lại được nuôi ăn, đối xử tử tế?

Đương nhiên nhà cầm quyền ở thế khó, không thể “xí xóa” sự việc một cách đơn giản. Quy luật cuộc sống là cái mà chủ quan chúng ta nhiều khi không thể nhận thức ra ngay.

Khi xem ông Nguyễn Đức Chung ký, điểm chỉ Cam kết với dân Đồng Tâm, nhiều người dân kể cả ở đất Nam bộ xa lắc, vui đến rơi nước mắt. Nhưng sau lúc thăng hoa về sự “tái hồi” tình quân dân keo sơn từng có trong quá khứ mà truyền thông thế giới hay gọi là “Truyền thống” họ lại hồi hộp về sự “tái hồi” “Thái Bình Diễn nghĩa”! (sự kiện khởi đầu từ huyện Quỳnh Phụ năm 1997). Và nay đã rõ! Nhưng đây là cái lô-gích hình thức không thể không làm, bởi một số cái “đầu ấm” cay cú, nhưng quan trọng là “tiến trình” nầy lâu hay mau và có hậu như vụ án Đồng Nọc Nạn hay không mà thôi.

Thời Pháp thuộc, khi Nam bộ còn là thuộc địa của Pháp, một nông dân giết chết người điền chủ định cướp đất của anh ta, và Toà xử trắng án, vì giết người để tự phòng vệ chính đáng. Anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải phòng, bị kết án 5 năm tù cũng vì tội tự vệ với vũ khí tự tạo, chống lại bộ đội và công an, dưới sự lãnh đạo của chính quyền cơ sở. Kết thúc tương đối có hậu (Anh Vươn được đặc xá trước thời hạn) và tiếp tục quản lý ao hồ do mình có công khai phá, cải tạo nhưng cái giá phải trả rất đắt.

Trớ trêu là trên FB của Oanh Bùi do ông Lương Ngọc Huỳnh tường thuật buổi điện đàm mới nhất giữa Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung với cụ Lê Đình Kình nguyên văn như sau: ”Dân tự viết biên bản rồi ép tôi ký và lăn tay. Anh Đồng, và cô Lan xử lý như thế là không được. Nếu lúc đó, tôi không ký thì chỉ cần có ai đó hô một câu thì hậu quả sẽ như thế nào,cụ biết rồi. Tôi cũng lo cho dân lắm chứ”.

Từ chỗ được người dân cả nước tung hô, ca ngợi, bây giờ chỉ cần nghe tường thuật lại các câu nói trên (nếu đúng sự thật) thì ông Chung có bị công luận “ném đá” cũng không có gì lạ!

Có 3 vấn đề cần đặt ra:

Thứ nhất là những người lừa cụ Lê Đình Kình 82 tuổi đời, 56 năm tuổi Đảng dẫn đi chỉ địa giới, rồi đột ngột bắt cóc, đánh đập làm cụ Kình bị gãy xương đùi, sao lại không bị truy tố hình sự về việc bắt giam người không phép và gây tổn thương sức khỏe cho người già. Công bằng xã hội ở đâu trước pháp luật giữa người dân và người của cơ quan nhà nước?

Thứ hai là sau khi ông Chung về Đồng Tâm đối thoại với dân giải quyết sự việc êm thỏa, công luận cho rằng đó là có ý kiến chỉ đạo của cấp trên về phương thức tiếp cận và nội dung văn bản ký kết với người dân. Trong văn bản ngày 22/4 cam kết có điều quan trọng là không truy cứu trách nhiệm hình sự với toàn dân xã Đồng Tâm được ông Chung ký tên và lăn tay có sự chứng kiến và đồng ký tên của các vị đại biểu Quốc hội như : Lưu Bình Nhưỡng, Dương Trung Quốc. Nay lại khởi tố hóa ra, chính quyền do Đảng chỉ đạo “chơi chữ” lừa đảo nhân dân.

Thứ ba là đẩy dân về phía đối địch, đó là hành động sẽ gây nên những hậu quả khôn lường. Người dân đang mong chờ công bố kết quả thanh tra đất đai, theo lời hứa của chính quyền thành phố, sao lại đột ngột đi khởi tố, phải chăng có những quan điểm trong lãnh đạo chưa được nhất quán?.

Vụ Đồng Tâm bị khởi tố mà kết quả lại đi ngược với lời hứa của ông Nguyễn Đức Chung thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Không khéo lại dẫn đến chuyện “Quân ta chiến thắng Dân mình”. Trong trường hợp này, nếu đã chót khởi tố rồi thì hãy nhìn vào vụ án Đồng Nọc Nạn từ thời Pháp thuộc để mà nhìn lại mình cho rõ hơn và biết vượt lên chính mình. Thời gian là phương thuốc hữu hiệu cả cho chính quyền và cả cho người dân Đồng Tâm. Hai bên có thể vẫn trong ấm ngoài êm được lâu dài.


Theo người viết bài này rất cần có những chính sách đồng bộ mang tính hệ thống và triệt để hơn để loại trừ tận gốc tệ tham nhũng theo kiểu lợi ích nhóm và xem xét lại quan điểm đất đai là sở hữu toàn dân. Hay nói một cách khác để làm được việc ấy, trước hết đòi hỏi lãnh đạo có đủ tâm và tầm, trước mắt là giải quyết sự kiện Đồng Tâm thực sự là cái kết có hậu, được lòng dân.

Tô Văn Trường
(Blog Kỳ Duyên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét