Yếu tố kinh tế trong rạn nứt quan hệ Việt – Trung giai đoạn 1972-75
Nguồn: Kosal Path (2011). “The Economic Factor in the Sino-Vietnamese Split, 1972–75: An Analysis of Vietnamese Archival Sources, Cold War History, 11:4, 519-555.Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Thị Bảo Trân
Download toàn văn: Yeu to kinh te trong ran nut QH Viet – Trung 1972-75.pdf
Dựa trên nguồn tài liệu lưu trữ chưa được khai thác của Việt Nam, bài viết này xem xét tác động của việc Trung Quốc cắt giảm dần dần viện trợ kinh tế cho các nỗ lực chiến tranh và phục hồi kinh tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) và tác động của nó tới quan hệ Việt Nam – Trung Quốc từ năm 1972 đến năm 1975.
Trong khi việc Trung Quốc cắt giảm viện trợ cho Việt Nam DCCH trong giai đoạn này chủ yếu do tầm quan trọng của Bắc Việt Nam giảm sút trong chiến lược an ninh của Trung Quốc cùng với việc Trung Quốc gặp khó khăn kinh tế chủ yếu do cuộc Cách mạng Văn hóa thảm khốc trong giai đoạn 1966-1969 gây ra thì các phản ứng và các chính sách đáp trả của Hà Nội bắt nguồn từ nhận thức đã bén rễ sâu của Hà Nội về sự không chân thành và ẩn ý của Bắc Kinh muốn kiềm giữ Việt Nam ở thế yếu.
Mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc phát sinh sau năm 1975 là điều không thể tránh khỏi; các lãnh đạo Hà Nội ra sức đưa ra các nỗ lực ngoại giao nhằm cải thiện quan hệ kinh tế với Bắc Kinh trong năm 1975 vì họ nhận rõ tầm quan trọng của các khoản viện trợ kinh tế và các hiệp định thương mại ưu đãi của Bắc Kinh đối với kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1976-80).
Tuy nhiên, việc Bắc Kinh giữ lập trường không thay đổi, quyết định gấp rút cắt toàn bộ viện trợ, đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế gây bất lợi cho kế hoạch năm năm lần thứ nhất của Việt Nam vào cuối năm 1975, đồng thời tăng viện trợ quân sự cho Campuchia Dân chủ, tất cả đã đẩy Hà Nội nghiêng gần hơn về phía Matxcơva.
Giới thiệu
Trong suốt cuộc Chiến tranh Việt Nam từ năm 1965 đến 1973, không thể phủ nhận viện trợ quân sự và kinh tế quy mô lớn của Trung Quốc cho Bắc Việt Nam là công cụ chính trong chính sách Việt Nam của Trung Quốc, là nguồn ảnh hưởng quan trọng nhất của Bắc Kinh đối với Hà Nội.1 Lãnh đạo Bắc Kinh sử dụng viện trợ to lớn của Trung Quốc cho Bắc Việt Nam như đòn bẩy để giải quyết sự không nhất quán và mâu thuẫn về ý thức hệ của Trung Quốc, đó là một mặt Trung Quốc muốn đạt được hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ, một mặt cố gắng xua tan nỗi lo sợ bị bỏ rơi của Hà Nội cũng như ngăn chặn Hà Nội bị lôi kéo về quỹ đạo của Liên Xô.2 Theo tiết lộ của các nguồn thông tin từ phía Trung Quốc, xu hướng chung của viện trợ Trung Quốc cho Bắc Việt Nam là giảm sút trong giai đoạn 1968-70, sau đó tăng lên trong hai năm 1971, 1972, sau đó lại giảm sau khi ký Hiệp định Hòa bình Paris vào tháng Giêng năm 1973. Xu hướng này tiếp tục cho đến sau năm 1975 và sau đó sụt giảm sâu vào tháng 11 năm 1975 khi Bắc Kinh quyết định cắt viện trợ cho Hà Nội xuống còn không đáng kể. Đáng lưu ý là như học giả Li Danhui cũng như những người khác đã chỉ rõ:
[Từ năm 1971 đến 1973], dù Trung Quốc và Hoa Kỳ cải thiện đáng kể quan hệ song phương, đây cũng lại là giai đoạn Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam nhiều nhất, tổng cộng trị giá 9 tỷ Nhân dân tệ… Nếu so sánh gói viện trợ Trung Quốc cung cấp cho Bắc Việt Nam trong giai đoạn 1971-1975 với các gói viện trợ trong giai đoạn 1965-1970 thì rõ ràng Trung Quốc không hề giảm viện trợ cho Bắc Việt Nam sau khi Trung Quốc và Hoa Kỳ hòa giải quan hệ, mà thực sự con số viện trợ đã tăng lên.3
Các công trình nghiên cứu hàng đầu dựa trên nguồn tư liệu từ Trung Quốc, bao gồm Mao’s China and the Cold War [Trung Quốc của Mao và Chiến tranh Lạnh] của tác giả Chen Jian và China and the Vietnam Wars, 1950–1975 [Trung Quốc và Chiến tranh Việt Nam, 1950 – 1975] của tác giả Qiang Zhai đều ủng hộ cho luận điểm trên. Tôi không phải không đồng tình với các phát hiện của những học giả này cho rằng cam kết viện trợ của Bắc Kinh đối với Bắc Việt Nam vẫn tăng đáng kể ngay cả sau khi Trung Quốc và Hoa Kỳ xích lại gần nhau vào tháng 2 năm 1972. Tuy nhiên, các công trình này tiết lộ rất ít về bản chất và mức độ bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề xử lý và thực hiện các cam kết viện trợ khổng lồ của Bắc Kinh cho Bắc Việt Nam từ nửa sau năm 1972. Thực tế, bài viết này bổ sung các phát hiện của các học giả trên bằng cách cho thấy một bức tranh khác nhìn từ phía Hà Nội. Bài viết này cho thấy việc cung cấp viện trợ của Bắc Kinh không những không hề suôn sẻ mà còn là nguyên nhân chính gây xích mích, thậm chí đối đầu nhau giữa hai phía, làm cho mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh càng trở nên xấu đi trong giai đoạn 1973-1975. Hệ quả tệ hại nhất của việc này là Hà Nội nghi ngờ các lãnh đạo Bắc Kinh không chân thành trong việc hứa chuyển tiếp hàng viện trợ thiết yếu từ các nước xã hội chủ nghĩa khác, đặc biệt là Liên Xô, cho miền Bắc Việt Nam, và rằng Trung Quốc chủ yếu lấy nguyên nhân khó khăn kinh tế làm làm cái cớ để cắt giảm đáng kể các dự án do Trung Quốc tài trợ cũng như cung cấp viện trợ của Trung Quốc cho Bắc Việt Nam. Khi việc sụt giảm viện trợ thực sự đã xảy ra, Hà Nội quy việc giảm viện trợ của Bắc Kinh cho Bắc Việt Nam là do Trung Quốc có chủ ý kiềm giữ Việt Nam ở thế yếu.
Đóng góp chính của bài viết này cho văn liệu hiện có gồm ba khía cạnh. Thứ nhất, dù hầu hết các học giả đều thừa nhận rằng các lãnh đạo của hai nước tiếp tục gia tăng phàn nàn xung quanh vấn đề cung cấp viện trợ của Trung Quốc và việc Việt Nam sử dụng các khoản viện trợ này nhưng không có công trình nào đến nay giải thích đầy đủ và chi tiết về sự thay đổi ý định của Bắc Kinh đối với những cam kết viện trợ trong quá khứ dành cho Bắc Việt Nam sau khi chủ tịch Mao đạt được mục tiêu chính sách ngoại giao tối cao của mình là xích lại gần hơn với Hoa Kỳ vào tháng 2 năm 1972. Thứ hai, các nguồn tư liệu mới từ Liên Xô và Trung Quốc đã cung cấp cho chúng ta nhận thức mới về bất hòa giữa Liên Xô và Trung Quốc trong việc viện trợ cho Bắc Việt Nam trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, từ những bất đồng giữa hai nước quanh việc Liên Xô gia tăng sự can dự vào Việt Nam sau năm 1965 cho đến việc xử lý vấn đề quá cảnh hàng viện trợ từ Liên Xô và các nước khác cho Bắc Việt Nam qua ngả Trung Quốc trong suốt giai đoạn 1970-1972.4
Tuy nhiên chúng ta biết rất ít về mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Việt Nam về vấn đề viện trợ của Trung Quốc trong giai đoạn 1972-1975, được coi là giai đoạn chưa sáng tỏ nhất trong việc nghiên cứu quan hệ Việt– Trung. Bài viết này sẽ góp phần làm sáng tỏ giai đoạn này. Cuối cùng, nghiên cứu này đem đến những nhận thức mới về suy nghĩ của Hà Nội, phần lớn vắng bóng trong các công trình nghiên cứu hiện tại về mối quan hệ tam giác giữa Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô trong giai đoạn 1972-1975. Các nguồn thông tin lưu trữ của Việt Nam cho thấy mối bất hòa giữa hai nước về vấn đề viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam DCCH từ năm 1972 đến năm 1975 là biểu hiện của việc Bắc Kinh không có khả năng thực hiện lời hứa viện trợ cho Bắc Việt Nam bởi tác động thảm khốc của cuộc Cách mạng Văn hóa lên nền kinh tế quốc nội của Trung Quốc và việc Việt Nam khẩn thiết cần sự giúp đỡ lớn hơn nhằm hỗ trợ cuộc tiến công nhằm giải phóng miền Nam trong lúc đẩy nhanh việc xây dựng lại kinh tế miền Bắc.
Khó khăn kinh tế của Trung Quốc không chỉ làm suy yếu khả năng tăng viện trợ của Trung Quốc mà còn khiến nước này cắt giảm viện trợ quá mức, cắt bỏ các loại lãng phí và hủy bỏ các cam kết tài trợ trước đây cho Bắc Việt Nam sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc xích lại gần nhau vào tháng 2 năm 1972. Các biện pháp cắt giảm gánh nặng viện trợ của Bắc Kinh trong giai đoạn 1972-1975 đã làm các nỗ lực chiến tranh cũng như việc xây dựng lại nền kinh tế của Việt Nam bị gián đoạn lớn và gặp khó khăn đến mức các lãnh đạo Hà Nội bắt đầu thấy cần phải nghiêng về phía Matxcơva vào cuối năm 1975. Bài viết này dựa trên những tài liệu lưu trữ có liên quan tại Việt Nam được chia thành bốn phần: thứ nhất, phản ứng của Hà Nội đối với việc thay đổi chính sách dành cho Việt Nam của Trung Quốc sau khi Tổng thống Nixon thăm Trung Quốc vào tháng 2 năm 1972; thứ hai, bất đồng về vấn đề Trung Quốc vận chuyển viện trợ của Liên Xô và các nước khác cho Việt Nam DCCH trong giai đoạn 1972-1974; thứ ba, bất đồng về các dự án viện trợ của Trung Quốc trong giai đoạn 1973-1975; và thứ tư, các biện pháp trừng phạt kinh tế của Bắc Kinh vào năm 1975 chống lại kế hoạch năm năm lần thứ nhất của Việt Nam.
Phản ứng của Hà Nội về việc thay đổi chính sách viện trợ Việt Nam của Trung Quốc sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc xích lại gần nhau vào tháng 2 năm 1972
Việc thay đổi chính sách đối với Việt Nam của Bắc Kinh sau khi Trung Quốc và Hoa Kỳ xích lại gần nhau vào tháng 2 năm 1972 chủ yếu được cho là do nhận thức của Bắc Kinh rằng mối đe dọa từ sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Đông Dương đã giảm xuống, đe dọa an ninh từ Liên Xô ở phía Bắc tăng lên, khả năng viện trợ của Trung Quốc có thể kéo Hà Nội xa Matxcơva sụt giảm, và tác động kinh tế bất lợi từ cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao trong giai đoạn 1966-69. Sự trở mặt của Bắc Kinh cũng phản ánh tổn thất nặng nề của kinh tế Trung Quốc trong những năm đầu thập niên 1970 do những nỗ lực trước đó của Bắc Kinh trong việc trợ giúp hào phóng nhằm hậu thuẫn cho cách mạng thế giới, đặc biệt là tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, thái độ của Bắc Kinh trong việc giúp đỡ Bắc Việt Nam đã thay đổi đáng kể từ việc cam kết “cung cấp bất kỳ thứ gì cần thiết” để ủng hộ Việt Nam trong những năm chiến tranh từ 1965 đến 1972, sang việc nhấn mạnh “để cho Trung Quốc xả hơi” như lời của chính Chu Ân Lai sau khi Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết vào tháng Giêng năm 1973.
Về tác động của cuộc Cách mạng Văn hóa đối với sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc, Frederick Teiwes và Waren Sun đã rất chính xác khi cho rằng việc phân bổ sai nguồn lực trong phạm vi lớn và việc phá hỏng nền kinh tế gây ra do mệnh lệnh của Mao Trạch Đông trong việc xây dựng “mặt trận thứ ba” về công nghiệp nhằm tránh cuộc tấn công có thể xảy ra từ phía Hoa Kỳ vào giữa những năm 1960 và việc Mao Trạch Đông khăng khăng chuẩn bị chiến tranh chống lại Liên Xô vào năm 1969, “tác động tàn phá nhất về kinh tế là do cuộc Cách mạng Văn hóa mà ngài Chủ tịch quan tâm gây ra, không chỉ bởi cuộc cách mạng được ưu tiên hơn so với sản xuất mà còn bởi Mao sẵn sàng chịu tổn thất kinh tế trên diện rộng như một cái giá chấp nhận được cho nỗ lực chuyển hóa xã hội”.5 Kinh tế của Trung Quốc trong suốt thập niên diễn ra cuộc Các mạng Văn hóa (1966-76) tụt hậu rất nhiều so với giai đoạn trước năm 1966 xét về tổng sản lượng.6
Đến Đại hội Đảng lần thứ 9 tổ chức vào tháng 4 năm 1969, Mao ra lệnh quay trở lại các hoạt động kinh tế vốn đã bị lên án trong hai giai đoạn 1966-1968. Vào tháng 9 năm 1970 trong một chiến dịch phê phán các hoạt động kinh tế cực tả, Chu Ân Lai tấn công tình trạng vô chính phủ tại nơi làm việc vốn gây suy yếu sản xuất, kêu gọi sự trở lại tập trung chuyên môn và nhấn mạnh sự cần thiết phải sử dụng hiệu quả nguồn lực và sản xuất có chất lượng.7 Tuy nhiên việc Mao khăng khăng chuẩn bị chiến tranh chống lại Liên Xô và ưu tiên quan tâm chiến lược và tư tưởng tiếp tục gây lãng phí và làm rối loạn kinh tế, đồng thời làm suy yếu những nỗ lực nhằm cân bằng lại các hoạt động kinh tế của các cấp dưới có đầu óc kinh tế hơn.
Như Chen Jian đã chỉ ra, trong giai đoạn 1969-72, Bắc Việt Nam là trọng tâm của các mối quan tâm về ý thức hệ và chiến lược của Mao – mối quan hệ gần gũi hơn giữa Việt Nam và Liên Xô là mối đe dọa đối với Trung Quốc từ phía Nam và động thái hòa giải của Trung Quốc với Washington đã mâu thuẫn với chủ đề trọng tâm của Trung Quốc là “đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ”, khiến cho Cách mạng Cộng sản Trung Quốc ở thế bất hòa với các phong trào cách mạng dân tộc khác trên thế giới.8 Vì những lý do này, Mao quyết tâm cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự khổng lồ cho Bắc Việt Nam trong hai năm 1971, 1972 để đạt được mục tiêu chiến lược kép nhằm vừa tìm cách xích lại gần với Hoa Kỳ nhằm chống lại mối đe dọa từ Liên Xô, vừa tăng cường viện trợ kinh tế, quân sự cho Bắc Việt Nam chống lại Hoa Kỳ để xua tan sự lo sợ của Hà Nội về việc bị Trung Quốc bỏ rơi.9
Trong giai đoạn 1971-73, trong khi Chu Ân Lai, khi đó là Thủ tướng Quốc Vụ Viện (tức Chính phủ), đang bị áp lực nặng nề cần phải giảm viện trợ để hồi sinh nền kinh tế, Mao lại tiếp tục nhấn mạnh cuộc cách mạng thế giới và đốc thúc tăng thêm viện trợ cho các cuộc đấu tranh cách mạng ngoài nước. Kết quả là viện trợ nước ngoài của Trung Quốc trung bình chiếm 7% GDP của Trung Quốc trong năm 1971, tăng từ mức 1% tổng chi tiêu của nước này trong kế hoạch năm năm lần thứ nhất và thứ hai, trong khi sức khỏe của nền kinh tế thì ngày càng sa sút trầm trọng.10 Trong suốt thời gian này, Mao cử Chu Ân Lai đến Hà Nội từ 5 đến 8 tháng 3 năm 1971 để trấn an lãnh đạo Hà Nội về cam kết của Trung Quốc ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của Việt Nam, và ra hướng dẫn về việc tăng viện trợ kinh tế và quân sự khổng lồ của Trung Quốc cho Bắc Việt Nam để xua tan nỗi sợ bị Trung Quốc bỏ rơi như là một hệ quả trực tiếp của việc Trung Quốc hòa giải với Hoa Kỳ.11 Tuy nhiên, sau khi Hiệp định Hòa bình Paris được ký vào tháng 1 năm 1973, chính sách viện trợ của Trung Quốc đối với Bắc Việt Nam lại nhấn mạnh xu hướng cắt giảm từ từ và giảm dần can dự, và mối quan hệ Việt – Trung nhanh chóng lạnh nhạt. Lời giải thích chính của Trung Quốc cho việc cắt giảm này là do kinh tế Trung Quốc khó khăn. Nhìn bề ngoài điều này có vẻ đúng, như Shen Zhihua, người tham gia vào việc sắp xếp hàng viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam đã chỉ ra: “từ đầu những năm 1970, tác động thảm khốc của cuộc Cách mạng Văn hóa lên kinh tế Trung Quốc trở nên ngày càng rõ, khiến Trung Quốc thực sự không thể đáp ứng nhu cầu viện trợ ngày càng tăng của Việt Nam.”12
Tuy nhiên, đối với các lãnh đạo Hà Nội, đây đơn giản chỉ là cái cớ mà thôi.
Theo quan điểm Hà Nội, dấu hiệu thay đổi thái độ của Bắc Kinh đối với vấn đề “viện trợ khẩn cấp” cho Bắc Việt Nam bắt đầu xuất hiện không lâu sau khi Tổng thống Nixon rời Trung Quốc vào tháng 2 năm 1972. Đầu tiên, Hà Nội rất ngạc nhiên khi vào ngày 25 tháng 2 năm 1972 Bộ Quan hệ Kinh tế Đối ngoại của CHND Trung Hoa đã bổ nhiệm Lian Dian Jun thay thế Yang Yong Jie, người đã ở Hà Nội từ năm 1969 trên cương vị Đại diện Kinh tế của Trung Quốc tại Việt Nam DCCH. Tất cả các đại diện phụ trách vấn đề kinh tế của Trung Quốc tại Việt Nam DCCH trước đây đều tại chức khoảng 4 đến 5 năm. Sau đó Yang Yong Jie được thăng chức lên Thứ trưởng của Bộ Quan hệ Kinh tế Đối ngoại.
Từ năm 1965, để đáp ứng nhu cầu viện trợ cấp bách của Việt Nam, một cơ cấu “phân phối hàng hóa” tập trung đã được thiết lập để đánh giá nhu cầu của Việt Nam, phần lớn được thực hiện thông qua văn phòng phụ trách các vấn đề kinh tế của Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội cũng như qua việc cử các nhóm tư vấn và các đội điều tra đặc biệt đến tận nơi.13Chính vì vậy, Lian Dian Jun, trên cương vị trưởng cơ quan đặc biệt này tại Đại Sứ Quán Trung Quốc, trở thành tai mắt của Bắc Kinh tại Việt Nam. Ngoài việc phụ trách quan hệ thương mại của Trung Quốc với Bắc Việt Nam, Lian Dian Jun còn phụ trách việc giám sát trực tiếp các chương trình viện trợ của Trung Quốc bao gồm các chuyên gia Trung Quốc và các dự án viện trợ của Trung Quốc tại Bắc Việt Nam. Xét về mức độ ảnh hưởng và tầm quan trọng to lớn của cơ quan này, lãnh đạo Việt Nam rất không hài lòng về việc bổ nhiệm của Lian Dian Jun vì họ kỳ vọng lãnh đạo Bắc Kinh sẽ cử một trong những chuyên gia Việt Nam của họ hoặc người nào đã có quan hệ cá nhân tốt với với họ như trong quá khứ. Một báo cáo từ Bộ Ngoại thương Việt Nam ngạc nhiên ghi nhận: “Lian Dian Jun chưa bao giờ đến Việt Nam. Trước đây Lian Dian Jun làm đại diện kinh tế của Trung Quốc tại Châu Phi.”14
Lời giải thích có vẻ hợp lý nhất cho việc tại sao Bắc Kinh bổ nhiệm Lian Dian Jun vào thời điểm này đó là Bắc Kinh muốn gởi một tín hiệu cho Hà Nội rằng Trung Quốc cần nghỉ xả hơi trong chính sách vện trợ khẩn cấp dành cho Bắc Việt Nam. Trong những giai đoạn đầu của tiến trình Bắc Kinh hòa giải với Washington, Mao đã vận dụng viện trợ kinh tế và quân sự của Trung Quốc cho Bắc Việt Nam để dụ dỗ Hà Nội đàm phán một thỏa thuận hòa bình sớm với Washington.15
Tuy nhiên theo nguồn tư liệu Việt Nam được trích dẫn dưới đây, sau khi Mao đạt được mục tiêu cao nhất trong chính sách ngoại giao, đó là xích gần lại với Hoa kỳ vào tháng 2 năm 1972, Mao đã bắt đầu nhượng bộ trước mối bận tâm của các cấp dưới về việc cho rằng các gói viện trợ hào phóng của Trung Quốc dành cho Việt Nam DCCH là gánh nặng đối với nền kinh tế đang ngày càng xấu đi của Trung Quốc. Trong bối cảnh này việc Lian Dian Jun không có quan hệ cá nhân với lãnh đạo Hà Nội là điều Bắc Kinh đặc biệt mong muốn vì Bắc Kinh chủ định cử Lian Dian Jun đến Hà Nội để đảm bảo rằng trợ giúp về vật chất của Trung Quốc cho Việt Nam sẽ không bị Việt Nam lãng phí. So với người tiền nhiệm của mình, Jian Dian Jun sẵn sàng gây khó khăn hoặc đối đầu với các quan chức Việt Nam hơn rất nhiều và sẽ không lãng phí thời gian trong việc siết chặt việc Việt Nam sử dụng viện trợ của Trung Quốc.
Tuy nhiên trong khi lãnh đạo Bắc Kinh muốn ngày càng giảm gánh nặng viện trợ cho Việt Nam DCCH thì việc Hoa Kỳ ném bom Hà Nội và đặt mìn ở cảng Hải Phòng vào cuối mùa xuân năm 1972 lại cho Hà Nội một cơ hội khác để khai thác tội lỗi của Bắc Kinh trong việc hòa giải với Washington để có được thêm các cam kết viện trợ quân sự mới cho Việt Nam. Đối với lãnh đạo Hà Nội, việc chủ tịch Mao bắt tay với tổng thống Nixon rõ ràng là một sự phản bội các nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ “vừa là đồng chí vừa là anh em” giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng các lãnh đạo Hà Nội cũng cho thấy sự lão luyện của họ trong trong việc lợi dụng sự nhạy cảm của Bắc Kinh đối với cáo buộc phản bội của Việt Nam như một đòn bẩy để không những xin được thêm viện trợ quân sự tinh vi hơn, nhiều hơn mà còn yêu cầu Bắc Kinh có “biện pháp đặc biệt” để nhanh chóng và khẩn cấp cung cấp những viện trợ đó, thậm chí phải chấp nhận điều kiện rất khó chịu là cho phép tàu của Liên Xô cập cảng ở miền Nam Trung Quốc và sau đó đồng ý vận chuyển miễn phí hàng viện trợ của Liên Xô bằng đường sắt đến miền Bắc Việt Nam.16
Vào ngày 12/05/1972, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp với Đại sứ Trung Quốc Vương Âu Bình tại Hà Nội và yêu cầu ông ta thông báo với lãnh đạo Bắc Kinh về yêu cầu khẩn cấp của Hà Nội rằng “Trung Quốc cần xem xét việc cho phép tàu từ Liên Xô và các nước khác cập cảng Trung Quốc, chẳng hạn cảng Trạm Giang ở Hải Nam, để xuống hàng”, với lý do là Hoa Kỳ đã phong tỏa cảng Hải Phòng và những cảng khác ở miền Bắc Việt Nam nhằm cắt đường dây cung cấp hàng hóa thiết yếu từ bên ngoài, khiến cho miền Nam Trung Quốc và các cảng Trung Quốc trở thành dây cứu sinh vô cùng cần thiết cho Bắc Việt Nam.17
Vào ngày hôm sau, Chu Ân Lai đồng ý với yêu cầu đặc biệt của Hà Nội. Bức thư đề ngày 12/07 của Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Thanh Nghị gởi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Tiên Niệm nhắc lại rằng ngày 13/05 Chu Ân Lai đã hứa với Xuân Thủy rằng Trung Quốc đồng ý cung cấp viện trợ khẩn cấp bằng việc sửa chữa đường ray xe lửa, mở các tuyến đường thủy bí mật, tăng viện trợ quân sự, đẩy nhanh việc cung cấp hàng hóa và xăng dầu và gởi chuyên gia rà mìn sang miền Bắc Việt Nam. Trong lá thư này, Lê Thanh Nghị nói với Phó Thủ Tướng Trung Quốc Lý Tiên Niệm rằng “Chúng tôi cảm động sâu sắc bởi sự hỗ trợ hào phóng của chính phủ và nhân dân Trung Quốc dành cho Việt Nam.”18
Vào ngày 15/08/1972, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gởi một là thư khác cho Thủ tướng Chu Ân Lai, nói rằng:
Chúng tôi khẩn cấp để nghị trong 4 tháng cuối năm 1972 Trung Quốc viện trợ thêm 3.000 xe tải và khẩn cấp cung cấp tất cả số xe tải còn lại trong kế hoạch viện trợ năm 1972 của Trung Quốc [cho Bắc Việt Nam] vào tháng 8… Chúng tôi cũng nhận thấy rằng yêu cầu trợ giúp to lớn này sẽ không tránh khỏi việc gây khó khăn cho các đồng chí Trung Quốc, nhưng chúng tôi tin rằng xét đến nhiệm vụ Tiền Tuyến – Hậu Phương của chúng ta, các Đồng chí sẽ thông cảm với lý do của chúng tôi và đáp ứng nhu cầu chúng tôi đưa ra.19
Cho đến nay không có bằng chứng gì rõ ràng xác nhận việc Bắc Kinh đã thực sự đáp ứng đề nghị của Hà Nội về mọi phương diện, nhưng theo hồ sơ lưu trữ của Bắc Kinh thì Bắc Kinh đã tăng gấp đôi số lượng phương tiện vận tải từ 4.011 cho năm 1971 lên 8.758 cho năm 1972.20 Điều này cho thấy rằng yêu cầu của Phạm Văn Đồng vào tháng 8/1972 về việc viện trợ số lượng lớn xe tải vận chuyển phần nhiều đã được đáp ứng. Tuy nhiên, như các hồ sơ có liên quan của Việt Nam được trích dẫn dưới đây chỉ ra, có vẻ như sự trì hoãn của Bắc Kinh trong việc chuyển tiếp lượng hàng viện trợ lớn từ Liên Xô và các nước khác cho Việt Nam đã làm cho Hà Nội ngày càng than phiền đối với phía Trung Quốc và thậm chí cáo buộc Trung Quốc không “chân thành”. Theo quan điểm của Hà Nội, lời nói của Bắc Kinh không đi đôi với hành động. Như chuyển biến sau đó cho thấy, những vấn đề xung quanh việc cung cấp các cam kết viện trợ to lớn của Bắc Kinh đã trở thành vấn đề gai góc càng gây thêm xích mích và ngờ vực lẫn nhau giữa hai bên hơn là cải thiện mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội trong nhiều năm tiếp theo.
Xét đến việc Bắc Kinh đã cam kết các gói “viện trợ quân sự đặc biệt” khổng lồ vào giữa năm 1972, thì việc bổ nhiệm Lian Dian Jun không nhất thiết có nghĩa là CHND Trung Hòa đã thay đổi chính sách đối với Hà Nội. Vai trò của Lian Dian Jun có thể là để nhằm đảm bảo viện trợ của Trung Quốc cho Hà Nội được sử dụng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng quyết định của lãnh đạo cấp cao Bắc Kinh trong việc cung cấp “viện trợ quân sự đặc biệt” vào giữa năm 1972 không thay đổi được thực tế rằng, không giống như những người tiền nhiệm trước đây, Lian Dian Jun đã có thái độ không khoan nhượng đối với các người tương nhiệm phía Việt Nam và có nhiều quyền hành và ảnh hưởng hơn nhiều đối với việc viện trợ Trung Quốc được người Việt sử dụng như thế nào. Ngoài ra, trong đánh giá về nhu cầu kinh tế của Bắc Việt Nam, Lian Dian Jun cũng nhấn mạnh hơn nhiều tình hình kinh tế khó khăn của Trung Quốc và việc Trung Quốc không thể đáp ứng được nhu cầu đầy tham vọng của Hà Nội. Giọng điệu này rất nhất quán với lý lẽ của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc về việc giảm viện trợ cho Bắc Việt Nam sau năm 1973.
Có vẻ như trong suốt hai năm quan trọng 1971, 1972, Chủ tịch Mao đã ra lệnh cho Thủ tướng Chu Ân Lai cung cấp bất kỳ điều gì Hà Nội yêu cầu và Chu Ân Lai cũng đích thân giám sát hàng viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam DCCH, nhưng từ nửa sau 1972 họ bắt đầu cử cấp dưới của họ, đó là Phó Thủ tướng Lý Tiên Niệm, Phương Nghị (Bộ trưởng Bộ Quan hệ Kinh tế Đối ngoại) và Lý Cường (Bộ trưởng Bộ Ngoại thương). Đặc biệt, Bộ Quan hệ Kinh tế Đối ngoại của CHND Trung Hoa từ lâu đã có quan điểm rằng sự giúp đỡ hết sức của Trung Quốc dành cho Việt Nam DCCH trong những năm 1965-72 đã bị phía Việt Nam lãng phí. Các chuyên gia Trung Quốc đã sang Việt Nam mà không được phân công công tác gì trong nhiều tháng, các dự án bị bỏ dở, không hoàn tất, thiết bị bị mất hoặc hư hại, vị trí dự án bị thay đổi thường xuyên mà không có lý do chính đáng. Biểu hiện rõ ràng hơn của thái độ không hài lòng của Bắc Kinh đối với Hà Nội về việc xử lý và sử dụng sai viện trợ của Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trong hai năm sau đó. Vào ngày 15/03/1974, Phương Nghị chuyển thông điệp đến Phó Thủ tướng Việt Nam DCCH Phan Trọng Tuệ rằng:
Việt Nam đã thay đổi địa điểm các dự án quá nhiều lần; chẳng hạn, vị trí nhà máy giấy đã thay đổi 8 lần kề từ năm 1959. Cũng như do thiếu các phương tiện lưu trữ, các thiết bị và vật liệu viện trợ mà chúng tôi gởi cho Việt Nam bị hư hỏng nghiêm trọng. Các bộ khác cũng than phiền và báo cáo lại cho lãnh đạo cấp cao của chúng tôi và bày tỏ sự phê bình của họ với Bộ chúng tôi về những lãng phí này.
Dựa theo những nguồn thông tin Việt Nam có liên quan, tầm quan trọng của việc bổ nhiệm Lian Dian Jun có hai mặt. Thứ nhất, việc Lian Dian Jun thiếu quan hệ mật thiết với lãnh đạo Hà Nội cùng với việc ông này được bổ nhiệm ngay sau khi Trung Quốc – Hoa Kỳ xích lại gần nhau, theo quan điểm của Hà Nội, là một chỉ dấu cho thấy thái độ thay đổi của Bắc Kinh đối với chính sách viện trợ cho Việt Nam. Thứ hai, như các tài liệu của Việt Nam dưới đây nêu rõ, đánh giá của Lian Dian Jun về nhu cầu Hà Nội cần viện trợ của Trung Quốc và các báo cáo về việc Việt Nam “sử dụng lãng phí” các viện trợ vật chất của Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn đến quyết định của Bộ Quan Hệ Kinh Tế Đối ngoại và Ngoại Thương trong việc cắt giảm quy mô viện trợ cho Bắc Việt Nam trong giai đoạn 1973-1975, khiến cho xích mích lẫn nhau giữa hai bên leo thang thành các cáo buộc và đối đầu lẫn nhau.
Không lâu sau khi đến Việt Nam, Lian Dian Jun lập một thái độ mới, đặt tất cả các dự án hiện có dưới sự xem xét kỹ lưỡng của văn phòng mình và trì hoãn các tất cả các đề xuất của Việt Nam để “xem xét và nghiên cứu thêm” như là cách thể hiện việc Bắc Kinh không phê duyệt. Lian Dian Jun yêu cầu đánh giá kỹ lại các dự án viện trợ hiện có của Trung Quốc trước khi cung cấp viện trợ thiết bị và vật liệu cho Bắc Việt Nam cho dù rất nhiều dự án trước đây đã được các chuyên gia Trung Quốc kiểm tra và phê duyệt. Ngày 20/04 Lian đề nghị với Cục Quản lý Chuyên gia Nước ngoài của Việt Nam rằng tất cả các chuyên gia Trung Quốc vẫn đang chờ phân công công tác sẽ trở về Trung Quốc; họ sẽ trở lại Việt Nam khi nào vai trò của họ được xác định rõ ràng. Lian nói thẳng thừng với người tương nhiệm Việt Nam “Thật là một sự lãng phí không cần thiết! Các chuyên gia (Trung Quốc) tiếp tục ở Việt Nam mà không được phân công công tác, một số chuyên gia của chúng tôi đã đến và ở Việt Nam đã 9 tháng rồi”.22 Ông phàn nàn rằng “phía Việt Nam đã chậm giải quyết vấn đề này”.23
Vào tháng 5, Lian yêu cầu phía Việt Nam thông báo ngay lập tức cho văn phòng của mình cần bao nhiêu chuyên gia và bao nhiêu chuyên gia sẽ phải gởi về Trung Quốc. Theo báo cáo hàng tuần của Bộ Ngoại thương, số lượng các chuyên gia Trung Quốc đã giảm mạnh từ tháng 5 đến tháng 12/1972 từ 698 xuống còn 73, chỉ trong tháng 6 và tháng 7, tổng cộng 486 chuyên gia Trung Quốc được gởi về nước mặc cho Hà Nội có yêu cầu họ tiếp tục ở lại.24 Phía Trung Quốc viện lý do là cuộc chiến ngày càng khốc liệt và việc Mỹ bỏ bom đặt các chuyên gia Trung Quốc dưới tình trạng nguy hiểm chết người cũng như cản trợ họ hoàn thành công việc.
Đáp lại yêu cầu của Việt Nam về việc khôi phục và xây dựng các nhà máy công nghiệp và yêu cầu viện trợ cho nhu cầu thiết bị cơ bản cho năm 1973, Lian chỉ báo cáo với Bắc Kinh rằng “chúng tôi (người Trung Quốc) đã nghiên cứu nhưng đề xuất của các đồng chí Việt Nam lên đến 82 dự án [cho năm 1973] là quá nhiều”. Cũng trong tinh thần đánh giá này, Bộ Quan hệ Kinh tế Đối ngoại của Trung Quốc thông báo cho Bộ Ngoại thương Việt Nam vào ngày 10/2/1973 như sau:
Chúng tôi đã xem xét đề xuất của các đồng chí. Dựa trên thực tế tái xây dựng sau chiến tranh và khả năng thực tế mà chúng tôi có thể viện trợ, chúng tôi chỉ có thể giúp xây dựng 45 dự án cho năm 1973 [cắt giảm gần 50% so với con số dự án mà Việt Nam đề nghị] và viện trợ phần còn lại vào năm 1974. Các đồng chí phải lựa chọn các dự án mà cả hai bên đều đồng ý trước đó và phải thực tế hơn. Về việc gửi các chuyên gia Trung Quốc đến đánh giá và khôi phục các nhà máy bị hư hỏng, chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu của các đồng chí, nhưng về vần đề viện trợ máy móc thiết bị và và nguyên vật liệu, chúng tôi cần có kế hoạch rõ ràng và chỉ sau khi có kế hoạch rõ ràng chúng tôi mới có thể cung cấp viện trợ. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu các yêu cầu của các đồng chí.25
Thứ hai, tầm quan trọng chiến lược của Bắc Việt Nam trong chính sách an ninh của Bắc Kinh bắc đầu sụt giảm sau khi Trung Quốc và Hoa Kỳ xích lại gần nhau vào năm 1972. Sự thay đổi thái độ của Trung Quốc không phải là không được các quan chức Việt Nam vốn thường xuyên đi thăm Trung Quốc nhận biết. Trong báo cáo vào tháng 10/1972 đến Phủ Thủ tướng, Văn Trọng, trưởng phái đoàn khảo cổ học Việt Nam, vừa trở về từ chuyến viếng thăm nhiều thành phố và thị xã ở Trung Quốc trong thời gian từ 19/8 đến 8/9, quan sát sau khi Tổng thống Nixon rời Trung Quốc như sau:
Người bạn xã hội chủ nghĩa thân nhất [của Trung Quốc] là Bắc Triều Tiên. Ngoài Triều Tiên là Anbani và Rumani [ám chỉ Bắc Việt Nam không nằm trong số 3 nước yêu thích nhất của Trung Quốc]. Tờ Nhân Dân Nhật Báo dành hẳn cả một trang để in các bài về đồng chí Kim Nhật Thành, tuy nhiên bài về chiến tranh Việt Nam chống Mỹ thường chỉ chiếm nửa trang. Và các tin này thường chỉ chiếm một hoặc hai cột trên trang 5 hoặc trang 6. Nhiều tờ báo tiếng Trung khác trích dẫn các nguồn tin về chiến dịch bỏ bom phá hoại miền Bắc Việt Nam bằng cách ghi rõ “Dựa theo thông tin từ báo chí Việt Nam” hoặc “Theo báo chí Việt Nam”. Với cách trích dẫn như vậy, Trung Quốc không phản ánh quan điểm của mình. Các quan chức sứ quán của chúng ta nói với chúng tôi rằng Trung Quốc luôn tránh chỉ thẳng vào tội ác của Hoa Kỳ [tại Việt Nam]. Tại thư viện của Viện Dân Tộc Học tại Bắc Kinh, các tác phẩm của Kim Nhật Thành được đặt lên đầu kệ trong khi các tác phẩm của Hồ Chí Minh được đặt ở kệ thấp hơn. Bức ảnh chân dung của Hồ Chí Minh biến mất trong khi ảnh chân dung của Kim Nhật Thành được trưng bày công khai.26
Tuy nhiên trong suốt chuyến thăm của Nixon đến Trung Quốc, lãnh đạo Hà Nội cẩn trọng kiềm chế các chỉ trích chính sách hòa giải của Bắc Kinh đối với Hoa Kỳ. Lãnh đạo Đảng Lao Động Việt Nam (VWP) chỉ thị tất cả các phái đoàn của Việt Nam đến Trung Quốc phải kiềm chế chỉ trích công khai chính sách của Bắc Kinh và duy trì tinh thần đoàn kết anh em với Trung Quốc. Tương tự, lãnh đạo Bắc Kinh cũng khuyên các cán bộ của mình cẩn trọng – tránh quá hồ hởi về chuyến thăm của Nixon đến Trung Quốc trước mặt các quan khách Việt Nam. Báo cáo của Văn Trọng gởi đến Thủ tướng nhận xét rằng:
Tại Hàng Châu, trong khi đưa chúng tôi đi thăm một công viên công cộng, một lãnh đạo quan chức địa phương Trung Quốc đã lỡ miệng nói với chúng tôi rằng “Vợ của Nixon cũng đã được đưa đến đây trong chuyến thăm của bà ấy” và một đồng chí Trung Quốc từ Trung ương đưa ông ấy ra ngoài và nói nhỏ vào tai, sau đó ông ấy bị “khiển trách”. Nói tóm lại, các đồng chí Trung Quốc không muốn lên án Nixon. Và họ cũng không muốn nhắc về việc họ nồng nhiệt tiếp đón Nixon vào tháng Hai. Họ luôn tránh nói về hai điều này.27
Thứ ba, để giảm bớt gánh nặng viện trợ của Trung Quốc dành cho Việt Nam, Bắc Kinh hối thúc Hà Nội đa dạng hóa quan hệ kinh tế với các nước tư bản chủ nghĩa, chủ yếu là Nhật Bản, trong khi đó khuyên các lãnh đạo Hà Nội yêu cầu Liên Xô viện trợ với số lượng lớn hơn. Vào đầu năm 1972, Trung Quốc đề nghị sẽ cung cấp phương tiện lưu trữ và vận chuyển miễn phí hàng hóa quá cảnh từ Liên Xô sang Việt Nam. Theo lời giải thích của Li Dianhui:
Chẳng hạn, Nguyên soái Diệp Kiếm Anh, một ủy viên Bộ Chính trị đồng thời là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương đã nói với Lý Ban và những người khác rằng Việt Nam nên yêu cầu Liên Xô gởi vũ khí, thực phẩm và các hàng hóa hữu dụng khác, nói chung là mọi thứ, càng nhiều càng tốt. Những thứ này có thể được lưu kho tại Trung Quốc khi không thể được chuyển [sang Việt Nam] ngay lập tức.28
Như Li Dianhui đã chỉ ra, Bắc Kinh áp dụng chính sách này để làm nhẹ bớt gánh nặng của mình, và cũng có ý định dùng cơ hội này để tạo mâu thuẫn giữa Matxcơva và Hà Nội.
Chỉ vài tháng sau khi Nhật Bản và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào tháng Giêng – tháng Hai năm 1973, lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu khuyến khích Hà Nội thiết lập quan hệ thương mại với Nhật Bản. Tiếp theo những lời khuyên đó, lần đầu tiên Hà Nội bắt đầu thăm dò quan hệ kinh tế với Nhật Bản. Vào đầu năm 1973, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam được chấp thuận đón tiếp 3 nhà ngoại giao từ Vụ Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Nhật đến “thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến quan hệ thương mại song phương giữa hai nước”.29 Mặc dù Hà Nội vẫn còn nghi ngại về động cơ chính trị của Nhật Bản tại thời điểm này, họ bắt đầu xem Nhật Bản như một đối tác kinh tế quan trọng đối với Việt Nam. Như Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam DCCH ghi nhận:
Động cơ chính của Nhật Bản đối với Việt Nam DCCH là dùng ảnh hưởng kinh tế của họ để tăng cường ảnh hưởng chính trị, nhưng đồng thời, [họ] cũng muốn làm ăn lâu dài với chúng ta. Họ cũng muốn dùng Bắc Việt Nam như cầu nối để họ mở rộng hoạt động kinh tế sang Lào và Campuchia và Nam Việt Nam.30
Vào ngày 6/4/1973, trong khi ở Bắc Kinh, Lý Ban, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương của Việt Nam DCCH đồng thời là phái viên kinh tế cao cấp của Hà Nội, gởi một bức điện khẩn về văn Phủ Thủ tướng, thông báo Trung Quốc đồng ý cho phái đoàn Việt Nam gồm 38 quan chức của Bộ Ngoại thương ngay lập tức đi Bắc Kinh để học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc về việc mở cửa kinh tế với các nước tư bản chủ nghĩa.31 Vào tháng 3/1974, khi Phan Trọng Tuệ chuyển yêu cầu của Bộ Chính trị về việc viện trợ khẩn cấp phân bón và thép, vốn rất cần cho nông nghiệp và công nghiệp của Việt Nam, Chu Ân Lai đã khuyên Phan Trọng Tuệ nên mua từ Nhật Bản. Chu nói với Phan Trọng Tuệ rằng “chúng tôi phải nhập khẩu lượng lớn phân bón của chúng tôi từ Nhật Bản”, và Lý Cường, có mặt trong buổi họp, thêm vào: “Đối với việc sản xuất phân bón của chúng tôi, chúng tôi chỉ có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và bây giờ Nhật Bản đòi giá cao hơn cho phân bón chúng tôi nhập khẩu từ họ”.32
Tóm lại, không lâu sau khi Trung Quốc – Hoa Kỳ xích lại gần nhau vào tháng 2/1972, lãnh đạo Hà Nội bắt đầu nhận thức rõ sự thay đổi dần dần trong chính sách viện trợ của Trung Quốc đối với Việt Nam DCCH từ cam kết trước đây là “cung cấp bất cứ thứ gì cần thiết để đáp ứng nhu cầu của Việt Nam” sang nhấn mạnh việc giảm dần gánh nặng cho Trung Quốc. Giả thiết “sự phản bội của Trung Quốc” tỏ ra là một công cụ hữu hiệu để Hà Nội moi thêm viện trợ quân sự lớn hơn từ Bắc Kinh, đặc biệt là sau khi Mỹ đặt mìn ở Hải Phòng vào tháng 5/1972. Như diễn biến sau này cho thấy, dù Bắc Kinh đồng ý cam kết viện trợ quân sự lớn cho Hà Nội trong nửa sau năm 1972, các vấn đề xung quanh việc cung cấp viện trợ này đã trở thành nguyên nhân chính gây ra xích mích giữa hai bên.
Mâu thuẫn về vấn đề quá cảnh viện trợ vật chất từ các nước khác, giai đoạn 1972–74
Trong hai năm 1971 và 1972, lãnh đạo Bắc Kinh thay đổi lập trường của họ một cách đáng kể đối với sự can dự ngày càng tăng của Matxcơva vào Việt Nam từ quan hệ hợp tác thụ động sang chủ động khuyến khích.33Bắc Kinh đưa ra 4 đề xuất để gây áp lực buộc Liên Xô gia tăng việc chuyển viện trợ: 1) vào tháng Giêng, Ba, Tư năm 1972, Trung Quốc ký thỏa thuận đồng ý chịu tất cả chi phí vận chuyển vật liệu đặc biệt từ Liên Xô sang Việt Nam trong suốt năm 1972; 2) Trung Quốc đồng ý cho phép các chuyên gia Liên Xô hộ tống các “vật liệu đặc biệt” vận chuyển qua ngả Trung Quốc; 3) Trung Quốc cho phép tàu chở hàng của Liên Xô và các nước châu Âu khác bốc dỡ hàng hóa của họ tại các cảng Trung Quốc; 4) Trung Quốc một lần nữa bắt đầu lưu trữ hàng viện trợ gởi từ Liên Xô và các nước khác cho Việt Nam.34 Li Danhui lập luận rằng:
Dù áp dụng chính sách này nhằm giảm gánh nặng cho mình, Trung Quốc cũng có ý định dùng cơ hội này để tạo mâu thuẫn giữa Liên Xô và Việt Nam. Trung Quốc hy vọng rằng Việt Nam không hài lòng với việc Liên Xô không có khả năng đáp ứng các yêu cầu của mình, sẽ có thái độ không hài lòng với Liên Xô, vì thế sẽ bắt đầu gia tăng bất đồng và xích mích với phe Liên Xô.35
Nếu đây thật sự là ý định của Bắc Kinh thì rõ ràng là nó đã phản tác dụng. Chính việc Bắc Kinh không giữ lời hứa đã khiến Hà Nội đặt dấu hỏi về sự chân thành của Bắc Kinh và làm cho sự thiếu tin cậy lâu nay của Việt Nam đối với Trung Quốc trở nên bộc phát.
Sau khi cảng Hải Phòng bị Hoa Kỳ đặt mìn phá hoại nặng nề vào tháng 5/1972, việc vận chuyển hàng hóa qua ngả Trung Quốc trở nên trọng yếu đối với nỗ lực chiến tranh của Việt Nam. Tất cả các viện trợ nước ngoài dành cho Việt Nam đều phải đi qua các cảng ở miền Nam Trung Quốc và người Trung Quốc vận chuyển chúng trên những chiếc xà lan dọc theo bờ biển và bằng xe lửa, xe tải xuyên biên giới phía Bắc Việt Nam, đồng thời cố gắng tránh bị các lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ đánh chặn. Vào giữa năm 1972 các lãnh đạo Hà Nội bắt đầu quan tâm nhiều hơn về việc bằng cách nào lấy được viện trợ nhiều nhất từ Liên Xô và các nước Đông Âu; vì vậy họ yêu cầu Bắc Kinh dỡ hàng hóa gởi từ các nước này tại các cảng Trung Quốc, lưu trữ chúng tại Trung Quốc và vận chuyển chúng đến Bắc Việt Nam. Các lãnh đạo Hà Nội cũng cho phép Bắc Kinh sử dụng một số viện trợ nguyên vật liệu và trả lại cho Việt Nam sau này do họ thiếu phương tiện lưu trữ.36 Như vậy thì làm thế nào lại xảy ra bất đồng trong quan hệ Việt– Trung quanh vấn đề chuyển tiếp hàng hóa viện trợ này?
Li Danhui chỉ ra hai yếu tố quan trọng nhất gây mâu thuẫn và chậm trễ trong vấn đề chuyển tiếp hàng viện trợ. Thứ nhất, Việt Nam luôn tin rằng càng nhiều hàng viện trợ càng tốt và không giới hạn yêu cầu trong phạm vi các loại hàng hóa cần khẩn cấp nhất, trong khi Trung Quốc đặt giới hạn chặt chẽ cho tất cả các loại hàng hóa viện trợ cho Bắc Việt Nam ngoại trừ thực phẩm, thép, xăng dầu, và đường. Dựa vào tài liệu lưu trữ của ngành Đường sắt Trung Quốc về các biên bản họp giữa Bộ trưởng Trung Quốc Lý Cường và người tương nhiệm Việt Nam Lý Ban vào ngày 27/06/1972, Li Danhui viết “Việt Nam yêu cầu ngoài 600.000 tấn hàng hóa, Trung Quốc cho phép chuyển sang Việt Nam 300.000 tấn khoáng sản, một yêu cầu ngay lập tức bị phía Trung Quốc từ chối”. Thứ hai, Trung Quốc không muốn hàng hóa ở lại Trung Quốc quá lâu gây áp lực lưu trữ lên các kho lưu trữ vốn hạn chế.37
Các nguồn tài liệu của Việt Nam chứng minh lý do đầu tiên của Li, nhưng nghi ngờ lý do thứ hai, qua đó cho thấy sự gia tăng hoài nghi của Hà Nội đối với sự chân thành của Bắc Kinh trong việc xử lý hàng hóa do các nước khác viện trợ cho Việt Nam, đặc biệt là đối với một số lượng lớn xăng dầu từ Liên Xô.38 Sau Hiệp định Hòa bình Paris vào tháng Giêng 1973, khi Việt Nam ngày càng thất vọng về sự trì hoãn của Trung Quốc trong việc chuyển tiếp hàng viện trợ, lãnh đạo Hà Nội bắt đầu nghi ngờ Trung Quốc giữ lại và lạm dụng hàng hóa viện trợ của mình và họ yêu cầu Bắc Kinh phải nhanh chóng vận chuyến số hàng viện trợ còn lại sang Bắc Việt Nam. Việc liên tục dò xét và chất vấn của Việt Nam rõ ràng cho thấy Việt Nam không tin tưởng Bắc Kinh, và thái độ đó được các lãnh đạo Bắc Kinh diễn giải rằng điều đó xúc phạm đến uy tín đạo đức của họ, vốn là mục đích cao nhất mà họ cố gắng đạt được thông qua các chương trình viện trợ hào phóng dành cho Bắc Việt Nam kể từ đầu nhưng năm 1950.
Từ tháng 5/1972 đến tháng 5/1973, số lượng hàng hóa từ các nước khác trung chuyển tại Thượng Hải, Hoàng Phố và Trạm Giang, Hải Nam (Trung Quốc) là 646.276 tấn, trong số đó 247.478 tấn là xăng dầu và 398.789 tấn hàng hóa khô. Chỉ riêng hàng viện trợ từ Liên Xô tổng cộng là 525.882 tấn, chiếm gần 80% tổng viện trợ từ khối xã hội chủ nghĩa. Theo báo cáo thống kê của Việt Nam DCCH, Việt Nam chỉ nhận từ Trung Quốc 317.426 tấn và 328.850 tấn còn ở lại Trung Quốc vào cuối tháng 3/1973. Như vây, hơn 50% hàng hóa viện trợ từ các nước khác bị kẹt ở Trung Quốc (xem Bảng 1).
Sau những yêu cầu lặp đi lặp lại, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương của CHND Trung Hoa Lý Cường và Bộ trưởng Bộ Giao thông Guo Lu than phiền với Phan Trọng Tuệ vào ngày 7/3/1974 rằng Việt Nam không có khả năng vận chuyển hoặc nhận số lượng hàng hóa lớn như vậy và thiếu phương tiện lưu trữ phù hợp để cất giữ chúng. Lý Cường khuyên người tương nhiệm Việt Nam phải ngay lập tức giải quyết các hạn chế này.39 Cùng lúc đó Lý Cường thừa nhận với Phan Trọng Tuệ rằng phía Trung Quốc đã chưa làm tốt công việc vận chuyển và phân phát hàng viện trợ cho Việt Nam.40 Than phiền của Bắc Kinh có vẻ như nhất quán với lời thừa nhận của chính Hà Nội rằng “do khả năng nhận hàng kém của chúng tôi [ý nói phương tiện vận chuyển và lưu trữ], từ đầu năm đến nay [tháng 6/1973], việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc chậm hơn trước đây, trung bình chúng tôi chỉ có thể nhận được trên dưới 15.000 tấn một tháng”.41 Trách phía Việt Nam thiếu kiên nhẫn và không chuẩn bị sẵn sàng, Chu Ân Lai nói với Phan Trọng Tuệ trong chuyến thăm Trung Quốc của Phan Trọng Tuệ vào đầu tháng 3/1974 rằng:
Tất cả các máy móc thiết bị và nguyên vật liệu trên thực tế không thể đến Việt Nam ngay vì chúng cần phải được sắp xếp [vì vậy mất thời gian]. Phần lớn hàng hóa đã đến Yan Yuan [phía bên kia biên giới Trung Quốc] và các đồng chí cần chuẩn bị thêm phương tiện lưu trữ vì mùa mưa đang đến gần. Nếu không, hàng hóa sẽ bị hư hại.42
Về việc vận chuyển nguyên vật liệu qua biên giới phía Tây, Hà Nội yêu cầu Bắc Kinh vận chuyển hàng hóa viện trợ của mình từ Thượng Hải đến tỉnh Vân Nam và sau đó vận chuyển bằng xe lửa xuống Bắc Việc Nam qua ngả Lào Cai. Đáp lại, Lý Cường nói với Phan Trọng Tuệ rằng “Đề nghị của các đồng chí không thực tế” vì kết nối bằng đường sắt sẽ rất dài và khó, và nói rằng “qua ngả Lào Cai, chúng tôi chỉ có thể vận chuyển hàng nội địa Trung Quốc từ tỉnh Vân Nam”.43 Lãnh đạo Hà Nội muốn Trung Quốc có “biện pháp đặc biệt” để đẩy nhanh việc vận chuyển hàng hóa và nguyên vật liệu viện trợ từ các nước khác trung chuyển qua các cảng Trung Quốc, nhưng khi đề xuất sau bị từ chối, họ nghi ngờ phía Trung Quốc muốn ưu tiên vận chuyển hàng hóa của mình hơn hàng viện trợ từ các nước khác cho Việt Nam.44
Ngoài những trì hoãn, việc Hà Nội bắt đầu nghi ngờ Bắc Kinh lạm dụng hàng viện trợ của mình còn liên quan đến vấn đề vận chuyển nhiên liệu do Liên Xô viện trợ. Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Việt Nam DCCH nêu mối quan tâm nghiêm túc về số 247.487 tấn nhiên liệu còn nằm lại ở Trung Quốc (xem Bảng 1). Điều quan trọng cần lưu ý là Bắc Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp nhiên liệu của nước ngoài và Liên Xô là nguồn cung cấp nhiên liệu viện trợ lớn nhất cho Bắc Việt Nam từ năm 1965 đến 1972. Vào ngày 29/6/1973, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương báo cáo với Thủ Tướng rằng:
Về vấn đề nhiên liệu, các đồng chí Trung Quốc đã chuyển cho chúng ta qua ống dẫn dầu cùng với nhiên liệu do Trung Quốc viện trợ và trộn lẫn hàng hóa viện trợ kinh tế cùng với hàng viện trợ quân sự. Chúng ta cần phải xác minh lại với họ và làm rõ mọi thứ… Trung Quốc sẽ không làm điều đó [vận chuyển] miễn phí và vì vậy chúng tôi đề xuất một phái đoàn Việt Nam nên đóng tại các cảng Trung Quốc để phối hợp với các quan chức Trung Quốc và theo dõi sát sao việc chuyển tiếp hàng hóa các nước khác viện trợ cho chúng ta.45
Theo một báo cáo của Bộ Ngoại thương vào tháng tháng 6/1973, những hàng hóa quan trọng nhất còn nằm ở Trung Quốc là xăng và dầu diesel (khoảng 240.000 tấn nhiên liệu đã được nhận nhưng hơn 320.000 tấn còn nằm ở Trung Quốc, chiếm khoảng 60% tổng số lượng), thép (đã nhận hơn 48.000 tấn, còn 28.000 tấn, khoảng 30%), máy móc (đã nhận gần 8.000 tấn, còn 6.500 tấn, hơn 40%), và hàng tạp hóa (đã nhận gần 9.500 tấn, còn gần 7.000 tấn, khoảng 40%) (xem Bảng 1). Báo cáo ghi nhận rằng “Số hàng còn lại ở Trung Quốc là thép, máy móc thiết bị và nguyên vật liệu… Trong số đó, có các hàng hóa mà chúng ta cần gấp cho sản xuất, xây dựng, và hàng hóa thiết yếu cho sinh hoạt.46 Điều này cho thấy lãnh đạo Hà Nội rất thất vọng việc Bắc Kinh trì hoãn kéo dài việc chuyển tiếp hàng viện trợ rất cần thiết cho nỗ lực chiến tranh của họ ở miền Nam và xây dựng lại kinh tế ở miền Bắc.
Vào ngày 30/07/1973, Hà Nội quyết định gởi một phái đoàn của mình bao gồm 9 thành viên đến Trung Quốc làm việc trong 2 tháng để làm rõ chi tiết số lượng hàng viện trợ cho Việt Nam còn nằm lại ở các cảng Trung Quốc, thu thập các chứng từ hàng hóa của mỗi chuyến tàu sau khi chúng cập cảng Trung Quốc, và xác minh số liệu thống kê số hàng hóa đã chuyển sang Việt Nam và số còn nằm lại Trung Quốc. Hà Nội cũng yêu cầu kế hoạch chi tiết cho việc nhanh chóng và kịp thời vận chuyển hàng hóa quan trọng cho Việt Nam DCCH.47Vào ngày 23/2/1974, Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương của Việt Nam DCCH, đã gặp đại sứ Trung Quốc Vương Âu Bình tại Hà Nội để bàn về kế hoạch của Việt Nam nhận hàng viện trợ trong năm 1974. Sau đó, từ 1 đến 12/3, Bộ Chính trị Đảng Lao Động Việt Nam gởi quan chức cấp cao là Phan Trọng Tuệ, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đến Bắc Kinh để hội đàm toàn diện với Chu Ân Lai, Phương Nghị, Lý Cường và Guo Lu.48
Cuộc hội đàm giữa Phan Trọng Tuệ và Lý Cường vào 7/3/1974 ở Bắc Kinh đã biểu lộ sự không hài lòng của Hà Nội đối với việc Bắc Kinh xử lý và phân phát hàng viện trợ Việt Nam. 49
Lý Cường: Khi hàng hóa đến biên giới [Việt Nam – Trung Quốc] các đồng chí Việt Nam không nên chọn loại hàng nào để lấy trước rồi để những thứ khác lấy sau, mà nhận chúng theo thứ tự hàng đến. Trước đây có xảy ra trường hợp các đồng chí Việt Nam chỉ nhận một số hàng hóa và để những hàng hóa khác lại biên giới.
Phan Trọng Tuệ: Những sự việc như vậy có xảy ra vì trước đây chúng ta chưa bàn thảo kế hoạch chung một cách đầy đủ.
Lý Cường: Trước đây chúng tôi trao đổi kế hoạch với đồng chí Tuong [Nguyen Bang Tuong tại Đại Sứ Quán Việt Nam tại Bắc Kinh], nhưng cơ quan phụ trách nhận hàng của Việt Nam không quan tâm. Vào thời điểm đó, có một trận đánh và chúng tôi hiểu.
….
Bất đồng về các dự án viện trợ của Trung Quốc, giai đoạn 1973-75
Những biện pháp trừng phạt kinh tế của Bắc Kinh chống lại kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của Việt Nam, 1976-80
Kết luận
Chú thích
Tài liệu tham khảo
Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Yeu to kinh te trong ran nut QH Viet – Trung 1972-75.pdf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét