Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Ai Là Lãnh Đạo Việt Nam?

Ai Là Lãnh Đạo Việt Nam?
Tác giả : Bùi Văn Phú
Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xác định quyền lãnh đạo đất nước nằm trong tay Đảng Cộng sản Việt Nam. 
Đảng này đã lãnh đạo đất nước từ năm 1945, khi Việt Nam tuyên bố độc lập và một thời gian đã có chính phủ liên hiệp do Hồ Chí Minh thành lập với nhiều đảng tham gia nội các.
Nhưng cách tổ chức nhà nước hiện nay thì ba lãnh đạo to nhất nước, Chủ tịch Nước, Tổng Bí thư, Thủ tướng, cũng như các bộ trưởng đều là lãnh đạo cao cấp trong Đảng Cộng sản.
Ở miền Bắc, trước đây có Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ít nghe đến Tổng Bí thư. Chỉ có Lê Duẩn là Bí thư thứ nhất cùng với người nắm chức Thủ tướng là Phạm Văn Đồng.

Sau khi ông Hồ qua đời năm 1969, Lê Duẩn trở thành Tổng Bí thư, một chức vụ quyền hành nhất, giống như cách tổ chức nhà nước ở Liên bang Xô Viết, mà thời Chiến tranh Lạnh thế giới nghe nhiều đến các Tổng Bí thư Nikita Khrushchev, Leonid Brezhnev, Yuri Andropov và Mikhail Gorbachev.

Việt Nam trong giai đoạn từ 1969 đến 1986 vai trò của Chủ tịch Tôn Đức Thắng hay Trường Chinh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng lu mờ trước Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Khi Lê Duẩn qua đời, Đại hội VI của Đảng vào năm 1986 công bố chính sách đổi mới với bộ ba lãnh đạo có quyền ngang nhau. Có giai đoạn việc phân chia quyền hành còn căn cứ vào yếu tố Bắc Trung Nam để ba miền đều có đại diện trong thành phần lãnh đạo cao nhất nước.

Vai trò của Chủ tịch Quốc hội cũng đang được nâng tầm. Trước đây quốc hội chỉ như con mộc cao su đóng vào những nghị quyết hay dự luật do Đảng đưa xuống.

Nay Quốc hội đã có những đòi hỏi thanh tra công việc của cơ quan nhà nước và gần đây đã thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số bộ trưởng do những sai phạm trong công việc, nổi cộm nhất là vụ tổng công ty Vinashin.

Trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, mà thực tế không có lựa chọn “bất tín nhiệm”, đã có kêu gọi đòi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức vì cách điều hành yếu kém đưa đến thất thoát hàng trăm triệu đô-la trong Vinashin. Nhưng ông Dũng không từ chức, mà qua vụ bỏ phiếu này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã củng cố lại vị trí của mình.

Có nhận định rằng văn hoá từ chức không có trong giới lãnh đạo Việt Nam. Điều này đúng với lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Dũng không từ chức vì Đảng không muốn. Cũng như trước đây Thủ tướng Phan Văn Khải đã muốn từ chức vì những chính sách cải cách của ông đề ra không được đẩy mạnh thực hiện. Nhưng Đảng cũng không cho ông từ chức.

Như thế hiện nay ai thực sự có quyền tại Việt Nam: ông Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Tấn Dũng hay ông Nguyễn Phú Trọng? Câu hỏi này có lẽ lãnh đạo của nhiều quốc gia cũng đặt ra. Vì có đến ba người đồng quyền hành chính trị, lãnh đạo các nước sẽ không biết phải mời ai hay tiếp xúc với ai nếu có những quan hệ cần bàn giữa hai quốc gia.

Tại những nước không cộng sản mà theo chế độ tổng thống hay chế độ đại nghị thì vai trò của người lãnh đạo rất rõ.

Ở Mỹ, Pháp, Nam Hàn, Philippines, Mexico, Indonesia thì tổng thống có quyền hành cao nhất. Trong khi đó ở hệ thống đại nghị như Đức, Nhật, Anh, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ thì quyền hành trong tay thủ tướng.

Với tổ chức lãnh đạo của Việt Nam cũng như ở các nước cộng sản còn lại, lãnh đạo các quốc gia không cộng sản khó có thể mời Tổng Bí thư vì không phải người tương nhiệm.

Tổng thống Mỹ đã mời Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, nhưng chưa bao giờ mời Tổng Bí thư vì Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh hay Nguyễn Phú Trọng vì chỉ là người đứng đầu đảng, không phải đại diện cho một quốc gia.

Năm 2000 Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sang Pháp và được Tổng thống Jacques Chirac chính thức đón tiếp long trọng khiến có dư luận phản đối vì không đúng với nghi thức ngoại giao.

Dù không là người đại diện quốc gia nhưng vai trò của các Tổng Bí thư Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu đã có tính lấn át quyền hành của Chủ tịch hay Thủ tướng, điển hình như khi Thủ tướng Phan Văn Khải muốn ký kết giao thương với Hoa Kỳ đã bị Tổng Bí thư Đỗ Mười cản.

Đến nay Đảng Cộng sản đã cầm quyền 58 năm, dài gần bằng cả một đời người.

Trong hơn nửa thế kỷ đó lãnh đạo cộng sản đã làm được những gì? Kể ra thì nhiều thành tích chiến thắng quân sự: đánh đuổi người Pháp năm 1954, đánh bại người Mỹ năm 1975 và chống lại Trung Quốc xâm lược năm 1979.

Đạt thành công chiến trường, nhưng xây dựng đất nước thì chưa được bao nhiêu. Gần bốn mươi năm từ ngày thống nhất, nước Việt Nam vẫn ì ạch sau nhiều nước lân bang về nhiều mặt từ kinh tế, giáo dục, công nghệ cho đến văn hoá, xã hội, chính trị.

Chậm phát triển có lẽ vì Việt Nam thiếu một người lãnh đạo giỏi và có quyền trong thời bình. Trong thời chiến chỉ một người quyết định chính sách là Lê Duẩn với quyết tâm giải phóng miền Nam bằng quân sự đã thành công.

Sau hai thập niên bị cô lập vì Hoa Kỳ cấm vận, Việt Nam đang trên đường hội nhập kinh tế toàn cầu và nay đang có những đòi hỏi cải cách chính trị hầu nâng cao vị thế Việt Nam trên chính trường quốc tế.

Tuy nhiên Hà Nội thường biện luận rằng duy trì độc đảng sẽ có ổn định để đất nước phát triển hơn là đa đảng gây xáo trộn và có nhắc đến thời độc tài ở Nam Hàn với Park Chung Hee, Singapore với Lý Quang Diệu hay Đài Loan với họ Tưởng.

Nhưng Park Chung Hee với Đảng Tân Dân chủ, Lý Quang Diệu với Đảng Nhân dân Hành động hay Tưởng Giới Thạch, Tưởng Kinh Quốc với Quốc Dân đảng là những lãnh đạo có nhiều quyền nên những quyết sách của họ đã đưa đất nước tiến lên và chuyển hoá sang tự do dân chủ.

Còn Việt Nam trong những thập niên qua nếu có lãnh đạo nào đưa ra những quyết sách thay đổi thì lại gặp lực cản ngay trong Bộ Chính trị vì ý thức hệ, vì tranh giành lợi ích cá nhân nên đẻ ra tham nhũng như Lý Quang Diệu đã có nhận xét về Việt Nam trong cuốn sách “One Man’s View of the World” của ông mới xuất bản năm nay.

Thời đại toàn trị tại Việt Nam kéo dài đã hơn nửa thế kỷ. Đã đến lúc nên có cải tổ cơ chế cho Việt Nam.

Một thể chế mới với quyền hành dành cho Thủ tướng là đại diện đảng chiếm đa số trong một một Quốc hội do toàn dân bầu chọn, trong đó có đại biểu của ít nhất hai đảng đối lập nhau, giống như ở các nước theo dân chủ đại nghị. Thủ tướng cũng kiêm luôn vai trò chủ tịch của đảng cầm quyền. Còn Chủ tịch Nước là vị Nguyên thủ, đại diện cho quốc gia trong các nghi lễ, ký kết các qui ước ngoại giao với bên ngoài.

Một nước Việt Nam tự do dân chủ sẽ hoà nhập với xu thế thời đại và được thế giới nể trọng.

© 2013 Buivanphu.wordpress.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét