Kinh tế Mỹ đứng trước nguy cơ ‘đụng trần’
Kết thúc quý II/2013, kinh tế Mỹ tiếp tục lấy lại được đà tăng trưởng nhờ những tín hiệu tích cực từ chi tiêu tiêu dùng. Tuy nhiên, các nhà phân tích lo ngại sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thực sự bền vững khi chính phủ nước này đang ngày càng tiến gần tới nguy cơ đóng cửa vì nợ nần.Đà phục hồi trong quý II chủ yếu là nhờ những chi tiêu tiêu dùng - nhân tố đóng góp tới 70% tăng trưởng GDP của Mỹ - với tốc độ tăng trưởng 1,8%. Trong khi đó, hoạt động thương mại góp phần kéo lùi nền kinh tế với xuất khẩu tăng trưởng thấp hơn dự báo. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tăng 8,6%, nhập khẩu tăng 7%.
Trả lời phỏng vấn của hãng RT, Yaroslav Lissovolik, chuyên gia kinh tế trưởng của Deutsche Bank, cho rằng: “Kinh tế Mỹ đang trên đường phục hồi và nhiều khả năng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 1,8% trong năm nay”.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích thị trường Igor Nikolaev, giám đốc phân tích chiến lược của PKF, cho rằng tăng trưởng kinh tế của Mỹ thiếu sự bền vững khi lạm phát vẫn ở dưới mức mục tiêu đề ra của Cục dự trữ Liên bang (Fed) là 2%, cùng với đó là vấn đề nợ công đang đè nặng áp lực lên chính phủ Mỹ khi tăng vọt lên 16,9 nghìn tỷ USD. Thậm chí, Nikolaev còn ví “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ như một bệnh nhân đang ủ bệnh có thể gặp vấn đề bất cứ khi nào.
Sau nhiều cảnh báo, hiện các nghị sĩ Mỹ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách, giảm nợ công và tăng nguồn thu khi thời hạn chót 1/10 để thông qua ngân sách tài khóa 2014 đã cận kề. Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama và Đảng Dân chủ vẫn khẳng định sẽ không đàm phán với Đảng Cộng hòa liên quan đến yêu cầu Chính phủ đồng ý các biện pháp cắt giảm ngân sách để đổi lại sự ủng hộ cho vấn đề nâng trần nợ. Chính những bất đồng này đã khiến nhiều nhà phân tích lo ngại kịch bản hai bên không đạt được thỏa thuận trước khi Washington cạn tiền là rất lớn.
Nếu nợ công kịch trần, cường quốc kinh tế số một thế giới có thể lâm vào cảnh vỡ nợ. Khi đó, một số cơ quan liên bang và chương trình sẽ buộc phải tạm ngừng vì thiếu tiền hoạt động, đẩy hàng trăm nghìn nhân viên phải nghỉ phép không lương.
Không chỉ vậy, kịch bản vỡ nợ của chính phủ Mỹ còn có thể làm “náo loạn thị trường tài chính, phá vỡ niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp” như nhận định của hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s đưa ra hồi đầu tuần này. Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng nó có thể khiến lãi suất tăng vọt và thị trường chứng khoán lao dốc. Chuyên gia Mark Zandi của Moody’s ước tính: nếu chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động trong 3-4 tuần, GDP của nước này sẽ giảm 1,4% trong quý IV/2013, còn nếu chính phủ vẫn hoạt động bình thường thì Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong quý cuối năm nay.
Tuy nhiên, kết quả thăm dò do hãng tài chính Bloomberg thực hiện và công bố hôm 26/9 lại cho thấy hầu hết người dân Mỹ không thích nâng trần nợ công. Theo đó, 61% người được hỏi nói “không” với phương án nâng trần nợ công để tránh kịch bản vỡ nợ và cho rằng việc chính phủ Mỹ cắt giảm chi tiêu công là đúng đắn bởi Quốc hội thiếu nguyên tắc quản lý chi tiêu. Thực ra, cũng không riêng gì Mỹ, người dân ở bất cứ nước nào cũng không “ưa” việc Chính phủ phóng tay quá đà, để rồi mỗi khi chuẩn bị rơi xuống vực lại dùng tiền thuế của dân để “neo” tạm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét