Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Tóm tắt các triều đại phong kiến Việt Nam

DỌC THEO CHIỀU DÀI LỊCH SỬ
Tuyen Nguyen , Nguyễn Thế Tuyền (Berlin)
Con đường lịch sử đầy chông gai của dân tộc đã cản trở rất nhiều sự vươn lên của đất nước ta. Nhưng không vì thế mà chúng ta đổ lỗi cho quá khứ, mà chúng ta phải làm việc, phải học, phải tỉnh táo để khơi dậy toàn bộ trí tuệ của dòng máu Việt, như nước Đức và Nhật đã đứng lên từ đống tro tàn và gạch vụn của cuộc chiến.
L’image contient peut-être : 1 personne
"Đất nước ta có bề dày lịch sử 4000 năm“- chắc chắn những người Việt từng cắp sách đến trường đều đã biết điều này và đó là niềm tự hào của những con người mang dòng máu Việt, dù họ sống ở đâu trên trái đất này. Phần lớn những người sống trên hành tinh của chúng ta đều có một Tổ quốc để tôn thờ. Thế nhưng hiện tại sự toàn vẹn của Tổ quốc ta đang có những nguy cơ ẩn náu. Mối trăn trở đó đã thúc giục tôi phải tìm hiểu thêm và giới thiệu với độc giả sự trường tồn và thăng trầm của lịch sử dân tộc Việt Nam tổng quan và dễ hiểu, đặc biệt là giai đoạn trước năm 1945.

Vua Hùng đã dựng nước VĂN LANG cách đây khoảng 4000 năm. Mười tám đời Vua Hùng thay nhau trị vì đất nước. Cho đến nay, đó là một triều đại trị vì lâu nhất trong lịch sử Việt Nam, Văn Lang tồn tại đến năm 257 trước Công nguyên. Điều kiện thời đó chưa cho phép người ta ghi lại được những dấu ấn về cấu trúc xã hội cũng như đời sống của người dân lúc bấy giờ, mà chỉ để lại cho hậu thế một số truyền thuyết rất hay về tổ tiên ta. Đó là truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân, Thánh Gióng, dưa hấu An Tiêm hay truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh.

Triều đại thứ hai ngự trị nước nhà là triều đại nhà Thục (Thục Phán), sau khi đánh bại Vua Hùng thứ 18, Thục Phán đã đổi tên nước thành ÂU LẠC và tự xưng là An Dương Vương, chọn Cổ Loa làm thủ phủ. Triều đại này tồn tại từ năm 257 tr. CN đến năm 207 tr. CN. Sự sụp đổ của nước Âu Lạc không rõ nguyên nhân chính là gì, nhưng người dân Việt Nam tạm coi truyền thuyết Nỏ thần với Mỵ Châu – Trọng Thủy là lý giải cho sự đắm chìm của vương quốc Âu Lạc. Trọng Thủy là con trai Triệu Đà, tình báo đầu tiên của phương bắc cưới được công chúa Mỵ Châu, con gái vua An Dương Vương, để rồi tìm cách ăn cắp nỏ thần và đánh bại đế chế của bố vợ mình.

Sau khi Triệu Đà xóa sổ được Âu Lạc, đổi tên nước thành NAM VIỆT và tồn tại khoảng 100 năm từ 207 tr. CN đến 111 tr. CN. Đó là thời điểm bắt đầu của 1000 năm Bắc thuộc, nước ta chỉ như một tỉnh của Trung Quốc. Nam Việt gồm phần lớn miền bắc nước ta và một phần tỉnh Quảng Đông Trung Quốc. Triệu Trọng Thủy chết trước Triệu Đà nên ngôi vua được truyền cho cháu Triệu Đà là Triệu Mạt. Triệu Mạt cũng chỉ cầm cự được đến năm 111 tr. CN rồi để rơi quyền cai trị vào tay đời Tiền Hán.

Triều đại Tiền Hán lấy tên nước là GIAO CHỈ kéo dài hơn 300 năm từ năm 111 tr. CN đến 203 sau CN. Người Hán chọn thủ phủ là những địa điểm bên Trung Quốc. Đó là Tràng An (Tây Hán) và Lạc Dương (Đông Hán).

Một nghìn năm Bắc thuộc kéo dài mãi đến năm 939, năm Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán với trận đánh nổi tiếng trên sông Bạch Đằng. Sau Giao Chỉ, đất nước còn bị đổi tên ba lần nữa. Đó là nước GIAO CHÂU, triều đại Hậu Hán từ năm 203 đến năm 544, nước VẠN XUÂN, triều đại Tiền Lý từ năm 544 đến năm 603 và nước AN NAM thời nhà Đường từ năm 603 đến năm 939.

Trong 1000 năm Bắc thuộc, rất nhiều cuộc khởi nghĩa của dân ta bùng nổ, nhằm giành lại độc lập và giá trị văn hóa riêng của dân tộc. Mở đầu là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị) vào năm 40, khởi nghĩa Bà Triệu năm 248, khởi nghĩa Lý Bí, Lý Nam Đế năm 544, khởi nghĩa Triệu Việt Vương năm 549. Nhưng tất cả các cuộc khởi nghĩa này đều thất bại, đều bị các triều đại phong kiến phương bắc nghiền nát sau một số thành công ban đầu.

Sau chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền, độc lập mới về tay dân tộc ta, mới chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc, mới xuất hiện các triều đại Việt Nam và Thủ đô mới được chọn trên chính đất nước của mình.

Triều đại nhà Ngô bắt đầu từ năm 939 là triều đại Việt đầu tiên sau thời kỳ đen tối 1000 năm Bắc thuộc. Mới xây dựng chính quyền được vài năm thì Dương Tam Kha, em vợ Ngô Quyền, nổi lên cướp chính quyền. Quần thần nhà Ngô phản đối mãnh liệt và dẫn tới không tuân lệnh Dương Tam Kha mà mỗi đại quan đều chiếm cứ một vùng, đánh chiếm lẫn nhau. Thời kỳ khoảng 20 năm đó sử sách gọi là thời kỳ „Loạn 12 sứ quân“, kéo dài mãi đến năm 968 mới được Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn, thống nhất đất nước.

Đinh Bộ Lĩnh lên làm vua tự xưng là Đinh Tiên Hoàng lập lên triều đại nhà Đinh kéo dài từ năm 968 đến năm 980. Như truyền thống của các triều đại trước, đã lên ngôi là đổi tên nước và đổi cả thủ đô. Ông đặt tên nước là ĐẠI CỒ VIỆT và chọn thủ đô là Hoa Lư (thuộc Ninh Bình ngày nay).

Sau khi Đinh Tiên Hoàng bị giết hại, Lê Hoàn lên ngôi vua xưng là Lê Đại Hành mà lịch sử gọi là thời Tiền Lê (để phân biệt với thời Hậu Lê là thời Lê Lợi sau này). Lê Đại Hành có công rất lớn là đánh tan quân Tống muốn xâm lược nước ta, sau khi 1000 năm Bắc thuộc đã kết thúc. Thời Tiền Lê kết thúc năm 1009 khi Lý Công Uẩn lên ngôi.

Lý Công Uẩn lên ngôi năm 1009 bắt đầu thời kỳ Hậu Lý (để phân biệt với thời kỳ Tiền Lý của Lý Nam Đế). Ông đã đánh giá chiến lược và quyết định ký chiếu rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Một trong những công lao xuất sắc của Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) là thành lập Đại học Văn Miếu (1070) và Quốc tử giám (1076) là những trường Đại học đầu tiên của nước ta. Nơi đây nhận đào tạo cả những người không thuộc giai cấp quyền quý để giúp nước, một nền tảng văn hiến đầu tiên trên đất Việt.

Chính vì thế năm 2010, Hà Nội đã long trọng kỷ niệm „1000 năm Thăng Long“, một sự kiện của Thiên niên kỷ. Một sự kiện lịch sử không thể không nhắc đến của thời nhà Lý là tướng Lý Thường Kiệt đã có một đội quân tình báo để ông quyết định chủ động tấn công vào đất Liêm Châu (Quảng Đông) năm 1075 để phá nát các cơ sở hậu cần của quân nhà Tống, vì biết rằng chúng đang chuẩn bị xâm lược nước ta. Đây là lần duy nhất quân ta chủ động táo bạo và bất ngờ tấn công vào đất Trung Quốc để ngăn ngừa một cuộc chiến tranh.


Năm 1225 Trần Thái Tông lên ngôi bắt đầu một thời kỳ 12 đời vua nhà Trần kéo dài đến năm 1400. Sử sách nước nhà đặc biệt ghi công Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo) đã lãnh đạo nhân dân ta ba lần đánh tan quân Nguyên là đội quân mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, vào các năm 1227, 1284 và 1287.

Vào giai đoạn nhà Trần suy yếu, Hồ Quý Ly cướp ngôi, đặt tên nước là ĐẠI NGU, thủ phủ là Tây Đô, chỉ tồn tại bảy năm từ 1400 – 1407. Hồ Quý Ly không quyện tụ được lòng yêu nước của dân nên suy yếu và bị quân xâm lược đời nhà Minh thôn tính. Đất nước ta lại một lần nữa (lần thứ tư) là một tỉnh của Trung Quốc. Rất may lần đô hộ này chỉ kéo dài 20 năm từ 1407 đến 1428. Thời kỳ này nước Việt lại được gọi là nước AN NAM.

Không thể chấp nhận bị phương Bắc đô hộ, Lê Lợi đã cùng những người chí cốt phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hóa). Trải qua biết bao thăng trầm và mất mát, ông đã cùng các tướng tài ba, trong đó có Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đã tống khứ quân Minh hùng mạnh ra khỏi bờ cõi của Tổ quốc năm 1428. Nguyễn Trãi không những là nhà chính trị, quân sự kiệt suất mà còn là một nhà văn hóa lớn của dân tộc. Bài Bình Ngô Đại Cáo của ông sống mãi với thời gian. Triều đại nhà Hậu Lê ngự trị 100 năm sau, mãi đến năm 1527 mới bị nhà Mạc lật đổ.

Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) lên ngôi vua năm 1527 và kết thúc đời nhà Mạc năm 1592 khi vua Mạc Mậu Hợp đang cầm quyền, do bị quân của vua Lê – chúa Trịnh (tướng Trịnh Tùng) đánh bại. Thời kỳ này lịch sử gọi là thời kỳ Nam – Bắc triều, bởi vì nhà Mạc chỉ có quyền cai trị từ Ninh Bình trở ra, còn từ Thanh Hóa trở vào nằm trong tay vua Lê phục dựng trở lại. Từ tên An Nam, nước ta lại có tên ĐẠI VIỆT với thủ đô Thăng Long.

Đây là thời kỳ rất phức tạp của lịch sử Việt Nam, vì chúa Trịnh từ 1539 – 1789 (ở phía bắc sông Gianh) và chúa Nguyễn từ 1588 – 1778 (ở phía nam sông Gianh) tranh giành quyền lực và lãnh thổ, xé lẻ đất nước hơn 100 năm. Chúa Trịnh lấy Thăng Long là thủ đô, trong khi chúa Nguyễn chọn Huế. Trước cảnh loạn ly này, Nguyễn Huệ dẹp cả chúa Trịnh và chúa Nguyễn để thống nhất đất nước và chọn ba thủ đô Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Quân Thanh từ Trung quốc thấy nội tình Việt Nam như vậy đã liều mạng xâm lược nước ta một lần nữa. Song song với việc dẹp loạn trong nước, Nguyễn Huệ phát động khởi nghĩa Tây Sơn và đánh bại quân Thanh năm 1788, lên ngôi Hoàng đế Quang Trung. Sau khi Quang Trung đột ngột chết khi mới 39 tuổi, Nguyễn Ánh dòng dõi nhà Nguyễn Hoàng khôi phục lại nhà Nguyễn từ năm 1802.

Đời nhà Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Trong thời gian khoảng 140 năm trị vì với hai lần đổi tên nước VIỆT NAM và ĐẠI NAM thủ đô là Huế, có tới hơn 10 đời vua. Triều đại nhà Nguyễn bắt đầu với sự lên ngôi của vua Gia Long (Nguyễn Ánh) vào năm 1802 đến khi ông chết năm 1820. Những người kế thừa ông gồm:
• Vua Minh Mạng (1820 – 1841)
• Vua Thiệu Trị (1841 – 1847)
• Vua Tự Đức (1847 – 1883)
• Vua Phúc Kiến (1883 – 1884)
• Vua Hàm Nghi (1884 – 1885)
• Vua Đồng Khánh (1885 – 1889)
• Vua Thành Thái (1889 – 1907)
• Vua Duy Tân (1907 – 1916)
• Vua Khải Định (1916 – 1925)
• Vua Bảo Đại (1925 – 1945) - đời vua cuối cùng.

Sau khi chế độ của vua Bảo Đại sụp đổ, lần đầu tiên Việt Nam có nội các dưới quyền của thủ tướng Trần Trọng Kim từ tháng 4 năm 1945. Nội các của ông gồm toàn những giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, luật sư có tiếng. Nhưng chính quyền này chỉ tồn tại ngắn ngủi đến tháng 8 năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám thành công, giành chính quyền từ tay Pháp và chính phủ Trần Trọng Kim. Nước VIÊT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA ra đời. Lịch sử phát triển của VN từ năm 1945 đến nay thiết nghĩ không cần phải nhắc lại nữa, vì ai cũng đã được học.

Con đường lịch sử đầy chông gai của dân tộc đã cản trở rất nhiều sự vươn lên của đất nước ta. Nhưng không vì thế mà chúng ta đổ lỗi cho quá khứ, mà chúng ta phải làm việc, phải học, phải tỉnh táo để khơi dậy toàn bộ trí tuệ của dòng máu Việt, như nước Đức và Nhật đã đứng lên từ đống tro tàn và gạch vụn của cuộc chiến.

Theo dõi việc dạy và học môn Lịch sử ở CHLB Đức từ nhiều năm nay, tôi phát hiện ra những điều thật thú vị. Họ cũng dạy những sự kiện xảy ra trong quá khứ nhưng khi kiểm tra không bao giờ hỏi học sinh những gì đã học, những gì viết trong sách giáo khoa. Câu hỏi trong bài kiểm tra đòi hỏi học sinh như những nhà sử học nhỏ. Thông qua những sự kiện được học, các em đóng vai trên cương vị là những vị tướng, những người cai quản đất nước phải đánh giá những sai lầm của lịch sử và đề xuất bài học cho hiện tại. 

Ví dụ, tất cả các đảng lớn nhỏ ở Đức đều có quyền ứng cử mong có ghế trong quốc hội. Nhưng giả sử họ được 1% số phiếu của cử tri thì cũng có 1% số ghế trong quốc hội như thời Hitler thì sẽ có hiện tượng hầu hết các đảng có ghế trong quốc hội, dù ít hay nhiều. Điều đó cản trở rất lớn công việc của quốc hội, vì quá nhiều trường phái nên không có quyết định nào được đa số tán thành. Từ bài học đau lòng ấy, người ta đưa vào luật điều khoản mức ngưỡng 5%. Có nghĩa là nếu một đảng thu được tối thiểu 5% số phiếu tín nhiệm thì mới có ghế trong quốc hội. Các đảng cực hữu hay cực tả không có cơ hội chiếm ghế. 

Việc dạy và học môn lịch sử ở VN đang gặp rất nhiều khó khăn, không hấp dẫn học sinh. Nguyên nhân ở đâu và phải làm thế nào là câu hỏi đặt ra cho mỗi công dân chân chính biết trăn trở với vận mệnh đất nước.

Các triều đại phong kiến Việt Nam (Nguồn Internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét