Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Bài rất hay: Điều gì cản bước Việt Nam phát triển?

Tưởng rằng xem chém gió tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2013 thì chẳng có gì thú vị, song không ngờ đến chiều tối nay Vietnamnet.vn lại đăng một phát biểu thật tuyệt của TS Lê Đăng Doanh. Có lẽ đây là phát biểu duy nhất có giá trị tại diễn đàn (và thêm một gợi mở dụt dè của TS Trần Đình Thiên về nhu cầu phải thực hiện đổi mới lần 2). Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của TS Doanh phát biểu được tóm tắt trong bài dưới đây.
Nhân đây tôi nhớ tới chuyện cách đây 4-5 năm bác Doanh và 
một số bác có tâm có khác đã gửi email đề nghị tôi nghiên cứu xem làm sao VN có thể tiếp tục phát triển được trong bối cảnh sẽ hết sạch tài nguyên, nguồn vốn viện trợ, nguồn nhân lực trẻ rẻ tiền... trong khi sức ép dân số ngày càng tăng, đất đai chật hẹp, ô nhiễm tràn lan...  Lúc đó thấy các bác này quyền lực không có, mình có vất vả nghiên cứu tư vấn các bác một vài ý tưởng mới thì các bác cũng chẳng thể áp dụng được, nên đành thôi. 
Mình đã dự thảo thư trả lời (nhưng cân nhắc rồi không gửi), trong đó có nhấn mạnh để giải quyết vấn đề này, nhất thiết phải nghiên cứu chính trị học của phát triển kinh tế. Để các nước nghèo tiến lên, bây giờ dùng chính sách chỉ khoanh ở kinh tế, nhất là kinh tế vĩ mô (cách sử dụng các nguồn lực đất đại, lao động cơ bắp, vốn đầu tư... sao cho hiệu quả nhất), là không thể được. Cần mở rộng sang lĩnh vực xã hội, trước hết là phải tìm cách huy động bằng được lao động trí tuệ. Và từ đó dẫn đến nhu cầu phát huy tinh thần tự nguyện, chủ động sáng tạo của con người. Muốn người ta hy sinh tất cả cho đất nước phát triển thì nhà nước phải trả lại cho họ các quyền con người, tức là nhân quyền. Con người được tự do thể hiện, được nói và viết theo ý mình; mỗi suy nghĩ, ý tưởng có lợi cho đất nước đều được thực sự trân trọng thì tự dưng họ muốn lao động, muốn cống hiến... Theo mình, nhân quyền có ý nghĩa rộng hơn dân chủ vì nói đến dân chủ người ta hay tập trung vào xây dựng thể chế vĩ mô, phân chia quyền lực giữa các cơ quan, tổ chức mà ít chú ý đến người dân.
Thế nhưng ở VN, đụng đến từ nhân quyền là phạm húy. Mình đã đọc một số sách về chính trị học của kinh tế, như ảnh hưởng của chiến tranh, hòa bình, đảo chính, đa nguyên, đa đảng, độc tài, khủng bố, dân chủ..., và đặc biệt là nhân quyền tới phát triển kinh tế. Thậm chí đã nghĩ đến quan hệ nhân quả giữa nhân quyền và phát triển trong trường hợp nước ta; trước hết là thử kiểm định chiều quan hệ nhân quả đi từ đâu: Tăng trưởng ảnh hưởng tới nhân quyền hay mở rộng nhân quyền sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Muốn cải cách thể chế kinh tế và thể chế chính trị như bác Doanh mong muốn thì phải đọc sách về nhân quyền, các lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn thế giới. Sau đó mới nghiên cứu trường hợp các nước đang phát triển châu Á, nơi có đủ loại mô hình nhân quyền khác nhau (các châu khác không có đặc điểm như vậy), thiết lập một số mô hình toán học, áp dụng thử tính toán, đưa ra kết luận về vai trò, ảnh hưởng của các loại nhân quyền và các yếu tố nhân quyền tới phát triển. So sánh vai trò của các nhân tố nhân quyền với các nhân tố tăng trưởng truyền thống và dự báo tương lai. Cuối cùng là nghiên cứu cụ thể cho trường hợp Việt Nam.
Sau phần phát biểu của bác Doanh thì đến đoạn chém gió của bác Võ Trí Thành, đọc quá chán. Không hiểu sao Vietnamnet.vn lại thòng thêm mấy câu chém gió của bác Thành vào đây làm gì; đọc xong mất cả hứng viết tiếp.
Điều gì cản bước Việt Nam phát triển?
- Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu vừa diễn ra ở Huế trong hai ngày 26-27/9, TS Lê Đăng Doanh đã thẳng thắn đề cập đến câu chuyện cốt lõi, đó là phải cải cách thể chế kinh tế và thể chế chính trị để góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Diễn đàn Kinh tế Mùa thu là hoạt động thường niên của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do UNDP tài trợ.

Cần cải cách mạnh mẽ để xóa bỏ độc quyền
trong khu vực DNNN. Ảnh minh họa
Chưa có lộ trình thích hợp
Thay vì nói đến những dấu hiệu trì trệ của nền kinh tế, ông Lê Đăng Doanh đi sâu phân tích câu chuyện mang tầm chiến lược lớn hơn, đó là việc chậm trễ trong cải cách thể chế kinh tế và thể chế chính trị đang góp phần "cản bước" phát triển.

TS Lê Đăng Doanh lý giải, chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 được Đại hội XI của Đảng thông qua (1.2011) đã ghi rõ: “Kiên trì và quyết liệt thực hiện đổi mới. Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương để thúc đẩy đổi mới toàn diện và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”

Chiến lược khẳng định coi việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính là khâu đột phá chiến lược số 1. "Rất tiếc rằng những định hướng đúng đắn nêu trên đã không được thực hiện trong thời gian qua", ông Doanh nói.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước mang tên “Thể chế hiện đại”, 2010 cũng đã chỉ rõ những vấn đề, hạn chế và yếu kém của thể chế nhà nước về trách nhiệm giải trình, nhất là trách nhiệm giải trình trong quá trình phân cấp và giao quyền hạn cho các địa phương, chế độ tiền lương và hệ thống trợ cấp phức tạp, hệ thống tuyển dụng và đề bạt, hệ thống luật pháp và tư pháp, giám sát.

"Trong khi Việt Nam đang hội nhập sâu sắc về rất nhiều mặt vào kinh tế thế giới, những giá trị chung như quyền con người, lợi ích chung trên thế giới và khu vực, luật lệ quốc tế v.v... thì thể chế chính trị đã không thay đổi kịp thời để phát huy các mặt mạnh của dân tộc và đất nước, hạn chế, bổ sung cho những khuyết tật của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa", ông Doanh nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 29.06 2012 đã nhận định: “Hiện tượng hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực đúng là lắm lúc nghĩ hết sức sốt ruột, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có, song phải có cái nhìn khách quan, biện chứng để không mất phương hướng... “

Theo ông Doanh, những nhận định khác nhau như vậy cho thấy rất cần có một sự đánh giá khoa học-thực tiễn đầy đủ về hệ thống thể chế hiện nay. Đổi mới chính trị đã không có “một lộ trình thích hợp” và không “đồng bộ với đổi mới kinh tế” như Đại hội XI đã yêu cầu.

Trong các Hội nghị Trung ương và các dịp khác nhau, lãnh đạo Đảng đã nhiều lần chỉ rõ nguy cơ tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chế độ và của Đảng, “lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ” nhưng những biện pháp đề xuất chỉ hạn chế vào phê bình và tự phê bình, chỉnh đốn tổ chức Đảng v.v..., thiếu hẳn các biện pháp cải cách về thể chế như thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình (accountability), giám sát quyền lực, phát huy vai trò của người dân và báo chí trong đấu tranh chống tiêu cực và tham nhũng v.v...

Ông Doanh phân tích, vai trò của nhà nước trong bảo đảm thực thi pháp luật trong xã hội, bảo đảm các quyền và lợi ích của công dân đã được Hiến định chưa được thực hiện tốt. Các hiện tượng lừa đảo trong y tế (như vụ tiêm ăn bớt vaccine ở Hà Nội, vụ nhân bản xét nghiệm máu ở Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức v.v...), giáo dục trong các cơ sở công lập được phát hiện ngày càng nhiều, vụ lương khủng của các lãnh đạo doanh nghiệp công ích ở TPHCM, nhiều vụ việc sử dụng hóa chất độc hại trong thực phẩm chậm được phát hiện cùng với việc nhiều vụ tham nhũng được xử án treo v.v... cho thấy sự yếu kém đến bất lực của một bộ phận không nhỏ trong bộ máy nhà nước.

Xóa bỏ độc quyền

Liên quan đến lộ trình cải cách kinh tế, ông Doanh cho hay, mấu chốt là phải xóa bỏ tình trạng độc quyền.

Ông Doanh phân tích, cạnh tranh lành mạnh là một nguyên tắc hoạt động cơ bản của kinh tế thị trường nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, năng suất, dẫn đến đào thải nhưng doanh nghiệp yếu kém. Nếu như trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung các doanh nghiệp nhà nước sẽ tồn tại và hoạt động không cần cạnh tranh thì trong kinh tế thị trường hội nhập quốc tế, cạnh tranh diễn ra trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trước viễn cảnh cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thiết lập, 10 nước ASEAN sẽ hình thành một thị trường thống nhất và Việt Nam đang tích cực đàm phán để gia nhập Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) việc thực hiện cạnh tranh lành mạnh, theo pháp luật là động lực cần thiết để nâng cao hiệu quả và sức mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam. Hiệp định TPP liên quan đến nhiều vấn đề cốt lõi của thể chế kinh tế thị trường và thể chế nhà nước. Đối với doanh nghiệp nhà nước, TPP đòi hỏi phải đối xử công bằng (fairness), công khai, minh bạch, chấm dứt các ưu đãi, thiên vị. Nếu bị phát hiện, vụ việc có thể được đưa ra tòa án để xem xét và phán quyết. Đây vừa là cơ hội cho cải cách vừa là thách thức đối với các nhóm lợi ích đang tồn tại hiện nay.

Nhưng, có lần, khi được hỏi lý do về việc để thế độc quyền tồn tại lâu ở khu vực DNNN thì Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thẳng thắn thừa nhận: “Bộ Công thương đúng là chưa làm hết trách nhiệm, còn thiếu sự kiểm tra, đôn đốc và kiến nghị với TƯ để tránh độc quyền với DN”.

Trong các lĩnh vực độc quyền, thông thường, sự độc quyền của khu vực DNNN được công luận chú ý nhiều nhất.

Ngoài ra, lộ trình áp dụng cơ chế thị trường cho ngành điện và các ngành khác tiếp tục kéo dài trong khi Cục Quản lý cạnh tranh rất khó có thể giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước này. Nhiều tỉnh, thành phố đã mặc nhiên cho phép hình thành “độc quyền địa phương” bằng cách chỉ định một công ty duy nhất xuất khẩu gạo của tỉnh hay quy định hành chính trong phạm vi địa giới của tỉnh chỉ dùng bia do doanh nghiệp của tỉnh sản xuất. Những hành vi này không phù hợp với Luật Cạnh tranh nhưng chưa thấy được xử lý.

Gần đây, việc lãnh đạo một số công ty nhà nước công ích của TP.Hồ Chí Minh nhận lương “khủng” đã bộc lộ những lỗ hổng trong hoạt động của tổ chức Đảng, Công Đoàn, đoàn thể ở cơ sở cũng như những sai sót của cơ quan quản lý cấp trên của các doanh nghiệp đó. Các doanh nghiệp này có vị thế “độc quyền” trên lĩnh vực được giao. Song, tình trạng độc quyền cũng đã lan sang cả truyền hình trả tiền và những dịch vụ khác.

Bức tranh chưa đầy đủ và chưa có hệ thống trên đây cho thấy muốn hoàn thiện cơ chế thị trường, thực hiện cạnh tranh lành mạnh, theo pháp luật rất cần cải cách thể chế, bảo đảm các cơ quan chính quyền nhà nước các cấp không tùy tiện can thiệp hành chính vào thị trường và có cơ chế giám sát lợi ích nhóm.

TS Lê Đăng Doanh kiến nghị, Quốc hội nên xem xét ra Nghị quyết về cải cách thể chế, thực hiện các nguyên tác cơ bản của bộ máy như trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch, mỗi vị trí đều phải có quy định về chức năng, nhiệm vụ rõ ràng. Việc bổ nhiệm những chức danh chủ chốt phải có chương trình hành động, phải được thông qua giám định và xét duyệt công khai của các Ủy ban của Quốc hội (ở trung ương) hay các ban của Hội đồng Nhân dân cấp tương ứng. Hiện nay cải cách thể chế đã quá chậm và gây ra nhiều tiêu cực, đã đến lúc Quốc hội cần thực hiện quyền hiến định về lĩnh vực này.

Ngoài ra, cần xem xét cơ chế để xóa bỏ tình trạng độc quyền. Đặc biệt là phát huy vai trò của báo chí và các tổ chức xã hội..


Ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện CIEM: Cần một thông điệp của Chính phủ

Hội nhập kinh tế quốc tế là không thể thiếu trong quá trình cải cách nhưng chỉ là một điều kiện cần cho duy trì tăng trưởng và phát triển. Cải cách trong nước (bao gồm cải cách cơ cấu và duy trì ổn định vĩ mô) là chìa khóa để tối đa hóa lợi ích và để giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực có thể có của các cú sốc bên ngoài. Chính phủ cần một thông điệp kiên quyết và rõ ràng về ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính sách ưu tiên tăng trưởng và ít ưu tiên cho ổn định vĩ mô dễ dẫn tới thiếu nhất quán về chính sách và cuối cùng, sẽ phải trả giá đắt để chỉnh sửa. Thiếu nhất quán chính sách khuyến khích các hành vi đầu cơ và bóp méo sự phân bổ nguồn lực.

Ngọc Lê

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/142277/dieu-gi-can-buoc-viet-nam-phat-trien-.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét