Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Lạm phát hơn 8%, yên tâm vì còn thấp?

Sức ép của tăng trưởng ngày càng lớn, nếu không sẽ dẫn tới bất ổn xã hội. Tuy nhiên mới hết tháng 9 mà lạm phát đã hơn 8% thì quả là nguy hiểm. Bác Doan nói đúng đấy chị Ngân ạ.
Lạm phát hơn 8%, yên tâm vì còn thấp?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước sau khi tăng 0,83% vào tháng 8, lại tiếp tục tăng "sốc" trong tháng 9 mức 1,06% so với tháng trước. Chính điều này khiến cho lo ngại lạm phát quay trở lại tiếp tục được cảnh báo.
Những động lực tăng giá mới
Như vậy, so với cùng kỳ (tháng 9/2012) CPI đã tăng 6,3% và so với tháng 12/2012 đã tăng 4,63%, khiến cho kế hoạch giữ CPI ở mức 7% trong năm 2013 chịu nhiều áp lực.Gần đây, việc tăng giá bán than cho điện, tăng giá xăng dầu, tăng giá điện... đã tạo nên sức ép lớn với nhiều sản phẩm, nhưng do nhu cầu thấp nên nhiều mặt hàng không dám tăng giá.
Tuy nhiên, vào cuối năm, lúc nhu cầu tăng cao rất có thể nhiều mặt hàng sẽ tăng giá, tác động tới lạm phát. Bên cạnh đó, việc tăng mạnh giá các dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục, văn hóa trong tháng 9 vừa qua sẽ tác động dây chuyền, dễ kéo theo nhiều dịch vụ sản phẩm khác tăng giá trong chù kỳ cuối năm.


Báo cáo kinh tế vĩ mô, triển vọng thị trường Việt Nam tháng 9 của HSBC cảnh báo: Áp lực lạm phát của Việt Nam đang gia tăng, tiếp theo đà tăng giá của các dịch vụ y tế, năng lượng và giáo dục trong mùa khai trường. Việt Nam từng có 2 lần lạm phát cao trong tháng 8, với mức tăng 23,8% vào 8/2008 và 23% vào 8/2011.

“Vì vậy, khi giá cả tăng từ mức 7,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 7,5% trong tháng 8/2013 thì những lo ngại về lạm phát tăng lại xuất hiện”, báo cáo này nhấn mạnh.

Theo thông lệ, CPI chịu nhiều áp lực tăng giá cuối năm, khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát sẽ gặp nhiều thách thức.

Các phân tích còn cho thấy, tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch năm 2013 đạt 12% nhưng đến nay mới đạt 6,8% như vậy sẽ phải tăng trên 5% trong vòng hơn 3 tháng nữa, tương đương với số tiền khoảng 160.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng khoảng 50.000 tỷ đồng.

Các NH vẫn đang tiếp trục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 18/9/2013, huy động vốn tăng 11,74%, thanh khoản của các ngân hàng đang rất dồi dào. Không đẩy được cho vay sản xuất kinh doanh thì đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Sau khi Ngân hàng Nhà nước không còn khống chế tỷ lệ cho vay tiêu dùng dưới 16%, thì nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay khu vực này và có được doanh số tăng vọt từ 24%-40% so với cuối năm 2012.

Hiện không ít NH đang phá đáy lãi suất cho vay để để bơm vốn ra thị trường. Nhiều NH ồ ạt xin nới “room” tín dụng, thậm chí xin nới đến 30%.

Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công cũng đang vào giai đoạn nước rút.

Theo kế hoạch từ đầu năm, tổng vốn đầu tư phát triển năm 2013 được giao gần 166.000 tỉ đồng, vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ là 60.000 tỉ đồng. Song, Kho bạc Nhà nước cho hay tám tháng qua số vốn giải ngân mới đạt trên 143.450 tỉ đồng. Như vậy cũng còn khoảng 80.000 tỷ đồng cần giải trong 4 tháng cuối năm.

Lạm phát vượt 8%?


Khi một lượng vốn lớn đẩy ra trong thời gian ngắn rất dễ tạo ra nguy cơ làm tăng lạm phát. Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát hiện vẫn thấp so với chỉ tiêu, trong khi sản xuất kinh doanh hiện nay rất khó khăn, nếu không rót tiền sẽ khựng lại. Nhưng rót tiền như thế nào để đảm bảo giúp kinh tế hồi phục mà lạm phát không quay trở lại là điều hết sức phải cân nhắc.

Tăng trưởng tín dụng có thể là 12% nhưng nếu chia đều cho 12 tháng thì lạm phát sẽ rất thấp. Ngược lại, nếu tăng trưởng tín dụng dồn mạnh vào 3 tháng cuối năm thì vô cùng nguy hiểm, nền kinh tế không hấp thụ hết lượng tiền mặt dư thừa và như vậy lạm phát dễ trở lại

Một số chuyên gia cho rằng, kiềm chế lạm phát chưa hợp lý, 7 tháng đầu năm thấp, thậm chí có tháng âm, nhưng 2 tháng 8 và 9 vừa qua tăng quá cao ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Nguy cơ lạm phát sẽ đến gần hơn nếu những tháng cuối năm tín dụng bung ra mạnh. Một lượng lớn tiền mặt cung ra thị trường là sẽ đẩy lạm phát lên cao, khó tránh khỏi.


Mới đây, Ủy ban Kinh tế Quốc hội dẫn báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô cho rằng, trong trường hợp ít có biến động mạnh về điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, cú sốc giá năng lượng, hàng hóa trên thị trường thế giới, năm 2013 lạm phát sẽ ở mức 7,32%. Song nếu có biến động đáng kể như tăng tỷ giá, nới lỏng chính sách tín dụng, đầu tư công, giá điện, than, xăng dầu, dịch vụ y tế tăng mạnh… thì lạm phát có thể trên 8,84%.

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo lạm phát Việt Nam năm 2013 trên 7,5%.

Trong khi đó, tại một diễn đàn mới đây, GS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường kinh tế quốc dân đã cho biết, biến động lạm phát ở Việt Nam cũng cao hơn nhiều phản ánh, sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại Việt Nam lớn so với các nước trong khu vực và bất ổn vĩ mô vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát.

Theo ông Đạt, từ năm 2012, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam đã giảm xuống nhưng đây là mức cao nhất so với các nước ASEAN-5, kể từ năm 2000. Trong khi tăng trưởng các nước trong khu vực đang có xu hướng gia tăng nhưng vẫn giữ được mức lạm phát thấp thì Việt Nam đối diện với tốc độ tăng trưởng suy giảm liên tục nhưng lạm phát lại cao.

Trần Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét