Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

Bí thư, CT tỉnh có cảnh vệ khác gì “đề phòng” người dân

Cảnh vệ = CV = Ca ve. Khi Bí thư, chủ tịch tỉnh có thêm Cảnh vệ tháp tùng thì hậu quả cũng giống như có thêm Ca ve hầu hạ hàng ngày. Cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra sẽ không chấp nhận yêu cầu của ông thượng tướng Việt, nhưng không phải vì phản đối ông, mà vì ngân sách hết tiền để trả lương cho loại ca ve mới này.
Bí thư, chủ tịch tỉnh có cảnh vệ khác gì “đề phòng” người dân
Phạm Hoàng Lan 07/06/2017 (Dân Việt) Rất nhiều phóng viên nghị trường, trong đó có tôi tại thời điểm đó giật mình trước việc Bí thư, Chủ tịch tỉnh cũng muốn là đối tượng được cảnh vệ như những “yếu nhân”.
Thượng tướng Võ Trọng Việt nêu ý kiến về Luật Cảnh vệ. Ảnh: Motthegioi
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, Thượng tướng Võ Trọng Việt mủm mỉm cười khi nhấn nhá “sau vụ việc xảy ra tại một tỉnh, nhiều tỉnh đề nghị Bí thư, Chủ tịch tỉnh là đối tượng cảnh vệ”. Bên dưới hội trường, gần 500 đại biểu Quốc hội bất chợt có phút im lặng hiếm hoi.

Không khí có phần khó hiểu đó xuất hiện vào cuối phiên thảo luận Dự án Luật cảnh vệ chiều 6/6 khi ông Võ Trọng Việt đăng đàn giải trình trước Quốc hội về đề xuất bổ sung đối tượng được cảnh vệ trong Luật.

Rất nhiều phóng viên nghị trường, trong đó có tôi tại thời điểm đó giật mình trước thông tin: Bí thư, Chủ tịch tỉnh cũng muốn là đối tượng được cảnh vệ như những “yếu nhân” của đất nước.

Nụ cười của ông Võ Trọng Việt - một trong những vị tướng nổi tiếng gần gũi với dân như một thông điệp rõ ràng về cái sự “nực cười” trước đề nghị ngô nghê của ai đó.

Vâng, tại sao Bí thư, Chủ tịch tỉnh lại cần cảnh vệ, thưa các vị quan đầu tỉnh - những người vẫn được coi là “công bộc” của dân?


Ở đây chưa vội bàn đến vấn đề tăng biên chế khi lãnh đạo tỉnh có thêm cảnh vệ vốn là một trong những thứ đi ngược lại với chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Điều đó hẳn nhiên không đáng lo ngại bằng việc mối quan hệ quan chức - người dân sẽ càng xa cách hơn, cánh cửa công quyền sẽ càng vời vợi hơn khi Chủ tịch, Bí thư có cảnh vệ oai nghiêm, trang bị súng ống, dùi cui điện tháp tùng.

Liệu rồi những chính sách an sinh có được thực thi? Liệu những vấn đề khiếu kiện vượt cấp kéo dài có vì thế mà tăng lên như thực tế đáng báo động trong một xã hội đang được nhìn nhận “nhiều tiến bộ, hòa bình và ổn định”?

Trong lần tiếp xúc cử tri tại quận Đồ Sơn - TP. Hải Phòng mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng bày tỏ lo ngại về sự xuất hiện “lớp lý trưởng mới” ở nông thôn như một mối nguy đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, chính quyền các cấp phải gắn bó với nhân dân hơn, coi nhiệm vụ phục vụ nhân dân là quan trọng nhất.

Mong muốn đó chính ông đã và đang thực thi bằng những cuộc thị sát lúc nửa đêm tại khu chợ đầu mối Long Biên, bằng những chuyến đi về với công nhân, đặc biệt là nông dân ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Gần dân, lắng nghe dân, vì nhân dân phục vụ là mục tiêu chính mà người đứng đầu Chính phủ đang hướng tới trong nỗ lực xây dựng một Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo.

Cũng nhớ lại khi xưa, cố Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh từng “một mình một ngựa”, len lỏi vào những điểm nóng về giải tỏa, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân để đưa ra chính sách đền bù tốt nhất, hợp lòng dân nhất, làm dịu đi xung đột, mâu thuẫn, kịp cho việc giải tỏa mặt bằng, tạo ra những con đường thênh thang, sạch đẹp chỉ Đà Nẵng mới có.

Gần dân như ông Nuyễn Bá Thanh, hay mới đây là sự tin tưởng dân, lắng nghe dân như trường hợp của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong vụ việc ở Đồng Tâm - Mỹ Đức, hẳn nhiên chỉ có “được”, không bao giờ sợ mất.

Đặt giả thiết, nếu như ông Thanh, ông Chung cũng có cảnh vệ kè kè súng ống, dùi cui điện tháp tùng, liệu những cuộc gặp gỡ, đối thoại với dân có thành công? Nhân dân sao có đủ niềm tin để gặp gỡ, giãi bày, lắng nghe quan chức?

Thế mới thấy, mong muốn gần dân, sống trong dân, được dân tin yêu còn khó, Bí thư, chủ tịch tỉnh cần cảnh vệ để làm gì cho thêm phần xa cách?

Liệu có phải chỉ vì để cho “oai”, cho bằng với “người ta” hay các vị đang thực sự đang lo sợ, đang cảnh giác và đề phòng trước nhân dân vốn chính là cha, mẹ, anh, em, là xóm giềng thân thuộc của mình?

Từ cổ chí kim, đã bao giờ các vị thấy nhân dân hung hãn, quay lưng lại với điều tốt đẹp. Hay ngược lại, vào bất cứ thời điểm nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào của lịch sử, sự bảo vệ, bao bọc của nhân dân vẫn là tốt nhất, an toàn nhất cho những “công bộc” của dân.

Chỉ ít ngày nữa, dự án Luật cảnh vệ sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua. Tất nhiên, sau cái “lắc đầu” cương quyết của cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra, sẽ không chuyện “Bí thư, Chủ tịch tỉnh được bổ sung vào đối tượng cảnh vệ”. Tuy nhiên, chỉ cần nghe đến một đề xuất như thế, đã là điều khiến nhiều người dân phải suy nghĩ thậm chí là buồn.

Thế nên, xin đừng đưa ra những đề xuất ngô nghê kiểu như thế, thưa các vị “quan” đầu tỉnh. Bởi điều đó chỉ chứng tỏ sự yếu thế, cũng là dấu hỏi lớn về sự minh bạch, liêm chính của chính các vị mà thôi.

http://danviet.vn/kinh-da-trong/bi-thu-chu-tich-tinh-co-canh-ve-khac-gi-de-phong-nguoi-dan-777037.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét