Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Tôi đã bỏ nghề người mẫu khỏa thân từ hôm ấy...

Khỏa thân
VŨ THỊ HUYỀN TRANG - Mỗi lần bị chồng lột sạch quần áo và lao vào như một kẻ thô bạo, tôi thành ra ghê tởm và căm ghét cơ thể, da thịt của chính mình. Tôi tưởng như mình sinh ra chỉ là vật trang trí hay đồ chơi của người khác mà thôi. Ý nghĩ ấy khiến mỗi khi tôi trút bỏ quần áo ngồi khỏa thân trước mặt hàng trăm cặp mắt khác, tôi không còn thấy ngại ngùng. 
Ảnh nghệ thuật Dương Quốc Định (Ảnh minh họa)
Tôi làm người mẫu vẽ khỏa thân đã được tròn mười năm. Công việc hằng ngày của tôi là đến giảng đường, lột bỏ quần áo và ngồi bất động suốt nhiều tiếng đồng hồ cho sinh viên vẽ. Hàng trăm cặp mắt đổ dồn vào thân thể tôi, có cái nhìn bỏng rát, có cái nhìn buốt lạnh, lại có cái nhìn ơ hờ khiến tôi chỉ muốn biến mình thành tượng đá. Người ta bắt tôi tạo hình đủ mọi tư thế, đủ mọi ánh mắt buồn vui.Người ta vẽ tôi từ ngày này sang ngày khác nhưng không một ai có thể vẽ nổi những nhịp đập của trái tim tôi nhỏ bé sau lồng ngực trần, không một mảnh vải che. 

Người ta cũng không thể vẽ được ánh buồn sâu thẳm của tôi đọng sâu trong khóe mắt. Đấy mới là thế giới thật của tôi. Tôi chỉ là một người mẫu khỏa thân, làm công việc đó vì tiền, tôi chẳng biết gì về nghệ thuật. Nhưng đôi khi trước con mắt giễu cợt của những người cầm cọ vẽ, tôi lại thấy thương thay cho nghệ thuật. Bởi họ chỉ tạo ra những xác, vỏ không hồn…


Ảnh nghệ thuật Dương Quốc Định (Ảnh minh họa)

Tôi vốn là một cô gái quê, học xong phổ thông do gia đình không có điều kiện để học tiếp nên tôi theo bạn xuống thành phố kiếm việc làm. Tôi từng trải qua nhiều công việc khác nhau, từ dọn bàn, bán hàng, phát hàng khuyến mại rồi vào làm công nhân trong một khu công nghiệp phía nam thành phố. Tại đó tôi quen một người con trai tên Hùng, vì thương hoàn cảnh gia đình anh mẹ góa con côi mà tôi thường qua lại thăm nom, giúp đỡ. Rồi thì yêu nhau lúc nào không biết, tôi theo về nhà anh ở như vợ chồng mà không cần có một đám cưới nào.

Tôi sinh con được một năm thì chồng bị tai nạn phải nằm bó bột ở nhà. Có con nhỏ nên tôi không thể đi làm, thu nhập của cả gia đình chủ yếu nhờ vào việc buôn bán đồng nát của mẹ chồng, nên cuộc sống càng chồng chất khó khăn. Những ngày sau đó tôi phải để con ở nhà lên thành phố đứng chen chân trong các chợ người chờ việc làm. Chính tại đây tôi đã gặp một người họa sĩ, để rồi được giới thiệu đến với nghề làm mẫu khỏa thân, sau này tôi cứ tự hỏi rằng đó chỉ đơn thuần là một cuộc gặp gỡ tình cờ hay là số phận? Bởi biết bao nhiêu buồn vui, tủi hờn, cay đắng của cuộc đời tôi cũng bắt đầu từ ngày hôm ấy…

Mỗi ngày tôi phải ngồi làm mẫu ít nhất là bốn tiếng, chưa kể vì miếng cơm manh áo mà phải chạy sô từ trường này sang trường khác. Dù đã làm nghề nhiều năm nhưng ngày nào cơ thể tôi cũng rệu rã và đau đớn vì phải ngồi lâu trong một tư thế bất động. Có những lúc tôi cảm thấy các mạch máu như đông cứng lại vào những ngày Đông rét buốt khi may mắn lắm cũng chỉ có một chiếc lò sưởi nhỏ không đủ xua đi cái lạnh thấu xương. Mười năm trong nghề là mười năm tôi biến mình thành tượng. Những bức tượng trong những tư thế khác nhau. Có thể trong con mắt của những sinh viên mỹ thuật, những người nghệ sĩ thì tôi là nguồn cảm hứng cho họ. Nhưng tôi luôn thấy mình đang chết dần chết mòn, mỗi ngày mỗi héo hắt, tàn rạc và trống rỗng.

Tôi thường trở về nhà bằng lem luốc bụi than, bằng những câu chuyện thêu dệt về nghề nghiệp. Suốt bao nhiêu năm dài chồng tôi vẫn tưởng tôi làm công nhân trong một xưởng than. Sau lần tai nạn, chồng tôi tự nhiên sinh ra đổ đốn, hay rượu chè và trở về nhà là lấy cớ đánh đập vợ con. Tôi không còn cảm nhận được tình yêu của chồng từ những cái ghì siết đầy hằn học, biến những cuộc ái ân chồng vợ thành ám ảnh. Mỗi lần bị chồng lột sạch quần áo và lao vào như một kẻ thô bạo, tôi thành ra ghê tởm và căm ghét cơ thể, da thịt của chính mình. Tôi tưởng như mình sinh ra chỉ là vật trang trí hay đồ chơi của người khác mà thôi. Ý nghĩ ấy khiến mỗi khi tôi trút bỏ quần áo ngồi khỏa thân trước mặt hàng trăm cặp mắt khác, tôi không còn thấy ngại ngùng. Nhưng mỗi khi trở về nhà, sục tay vào đống than ven đường, tôi chỉ muốn có thể bôi trát chúng lên mặt mũi và cả tim gan cho đỡ ê chề. Những cảm giác đan xen nhau, mâu thuẫn nhau khiến tôi nhiều lúc như điên loạn.


.Ảnh nghệ thuật Dương Quốc Định (Ảnh minh họa)
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác của lần đầu tiên trút bỏ quần áo rồi bước ra trước mặt sinh viên. Cảm giác như hàng trăm con mắt đang làm tình trên cơ thể trần trụi của mình. Lúc ấy tôi chỉ biết nuốt nỗi xấu hổ và nhục nhã khi nghĩ về người chồng đau ốm và đứa con thơ.
- Oa! Đến mình là con gái còn không chịu được nữa là…
- Thật là hấp dẫn!
- Bình tĩnh đi nào! Ngày xưa lúc bằng tuổi các em, mỗi lần nhìn mẫu vẽ thầy thường phải chạy đi chỗ khác đấy.

Những tiếng cười rộ lên, tiếng đấm nhau thùm thụp, tiếng cười rúc rích. Rồi thì cũng im bặt chỉ còn lại tiếng của bút chì miệt mài trên giấy. Tiếng gió lùa vào da thịt lạnh buốt và tiếng trái tim mình rệu rã. Rất nhiều ngày tôi đến làm mẫu vẽ trong tâm trạng mệt mỏi như vậy, ngày nào cũng trôi qua trong tiếng thở dài, không có ngày nào đọng lại trong ký ức tôi. Cho đến khi tôi bắt gặp ánh mắt của một cậu sinh viên còn rất trẻ. Ánh nhìn ấy trong sáng đến mức khiến tôi tự nhiên lại thấy xấu hổ trước cậu vô cùng. Dù đã bao nhiêu năm tôi không còn cảm giác ấy nữa. Tên cậu ấy là Quang, cậu sinh viên đã từng nhiều lần ngồi lại bên tôi sau giờ vẽ mẫu. Lần đầu tiên tôi thấy có người muốn lắng nghe tôi nói và khiến tôi có thể bộc bạch được những nỗi buồn thầm kín trong lòng. Chẳng hiểu sao mỗi khi gần Quang, tôi lại thấy mình như bé nhỏ, như cần một bờ vai vững chắc, một chỗ dựa đủ bình yên. Tôi yêu Quang từ khi nào không rõ nữa. Đã có lần tôi hỏi Quang:

- Cậu nghĩ gì về những người làm mẫu vẽ như tôi?
Quang nhìn thẳng vào mắt tôi, nói một cách chân thành:
- Là cái đẹp. Là người mang lại cảm hứng sáng tạo cho nghệ thuật dĩ nhiên là rất đẹp.
- Thật vậy sao? Tôi thì lúc nào cũng nghĩ mình là thứ chẳng ra gì. Mà đúng là chẳng ra gì cả. Ngay cả lòng yêu nghề tôi cũng không có. Hình như tôi chỉ mang lại sự giả dối đến những sinh viên như cậu. Tôi thật sự chẳng hiểu gì về hai từ “nghệ thuật”.
- Điều đó thì có sao đâu. Chị chỉ cần biết rằng nghệ thuật luôn bắt nguồn từ cái đẹp. Mà chị thì rất đẹp. Vậy là đủ rồi.

Ảnh nghệ thuật Dương Quốc Định (Ảnh minh họa)

Từ khi yêu Quang, tôi bắt đầu thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn, thấy yêu nghề của mình bởi có ít nhất một người không nhìn cơ thể khỏa thân của tôi bằng ánh nhìn phàm tục. Tôi yêu luôn cả những bức vẽ của Quang, thấy chúng trở nên đẹp đến thánh thiện. Gương mặt ấy, ánh mắt ấy, nụ cười ấy thực sự đã gieo vào tâm hồn tôi những nốt nhạc tươi vui của cuộc sống. Tôi nhớ những hôm bị chồng đánh cho bầm dập, tôi phải xin nghỉ ở nhà cho vết thâm tím trên cơ thể mờ đi mới dám đến làm mẫu. Nhưng vết bầm tím trên má phải là vẫn còn, các sinh viên khác không ai để ý thấy, hoặc có thấy thì họ cũng chẳng mấy bận tâm. Vì yêu cầu bài vẽ hôm đó, tôi ngồi nghiêng chỉ để lộ một nửa khuôn mặt, bên phía má bị bầm tím được che khuất. Chỉ duy có Quang là cả buổi cứ nhìn bên má phải của tôi với vẻ xót xa. Quang bảo:
- Để người khác làm mình đau là có lỗi với bản thân đấy, chị ạ.

Tôi cười bảo:
- Tôi quen rồi. Cậu lo lắng cho tôi sao?
- Chính vì cái ý nghĩ cam chịu ấy mà người khác mới luôn chà đạp lên mình đấy. Lần sau thì đừng để như thế nữa nhé!

Hết buổi, Quang dúi vào tay tôi tuýp thuốc Hirudoid và dặn tôi nhớ bôi đều. Đấy cũng là lần cuối cùng tôi được gặp Quang. Bởi sau vài ngày không thấy Quang đến giảng đường thì nghe tin cậu đã bị bắt khi cùng một nhóm bạn đi cướp tiệm vàng. Không ai là không bàng hoàng trước tin đó, riêng tôi còn thấy trống rỗng và hoang mang đến lạ. Có rất nhiều câu chuyện thêu dệt xung quanh sự việc của Quang. Người bảo Quang vì bạn mà dại dột, có người lại bảo do bị rủ rê nên sinh tật xấu. Tôi bỏ qua tất cả những phán xét đó bởi trong mắt tôi Quang lúc nào cũng thánh thiện. Ngay cả khi sự thánh thiện ấy đã dính vào tội lỗi thì cũng không có nghĩa rằng tôi không có quyền giữ lại những điều tốt đẹp nhất làm kỷ niệm.

Nhiều năm sau đó tôi vẫn tiếp tục đến giảng đường làm mẫu vẽ dù đã kiếm được việc làm thêm trong quán phở nhỏ, nơi trước kia Quang từng dẫn tôi đến giới thiệu. Tôi sợ nếu không đến phòng vẽ thì những kỷ niệm về Quang sẽ mau chóng nhạt phai theo thời gian và những nỗi lo cơm áo. Tôi cứ chờ đợi trong hy vọng rằng một ngày nào đó Quang sẽ trở về, lại làm vui đời tôi bằng ánh mắt vô cùng thánh thiện. Tôi bỗng nhớ những ngày tôi ngồi khóc sau giờ làm mẫu, Quang trèo lên cây ngọc lan trong góc sân trường hái cho tôi từng vốc hoa nhỏ trắng dỗ dành. Nhớ cả những ngày Đông, Quang mang thêm cho tôi một chiếc lò sưởi bằng than cho đỡ phần giá lạnh. Quang làm tất cả những điều đó bằng sự vô tư, trong sáng của một đứa em thương chị. Chưa bao giờ Quang nhìn tôi như một người làm mẫu tầm thường.


Ảnh nghệ thuật Dương Quốc Định (Ảnh minh họa)

Tôi còn làm mẫu vẽ ở trường Mỹ thuật một thời gian rất dài. Cho đến một hôm tôi bất chợt nghe thấy các sinh viên nói với nhau:

- Nhìn mãi chị người mẫu này chẳng còn thấy có cảm hứng gì hết cả. Ước gì có người mẫu mới nhỉ?

Tự nhiên tôi thấy mình không còn đẹp nữa, không còn sự tự tin mà Quang đã trao cho tôi bằng sự thánh thiện của mình. Tôi đã bỏ nghề từ hôm ấy.

st trên mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét