Con số mà biết nói năng...
Website của Viện Khoa học thống kê (ISS) đăng một bài ngắn, có tựa “Sự dối trá của số liệu”, nhìn nhận khá thẳng thừng về bản chất của ngành thống kê. Xin trích: “Người Mỹ - dân tộc thông minh và tiên tiến - rất mê số liệu thống kê. Cái gì cũng thống kê, từ sinh đẻ, bầu cử, chim chóc, nhất là khoa học... Nhưng họ cũng nói: Damn lied statistics (Thống kê dối trá đáng nguyền rủa). Tại sao?
Đó là vì thống kê dựa vào thông tin, số liệu để phân tích. Thông tin và số liệu cứ cho là chất lượng đi thì cách thức phân tích của con người mới cho ra kết quả. Ý nghĩa kết quả cũng do con người diễn giải, mà một khi con người muốn bóp méo ý nghĩa thì với trí khôn có thể xử lý các dữ liệu phức tạp, họ dễ cho ra kết luận theo ý họ... Theo cách này, một công cụ tử tế nhất có thể phục vụ đắc lực cho một mục tiêu kém tử tế nhất”.
Người viết còn trích dẫn câu minh họa cho sự bóp méo bản chất thống kê, rất hài hước: “Cái giường là nơi nguy hiểm nhất trên quả đất vì tới hơn 80% số người chết đều ở trên giường” (!)
Dẫn dắt như vậy để làm nền cho câu chuyện về số liệu nhảy múa ở nước ta.
Mới đây, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước câu hỏi của nhiều đại biểu rằng dư luận phản ánh có đến 30% cán bộ công chức (CBCC) “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình khẳng định theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, tỉ lệ CBCC không hoàn thành nhiệm vụ chỉ trên dưới 1%.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) trước đó đã nhận định “có một bộ phận không nhỏ CBCC thoái hóa, biến chất”... “Một bộ phận không nhỏ” mà lẽ nào chỉ có “trên dưới 1%”?
Chưa cần tranh luận, chỉ nhìn vào hàng loạt vụ tiêu cực nổi cộm gần đây cũng đủ để khẳng định con số trên dưới 1% nói trên là sai sự thật, chẳng hạn vụ 8 lãnh đạo 4 công ty công ích ăn lương “khủng” ở TP HCM vừa bị kỷ luật; vụ nhóm quan chức TP Long Xuyên, tỉnh An Giang vừa lãnh án vì sai phạm trong đất đai, nhóm quan chức Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long bị xét xử vì tham ô, vụ “nhân bản” xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), vụ ăn chặn vắc-xin ở TP Hà Nội hay vụ tiêm vắc-xin làm 3 trẻ chết oan ở Quảng Trị... Đó là chưa kể hàng trăm vụ tiêu cực lớn nhỏ khác liên quan đến CBCC, bị người dân tố cáo hoặc đã bị xử lý kỷ luật. Các địa phương có thể vì thành tích mà tô hồng số liệu, còn ngành nội vụ chẳng lẽ không nhìn thấy thực trạng này?
Dường như điều đó đã thành “bệnh”.
Năm ngoái, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên công bố tỉ lệ nợ xấu toàn ngành là 10% khiến thiên hạ giật mình, vài ngày sau chính ông “chỉnh” còn 8,6%! Tổng cục Thống kê tính tỉ lệ hộ nghèo nước ta năm 2012 là 11,1% trong khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố chỉ 9,6%. Hầu hết các tỉnh, thành báo cáo GDP của địa phương mình tăng vù vù, toàn trên 10% nhưng cộng gộp cả nước thì chưa tới 6%, thậm chí nhiều địa phương báo cáo GDP rất cao nhưng lại xin giảm, giãn đóng góp ngân sách; có khi xin... cứu đói! Giá như số liệu biết nói thì tình trạng báo cáo láo đã được ngăn chặn nhiều.
Báo cáo không đúng tất nhiên dẫn đến giải pháp sai hoặc gây hệ lụy xấu. Rất đáng sợ khi “lộng giả thành chân” - người ta trở nên thích nghe và tin hơn vào những con số không trung thực. Hậu quả tai hại là tệ nói dối lan tràn; cái sai được dung dưỡng, chấp nhận; còn người dân thì chẳng biết tin vào đâu...
Dương Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét