Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

18 năm cuối đời, người Việt sống trong bệnh tật

18 năm cuối đời, người Việt sống trong bệnh tật
05/06/2017 Nguyễn Tuân - Việc kiểm soát vệ sinh ATTP mới chỉ ở phần ngọn, chuỗi cung ứng thực phẩm hiện nay có nhiều lỗ hổng, chỉ cần một mắt xích có vấn đề sẽ dẫn tới ảnh hưởng cả chuỗi.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu - TP.HCM.
Xã hội còn lo lắng về ATTP
Sáng 05/06, thảo luận ở Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, cùng với các kết quả khác của công tác văn hóa, xã hội, giáo dục và y tế, sau 5 năm thực hiện Luật An toàn thực phẩm, tuổi thọ bình quân của nhân dân đã tăng lên 74 tuổi.

Ngay lập tức, ĐBQH Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về con số này. Theo bà Châu, nghe Bộ trưởng Cường báo cáo có vẻ rất khả quan, nhưng điều quan trọng là tuổi thọ sức khỏe chứ không phải tuổi thọ trung bình.

“Theo báo cáo hiện nay, tuổi thọ sức khỏe của người Việt chỉ là 56 tuổi, như vậy 18 năm còn lại là sống trong bệnh tật. Tuổi thọ tăng lên là điều đáng lạc quan, nhưng cần có một đánh giá chính xác để thấy mối quan hệ giữa VSATTP với sức khỏe của người dân và bảo vệ giống nòi,” ĐBQH Tô Thị Bích Châu nói.

Theo Bộ trưởng Cường, trong 5 năm qua Việt Nam đã sản xuất được khối lượng nông sản về cơ bản thỏa mãn nhu cầu. Xuất khẩu chính ngạch 70 triệu tấn nông sản, cộng cả phi chính ngạch là trên 100 triệu tấn nông sản tổng giá trị 140 tỷ USD, thặng dư xấp xỉ 43 tỷ USD.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu cũng bày tỏ không hài lòng với con số được “tô hồng” nêu trên khi cho rằng Bộ trưởng Cường chưa đưa ra được con số thống kê những tấn hàng xuất khẩu bị trả về. Số liệu xuất khẩu thường tăng trưởng theo đà tăng trưởng chung của nền kinh tế, nhưng việc đảm bảo ATTP cốt lõi lại chưa đạt.


Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng công nghiệp thực phẩm là một trong những ngành hàng có tiềm năng của Việt Nam nhưng trong khi nhiều nước châu Á đã xây dựng thương hiệu, có vị trí vững chắc trên thế giới, nhưng sản phẩm của VN vẫn chưa có chỗ đứng. Thậm chí nông sản Việt còn bị đánh bật khỏi thị trường trong nước trước mặt hàng nhập khẩu; các lô hàng nông sản xuất khẩu bị trả về do tồn dư chất cấm đe dọa nghiêm trọng đến uy tín của nông sản Việt, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các DN chân chính.

Ở trong nước, xã hội vẫn còn lo lắng, bức xúc vì nhiều vấn đề vi phạm quy định về ATTP. Việc kiểm soát vệ sinh ATTP mới chỉ ở phần ngọn, chuỗi cung ứng thực phẩm hiện nay có nhiều lỗ hổng, chỉ cần một mắt xích có vấn đề sẽ dẫn tới ảnh hưởng cả chuỗi.

“Việc kiểm soát chưa tốt dẫn đến tình trạng thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn dễ bị đánh đồng với các sản phẩm không an toàn, người tiêu dùng thiếu niềm tin, không biết đâu là sản phẩm sạch. Theo tôi, cần có sự thay đổi trong cách tiếp cận của nhà nước, đó là không chỉ kiểm tra sản phẩm ở khâu cuối cùng, mà phải thực hiện kiểm soát trong hệ thống; tăng cường kết nối giữa người sản xuất, DN, và người tiêu dùng,” ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa kiến nghị.

Cần sớm chấm dứt tình trạng “3 Bộ dẫm chân nhau”

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đặt câu hỏi tại sao có tới 3 Bộ quản lý vấn đề ATTP nhưng vẫn không hiệu quả. Theo ông Lợi, cái gốc là từ vấn đề sản xuất, các Bộ ngành phải làm hết chức năng của mình, việc thanh kiểm tra phải thực hiện một cách nghiêm minh. Tuy nhiên, trong 5 năm qua đã có 3,4 triệu cơ sở được kiểm tra, phát hiện 678.000 cơ sở vi phạm, chiếm 20%, nhưng chỉ xử lý 136.000 cơ sở vi phạm, bằng 20% tổng số cơ sở vi phạm, thu được 133 tỷ đồng xử phạt vi phạm.

Theo báo cáo của đoàn Giám sát của Quốc hội, trong giai đoạn 2011-2016 đã có 128 văn bản từ cấp trung ương, 669 văn bản cấp địa phương đối với lĩnh vực quản lý ATTP. Tuy nhiên trong báo cáo thẩm tra của QH cho thấy việc có quá nhiều văn bản chồng chéo, thậm chí có nhiều văn bản không phù hợp. Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (TP Hà Nội) cho rằng đang có quá nhiều văn bản nhưng thiếu phương tiện để thực hiện quản lý, đó là thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, được xem là thước đo, là công cụ để các địa phương tiến hành.

Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, mặc dù nhiều văn bản được ban hành nhiều nhưng công tác quản lý nhà nước về ATTP vẫn chưa hiệu quả, tính khả thi chưa cao, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP còn chồng chéo, chưa rõ ràng.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ĐB Lê Thị Yến (tỉnh Phú Thọ) cho rằng đang có sự đan xen giữa các Bộ gồm Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và Bộ Công thương. Việc không phân định rõ Bộ nào có trách nhiệm chủ trì, dẫn đến việc buông lỏng quản lý hoặc không rõ Bộ nào chịu trách nhiệm chính. Do vậy, Chính phủ cần nghiên cứu tập trung cơ quan quản lý nhà nước về một đầu mối duy nhất.

Theo Bộ trưởng Cường, hiện nay mới chỉ lĩnh vực quản lý phân bón được giao hoàn toàn cho Bộ NN&PTNT quản lý, thay vì cả Bộ Công thương cùng quản lý một phần như trước kia. Trong quý 3 này Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ Nghị định về quản lý phân bón, góp phần đảm bảo môi trường, giảm tác hại từ phân bón hóa học gây ra đối với môi trường, đồng thời dần từng bước đẩy nhanh tiêu thụ phân hữu cơ.

Cũng theo Bộ trưởng, trong 8 tháng vừa qua Bộ NN&PTNT đã loại ra 600 sản phẩm thuốc BVTV không được phép sử dụng trong tổng số 4.000 loại thuốc BVTV đang được người dân sử dụng.

http://infonet.vn/dai-bieu-quoc-hoi-18-nam-cuoi-doi-nguoi-viet-song-trong-benh-tat-post229106.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét