Đối với trẻ em cũng vậy, nếu là những đứa có suy nghĩ, gặp điều kiện thuận lợi, chúng sẽ phát triển tốt; ngược lại nếu là những đứa ham chơi, năng lực tư duy kém, thì môi trường quá sung túc hay gia tài thừa kế lớn chỉ làm chúng nhanh hư hỏng.
“Chùm khế ngọt” ngân sách là nguyên nhân chính làm giáo dục tụt hậu?
"Nghèo không phải là nguyên nhân chính làm giáo dục tụt hậu, chính “chùm khế ngọt” ngân sách mới là nguyên nhân chính. Cái “bầu sữa” ngân sách ấy khiến cho những bộ óc quản lý trong ngành càng ngày càng trì trệ. “Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm” không phải là điều lạ đối với một bộ phận công chức...".
Nghèo không phải là nguyên nhân chính làm giáo dục tụt hậu,
Dự thảo đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (viết gọn là ĐMGD)” đã được Bộ GD&ĐT công bố. Đề án đã qua chỉnh sửa tuy nhiên vẫn còn phải chờ ý kiến phê duyệt. Nhiều vấn đề lớn, mang tính định hướng, tầm nhìn như tư duy giáo dục, chiến lược phát triển con người (đội ngũ nhà giáo, nhà quản lý, học sinh sinh viên), xã hội hóa giáo dục, đánh giá, thi cử… đã được thể hiện rất rõ trong đề án.
Có một vài vấn đề có lẽ cần phân tích thêm để làm sáng tỏ, trên tinh thần đó xin nêu một vài suy nghĩ. Trong bài trước, chúng tôi đã giới thiệu phần 1 bài viết của TS Dương Xuân Thành: Nền giáo dục “bắt chước” nhiều thập kỷ qua đã bóp chết sự sáng tạo? Trong phần này, TS Dương Xuân Thành sẽ đề cập đến các vấn đề như: Giáo dục và kinh tế, Giáo dục và nền tảng đạo đức xã hội, Giáo dục và cơ chế...
Giáo dục và kinh tế
Sẽ là rất ấn tượng nếu nhìn vào con số 20% ngân sách hàng năm được dành cho giáo dục, nhưng nếu nhìn kỹ hơn sẽ thấy đầu tư của nhà nước cho một sinh viên một năm chỉ vào khoảng 500 đô la trong khi thế giới con số này là từ 5.000 đến 50.000. Điều cần phải nói là có khoảng xấp xỉ 13% sinh viên theo học các trường ngoài công lập, những sinh viên này không được hưởng một chút gì từ ngân sách nhà nước mặc dù ngân sách thu được từ tiền thuế của toàn dân.
Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế tự động hóa cao trong các cơ sở sản xuất, số lượng kỹ sư sẽ dần nhiều hơn công nhân. Giáo dục trở thành tiêu chí hàng đầu trong các chí tiêu tạo lập năng lực cạnh tranh quốc gia, như đề xuất của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thuộc Bộ KH-ĐT: “Các trụ cột này gồm giáo dục đào tạo bậc cao, thị trường hàng hóa, thị trường lao động, thị trường tài chính, quy mô thị trường và mức độ sẵn sàng về công nghệ” [7].
Nghèo không phải là nguyên nhân chính làm giáo dục tụt hậu, chính “chùm khế ngọt” ngân sách mới là nguyên nhân chính. Cái “bầu sữa” ngân sách ấy khiến cho những bộ óc quản lý trong ngành càng ngày càng trì trệ? “Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm” không phải là điều lạ đối với một bộ phận công chức. Vì sao người ta phải đấu đá quyết liệt chức Hiệu trưởng cả trong các trường ĐH công lập như ĐH KT, hay tư thục như ĐH HV. Chắc chắn ở đây không phải để giành lấy một “vinh quang” gì đó, chắc chắn chỉ có một mục đích: “quyền và tiền”.
Nghèo chỉ là là nguyên một trong các nguyên nhân dẫn tới sự yếu kém của giáo dục, nhưng nhiều tiền cũng chưa chắc đã làm giáo dục khá lên. Khi nào những nhóm lợi ích còn nắm quyền chi phối giáo dục (nhóm xuất bản, nhóm công lập, nhóm bộ-ngành, nhóm địa phương…) thì giáo dục Việt Nam chưa chắc giữ được vị trí thứ 5 ở Đông Nam Á chứ đừng mơ tầm cỡ cao hơn.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng: “chính ngành giáo dục cũng phải vì lợi ích của người dân, của xã hội mà phải chiến thắng lợi ích của ngành mình”. Còn ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thì nêu ý kiến: “Rất thông cảm với ngành GD-ĐT vì ai cũng phải lo cho nồi cơm của mình nhưng nếu chỉ lo thế mà không nghĩ lo cho nồi cơm chung thì đất nước làm sao có Thánh Gióng?” [8].
Cách đề cập như vậy phần nào không công bằng bởi lẽ Giáo dục không phải là ngành lũng đoạn nền kinh tế đất nước, đó phải là Điện, Ngân hàng, Xăng dầu, Bất động sản, Tài nguyên Môi trường… Sự xuống cấp của giáo dục chỉ là “tác dụng phụ” của bài thuốc chẳng phải là gia truyền mà cũng chẳng phải của Y khoa hiện đại.
Người xưa có truyện ông lang băm nọ nhận một bệnh nhân bị đau bụng, giở sách thuốc thấy cuối một trang có câu viết: “đau bụng uống nhân sâm” thế là bốc cho bệnh nhân thang thuốc nhân sâm. Bệnh nhân uống xong lăn ra chết, người nhà kiện lên quan phủ, ông lang cãi mình bốc theo sách. Quan phủ giở sách thuốc tìm thấy ở đầu trang sau còn mấy chữ “thì tắc tử” liền tống giam lang băm vào ngục không cần xét xử.
Với thực trạng kinh tế xã hội hiên nay, “nhân sâm” không phải là liều thuốc tốt cho Giáo dục. Hãy chữa bệnh trước, uống thuốc bổ sau, làm sao để các chất độc tích tụ mấy chục năm qua được đào thải ra ngoài. Ai cũng biết chính sách, chế độ đối với đội ngũ giáo viên các cấp hiện nay là rất bất cập, nhưng nếu tăng gấp ba bốn lần lương cho giáo viên liệu ngay lập tức có nâng được chất lượng bài giảng?
Chủ trương điều 600 cử nhân trẻ về làm phó chủ tịch xã nghèo đang được tổng kết, nếu nó tốt hãy nhân rộng sang giáo dục, hãy phấn đấu trong vòng 5 năm tới có được vài chục nghìn giáo viên chất lượng cao về các trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Kinh tế chưa phát triển, nhà nước không thể bao cấp mãi cho giáo dục. Vì sao chủ trương xã hội hóa giáo dục có nguy cơ phá sản? Hãy thử làm một bài toán đơn giản như thế này:
Dân số Việt Nam năm 2013 vào khoảng 90 triệu người, số liệu thống kê của Tổng cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho thấy quy mô gia đình Việt là 4.4 người/1 hộ [9], như vậy toàn quốc có khoảng 20 triệu gia đình. Giả thiết rằng, bình quân mỗi gia đình một năm chi cho học thêm, sách giáo khoa các khoản đóng góp khác là 3 triệu đồng (cho 2 con) thì số tiền này trên phạm vi cả nước sẽ là 6 nghìn tỷ (tương đương 3 tỷ đô la), bằng 37.5% ngân sách nhà nước dành cho giáo dục. Còn nếu tính thêm số tiền mà người Việt bỏ ra cho con cái du học nước ngoài thì tổng chi của xã hội cho giáo dục không chênh lệch nhiều lắm so với ngân sách.
Vì sao một nguồn lực lớn như vậy không được tận dụng cho mục tiêu xã hội hóa giáo dục? Người viết đã từng đề xuất: “nhà nước xây trường, phụ huynh chọn lãnh đạo, giáo viên và trả lương, lợi năm bảy đường vì nhà nước bớt khoản chi lương, học sinh không phải học thêm, giáo viên không phải dạy thêm, những thầy cô yếu kém sẽ bị đào thải”.
Phải chăng đây chính là mô hình “cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư” mà đề án đã đề cập?
Cũng cần nói về điều mà dự thảo đề án nêu tại khoản e mục 7: “phân định rõ ngân sách chi cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học với ngân sách chi cho các cơ sở đào tạo bồi dưỡng thuộc hệ thống chính trị và các lực lượng vũ trang”. Lâu nay giáo dục vẫn bị mang tiếng là sử dụng đến 20% ngân sách. Nếu biết rằng các trường khối quân sự, an ninh, chính trị cũng là “đồng sở hữu” số tiền ít ỏi đó thì sẽ thấy giáo dục chẳng còn được là bao. Đặc biệt là hệ thống các trường chính trị hiện đã phổ cập đến cấp huyện. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông nước ta có 696 huyện, 63 tỉnh, từ huyện, tỉnh đến trung ương số lượng trường chính trị có lẽ không ít hơn số trường CĐ-ĐH trong cả nước.
Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, đầu tư một cách thông minh cho giáo dục mới là điều chúng ta cần bàn chứ không phải vấn đề đầu tiên là “tiền đâu”!
Giáo dục và nền tảng đạo đức xã hội
Muốn xây dựng xã hội mới phải có con người mới, hay như chúng ta vẫn nói, muốn xây dụng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa.
Con người của chúng ta hiện nay “mới” hay “cũ”? Tư duy của họ “mới” hay “cũ”? Phải nói thẳng rằng đại bộ phận tinh hoa của đất nước vẫn là những con người mang nặng tư duy kiểu cũ, tư duy kiểu khoa bảng chứ không chỉ là của người dân như nhận định trong đề án. Còn lớp trẻ thì đang tranh thủ tận hưởng chùm khế ngọt không phải trồng trọt, chăm bón, đang tự đầu độc mình bằng những trào lưu văn hóa “xấu xí”. Con người “mới” chưa hình thành, con người “cũ” ngày càng xấu đi, đó là thực trạng xã hội hiện nay.
Có lẽ chính vì thế mà đề án đã có một sự dũng cảm khi đặt mục tiêu tổng quát của ĐMGD là: “giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, yêu gia đình, yêu tổ quốc…”. Một người không yêu gia đình mình thì không thể yêu Tổ quốc, đồng bào. Một kẻ bất kính với ông bà, cha mẹ thì không bao giờ có thể là công dân tốt. Cho đến hết tiểu học, nghĩa là khoảng 10 tuổi, trẻ em cần được giáo dục tình yêu gia đinh, ông bà, cha mẹ, anh em, cần được rèn luyện tính tập thể và đặc biệt là tiếng Việt chứ chưa phải là Toán hay các môn khoa học tự nhiên khác.
Lứa tuổi này các cháu chưa hiểu được các khái niệm trừu tượng như tổ quốc, đồng bào, quê hương, đất nước… Tình yêu tổ quốc sẽ được vun đắp một cách tự nhiên qua tình yêu làng xóm, rặng cây, con suối quanh nhà. Tình yêu đồng bào sẽ tự nhiên được mở rộng qua tình yêu cô dì, chú bác, hàng xóm, thầy cô giáo và bạn bè trong lớp…
Phát súng lục mà chúng ta bắn vào “tình yêu gia đình” đang bị trả giá bằng đại bác, điều này chính Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã phải chua xót thừa nhận: “Trước vấn đề tệ nạn xã hội gắn với tội phạm của giới trẻ xảy ra còn nhiều: Hành xử giang hồ, bạo lực học đường, thậm chí cướp trong học đường...đó là sự vô cảm, mất nhân tính, là vấn đề rất cấp thiết và rất khó giải quyết, cần có thời gian và sự phối hợp nhiều ngành…” [10].
Thời gian có giải quyết được không? Câu trả lời là không. Thời gian của công chức, viên chức Việt ngày nay quá thừa thãi, một tuần chỉ làm việc 5 ngày, một ngày chỉ vài ba tiếng. Cần thời gian có nghĩa là tạo thêm điều kiện cho họ cà phê, đọc báo, chơi game… Chúng ta không cần thêm thời gian mà là phải tận dụng hết thời gian hiện có.
Nhiều ngành có giải quyết được không? Câu trả lời cũng là không. Phó Thủ tướng nói 30% công chức “cắp ô”, Bộ trưởng Nội vụ nói chỉ có 1%. Cấp trên nói, cấp dưới trực tiếp còn dám “cãi” huống hồ cá mè một lứa kiểu “các ngành” thì làm sao bảo được nhau, làm sao phối hợp với nhau khi ai cũng chỉ lo cho “nhóm lợi ích” của mình.
Vậy thì nhờ vào ai? Theo xuy nghĩ chủ quan của người viết chỉ có thể nhờ vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo và đội ngũ đảng viên của Đảng.
Tại sao lại như vậy? Vì theo số liệu của Bộ Nội Vụ, cuối năm 2012 cả nước có 525.481 công chức, 1.699.288 viên chức, tổng cộng là 2.224.769 người, gần một nửa trong số này có trình độ từ ĐH trở lên [11]. Số lượng đảng viên hiện có là 3.636.158 người [12]. Với số lượng áp đảo như vậy, nếu ba triệu sáu đảng viên làm tốt các quy định của đảng và pháp luật của nhà nước thì hơn hai triệu công chức viên chức sẽ buộc phải trở thành những công bộc đúng nghĩa của dân, nguồn gốc tiêu cực, tham nhũng sẽ bị triệt tiêu và những tấm gương xấu cho con trẻ sẽ không còn.
Cần phải nhấn mạnh, rằng nguồn gốc của tiêu cực và tham nhũng không phải là từ các đảng viên mà từ “một bộ phận không nhỏ” người có chức, có quyền, chỉ không may là phần lớn những người đó lại là đảng viên mà thôi.
Giáo dục và cơ chế
Báo chí nói nhiều về việc xẻ thịt các rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, nhưng ít người biết Giáo dục còn bị “xẻ thịt” tang thương hơn nhiều. Trong 20% ngân sách gọi là dành cho GD-ĐT, thực sự giáo dục chỉ được sử dụng một phần còn lại là dành cho khối trường chính trị, dạy nghề, an ninh, quốc phòng. Tương tự như vậy với gần 500 trường CĐ-ĐH, Giáo dục cũng phải chia cho các bộ, ngành, đoàn thế, địa phương phần còn lại chưa đến 13% [6].
Thắng lợi của cải cách ruộng đất là người cày có ruộng, thắng lợi của ba lần cải cách giáo dục trước (1950, 1956, 1981) là các bộ, ngành, địa phương có trường, thậm chí công đoàn, phụ nữ, thanh niên cũng có trường (học viện) đấy chẳng phải là biểu hiện manh mún và tâm lý tiểu nông mà cơ chế mang lại sao?
Cơ chế hiện nay không chỉ khuyến khích mà còn tạo điều kiện cho phần lớn trí thức trở thành quan chức theo cách muốn làm lãnh đạo phải có học hàm, học vị. Dù là mua bẳng rởm, dù là nhờ người học hộ, thi hộ thì cũng vẫn ung dung tại vị hoặc lên chức sau một thời gian né tránh búa rìu dư luận.
Theo TS. Trịnh Ngọc Thạch, Phó CN UB Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “chỉ có khoảng hơn 1% GS, 3% PGS và 10-12% TS giảng dạy trong các trường ĐH” (giaoduc.net.vn ngày 17/09/2013). Có đâu trên thế giới này mà 97% PGS và gần 99% giáo sư không làm công tác giảng dạy ĐH như ở Việt Nam không?
Sự nguy hiểm không phải chỉ là việc các “nguyên khí quốc gia” quay lưng với giáo dục mà còn ở chỗ họ trở thành “con đầu đàn” ở những nới lắm tiền, nhiều của. Họ không hề bị lóa trước ánh đèn khi xuất hiện trên tivi bởi họ đã quen với ánh sáng lấp lánh trong két sắt nhà mình.
Trong bài “Một số cơ chế chính sách với các trường đại học, cao đẳng NCL xa thực tế” báo Giaoduc.net.vn ngày 11/9/2013 dẫn ý kiến của ông Lê Văn Học – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: ” lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định nếu có thay đổi gì trong tuyển sinh cũng phải chờ sau 2015. Tuy nhiên, trong Luật Giáo dục đại học đã quy định các trường được phép tự tuyển sinh, tự ra đề, nếu bộ Giáo dục tuyên bố như vậy phải chăng Luật sẽ vứt vào sọt rác?”.
Về vấn đề này Laodong.com.vn ngày 21/9/2013 dẫn lời Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Ở VN có một luật rất hay, rất lạ mà thế giới chưa có là luật phổ biến giáo dục pháp luật. Có nghĩa, luật ban hành ra rồi vẫn không làm, đến khi ra thêm luật phổ biến giáo dục pháp luật cũng... chưa làm”.
Vậy là lỗi không phải của riêng ngành Giáo dục, đánh giá của ông Lê Văn Học như vậy là không công bằng, lỗi là của “cơ chế”. Giáo dục có chậm triển khai thì cũng chỉ do “toét mắt là tại hướng đình, cả làng bị toét chứ mình em đâu”.
Dư luận, trong đó có cả người viết đôi khi trách cứ Giáo dục một cách vội vã, nhưng mà những lúc bực mình thì phải tìm ra ai đó “giơ đầu chịu báng”, chứ chẳng lẽ lại tìm “cơ chế”?
Ngành Giáo dục có cần chiến thắng chính mình? Câu trả lời là cần nhưng không thể. Cơ chế như cái vòng kim cô mang trên đầu mà Giáo dục không thể tự cởi, thần chú có thể tìm thấy vô khối nhưng “Quan Âm Bồ Tát” thì chỉ có một.
TS Dương Xuân Thành
(GDVN)
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chum-khe-ngot-ngan-sach-la-nguyen-nhan-chinh-lam-giao-duc-tut-hau/318376.gd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét