VÀI LỜI VỀ NGHĨA VỤ TỐ GIÁC TỘI PHẠM CỦA LUẬT SƯ
Le Nguyen Duy Hau, 21 juin, Thôi thì chúng ta cũng phải nhìn nhận công bằng với nhau. Câu chuyện luật sư ở Việt Nam có nghĩa vụ phải tố giác tội phạm là thân chủ mình đâu phải là chuyện tới tận hôm nay mới nóng hổi đâu. Bộ luật hình sự nước ta từ đó đến nay chẳng bao giờ miễn trừ hoàn toàn cho giới luật sư cả.Đến năm 1999, câu chuyện có đỡ hơn một tí khi Bộ luật hình sự năm 1999 quy định thêm khoản 2: "Người không tố giác là ông, bà , cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng..." (Điều 22)
Tức là giờ đây người thân thích được miễn trừ với các tội nhẹ, còn tội (tạm gọi) là đại hình thì vẫn phải tố giác. Luật sư, tiếc thay, không thuộc dạng miễn trừ ở đây.
Bộ luật hình sự 2015 hiện nay thì thêm được khoản 3: "Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác..." (Điều 19)
Đây là lần đầu tiên luật sư được đề cập như một đối tượng có thể được miễn trừ trách nhiệm hình sự vì không tố giác tội phạm. Tất nhiên trước đây, từng có tranh cãi là điều luật về không tố giác tội phạm mâu thuẫn với nguyên tắc đảm bảo bí mật khách hàng trong Luật luật sư nên nhiều luật sư dựa vào đó để bảo rằng mình không có nghĩa vụ tố giác. Nhưng cách hiểu như vậy cũng khó được chấp nhận trong mối tương quan luật và bộ luật ở Việt Nam.
Tuy đã mở nhưng không nên nhìn đây là sự "tiến bộ" mà phải gọi đó là sự "chậm tiến". Có những điều mà thế giới văn minh đã công nhận cả 100 năm rồi thì dứt khoát phải áp dụng ngay cho Việt Nam chứ không thể viện cớ đặc thù để "mở từ từ" hay "theo lộ trình" rồi đánh lận bảo là tiến bộ hơn lần trước được.
Nên nhớ là Bộ luật hình sự 2015 này lý ra đã phải có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 nhưng vì lý do... chính tả mà nó phải lùi hiệu lực đến tận hôm nay. Những gì Quốc hội thảo luận chẳng qua là sửa sai cho một đạo luật lẽ ra đã phải có hiệu lực từ trước đó 1 năm.
Mình không đánh giá thấp tác động của điều luật mới này. Cái làm mình băn khoăn đó là lẽ ra câu chuyện này đã phải được chúng ta thảo luận từ... năm 1985 chứ không phải đến bây giờ. Tại sao những thảo luận này lại thiếu vắng vào năm 2015? Và tại sao chúng ta phải đợi cho đến khi Quốc hội thảo luận (gần như theo định kỳ) thì mới lên tiếng về vấn đề quan trọng như vậy? Nên nhớ là cộng đồng doanh nghiệp và start up đã đánh bại được Điều 292 quái gỡ trong đạo luật cũ nhờ sự hành động cùng nhau kịp thời và không đợi lịch trình của Nhà nước.
Giá mà chúng ta đã không phải đợi đến khi Quốc hội thảo luận để nói lên cái ý kiến cho điều luật quái gỡ tồn tại hơn 30 năm nay này mà vận động ngay khi thấy vấn đề thì có lẽ số đại biểu phản đối dự luật đã không dừng ở con số 19 đáng xấu hổ kia.
----
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét