Việt Nam tự hào dẫn đầu Thế Giới về công nghiệp hàng "Âm phủ"
Kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn, đặc biệt là các ngành công nghiệp, vì sức cạnh tranh yếu và thị trường thế giới bị thu hẹp. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm khó khăn này, Việt Nam vẫn có một ngành công nghiệp phát triển đứng đầu thế giới. Đó là ngành công nghiệp sản xuất hàng “Âm phủ”.
Ngành công nghiệp “Âm Phủ” của Việt Nam đã và đang sản xuất ra đủ loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Từ công nghiệp vũ trụ hàng không, điện tử... tới người mẫu, ô sin...; tất tần tật những gì mà người dân mong muốn và có nhu cầu.
Ngành công nghiệp “Âm Phủ” của Việt Nam đã và đang sản xuất ra đủ loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Từ công nghiệp vũ trụ hàng không, điện tử... tới người mẫu, ô sin...; tất tần tật những gì mà người dân mong muốn và có nhu cầu.
Đặc biệt, hàng Âm phủ của Việt Nam đã và đang được xuất khẩu đi khắp thế giới; nổi bật là sự kiện ông Arnaud Zein El Din, kiến trúc sư người Mexico, sang du lịch Việt Nam đã mua 1 chú ngựa vàng mã rất đẹp nhưng ngày 3/8 vừa qua đã không được mang lên máy bay để đưa về nước làm dư luận trong và ngoài nước xôn xao; nhiều hãng thông tấn quốc tế cũng đưa tin.
Thêm nữa, có thể tự hào khẳng định ngành công nghiệp “Âm phủ” của Việt Nam là ngành kinh tế duy nhất không phải sử dụng nguyên liệu, máy móc thiết bị, công nghệ... nhập khẩu từ nước ngoài. Trên thế giới cũng hiếm có ngành kinh tế nào làm được như vậy.
Người Việt Nam là một dân tộc lạ kỳ nhất trên thế giới. Không biết từ bao giờ, người Việt Nam lo cho cái chết cũng không kém gì lo cho lúc đang sống. Câu nói “Sống là gửi, Thác là về” hay “Trần sao, Âm vậy” đã khiến cho ngành công nghiệp “Âm phủ” của Việt Nam phát triển mạnh mẽ đến mức không có nước nào cạnh tranh được, kể cả người khổng lồ Trung Quốc.
Thống kê cho thấy trung bình mỗi gia đình Việt Nam đốt một lượng vàng mã tốn nhiều hơn số sách giáo khoa và đủ các thể loại sách khác được họ đọc trong một năm. Nghĩa là, lượng giấy sử dụng trong ngành giáo dục, xuất bản còn thấp hơn lượng giấy dùng cho vàng mã.
Việt Nam cũng đã và đang đầu tư khủng khiếp cho ngành công nghiệp xây dựng để xây dựng nghĩa trang, mồ mả vô cùng hoành tráng, vì ai cũng phải chết và ai cũng có nhu cầu mồ yên mả đẹp. Các khu nghĩa trang ngày càng nhiều, ngày càng sang trọng. Giá mỗi khu, mỗi mộ đắt đỏ hơn cả ngôi nhà, căn hộ, và cả đất của nhiều gia đình lúc sống.
Đi đám ma có một vòng hoa kính viếng là biểu hiện sự thành kính, vị trí, mối quan hệ xã hội với người đã khuất... Chức vụ người chết hay người thân của người chết càng to, quan hệ xã hội của họ càng rộng thì số vòng hoa càng nhiều. Các đám ma có vài trăm vòng hoa kính viếng là bình thường.
Có điều những vòng hoa này chỉ được dùng trong một hoặc vài tiếng, rồi được chở lên xe đưa đến chất đống thành rác thải ở các nghĩa trang, đài hóa thân hoàn vũ và sau đó, ngành vệ sinh môi trường sẽ phải đau đầu xử lý.
Ô nhiễm môi trường gia tăng, người chết nuôi người trồng hoa cũng vô tình làm khổ người sống.
Không có ở đâu trên thế giới, cỗ đám ma to như cỗ đám cưới giống như ở Việt Nam. Người khóc kẻ cười, ăn nhậu cãi nhau ầm ĩ như cộng đồng nguyên thủy hàng triệu năm trước. Những mâm cỗ này cũng tạo ra công ăn việc làm cho ngành công nghiệp "Âm phủ".
Người ta cúng người chết ở trong nhà, ngoài mộ chưa đủ, còn lên chùa cúng Phật, xin Phật "phù hộ độ trì" cho yên lành, giàu sang phú quý. Vì thế chùa triền mọc lên như nấm mùa xuân trên khắp cả nước.
Người ta xây chùa chạy theo kỷ lục, chùa Bái Đính to nhất Đông Nam Á vừa xây xong tưởng đã khiếp, chùa Tam Trúc đã vượt lên chỉ trong vài năm, quần thể rộng lên mấy nghìn (ha) như chốn bồng lai tiên cảnh trong cổ tích... Công nghiệp "Âm phủ" phục vụ cho chốn Đình, Chùa, Phủ, Hội... dựa vào đó phát triển thịnh vượng.
Sống ở trên trần thiếu thốn, khổ sở chẳng ai quan tâm. Con cái từ cha mẹ. Anh chị em lộn xộn, vợ chồng lục đục, nhưng khi chết cúng bái hóa vàng chẳng thiếu cái gì.
Hoá nhà, hóa máy bay, hóa ô tô, hóa quần áo, hóa người giúp việc, hóa hầu gái... gửi xuống cho người chết để tỏ lòng thành kính và mong người âm phủ phù hộ cho người dương gian chức to, quyền lớn, tiền nhiều... Chính vì thế công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cung cấp cho “Âm phủ” trở nên phát triển mạnh mẽ, không ngừng nghỉ.
Những tổ hợp công nghiệp sản xuất hàng “âm phủ” liên kết với nhau thành một chuỗi chẳng kém hệ thống cung ứng toàn cầu.
Nguyên vật liệu đầu vào, gia công, chế tạo, vận chuyển, tiêu thụ, thiết kế, quảng cáo một vòng khép kín. Quản lý theo công nghệ 4.0 chẳng kém Mỹ, Tây, Tàu.
Giá trị tinh thần của người Việt đã bị gắn với ý thức vật chất, và bị nó chi phối cả phần xác, lẫn phần hồn, cả lúc sống và lúc chết, cả trần gian lẫn địa phủ.
Giá trị tinh thần có thể thay thế, hay an ủi bằng cách bù lại sự đầy đủ của vật chất, biến phẩm chất, giá trị con người ngày càng thực dụng, và hời hợt.
Công nghiệp “Âm phủ” cho thấy giá trị tâm linh của người Việt đã hoàn toàn bị vật chất hoá, nó thay thế ước nguyện về một thế giới yên lành, đùm bọc yêu thương bằng những ước nguyện mang những giá trị quyền lực, mua quan bán chức, cầu xin người chết, hưởng thụ xa hoa, đè lên nhau mà sống.
Công nghiệp “Âm phủ” phát triển tự do, không có kiểm soát, được chính phủ làm ngơ, thậm chí cổ vũ, kể cả hỗ trợ đất đai, tiền bạc để phát triển các công trình đền chùa mang danh "văn hóa" hay "du lịch tâm linh". Các quan chức từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất đều đua nhau cầu cúng khắp các đền chùa và ngay trong mỗi gia đình..., đã ngày càng làm đẩy người Việt vào cõi u mê.
Công nghiệp “Âm phủ” càng phát triển đạo đức xã hội ngày càng rơi rớt thê thảm, dẫn đến hoảng loạn trong đời sống.
Mặt trái là vậy, nhưng rõ ràng người Việt có thể tự hào không nước nào có thành tựu vĩ đại như Việt Nam vì trong khi các nước còn đang loay hoay chưa xây được nền công nghiệp phát triển trên dương gian thì Việt nam đã đi trước và liên tục dẫn đầu trong phát triển công nghiệp Âm phủ.
Việt Nam rất có thể là nước đầu tiên xây dựng thành công Xã hội Xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, chỉ tiếc rằng nó nằm ở dưới Âm phủ, nơi mà người chết sung sướng, no nê, thỏa mãn, hạnh phúc vì được cung phụng không thiếu bất cứ thứ gì, trong khi người sống trên mặt đất thì trăm bề thiếu thốn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét