- Thưa Bộ trưởng (à quên, thưa ông), ông về hưu năm nào?


- Tôi về hưu năm 1998, nhưng đến năm 2000 "anh em” họ mới phát sổ hưu. Đó là lòng tốt của "anh em” ở Tổng Công ty Điện lực, Bộ LĐTB&XH và Sở LĐTB&XH Hà Nội. Nếu không thì tôi sẽ bị trừ mất một năm (thời gian ở tù). Nói chung, thời gian tôi ở tù thì Thủ tướng, Phó Thủ tướng rồi có đến 28 bộ trưởng, thứ trưởng vào thăm. Trong đó có phu nhân của Bộ trưởng Đặng Hữu và phu nhân của Bộ trưởng  Bùi Danh Lưu.

 - Ai là người vào thăm ông đầu tiên?
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lúc bấy giờ là Đậu Ngọc Xuân. Tôi vào hôm thứ Tư thì chủ Nhật ông ấy vào. Vừa gặp tôi, ông Xuân đã nói "cứ xử như ông Hải thì tôi đi tù trước”.

- Thời bấy giờ có người nói rằng, khi vụ án xét xử ông còn đang tiến hành thì đã có người vào Hoả Lò trước để lo "dọn chỗ” cho ông?
- Ngày ấy có ông Cường, phụ trách hình sự ở CAHN, rất thân với tôi nên đã vào Hỏa Lò trước để nói với ông Hoắc (Nguyễn Văn Hoắc - Giám thị Trại giam Hoả Lò - NV) "bố trí” sẵn phòng: "Nếu ông Hải bị bắt ngay thì phải bố trí một chỗ "tạm trú” cho ra trò một tý”. Nhưng họ không bắt giam tôi ngay.

- Thưa ông, khi thụ án tại trại giam Thanh Xuân ông được "bố trí” ở ra sao?
- Khi tôi nhập trại, ông Lê Minh Hương, khi đó là Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), vào kiểm tra trại giam và cho "giải phóng” một cái trạm xá cũ để tôi vừa ở vừa tiếp khách. Cái trạm xá này một nửa nằm trong trại giam còn nửa kia  nằm nhô vào khu tập thể của cán bộ trại. Vì hàng ngày khách đến thăm tôi nhiều, thấy để tôi tiếp khách ở trong bất tiện, nên anh em trong trại bố trí một phòng gần phòng làm việc của cán bộ trại giam. Đồng thời bố trí một phạm nhân phục vụ, cứ có khách đến đăng ký thì họ lại gọi tôi lên phòng đó tiếp khách, mà mình tiếp không có công án ngồi kèm đâu. Nhưng phòng đó chỉ tiếp những khách thường, bạn bè của tôi. Còn từ Thứ trưởng, Bộ trưởng trở lên, lãnh đạo trại bố trí tiếp ở phòng tiếp khách của trại.

- Thế còn chuyện Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào tận trại giam để gắn kỷ niệm chương cho ông diễn ra như thế nào?
- 5 h sáng hôm ấy tôi đang tập thể dục ở sân của trại thì có anh Cục phó về an ninh chạy vào bảo: "Anh Hải ơi, anh về mặc quần áo nhanh lên tiếp Thủ tướng vào thăm”. Tôi lên phòng khách, Thủ tướng đã ngồi đó. Ông mang theo hai chai sâm banh, ba chiếc ly. Vì sợ trong tù không có ly. Tôi chào ông xong, ông đứng dậy nắm chặt tay tôi, hỏi tôi có khoẻ không, sinh hoạt ra sao. Trầm ngâm một chút, bất chợt ông hỏi: "Có biết vì sao mình vào không?”. Tôi bảo: "Tôi biết hôm nay đóng điện, chỉ không biết đóng vào giờ nào thôi! Nhưng tôi tin là đóng điện đã thành công”. Ông bảo: "Mấy hôm nay mình mất ngủ, vì lo đóng điện không thành công”. Tôi hỏi: "Thế còn tối hôm qua anh có ngủ được không?”, ông Kiệt nói: "Cũng mất ngủ vì... vui sướng quá!”. Sau đó ông gắn huy hiệu đường dây 500KV cho tôi. Thủ tướng bảo: "Anh là người đầu tiên được gắn huy hiệu này đấy”. Tôi hết sức xúc động, run run cám ơn ông. Ông tự tay rót 3 cốc sâm banh. Một cốc ông đưa cho tôi, một cốc ông đưa cho anh Hân (Giám thị trại giam - NV). Ông nâng cốc. Chúng tôi cùng chạm cốc với ông. Chúng tôi uống hết một chai. Còn một chai Thủ tướng đưa cho tôi: "Ông cầm về phòng mà uống”.

- Khi Thủ tướng vào gắn kỷ niệm chương cho ông các phạm nhân khác có được chứng kiến không?
- Khi Thủ tướng đến, trại chưa cho anh em phạm nhân ra, đến khi Thủ tướng về thì anh em phạm nhân mới ra khỏi phòng, họ còn giơ tay chào tôi, có người còn hỏi: "Bộ trưởng vừa mới tiếp Thủ trưởng à?”. Tôi bảo: "Bộ trưởng cái cóc gì!”.

- Nghe nói, sau đó Phó Thủ tướng Phan Văn Khải  cũng đến thăm ông?
- Tết năm đó, anh Sáu Kiệt bảo anh Khải vào trại giam thăm tôi, nhưng anh Khải bận đi nước ngoài. Khi trở về, hôm đó tôi nhớ là ngày 3/2, anh Khải vào thăm. Anh đem hai chai rượu, nói: "Đây là của cơ quan tặng cậu”. Rồi anh lấy ra một chiếc áo rét bảo: "Cái này của tớ tặng Hải mặc cho ấm, vì ở trong này rét lắm”. Anh còn rút ra một bao lì xì đỏ: "Còn đây là của vợ tớ lì xì cho cậu !”.

- Phong bao lì xì đó bao nhiêu tiền?
- Vài ba trăm gì đó.

- Khi ở trong trại ông có phải lao động  không?
- Tôi vào trại, nhưng ngày nào cũng tiếp khách. Thấy thế, anh em họ cũng ái ngại, bàn đi bàn lại, sau đó quyết định dọn bỏ một gara ô tô để làm chuồng gà cho tôi chăn gà. Tôi bàn với bà vợ là mua vài chục gà giống, thức ăn mang vào. Thế là hàng ngày tôi chỉ phải làm mỗi việc đi thả thức ăn cho gà, còn chuồng gà thì Giám thị lại cử người khác hàng ngày dọn giùm. Cứ bỗ béo xong thì anh em trong trại lại mang bán.

- Dù là đi thụ án nhưng ông được sinh hoạt trong điều kiện khá tiện nghi?
- Không thể bố trí mình tôi một phòng, nên giám thị trại đã ghép tôi với một ông khác nữa, hai gia đình vào đó ăn cơm cùng. Thành ra hai bà vợ cứ mang gà, thức ăn tươi vào luôn. Tiện nghi như tivi hai gia đình mang vào, có cả tủ lạnh đặt trên phòng khách, thỉnh thoảng giám thị trại lại cử cậu phạm nhân lấy nước đá xuống cho mình. Bia thì thỉnh thoảng anh em nó mang cả thùng vào, để đầy trong tủ. Mấy "tay” cán bộ thỉnh thoảng tiếp khách mà thiếu rượu lại chạy xuống: "Anh Hải ơi, cho em xin chai rượu!”.

- Thế còn ngày ông ra trại?
- Tôi bị án ba năm tù, thụ án được một năm mấy ngày thì được đặc xá. Thông thường, khi đặc xá mỗi phạm nhân phải viết bản tường trình, trong đó phải viết "tôi đã nhận rõ tội lỗi”, nhưng tôi dứt khoát không viết như vậy.

- Thế  không ai bắt ông viết à?
- Không. Anh em cũng biết nên thông cảm. Họ chỉ yêu cầu tôi viết là "tôn trọng quy chế của trại, tích cực lao động…”. Ngay như sinh hoạt phạm nhân, không bao giờ họ bắt tôi phải ngồi sinh hoạt với cùng các phạm nhân. Hôm ra trại, tôi mới hỏi thẳng ông Hân (Giám thị): "Vì sao trong các buổi sinh hoạt chung của trại, không thấy triệu tập tôi?”. Ông Hân bảo: "Thì anh biết rồi còn gì”. Tôi cười: ”Thế tôi đoán nhé, sinh hoạt, các phạm nhân ngồi dưới đất, còn cán bộ trại ngồi trên ghế. Như thế, nếu tôi sinh hoạt mà các anh để tôi ngồi trên ghế cũng khó mà ngồi dưới đất cũng khó”. Thế là "anh em” cười. Nói chung là "anh em” đối xử với tôi rất tốt.

- Ông đã được cán bộ trại giam rất ưu ái. Có phạm nhân nào ghen gét, kiện cáo về sự ưu ái đó không?
- Trong quá trình thụ án, ông Hân đã ưu ái bố trí cho tôi một chế độ hết sức đặc biệt. Chính tôi cũng có lần hỏi ông Hân:
- Khi làm đường dây 500KV, trong một hội nghị về tổ chức cán bộ ở phía Nam, có người cho rằng, "chủ trương làm dường dây 500KV là chủ trương phiêu lưu, mạo hiểm, lãng phí tiền của Nhà nước. Lấy tiền của nhà nước để gây thanh danh cá nhân”. Chính vì vậy mà cáo trạng truy tố tôi ở khung 1 (tức là cảnh cáo), nhưng mấy ngày sau đó cáo trạng đã đổi lại là có tội (khung 2, từ ba năm tù trở lên), dù nội dung không có gì thay đổi.

- Chúng tôi còn nhớ, tại phiên tòa, Viện Kiểm sát buộc tội ông vì đã ký vào văn bản giới thiệu một công ty "nếu có đủ điều kiện thì cho dự đấu thầu”. Và ông có nói, đối với ai thì tôi cũng ký giới thiệu như vậy?
- Việc của tôi thì tôi cho là có người muốn "chơi” đường dây 500KV. Có lần thậm chí Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng lo lắng nói với tôi: "Này, liệu đường dây 500KV có đổ không?”. Tôi báo cáo: "Anh cứ yên tâm, về mặt kỹ thuật đường dây 500KV dứt khoát không có vấn đề gì! Khó khăn nhất là việc bảo vệ an ninh cho nó”. Tuy nhiên tôi cũng đã suy nghĩ rất kỹ, trong trường hợp xấu nhất, nghĩa là đóng điện không thành công thì chính tôi sẽ xin từ chức trước, chứ không đợi cấp trên phải cách chức. Vì vậy hôm đóng điện, anh Kiệt mang sâm banh đến nhưng rất hồi hộp, lo đóng điện không thành công. Bảy giờ tối đóng điện, nhưng năm giờ anh ấy đã đến. Anh Sáu ngồi chờ mà lo lắm. Khi đóng điện thành công, sáng hôm sau anh ấy vào thăm tôi ngay.
Công trình thế kỷ
- Ngay từ khi xây dựng đường dây 500KV đã có ý kiến phản đối. Vì sao ông vẫn quyết tâm làm?
- Sau khi thủy điện Hoà Bình làm xong thì miền Bắc thừa điện, trong khi đó miền Nam lại thiếu điện. Tôi đã tính hoặc sẽ bán điện cho Trung Quốc, hoặc làm đường siêu cao áp để dẫn điện vào trong Nam. Việc thiếu điện ở miền Nam không phải là lỗi của bọn tôi, vì khi sắp xây dựng xong nhà máy thủy điện Trị An thì tôi đã bàn với Bộ trưởng Năng lượng Liên Xô là sẽ xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện. Phía Liên Xô đồng ý là sẽ tài trợ vốn và đã cử người sang giúp, nhưng khi tôi trình lên thì lại không được duyệt. Một hôm, "Cụ” Mười (khi đó là Thủ tướng Chính phủ) chất vấn tôi: "Vì sao để Miền Nam thiếu điện?”. Tôi bảo: "Là do các anh không duyệt”. "Cụ” Mười chất vấn tiếp: "Các anh là ai?”. Tôi bảo: "Chính anh không duyệt!”. Nghe tôi báo cáo lại chi tiết "Cụ” Mười cười: "À lúc đó mình mới là Phó Thủ tướng”.
Sau đó, anh Kiệt chủ trì cuộc họp Chính phủ, tôi trình bày lại hai phương án trên. Anh Kiệt hỏi: "Ý anh nghiêng về phương án nào?”. "Ý tôi là nên đưa điện cho miền Nam”. Anh Kiệt lại hỏi: "Vì sao?”. Tôi trả lời: "Cả hai phương án tôi đều đã cho anh em khảo sát và làm luận chứng cả rồi. Trong khi chúng ta đang thiếu điện mà lại đi bán thì về chính trị và kinh tế đều không ổn, rồi sau này mình không bán nữa thì lại bỏ phí đường dây. Trong quy hoạch đã có việc xây dựng đường cao áp trong vài năm tới, tức là việc xây dựng đường cao áp thì trước sau gì mình cũng phải làm, chỉ có điều nay mình làm sớm hơn thôi. Mà tốt nhất làm đường dây 500KV là an toàn nhất”. Sau đó, anh Kiệt nhất trí phương án đưa điện vào miền Nam. Lúc bấy giờ chưa có cơ chế để Quốc hội thông qua, nên dự án sau đó được trình Bộ Chính trị. Trong một cuộc họp của Bộ Chính trị, tôi trình bày phương án đưa điện vào miền Nam, không có ai phản đối, chỉ duy nhất có ông Đoàn Khuê (khi ấy là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) nói một câu: "Đường dây đi qua gần với Đắc Min, vì thế phải tránh ở đoạn này”. Chúng tôi tiếp thu ngay.

- Và ông đã phải "vắt chân lên cổ” để làm?
- Khi nhất trí, Bộ Chính trị yêu cầu làm trong hai năm. Trước tết, Thủ tướng Chính phủ đồng cho ý làm, thì tháng ba mới ký phê duyệt luận chứng, tháng năm đã phải khởi công. Vì vậy phải vừa thiết kế, vừa thi công. Nhưng tôi yêu cầu, bất cứ công trình nào khi làm phải có thiết kế, phải huy động chất xám của cả trong nước và nước ngoài. Huy động tổng lực các lực lượng trong ngành, ngoài ngành như quân đội, nhân dân… tham gia. Với phương án đó trong phạm vi hai năm chúng tôi đã làm xong. Phải nói rằng, công trình hoàn thành là nhờ có sự quyết tâm lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nên khi xây dựng được các bộ rất đồng tình ủng hộ. Ngay như vốn cũng rất thuận lợi. Hồi đó, mỗi tuần ông Hồ Tế (Bộ trưởng Tài chính) chuyển cho tôi mấy chục tỷ chứ có ít đâu. Chưa có công trình nào lại thuận lợi về vốn như vậy. Nên chất lượng công trình rất đảm bảo, đảm bảo chống chọi với bão cấp 12.  Vì vậy 10 năm nay chưa có cột nào bị đổ hay gặp sự cố lớn.

- Trong khi làm đường dây, ông có gặp khó khăn gì không?
- Khi mình đang làm đường dây thì có một "cha” giáo sư Việt kiều ở Nhật  viết một bài gửi cho tất cả Bộ chính trị, Quốc hội… nêu ba vấn đề: hai năm không thể xong; đường dây làm theo kiểu ¼ bước sóng nên sẽ không đưa điện được vào miền Nam; sẽ vượt dự toán rất cao. Tôi ra QH giải trình: ba vấn đề đó chúng tôi đều đã có hướng xử lý: xây thêm các trạm bù để khắc phục ¼ bước sóng; tôi khẳng định hai năm sẽ làm xong, vì không phải chúng tôi làm một điểm mà đồng loạt ra quân ở nhiều địa điểm. Và cứ 10km tôi cử một kỹ sư đi giám sát… Nhưng đến khi triển khai thì chính "tay” giáo sư này lại về nước xin được tham gia xây dựng.
Ngôi nhà "tình nghĩa”
- Ông có thể nói đôi nét về cuộc đời ông?
- Tôi sinh ra ở Huế, hồi trẻ thích nhạc và họa. Tôi vẽ cũng rất khá, có hồi đã vẽ minh họa cho các báo rồi. Học xong phổ thông, Bộ Đại học triệu tập những người có trình độ cho đi học nước ngoài. Năm 1955, tập trung chỉnh huấn, tôi được giao làm Chi trưởng một chi. Lúc đó, ông Lê Văn Giảng, Thứ trưởng Bộ Đại học phụ trách lưu học sinh nói với tôi: "Ưu tiên cho Chi trưởng chọn nơi học”. Tôi thưa: "Về nước thì tôi chọn Liên Xô, còn nghề tôi chọn ngành công nghiệp”. Ông Giảng bảo: "Nếu thế thì anh chỉ có sang viện Traiacốpxki học nhạc”. Thế là tôi đành đi Trung Quốc học ngành điện. Sang năm 1955, đến 1961 về nước công tác ở Cục điện lực. Khi chiến tranh, xuống nhà máy nhiệt điện Uông Bí. Làm 14 năm ở Uông Bí, từ Trưởng phòng, lên Phó Giám đốc, rồi Giám đốc. Năm 1979, lên làm Phó Giám đốc Công ty Điện lực miền Bắc, sau đó lên Giám đốc rồi Thứ trưởng, Bộ trưởng. Phải nói rằng tôi cũng rất thông minh (cười), khi học ở Trung Quốc chưa bao giờ tôi bị điểm bốn (thang điểm 5). Khi thi nhiều học sinh Trung Quốc còn phải chép cả bài của tôi.

- Thưa ông, nghe nói căn nhà mà ông đang ở đây là do ngành điện lực làm cho khi ông ra tù?
- Ngày xưa tôi ở căn hộ khu tập thể Kim Liên. Khi đó Bộ Năng lượng muốn xây cho tôi một cái nhà. Tôi bảo: "Bây giờ các cậu xây nhà cho Bộ trưởng thì anh em họ sẽ dị nghị”. Vì vậy tôi không đồng ý cho anh em làm. Sau này, ông Thủy, Giám đốc Sở Điện lực Hà Nội mới bảo tôi: "Anh khổ quá”. Thế là anh em họ mới giải quyết cho tôi một đám đất ở Láng Hạ. Nhưng mảnh đất ấy lại là nơi thành phố quy hoạch làm công viên Đống Đa. Thế là anh em mới cho tôi lô đất hơn 80m2  ở số 6 - Phan Đình Phùng này, nhưng tôi chỉ lấy một nửa. Thực ra đây là một cái trạm điện. Có đất rồi, nhưng không có tiền xây nhà. Huy động mãi được hơn 100 triệu, một số bạn bè của tôi ở miền Nam biết chuyện bay ra bảo bà Kim (vợ ông - NV): "Chị cứ xây đi, thiếu bao nhiêu bọn em góp”. Thế là xây được nhà hơn 300 triệu. Xây xong, hôm tôi được ra tù, anh em tổ chức đón linh đình lắm, ô tô hàng đoàn đón về. Về nhà ngồi từ sáng đến chiều, anh em đến mừng, họ đi lục thấy chỉ có xác nhà không, thế là người thì bỏ tiền mua tặng máy điều hòa, người tặng cây đèn chùm… Vì vậy anh em mới nói vui nhà tôi là "nhà tình nghĩa”.

- Sau khi ra tù ông về làm cố vấn cho Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thái Phụng Nê?
- Sau ngày ra tù, tôi được mời làm cố vấn cấp bộ cho ngành điện, năm 1998 thì về nghỉ hưu. Vì thiếu mất một năm (tức là năm tôi ở tù) để tính lương hưu nên anh em thương tình, chờ cho tới năm 2000 mới làm sổ hưu cho tôi. Vì vậy nay tôi đang hưởng mức lương hưu chuyên gia cao cấp bậc hai: 8,0 (Bộ trưởng là 8,2 - NV).
- Con cái ông nay đều đã trưởng thành?
- Tôi có hai con: một trai, một gái. Cả hai đều đã có gia đình riêng. Con trai đang làm việc tại một doanh nghiệp, còn con gái làm tại Bộ Quốc phòng.

- Trong đời làm cán bộ của mình ông thấy khó khăn nhất là cái gì?”
- Khó khăn nhất là làm sao trình bày cho cấp trên hiểu được vấn đề và quyết định.

- Kể từ ngày ra tù đã có lần nào ông đi thăm từ đầu này đến đầu kia đường dây 500KV chưa?
- Chưa, mới chỉ đi thăm được từng đoạn. Có lần đi thăm, tôi cũng nói với anh em lãnh đạo là nên luân chuyển chế độ trực cho anh em trực chốt, mỗi người một vài năm rồi lại về. Chứ cứ để một vài người đóng chốt triền miên thì khổ, vì nhiều nơi còn thiếu thốn, nhất là những trạm ở vùng sâu, vùng xa.

- Có nghĩa là hàng ngày ông vẫn trăn trở theo sát từng hoạt động của đường dây 500KV?
- Có lần tôi nói với anh em lãnh đạo ngành điện là anh em nên tính đến chuyện làm mạch hai (đường dây 500KV thứ hai). Vì khi mạch một vào thì đưa điện từ Bắc vào Nam và miền Nam lại đưa điện ra miền Bắc thành một sự giao lưu. Hồi đó công suất thế là lớn, nhưng với sự phát triển như hiện nay lại bé, nên phải thêm một đường dây 500KV nữa. Năm 2000, tôi vào miền Nam, gặp anh Kiệt, có mặt cả anh Hải (Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp - NV) và anh Hưng (Đào Văn Hưng, Tổng Giám đốc Tcty điện lực Việt Nam - NV), tôi bảo: "Các anh mà không lo mạch hai thì đến năm 2006-2007 miền Bắc sẽ phải cắt điện rất lớn. Vì trước đây, dự kiến của chúng tôi là giai đoạn đó có thể đưa Thủy điện Sơn La vào phát điện, nhưng nay Sơn La còn lâu mới hoàn thành, nếu không có mạch hai, với tốc độ phát triển như hiện nay thì miền Bắc buộc phải cắt điện luân phiên vì thiếu điện trầm trọng. Vì một mạch không thể đáp ứng được yêu cầu”. Giống như trước đây, xây dựng xong thủy điện Trị An tôi đã tính phải xây nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch, thế nhưng đã bị "các cha” bác bỏ.
            
- Khi làm đường dây 500KV, ông là Bộ trưởng ông thích gì mà chả đựơc, nhưng rốt cuộc ông lại về với 2 bàn tay trắng. Bây giờ nghĩ lại ông có áy náy không?
- Không! Từ khi còn làm Giám đốc nhà máy nhiệt điện Uông Bí tôi cũng chỉ lo cho anh em thôi. Lên trên này cũng thế, chỉ lo cho anh em. Còn khi làm đường dây 500KV cũng thế… Cũng chính vì thế mà sau này anh em rất quý tôi.  
          
- Nhìn lại cuộc đời mình, cái được lớn nhất của ông là gì?”
- Cái được và cũng là cái quý nhất của cuộc đời tôi là tôi rất nhiều bạn bè, từ khi về ngày nào anh em bạn bè cũng gọi điện rủ đi chơi, đi nhậu. Mà không chỉ có bạn bè trong ngành đâu, nhiều bạn bè ngoài ngành lắm.
Đồng hồ điểm 12 giờ trưa. Bữa cơm trưa thanh đạm đã được bà Kim, vợ ông chuẩn bị xong.
"... Tình yêu hai đứa chúng mình bên nhau
Tình yêu hai đứa bên nhau suốt đời...”. 
Những nốt nhạc, lời ca vang lên rồi tắt lịm. Bên mâm cơm đôi bạn già nhìn nhau âu yếm như làm dịu đi cái nắng gay gắt của trưa hè Hà Nội.
Lê Thọ Bình - Bá Kiên