Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Sát thủ vô hình đe dọa 20 triệu người Việt

Thạch tín : Sát thủ vô hình đe dọa 20 triệu người Việt
Bản đồ phân bố nước ngầm nhiễm thạch tín đồng bằng
Bắc Bộ. Ảnh của Eawag - Viện nghiên cứu Nước (Thụy Sĩ).
Trong thời gian những năm gần đây, nhiều tổ chức khoa học liên tục đưa ra những cảnh báo về nạn nước ngầm nhiễm thạch tín ở Việt Nam. Thực trạng nhiễm thạch tín trong nước ngầm ở Việt Nam ra sao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào ? Chính quyền Việt Nam có các biện pháp gì để đối phó với hiểm họa này ?

Đầu tháng 9/2013, AFP dẫn lại công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học uy tín Nature, căn cứ trên một loạt các cuộc xét nghiệm do một nhóm các nhà khoa học Mỹ tiến hành chung quanh khu vực làng Vạn Phúc nằm sát cạnh sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội chừng 10 km, cho thấy nước giếng ở phía đông của ngôi làng này, có độ nhiễm thạch tín cao hơn so với quy định của tổ chức y tế thế giới (10 microgram/lít) từ 10 đến 50 lần. Tình trạng ở làng ven Hà Nội cũng chung cho nhiều nơi ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Mã, đồng bằng sông Cửu Long và một số nơi khác. Thậm chí, theo Viện Lao động và Vệ sinh Môi trường Bộ Y tế, tại tỉnh Hà Nam có tới 80% giếng khoan bị nhiễm gấp từ 100 đến 500 lần mức cho phép.

Theo một ước tính, có hơn 17 triệu người Việt Nam hiện nay có nguy cơ bị nhiễm thạch tín do sử dụng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Việc khai thác nước ngầm ô ạt, gần như không được kiểm soát trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng vọt, được đánh giá là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm thạch tín nghiêm trọng. Hiện tại, chất độc asen có xu hướng ngấm sâu vào các tầng đất cổ, vốn trước đây là tầng đất sạch.

Thạch tín là một chất độc không màu, không mùi vị, không thể phát hiện được bằng giác quan, khi tích tụ trong cơ thể trong nhiều năm sẽ gây ra những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư các cơ quan nội tạng, bệnh tim mạch… cũng như một số bệnh về tâm trí. Các triệu chứng bên ngoài đầu tiên của người uống nước nhiễm arsenic là xuất hiện các đốm sẫm màu trên thân thể hay đầu các chi, đôi khi xuất hiện các vùng sừng hóa trên bàn tay, bàn chân…

Thực trạng nhiễm thạch tín trong nước ngầm ở Việt Nam ra sao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào ? Và chính quyền Việt Nam có các biện pháp gì để đối phó với hiểm họa này ? Khách mời của Tạp chí Khoa học tuần này là nhà hóa học Tiến sĩ Trần Hồng Côn, chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Hóa học, khoa Hóa học – Đại học Quốc gia Hà Nội và bác sĩ, Tiến sĩ Trần Tuấn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo phát triển cộng đồng (RYCCD).

Trọng Thành (RFI)


Lượng thạch tín trong nước cấp ở Hà Nội so với nước ngầm "rất thấp"
Tiến sĩ Trần Hồng Côn : Từ những năm 1995 trở về trước, chúng ta chưa có ai nói đến thạch tín (hay asen) ở trong nước ngầm. Vì thời đó, máy móc, thiết bị tất cả mọi thứ vẫn chưa với được tới nồng độ cỡ phần tỷ (lít). Sau đó, đến năm 1996, khi phân tích nước ngầm ở Hà Nội, tôi phát hiện ra nó nhiễm thạch tín. Thế là từ đấy bắt đầu nghiên cứu.
Công việc đầu tiên là điều tra khảo sát, xem xem là cái mức độ nhiễm thạch tín ở các tầng nước ngầm nó đến như thế nào. Thế thì chúng tôi bắt đầu gọi là xin được kinh phí. Đầu tiên là khảo sát ở thành phố Hà Nội, thì thấy rằng là gần như đến 30% mẫu nước ngầm là nhiễm thạch tín trên mức cho phép.
Thế nhưng có một cái điều là sự phân bố là hầu như nó không có quy luật. Tức là ở những tầng nước khác nhau, thì nồng độ thạch tín cũng rất là dao động. Người ta nói là ở tầng sâu nhất, thạch tín ít nhất, nhưng mà ở nước ta, thì ở tầng sâu nhất hàm lượng thạch tín vẫn tương đối là cao. Cái thứ hai là ở Hà Nội, hay nhìn chung ở đồng bằng Bắc Bộ, thì có một quy luật (một sự tương phản rõ nét – nrd) hay gần như là một quy luật, tức là ở phía nam thì có hàm lượng thạch tín cao hơn phía bắc. Nhìn chung, ớ đồng bằng sống Hồng, sông Cửu Long, cái vùng nước ngầm ở dưới (tức gần biển – ndr) đều bị nhiễm thạch tín cả. Chỉ có điều nó không đồng đều, mà nó mang tính chất như da báo. Ví dụ như khi anh khoan cái giếng ở đây, cách đó 5, 6 mét, có khi một giếng nhiễm asen, còn một giếng không.
Có một điều là, khi cái thạch tín ấy khai thác lên, bắt đầu xử lý nước cho dân dùng, thì có cái là người ta loại sắt và người ta dùng cát để lọc cho nó trong, thì chính động tác ấy nó có thể loại được cao nhất là 90%, thấp nhất là 30% lượng thạch tín có trong nước ngầm. Cho nên nước cấp (nước máy – ndr) ở thành phố Hà Nội lượng thạch tín so với nước ngầm rất là thấp. Thành thử ra nước cấp cũng là an tâm chứ không đến nỗi là lo lắng lắm.

Tập quán dùng cát lọc nước giếng khơi

Nhà hóa học Trần Hồng Côn giải thích thêm về phương pháp lọc cát tại các nhà máy cấp nước của các thành phố Việt Nam, có tác dụng vô tình làm giảm nồng độ asen trong nước, nhưng kết quả không đồng đều :
TS Trần Hồng Côn : Người ta dùng cái lọc cát để người ta loại sắt, dù người ta không chủ định, nhưng đã loại được asen ra khỏi nước. Nhưng có điều đó là điều mà chúng ta không chủ định. Vì không chủ định, nên không kiểm soát được. Nên hàm lượng asen trong nước cấp, sau khi đã loai sắt thì nó dao động. Thông thường ở từng nhà máy nước một, lâu lâu gần đến lúc người ta rửa bể, rửa cát, thì nồng độ thạch tín ở mức độ thấp nhất, khi vừa mới rửa xong, bể cát còn mới nguyên, thì nồng độ thạch tín lại cao lên. Bởi vì lượng sắt tích tụ ở đây nó chưa cao (vì sắt là chất hấp thụ tốt với asen, kéo asen đi). Cái thứ hai nữa là, nơi nào hàm lượng sắt mà thấp, thì khả năng xử lý asen chỉ được chừng 30-40% thôi, thì hàm lượng asen cao không thể xử lý được. Có nghĩa là ta vẫn chưa kiểm soát được nồng độ asen có trong nước cấp.
Nhưng nhìn chung, nồng độ asen hiện tại ở thành phố Hà Nội tương đối an toàn, tức là nằm dưới ngưỡng cho phép, nhưng nó không ổn định. Đôi lúc, lúc này lúc khác, nó có thể cao hơn ngưỡng cho phép, nhưng nó không cao hơn nhiều lắm. Hầu hết ở trong khoảng giữa tiêu chuẩn của WHO, nếu lấy con số 0,01 milligram/lít và 0,05 miligram/lít, ngưỡng ngày xưa ta vẫn sử dụng.
Trong nước bao giờ cũng có một lượng sắt nhất định, bao giờ người ta cũng phải loại. Dân ta có truyền thống lọc cát, loại sắt từ hồi làm giếng khơi, tức từ những năm 1960. Cho nên nước giếng khoan, hầu hết khi bơm lên, thì đều có công đoạn « làm thoáng », sau đó lọc qua cát, lấy nước trong để ăn. Chính động tác ấy nó cũng gần giống như động tác của nhà máy nước để loại sắt, thành thử người ta cũng loại được asen. Chứ không phải giống như ở Bangladesh là lấy nước ngầm lên cái là uống ngay. Ta có cái lọc cát từ thòi giếng khơi, cho nên cái asen mình loại được tương đối là tốt, so với Bangladesh, Thái Lan hay Ấn Độ.

Hầu như nhà nào cũng dùng máy lọc nước
Về nước sử dụng để ăn uống ở các vùng dân cư nằm ngoài phạm vi cấp nước của các nhà máy và việc lọc nước, nhà hóa học Trần Hồng Côn mô tả thêm :
TS Trần Hồng Côn : Bây giờ dân ở thành phố Hà Nội, thì ngoài chuyện nhà máy nước xử lý sắt loại asen ra, thì hầu như, hầu như nhà nào cũng có thêm một bộ lọc để lấy nước uống trực tiếp, tức là nước tương đối là sạch để dùng uống vào mùa hè. Thì chính cái đó cũng loại gần như hoàn toàn asen ra khỏi nước cất. Thế còn tắm rửa, giặt giũ, thì có thể sử dụng nước nhiễm asen một chút chẳng ảnh hưởng gì.
Nhà hóa học Trần Hồng Côn nói rõ thêm về nồng độ asen ở các tầng nước ngầm khác nhau trong trạng thái tự nhiên và dưới tác động của các hoạt động khai thác của con người.
TS Trần Hồng Côn : Bình thường, theo lý thuyết mà nói, thì tầng sâu nhất, tức là tầng Q4 chẳng hạn, gọi là « Pleistocen ». Tầng đất cổ lâu năm này được rửa trôi rất là tốt trong thời gian lâu như vậy, nên hàm lượng asen thấp hơn tầng « Holocen », mới hình thành. Nước ở tầng trên thường hay có nồng độ asen cao hơn. Nhìn chung là như vậy. Đồng thời còn có « nước bổ cập », khi khai thác, nếu khai thác quá mức thì nước bổ cập từ chỗ nọ sang chỗ kia. Cho nên, có thể gọi là nồng độ asen và chất lượng nước ở mỗi tầng không ổn định và do khai thác nên chất lượng nước thay đổi.
Hai biện pháp chính : Kiểm soát khai thác nước ngầm và lập bản đồ ô nhiễm
RFI : Theo Tiến sĩ, liệu có một bài toán tổng thể để đối phó với nạn nước nhiễm thạch tín hay không ?
TS Trần Hồng Côn : Các nhà khoa học đã đề xuất và cũng được chính phủ chấp nhận. Chỉ có một điều là chi một số tiền nó lớn, để thực hiện cái đó thì ta chưa có.
Cái thứ nhất là ta phải kiểm soát việc khai thác nước ngầm, chứ không phải bất kỳ ai cũng khai thác, và để lộ những « cửa sổ », thông từ tầng này sang tầng khác. Vì người ta khoan giếng thì phải thông tầng, khi người ta không dùng nữa, thì thậm chí thông cả trên nước mặt xuống. Thì tầng nước ngầm bị đe dọa rất mạnh. Nên từ trước đến giờ, ta chưa có chính sách kiểm soát việc khai thác và sử dụng nước ngầm. Thì cái này đã bắt đầu đề ra với chính phủ, và bắt đầu đã có cái hướng : Kiểm soát việc khai thác và sử dụng nước ngầm một cách hợp lý bền vững là cái quan trọng nhất.
Và cái thứ hai tức là chúng ta xin một số tiền để làm một cái bản đồ ô nhiễm nước ngầm ở các tầng khác nhau ở một số vùng đặc trưng, ví dụ các đồng bằng Bắc Bộ, Cửu Long, sông Mã… Ví dụ như vậy. Đấy là (những đề nghị) đã được chấp nhận, chỉ có điều chúng ta chưa có tiền, thành thử ra là chưa triển khai được.
Về chiến lược, tôi cho rằng làm được như vậy, thì bảo đảm được tầng nước ngầm ít bị giao động. Thứ hai là chúng ta biết được nơi nào có nồng độ asen thấp thì ta khai thác, nơi nào có nồng độ asen cao, thì ta không nên là đặt vấn đề khai thác ớ đó. Đồng thời cũng biết là khai thác thế nào để nó không bị kiệt quệ và không bị kiểu như thấm từ tầng nọ sang tầng kia, hoặc là lượng « bổ cập » lớn quá, làm thay đổi tính chất của dòng nước ngầm.
Thế nhưng mà việc lập một bản đồ ô nhiễm thạch tín ở vùng nước ngầm, đến bây giờ ta vẫn chưa có, mà ta mới chỉ có bản đồ ô nhiễm thạch tín trong nước ngầm mà dân người ta khai thác lên người ta sử dụng. Tức là không biết được là nước lấy lên thuộc tầng nào, mà bản đồ dựa vào việc phân tích các mẫu nước ở những cái giếng mà dân đang khai thác.
Lòng bàn tay nổi các nốt sần khi bị nhiễm độc asen. Ảnh báo trong nước
Tác động của Asen đến sức khỏe người Việt "chưa đến mức báo động"
Về tác động của Asen đến sức khỏe người Việt Nam, nhà hóa học Trần Hồng Côn cho biết thêm :
TS Trần Hồng Côn : Về nghiên cứu độc học asen, ta nghiên cứu tương đối là tốt rồi. Nhưng mà việc đi khảo sát thực tế để phát hiện ra những trường hợp bị nhiễm (xem bao nhiêu người bị mắc, bao nhiêu người bị chết…), về mặt y tế, thì điều đó là ta chưa làm được, mà ta chưa làm. Bây giờ, chỉ có nghiên cứu ở chỗ này, nghiên cứu ở chỗ kia, chứ chưa tổ chức đoàn hay đề án. Chắc chắn là chưa có. Nhưng mà sắp tới chắc chắn phải có. Nhưng có một lý do (có thể khiến việc nghiên cứu không thật cấp thiết – ndr), hàm lượng asen ta xử lý tương đối tốt, hầu hết dưới 0,05 milligram/lít. Cái thứ hai là dân ta có thói quen lọc cát, nên khi kiểm tra nước, thì thấy hàm lượng axen không đến mức độ đe dọa như ở Bangladesh, Ấn Độ… Thành thử các nhân chứng bị nhiễm asen của ta rất ít, khác với Đài Loan, ở Đài Bắc, người ta thấy có rất nhiều những người bị mắc bệnh « chân đen ». Ở ta những người bị bệnh này thì đếm trên đầu ngón tay, mà còn nhiều yếu tố khác, chứ không chỉ có sử dụng nước ngầm. Thành ra cái này nó chưa đến mức độ báo động mà cần phải có một cuộc khảo sát như vậy. Nó chưa cấp bách, thành thử chưa có sự tập trung kinh phí, nhân lực vào đó.
Nhiều khả năng thạch tín gây rối nhiễu tâm trí sản phụ ở Hà Nam
Cũng về tác động của thạch tín đến sức khỏe người Việt Nam, Bác sĩ Trần Tuấn, phụ trách nhiều nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng tại tỉnh Hà Nam, một trong những tỉnh bị nhiễm thạch tín nặng nhất Việt Nam cho biết :
Tiến sĩ Trần Tuấn : Asen liên quan đến ngộ độc và đặc biệt là đối với hệ thần kinh. Cái mà người ta quan tâm đặc biệt là sức khỏe trẻ em. Đấy là đối tượng đặc biệt nhạy cảm đối với độc chất. Trong điều kiện hiện nay, ở Việt Nam chúng ta chưa có được sự gắn nối giữa nghiên cứu độc chất nguồn nước và sức khỏe. Chưa có được sự phối hợp chặt chẽ giữa bên y tế và bên môi trường. Cho nên, vấn đề ảnh hưởng của asen đối với sức khỏe chúng ta chỉ lấy những kết quả công bố của quốc tế nhiều hơn.
RFI : Thưa Tiến sĩ, nhưng liệu đã có những nghiên cứu thăm dò đánh giá đầu tiên về tác hại của asen đối với người Việt Nam ?
TS Trần Tuấn : Hiện nay, quả thực là các kết quả được công bố chính thức hoặc các xuất bản khoa học về mối liên hệ trực tiếp giữa nồng độ asen và sức khỏe. Nhưng về mặt giả thiết đưa ra, thì đã có. Ví dụ ở Hà Nam, nơi nồng độ asen cao gấp nhiều lần, thì ở đấy, cái tỷ lệ rối nhiễu tâm trí ở phụ nữ trong thời gian cũng cao, tức 1/3, khoảng 33%. So với tỷ lệ của Úc 10%, thì cao gấp 3 lần. Hay ví dụ so với các nước đang phát triển khác, với tỷ lệ 15% đến 20%, thì cũng cao gấp 1,5 lần. Như vậy có giả thiết là có mối liên quan giữa nồng độ asen cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép ở Hà Nam đối với tỷ lệ rối nhiễu tâm trí có thể đặt ra, vì những bằng chứng khoa học đã chỉ ra rằng asen có liên hệ với những tổn hại thần kinh. Đến lúc này, nền khoa học đất nước mới chỉ dừng ở phạm vi thế thôi. Chưa thể có những kết luận mạnh hơn được.
Sự yếu kém của nền y tế dự phòng
Nguy cơ thạch tín không được chú ý đúng mức là do sự yếu kém của nghiên cứu dự phòng tại Việt Nam. Sau đây là nhận định tiến sĩ Trần Tuấn :
TS Trần Tuấn : Ở trong nước, phải nói rằng, các nghiên cứu về sức khỏe hiện nay mang tính dự phòng, phải nói là chúng ta không phát triển được bao nhiêu. Nền y tế dự phòng mới tập trung vào vắc-xin, một số chương trình giáo dục với một số bệnh trực tiếp, bệnh nhiễm trùng, rồi các vấn đề dinh dưỡng… Còn vấn đề độc chất trong môi trường, thì cho đến nay, chúng ta vẫn còn trống khá nhiều. Từ những vấn đề trực tiếp, mà người dân có thể hiểu được, liên quan đến ngộ độc thực phẩm, do vấn đề hóa chất tồn dư của thuốc trừ sâu, hoặc là các phụ gia dùng trong thu hái bảo quản chế biến thực phẩm, mà chúng ta thấy báo chí nhắc đến rất nhiều. Chúng ta thấy y học dự phòng chưa đi vào được đúng nguyên tắc là phát hiện và ngăn chặn trước khi nó xẩy ra bệnh. Thường chúng ta chỉ có khi bệnh đã xẩy ra rồi, thì… Hoặc những báo cáo về những vấn đề nồng độ thuốc trừ sâu, tàn dư trong đất, thì chúng ta thấy, những trường hợp báo chí phát hiện gần đây trong Thanh Hóa, về thuốc trừ sâu trong lòng đất, thì cũng đều là do những người dân, chứ chúng ta vẫn chưa có được cái gọi là « y học dự phòng ».
Có biện pháp giải quyết hậu quả mới được công bố thông tin
Suy nghĩ sâu hơn để tìm hiểu : Vì sao mặc dù vấn đề môi trường rất nóng, cụ thể là những hiểm họa nhãn tiền như thạch tín lại không được đầu tư nghiên cứu đúng mức về các hậu quả của nó đối với con người ? Sau đây là suy nghĩ của bác sĩ Trần Tuấn.
TS Trần Tuấn : Cái vấn đề chúng ta thấy ở đây là sức khỏe, các yếu tố nguy cơ sức khỏe, thì chúng ta thấy một phần lớn các yếu tố nguy cơ sức khỏe đến từ chủ yếu lại từ môi trường, trong đó có môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Ô nhiễm của môi trường tự nhiên, chúng ta thấy cái tình trạng hiện nay : vấn đề rác thải, rồi hóa chất sử dụng, rồi một loạt các sản phẩm phụ của nền công nghiệp… Thì đấy thực sự là một vấn đề rất nóng. Đồng thời chúng ta cũng có một cái nữa là môi trường xã hội, hiện nay cũng đang là rất nóng.
Tôi nghĩ rằng, việc để người dân quá lo lắng trước tình trạng không kiểm soát được trước các yếu tố về môi trường, liên quan đến quá nhiều bệnh tật, có thể là một cái… Khi thông tin được giải phóng ra… có thể là gây một sự hoang mang cho xã hội. Vấn đề là biết được tình trạng đó, thì nó phải đi kèm với việc kiểm soát như thế nào. Rõ ràng hiện nay, khả năng kiểm soát được vấn đề đó, thì chúng ta chưa thấy được những định hướng, những lời giải nó phù hợp. Có thể chính vì thế mà cái sự ưu tiên để phát hiện giải quyết những vấn đề này nó chưa được đặt lên bàn của các nhà hoạch định chính sách một cách rõ ràng.
Cũng liên quan đến chính sách nghiên cứu về các hiểm họa và những hậu quả của thạch tín và khả năng khắc phục hậu quả. Sau đây là một nhận xét của nhà hóa học Trần Hồng Côn về lịch sử của câu chuyện này.
TS Trần Hồng Côn : Khi mà chúng tôi phát hiện ra thạch tín có trong nước ngầm lần đầu tiên, vào năm 1996-1998, chúng tôi đã khảo sát được gần như là nội thành thành phố Hà Nội, khảo sát được hết tất cả các loại giếng. Thế và chúng tôi đề nghị cho công bố trên thế giới, ra quốc tế. Thế thì chính phủ có bắt chúng tôi là, khi các anh tìm ra giải pháp để xử lý asen, thì sẽ cho phép các anh công bố. Vì khi các anh công bố như vậy, nếu như các anh chưa có giải pháp để xử lý, thì nó gây ra một tâm lý, một xáo trộn trong đời sống chính trị, cho nên là phải như vậy. Sau đó, đến năm 2001, sau khi giải quyết được vấn đề, tức có các phương pháp xử lý ở các hộ gia đình, cũng như các nhà máy nước, thì lúc đó mới cho công bố. Đó là năm 2001, thời điểm đầu tiên chúng tôi công bố các công trình ra thế giới về asen ở Việt Nam.
***
Nước ngầm nhiễm thạch tín là một mối đe dọa lớn tại Việt Nam, nhưng hiện trạng nước ngầm nhiễm thạch tín và tác hại của nguồn nước này đến sức khỏe người Việt Nam vẫn chưa được hiểu một cách tường tận. Việc khai thác nước ngầm ồ ạt, gần như không được kiểm soát trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng vọt, được đánh giá là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm thạch tín ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn. Hiện tại, chất độc asen có xu hướng ngấm sâu vào các tầng đất cổ, vốn trước đây là tầng đất được coi là tương đối an toàn. Theo khuyến cáo của một số nhà khoa học, có chính sách kiểm soát việc khai thác nước ngầm là điều căn bản trước hết để hạn chế mối đe dọa thạch tín.
Nhờ phương pháp lọc nước giếng, nước ăn truyền thống từ những năm 1960 tại các nơi không có nước cấp của nhà máy, cũng như việc sử dụng phổ biến máy lọc nước cá nhân trong thời gian gần đây, nồng độ asen trong nước ngầm dùng cho sinh hoạt được coi là ở ngưỡng cho phép. Mặc dù vậy, theo nhận định của một số nhà khoa học, các phương pháp này không cho phép khống chế một cách chắc chắn và ổn định nồng độ asen. Gần đây, có phương pháp « Mô hình bể lọc cát kết hợp với giàn phun mưa do Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) nghiên cứu đã giải quyết tương đối triệt để sắt và asen trong nước ngầm: 100% nước sau lọc đạt tiêu chuẩn về hàm lượng asen dùng cho nước sinh hoạt. Mô hình này đã được phổ biến áp dụng tại nhiều tỉnh như Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định… » (theo bài « Báo động tình trạng nước nhiễm asen », báo Thanh tra, 19/07/2011).
Nghiên cứu về tác hại của các loại độc tố khác nhau trong môi trường tự nhiên, trong đó có thạch tín, đến sức khỏe con người là một thực tế mang tính nhiều mặt. Một mặt, nhận diện được thực trạng của các hậu quả, thì xã hội mới có đủ thông tin và động lực để tìm ra giải pháp khắc phục. Nhưng mặt khác, khi giải pháp chưa có, những thông tin về các hậu quả nghiêm trọng có thể gây ra tâm lý hoang mang lo sợ thái quá. Nghiên cứu – công bố thông tin – tìm kiếm giải pháp là ba công việc không phải lúc nào cũng dễ tìm ra được một sự phối hợp thỏa đáng.
Hiện tại ở Việt Nam, trong bối cảnh xuất hiện rất nhiều căn bệnh lạ, nan y, bệnh hiểm nghèo không rõ nguyên nhân, là nỗi khổ của bao nhiêu cá nhân và gia đình, thì việc trì hoãn các nghiên cứu về tác động của môi trường đến sức khỏe, cụ thể trong vấn đề nước ngầm nhiễm asen (để có thể có các biện pháp dự phòng, đối phó thích đáng) với lý do này hay lý do khác, trong bối cảnh còn rất thiếu vắng những nghiên cứu trong lĩnh vực này, sẽ rất có thể bị công chúng nhìn nhận như một thái độ lẩn tránh, nhắm mắt trước thực tại, mà trong đó những nhà hoạch định chính sách có phần trách nhiệm trước hết.
RFI xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Trần Hồng Côn và Tiến sĩ Trần Tuấn đã dành thời gian cho Tạp chí. 
Các tin bài liên quan
Ô nhiễm asen trong nước ăn uống đang là vấn đề cấp thiết tại Việt Nam
(theo Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe trung ương – Bộ Y tế)
« (…) Nghiên cứu về tình hình sức khỏe của 3.700 người dân sử dụng nguồn nước ngầm có ô nhiễm asen >0,05mg/L để ăn uống và sinh hoạt tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng, các nhà khoa học thấy có một số biểu hiện bệnh lý liên quan đến asen như suy nhược thần kinh, rối loạn vận mạch, bệnh lý về thai sản, rụng tóc, rối loạn cảm giác, rối loạn sắc tố da, dày sừng, khối u. Những biểu hiện này xuất hiện nhiều hơn ở những người sử dụng nước ô nhiễm asen so với người dùng nước không bị ô nhiễm.

Theo TS. Nguyễn Duy Bảo (Viện trưởng Viện Lao động và Vệ sinh Môi trường - Bộ Y tế), tỷ lệ bệnh nhiễm độc asen mạn tính trong cộng đồng dân cư sử dụng nước ô nhiễm asen để ăn uống tại đồng bằng sông Hồng là 1,62%. Hiện chưa có các phương pháp điều trị các bệnh do asen gây ra, nên chủ yếu vẫn tập trung vào các biện pháp dự phòng
 ».

Trong một bài trả lời phỏng vấn, Tiến sĩ Nguyễn Duy Bảo nhắc đến hiện tượng khá phổ biến ở một số nơi (Hưng Yên, Hà Tây, An Giang...) người dân sử dụng nước ngầm trực tiếp không qua bể lọc, vì nước ít nhiễm sắt (nên có vị ngọt hơn), vì vậy rất có nguy cơ bị nhiễm asen. Bên cạnh đó tới gần 1/2 bể lọc cát không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, nên mức asen vượt ngưỡng cho phép. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét