Rủi ro nhất của khủng hoảng kinh tế là để xã hội bất ổn
Trao đổi của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt với PV báo Đại Đoàn Kết, xoay quanh câu chuyện về những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó nổi lên việc đánh giá thế nào về nền kinh tế đất nước hiện nay.Cuộc trò chuyện của chúng tôi với Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt được bắt đầu về những nhận định về thực trạng nền kinh tế, được đưa ra tại Hội thảo đánh giá nửa chặng đường thực hiện kế hoạch kinh tế 5 năm 2011 - 2015 và Diễn đàn kinh tế Mùa Thu.
Không một chút bi quan, ông Nguyễn Trần Bạt muốn qua báo Đại Đoàn Kết gửi thông điệp: Chỉ trích thì dễ, vấn đề là giải pháp nào để đất nước chúng ta đi qua những nguy cơ ấy. Bởi vì nếu không giải quyết được việc yên dân thì ngay lập tức mọi khó khăn kinh tế sẽ chuyển sang khó khăn chính trị. Nếu thay cho chỉ trích, ở các cuộc hội thảo chúng ta đi tìm kiếm giải pháp, sáng kiến, lối thoát thì các cuộc hội thảo sẽ trở thành những cuộc hội thảo lịch sử.
Cầu Rồng Đà Nẵng, công trình hiện đại
mới được xây dựng - Ảnh: Lê Minh
PV: Thưa ông, dư luận đang rất chú ý tới những nhận định được đưa ra tại hai cuộc hội thảo kinh tế lớn gần đây. Không chỉ các chuyên gia mà ngay cả các nhà lãnh đạo cấp cao cũng đã thẳng thắn thừa nhận, nhiều mục tiêu quan trọng của kế hoạch 5 năm 2011-2015 có khả năng không thực hiện được, những cảnh báo về một nền kinh tế ẩn chứa nhiều rủi ro, tụt hậu và một triển vọng tăng trưởng không mấy tươi sáng đang có nguy cơ trở thành hiện thực, đời sống của nhân dân vẫn còn rất khó khăn...Với tư cách là một chuyên gia được coi là bình luận khá độc lập, ông có ý kiến gì về những vấn đề này?
Những nhận định của những nhân vật rất có trách nhiệm và có uy tín ấy đem lại cho tôi cảm giác lo lắng, bởi tôi thấy đến lúc thực trạng nền kinh tế đã được thừa nhận công khai, không còn những lời nói xa xôi nữa. Tuy nhiên tôi còn nỗi lo nữa là ngay cả khi đã có những mô tả về thực trạng rồi thì chúng ta tìm giải pháp nào, con đường nào để đất nước đi ra khỏi những nguy cơ ấy.
Muốn nền kinh tế sống thì phải tái cấu trúc toàn diện
- Trong những ý kiến chỉ ra rất nhiều thực trạng, nguy cơ của nền kinh tế, cá nhân ông thấy đâu sẽ là nguy cơ lớn nhất?
Tôi cho rằng cái đau khổ lớn nhất là chúng ta nhìn ra rằng, chúng ta chưa có nền kinh tế như chúng ta đang nghĩ. Vì chúng ta không chỉ ra được nguy cơ thật sự của nền kinh tế của chúng ta là gì. Đối với các ngành công nghiệp thì ngành công nghiệp nào trong cấu trúc công nghiệp sa sút? Cơ khí có vấn đề gì, điện tử có vấn đề gì? Đối với nông nghiệp thì bao gồm những vấn đề gì? Chúng ta không có các đối tượng cụ thể của nền kinh tế để chỉ ra rằng nó có vấn đề ở chỗ nào. Chúng ta chỉ mới nói chung chung về một nền kinh tế.
Qua các phân tích ở các hội thảo vừa rồi, bỗng nhiên tôi thấy rằng hình như ta chưa thực sự có nền kinh tế đúng nghĩa. Bởi vậy nỗi lo nhất là chúng ta trống rỗng, chúng ta nói rất hay, rất sang, rất cao nhưng tất cả những gì mà chúng ta đang nhìn thấy là sự chênh lệch giữa lời nói và thực tế.
- Và thưa ông, như nhiều chuyên gia vừa nhận định tái cấu trúc cũng đang được làm một cách hình thức?
Tái cấu trúc là một cách nói hợp lý. Tái cấu trúc là sắp xếp lại để tìm một lối thoát. Dùng cách mô tả như vậy, dùng thuật ngữ như vậy hoàn toàn không sai. Trong lần trả lời phỏng vấn Đại Đoàn Kết trước đây, tôi đã nói chúng ta không tái cấu trúc kinh tế được nếu không tái cấu trúc tất cả các điều kiện để hình thành một nền kinh tế của chúng ta.
Ví dụ nếu lấy các xí nghiệp quốc doanh, các công ty nhà nước là chủ đạo chẳng hạn, thì phải tái cấu trúc cách nghĩ, ví dụ ta không theo đuổi nền kinh tế thị trường nữa. Nhưng vẫn đang đưa ra những đề nghị đối với Mỹ và một số quốc gia quan trọng khác là các anh công nhận chúng tôi là nền kinh tế thị trường đi. Tiêu chuẩn của một nền kinh tế thị trường chính là bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, tức là mọi đối tượng làm ăn đều bình đẳng trước pháp luật, và hệ thống pháp luật ấy phải tương thích với hệ thống pháp luật quốc tế để có thể hội nhập được. Tức là phải tái cấu trúc cả pháp luật, cả quan điểm, cả các đối tượng doanh nghiệp cụ thể.
Nếu muốn tái cấu trúc thì phải làm toàn diện. Tôi nghĩ rằng, Chính phủ đúng khi đưa ra chính sách tái cấu trúc lại các doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp nhà nước. Nhưng không tái cấu trúc được. Lý do là để tái cấu trúc đối tượng ấy đòi hỏi phải tái cấu trúc những vấn đề không đơn thuần là quyền lực hay trách nhiệm, mà là tái cấu trúc các quan điểm cơ bản đối với nền kinh tế và đối với các đối tượng cụ thể của nền kinh tế. Các công ty nhà nước sử dụng khoảng 70 - 80% lượng tài nguyên, 70 - 80% lượng tín dụng của đất nước, của xã hội, bây giờ nếu không tái cấu trúc được nó thì 70 - 80% tiềm lực của một nền kinh tế bị chôn vùi.
Muốn nền kinh tế sống thì phải tái cấu trúc toàn diện, không chỉ tái cấu trúc mỗi doanh nghiệp nhà nước được, mặc dù việc ấy vô cùng quan trọng.
Ảnh: Hoàng Long
Chúng ta mới hội nhập nên chưa lường trước được khốc liệt của xu thế hội nhập
- Thưa ông, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại hội thảo có cho rằng, chúng ta không thể đổ lỗi cho khó khăn chung của kinh tế thế giới và tồn tại nội tại của nền kinh tế. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Cương vị của tôi quá thấp nên không đi làm việc "hòa giải", tuy nhiên, tôi cho rằng cả 2 quan điểm đều không sai. Có lẽ chỉ có cách diễn đạt của truyền thông chưa chính xác về sự khác nhau giữa các ý kiến. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói không đổ tại nguyên nhân khách quan được, phải cho rằng nó là yếu kém chủ quan của hệ thống chúng ta. Còn nhận định của Chính phủ cho rằng, do tình trạng khó khăn của quốc tế mà làm bộc lộ tất cả mọi thứ, nếu không có khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ không có cơ hội để thấy được tất cả các yếu kém của hệ thống chúng ta. Tôi không nhìn thấy sự khác nhau giữa các ý kiến đó.
Cái gì cũng thế, kể cả khó khăn bên ngoài đi nữa thì bản chất của sự sáng suốt chính trị là nhìn thấy trước nó. Chúng ta phải nhìn thấy, phải tổ chức những yếu tố để chuẩn bị đối phó với những khó khăn từ bên ngoài. Khó khăn từ bên ngoài xuất hiện lâu rồi, không phải 2008 mới bắt đầu bộc lộ. 2008 là sụp đổ, là khủng hoảng. Dấu hiệu của sự khủng hoảng xuất hiện đã từ lâu, ta đã có kinh nghiệm của khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997. Ta thấy nó khủng khiếp như thế nào đối với các quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng của khủng hoảng. Chúng ta có kinh nghiệm nhưng không để ý đến, vì ta tưởng rằng ý chí chính trị cũng như sức mạnh bên trong là đủ để chống đỡ. Ta không thấy trước được cái khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới, bởi chúng ta vẫn tưởng rằng mình có đủ sức mạnh để chịu đựng những tai họa tầm cỡ như vậy. Có thể cái áo mưa của anh lành hơn cái áo mưa của tôi cho nên mưa ít lọt vào anh hơn tôi, nhưng nếu bão đến thì cả tôi lẫn anh đều bị thổi bay cả.
Chúng ta mới hội nhập nên chưa đủ kinh nghiệm để lường trước tất cả những sự khốc liệt của xu thế hội nhập và chúng ta phải trả giá cho chuyện ấy.
Đoàn kết, sáng suốt và lựa chọn một chính sách ngoại giao thích hợp, chúng ta sẽ ra khỏi khó khăn.
- Nghĩa là theo quan điểm của ông tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới là có thật nhưng lỗi chủ quan là không lường trước được?
Nhưng chúng ta cũng đừng đau khổ và đừng ngại vì thất bại trong việc không lường được chuyện ấy. Tất cả các nhà lãnh đạo của chúng ta phải tự tin và không nên né tránh chuyện ấy làm gì, bởi toàn thể nhân loại đều không lường trước được chứ không phải chỉ có chúng ta. Alan Greenspan khi trình bày trước Quốc hội Hoa Kỳ nói rằng: Tôi nói thật với các ngài tôi vẫn không hình dung được tại sao nó lại khủng hoảng. Người Đan Mạch, người Hy Lạp, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Tây Ban Nha, người Bồ Đào Nha, người Pháp, người Anh… đều rơi vào tình trạng như vậy. Bởi thế giới ổn định về kinh tế quá lâu rồi, các thế hệ cầm quyền sau này quên mất những bài học, những kinh nghiệm của thời kỳ đại khủng hoảng vào năm 1929. Thế giới đua nhau phát triển nhanh quá, đốt hết tất cả mọi thứ để phát triển cho nên nó phải trả giá cho sự đi nhanh quá. Không phải chỉ có chúng ta, phương Tây cũng khủng hoảng. Vì phương Tây khủng hoảng cho nên phương Tây cũng không tự tin lắm trong các hội nghị quốc tế hay trong bàn thảo quốc tế về vấn đề này, đó là tâm lý có thật và tâm trạng có thật của các nhà điều hành những nền kinh tế khác nhau ở trên thế giới.
Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo không việc gì phải cường điệu hóa hay bi quan quá về chuyện này. Chúng ta có khủng hoảng mấy, chúng ta có khó khăn mấy thì khó khăn của chúng ta hiện nay cũng không bằng khó khăn trước năm 1986. Tôi nghĩ rằng chỉ cần một sự thống nhất chính trị hợp lý, chỉ cần một sự sáng suốt và chỉ cần lựa chọn một chính sách ngoại giao thích hợp chúng ta sẽ ra khỏi khó khăn.
Nhiều người không làm ăn kinh doanh thật, không hiểu cái khốc liệt của sự làm ăn
- Ông có vẻ lạc quan khác với nhiều chuyên gia và các nhà trí thức khác?
Những năm mở cửa vừa qua đã giúp một bộ phận dân chúng đô thị có điều kiện sống tốt hơn nên bây giờ khó khăn một chút là bất mãn. Họ bất mãn bởi đã lạc quan nghĩ rằng chúng ta có thể có những triển vọng to lớn hơn. Nhưng không phải như thế. Ta đi sau thế giới, ta hứng bụi, chuyện ấy là đương nhiên. Nhiều người không làm ăn kinh doanh thật, không hiểu cái khốc liệt của sự làm ăn. Một số quan chức trong bộ máy nhà nước cũng có kinh nghiệm về quản lý, điều hành, kinh doanh nhưng trong sự thuận lợi của độc quyền và của quyền lực cũng không hiểu khó khăn thật ở ngoài đời.
Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo, nhất là những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, của Nhà nước, của Chính phủ nên tự tin. Tự tin, đoàn kết lại và tìm giải pháp. Giải pháp gì cũng phải lấy yên dân làm gốc. Nếu không giải quyết được việc yên dân thì ngay lập tức mọi khó khăn kinh tế sẽ chuyển sang khó khăn chính trị. Tất cả các bi đát của khó khăn kinh tế không phải là sự sụp đổ của các tập đoàn hay các công ty, mà là sụp đổ lòng tin vào đời sống của đại bộ phận dân chúng. Rủi ro quan trọng nhất của khủng hoảng kinh tế chính là để nó chuyển sang khủng hoảng chính trị.
Không có khủng hoảng cũng khó có cách trở thành nước công nghiệp hóa vào 2020
- Ông có thể cho biết ý kiến về việc để tạo cảm giác yên dân, có ý kiến đề nghị hạ các chỉ tiêu kinh tế xuống, nhất là mục tiêu để đạt tới công nghiệp hóa năm 2020?
Tôi nghĩ có lẽ nói năm 2020 chúng ta về cơ bản trở thành một nước công nghiệp là một thông điệp lạc quan. Phải nói rằng chúng ta quan niệm chưa đúng về công nghiệp hóa, hiện nay không có các xí nghiệp đáng kể, không có mặt hàng công nghiệp đáng kể. Tôi đã từng đến một nước Áo nhỏ bé ở châu Âu, đến một cái làng để thăm một gia đình chuyên sản xuất đầu khoan của máy khoan đá. Đầu khoan ấy người ta mua để khoan đường hầm đi từ châu Âu lục địa sang nước Anh. Công nghiệp hóa là như thế.
Công nghiệp hóa là mỗi một hộ gia đình phải có lực lượng trí tuệ tiềm năng về mặt công nghiệp, phải có những người thạo tay nghề đủ để thực hiện các dự án công nghiệp. Chúng ta chưa có, tức ta chưa có nền sản xuất cứng. Xã hội chúng ta là xã hội chưa có kỷ luật công nghiệp. Xã hội công nghiệp hóa là một xã hội vừa có kỷ luật công nghiệp, vừa có nền công nghiệp thực và vừa có địa vị trong thị trường quốc tế về nền công nghiệp của mình. Về bản chất, công nghiệp hóa là xây dựng một nền công nghiệp và một nền văn hóa công nghiệp.
Đến năm 2020, tức là còn 7 năm nữa có cách gì để làm được việc ấy. Không phải khủng hoảng kinh tế làm chúng ta phải chậm lại. Nếu không gặp khủng hoảng từ năm 2008 cho đến bây giờ thì năm 2020 chúng ta cũng khó trở thành một nước công nghiệp được. Đặt ra mục tiêu phải chặt chẽ, trở thành nước công nghiệp hóa bằng nội hàm nào, bằng phương tiện gì, bằng cách gì?
Tôi tham gia vào đời sống chính trị như một người đi tìm giải pháp
- Ở trên ông có nói các ý kiến đưa ra đang ở mức kêu ca, chưa đưa ra giải pháp. Nếu ông là người được hỏi ý kiến để tham vấn về giải pháp cho nền kinh tế thì ông sẽ nêu ý kiến gì?
Tôi có một quyển sách đến bây giờ có nhiều người bắt đầu phân tích, đó là quyển Cải cách và sự phát triển, trong đó tôi nói hết về điều kiện văn hóa, điều kiện chính trị, điều kiện kinh tế của sự phát triển là gì. Trong một loạt các bài trả lời phỏng vấn, trong đó có cả những bài trên Đại Đoàn Kết tôi nói rất rõ, phát triển là gì và chúng ta phải đi qua cái gì và phải đi đến đâu. Tôi không lấy mục tiêu là chỉ trích, mà tôi muốn tìm một số giải pháp, một số biện pháp, một số gợi ý, một số sáng kiến.
Nếu xã hội chúng ta kêu gọi sự phát huy, đi tìm kiếm giải pháp, sáng kiến, lối thoát mà không chỉ trích nữa thì tôi nghĩ rằng tất cả các cuộc hội thảo sẽ trở nên những cuộc hội thảo lịch sử. Bởi đấy là lúc xã hội ghé một vai gánh với Đảng và Chính phủ để chứng minh rằng xã hội chúng ta là một xã hội hòa bình, mọi người đều làm chính trị theo địa vị của mình chứ không đòi thay thế vị trí các nhà lãnh đạo. Tôi không phải là người làm chính trị nhưng tôi tham gia vào đời sống chính trị như một người đi tìm một số giải pháp, đi tìm một số ý kiến hợp lý.
Tôi tham gia vào đời sống chính trị, tham gia vào hệ thống chính trị như là một yếu tố phù hợp với địa vị cũng như quyền lực của tôi. Tôi phải nói thẳng rằng tôi không thích những ý kiến luôn luôn chỉ trích và đòi thay thế thể chế. Bởi vì chỉ trích dễ lắm, nhưng làm thì khó.
- Thật thú vị về tâm thế của một trí thức như ông...
Trí thức Việt Nam sau đổi mới, không biết vì lý do gì chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất, là những người tận dụng được cơ hội đổi mới và nhanh chóng trở thành những nhà kinh doanh. Lớp già như tôi thì nửa cũ nửa mới, còn những lớp sau này đã trở thành những nhà kinh doanh ghê gớm, thậm chí có những người rất liều và đã phải trả giá cũng khá đắt. Trí thức nào mà có kinh nghiệm và có năng lực thức tỉnh về kinh tế và hoạt động kinh tế, thì trí thức ấy trở thành những người đưa được các yếu tố tri thức vào nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù những yếu tố tri thức ấy không phải là hoàn toàn sâu sắc, cũng không phải là sành điệu nhưng là yếu tố tri thức thật, và họ được hưởng lợi, họ trở thành những người giàu có và thành đạt trong điều kiện mở cửa của đất nước. Gần 30 năm sau đổi mới chia ra làm hai thế hệ, tạo ra một tốc độ phát triển khác với quá khứ rất xa.
Thời kỳ đổi mới được chia ra làm hai thế hệ các nhà kinh doanh, và phải nói rằng thế hệ sau phát triển nhanh hơn thế hệ trước với một tốc độ khá lớn. Và đó phản ánh một thực trạng là tốc độ phát triển, kinh nghiệm cũng như trí tuệ hay tham vọng của trí thức Việt Nam là rất lớn.
- Ông đang nói đến những doanh nhân trí thức, còn...
Tôi đã nói đến nhóm thứ nhất là những người đón và nắm bắt được cơ hội. Còn lại cũng có những người nhìn cuộc đời qua tâm trạng của mình. Nguyễn Du đã rất tài tình khi nói về tâm trạng: Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Giật mình lại thấy thương mình xót xa.
Trí thức đến như Nguyễn Du thì Việt Nam hiện đại tôi chưa thấy ai. Có tài thì thành Nguyễn Du, bởi vì Nguyễn Du viết Truyện Kiều là nói đến những oan khuất của toàn bộ đời sống, còn những người chưa thực tài thì thường nhiều tâm trạng.
Mọi nhà nước đều phải sửa chữa thường xuyên
- Thưa ông, trở lại với ý kiến lúc nãy ông có nói về đóng góp của trí thức, chuyên gia là giải pháp, sáng kiến?
Đối với người Việt Nam, thể chế chính trị mà chúng ta đang có cho dù còn có những khiếm khuyết thì nó vẫn là một thể chế mà mỗi một người đã cam kết sống với nó. Tôi sinh năm 1946, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời năm 1945. Phải nói cho sòng phẳng, nền cộng hòa này đối với tôi là nền cộng hòa của tôi, tôi phải chăm chút giống như ngôi nhà của tôi, dột thì tôi phải lợp lại. Tôi nghĩ rằng mọi nền cộng hòa đều phải sửa chữa. Tôi đã nghiên cứu và rút ra một kết luận là mọi nền cộng hòa đều phải sửa chữa thường xuyên. Nền Cộng hòa của Hoa Kỳ cũng đang phải sửa, tại sao chúng ta không sửa mà chúng ta đòi thay nó. Thay bằng cái gì?
Phân tích thì được nhưng chỉ trích, bêu riếu thì không nên
- Cụ thể hơn, thưa ông, ý kiến của ông về cách tiếp cận để xử lý những khó khăn hiện nay?
Cần phải học cách cải cách của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Ở đấy người ta thuê người viết tổng phổ hiện đại và người ta thuê người chỉ huy hiện đại. Bây giờ để mua được một vé vào Nhà hát Lớn xem Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn phải mất từ 1-2 triệu. Từ chỗ đuổi ruồi không ai xem mà bây giờ bỗng nhiên nó có giá, bởi vì họ biết tạo ra tổng phổ và tạo ra nhạc trưởng. Đôi khi tổng phổ tạo ra nhạc trưởng, và đôi khi nhạc trưởng tạo ra tổng phổ. Kinh nghiệm của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam là một kinh nghiệm tốt.
Chúng ta phải tìm cách tốt nhất đưa đất nước ra khỏi khó khăn như hiện nay. Tất cả những ý kiến chỉ trích cá nhân những nhà lãnh đạo, chỉ trích thực trạng kinh tế, xã hội tôi nghĩ đều không tích cực. Phân tích nó thì được, nhưng đem chỉ trích, bêu riếu nó thì không nên.
Phản biện là một biện pháp để xây dựng thể chế
- Ở trên ông có nói về việc an dân, theo ông vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở đâu trong việc ổn định kinh tế, để tránh dẫn đến những khủng hoảng chính trị?
Trong hệ thống chính trị của chúng ta muốn có tiếng nói thì phải có địa vị chính trị. Địa vị chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tăng lên bằng việc tăng cương vị của người đứng đầu. Cho nên tôi kỳ vọng sắp tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ nâng được vai trò phản biện nhưng không phải theo ý nghĩa như là một sự đối lập mà một số ý kiến mong muốn. Tôi nghĩ chắc chắn là Mặt trận sẽ đưa ra một khuynh hướng phản biện như một biện pháp xây dựng thể chế, xây dựng chính trị, xây dựng kinh tế, xây dựng xã hội.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải trở thành tổ chức phản biện có cơ sở khoa học, một tổ chức tham vấn chính trị, một tổ chức hiệp thương.
Tôi nói ví dụ làm thế nào để chống được tham nhũng là cả một vấn đề. Phải phân tích cả những biện pháp lý luận để xử lý chuyện này. Chúng ta tổ chức rất nhiều hội thảo, nhưng có rất ít hội thảo bàn về nội chính và chống tham nhũng. Tôi nghĩ là báo chí, nhất là báo Đại Đoàn Kết của Mặt trận Tổ quốc là cơ quan rất thuận lợi để đưa ra các phương thuốc, mà phương thuốc ấy là phương thuốc giải độc cho mọi quá trình điều trị. Bởi vì bác sĩ nào tiêm thuốc gì là tùy theo quan điểm y học của anh ta, nhưng tiêm thuốc gì thì cũng đều phải thải độc. Mặt trận Tổ quốc và báo Đại Đoàn Kết có thể trở thành nhà chuyên môn chế thuốc giải độc. Và tôi sẵn sàng nhận lời làm cộng tác viên trong việc chế thuốc giải độc đó.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Cẩm Thúy (thực hiện)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét