Phí ‘bôi trơn’ đã trở thành luật bất thành văn
Hơn 70% doanh nghiệp trong nước thừa nhận phải dùng đến những khoản “lót tay” cho các cán bộ để được việc trong các quan hệ hành chính hoặc giao dịch dân sự và 68% doanh nghiệp khẳng định không hối lộ khó xong chuyện.Phí bôi trơn đã trở thành luật bất thành văn bởi tâm lý e ngại không “bôi” khó “trơn” của các doanh nghiệp
Kết quả khảo sát mới đây của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới cho thấy hầu hết ý kiến của các doanh nghiệp đều cho rằng luật kinh doanh và các thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê vẫn chủ yếu để “hành” doanh nghiệp là chính. Vì vậy, muốn mọi chuyện được thuận buồm xuôi gió, các doanh nghiệp buộc phải sử dụng đến các khoản “bôi trơn”, “hoa hồng”.
Trả lời câu hỏi về hiệu quả việc “bôi trơn”, 32% doanh nghiệp cho rằng muốn giải quyết công việc nhanh, hiệu quả thì phải chịu chi; 26% doanh nghiệp thẳng thắn thừa nhận chi phí “mua” công quyền còn rẻ hơn lợi ích tiềm năng mang về. Đặc biệt, có tới 68% doanh nghiệp khẳng định nếu không hối lộ sẽ khó xong việc. Như vậy, với tâm lý e ngại không “bôi” khó “trơn”, “văn hóa phong bì” dường như đã trở thành luật bất thành văn trong môi trường kinh doanh Việt Nam dù những khoản phí không chính thức này không hề nhỏ.
Theo đánh giá của các chuyên gia và giới kinh doanh, một trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp phải chi trả “phí bôi trơn” nhiều nhất đó chính là lĩnh vực BĐS. Cụ thể, phí này đang chiếm 25-30% tổng chi phí thực hiện dự án của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều đáng nói là các doanh nghiệp không phải một mình gánh hết những khoản chi phí “ngầm” kia mà người chịu thiệt thực sự lại chính là những người tiêu dùng cuối cùng. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khi “bôi trơn” xong, các doanh nghiệp sẽ đưa số chi phí đó vào giá thành, giá bán nhà. Điều này cũng lý giải một phần lý do vì sao giá BĐS hạ mãi mà vẫn nằm “trên trời”, để rồi hình thành nên cục nợ tồn kho khổng lồ, phải mất 4-5 năm mới có thể tiêu hóa hết.
Thực tế, không chỉ trong ngành BĐS, phí “bôi trơn” có mặt ở hầu hết các lĩnh vực. Doanh nghiệp bất kể quy mô lớn nhỏ trên thương trường đều không còn xa lạ với những khoản “lót tay” mỗi khi đến cạy cửa công quyền. Những điểm bán hàng tạm bợ trên vỉa hè, lề đường cũng phải nhìn nhận “trách nhiệm bôi trơn” như một thứ thuế mặc nhiên phải có. Thậm chí, khi bước chân vào giảng đường – nơi học chữ, học làm người, con trẻ được chứng kiến cảnh cha mẹ mình trầy trật dấm dúi nhét phong bì vào bó hoa thơm lừng tặng thầy cô. Khi đến bệnh viện với toàn các thiên thần áo trắng, bệnh nhân dù có thở không ra hơi vẫn nhớ quy lời cảm ơn ra những con số.
Dần dà phí “bôi trơn” trở thành một “phản xạ có điều kiện” của mỗi người, theo chân họ kể cả khi đi làm, điều hành, quản lý hay làm bất cứ công việc gì, rồi tiến tới trở thành một nét “văn hóa” đặc trưng đến nỗi nhắc đến câu chuyện đầu tư, giới kinh doanh nghĩ ngay đến việc cho cấp dưới đi mua… phong bì. Điều này khiến không ít nhà đầu tư nước ngoài cảm thất mệt mỏi, chi phí cơ hội và chi phí sản xuất kinh doanh cũng bị đội lên.
Thích nghi được thì mới có thể tồn tại. Đây cũng là một trong những lý do vì sao nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào Việt Nam đang có chiều hướng sụt giảm mạnh. Sự suy giảm của FDI vào Việt Nam được nhìn thấy rõ rệt vào năm 2011. Sau khi đạt rất cao vào tháng 4/2011, với số vốn đăng ký lên tới 1.370 triệu USD, FDI bắt đầu tụt dốc và xuống đáy ở con số 185 triệu USD trong tháng 12/2011. Kết thúc năm 2012, vốn FDI đăng ký mới chỉ đạt hơn 13 tỷ USD, chỉ bằng 84,7% năm 2011 và kém khá xa kế hoạch đề ra từ đầu năm là thu hút 15-17 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2013, vốn FDI vẫn tiếp tục giảm mạnh, đặc biệt là ở 2 đầu tàu kinh tế.
Theo Tổng Cục thống kế, tính đến hết 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội giảm tới 21,2%, trong khi đó, con số này tại TP.HCM lên tới mức báo động, tương đương mức giảm 43%. Trong khi đó, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, chỉ có khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài mới không bị tác động nhiều bởi những khó khăn kinh tế nội địa và yếu kém của thể chế kinh tế Việt Nam. Có thể thấy, “phong bì” có thể bôi trơn một nhóm hệ thống lợi ích phức tạp, song không thể khiến cả nền kinh tế hoạt động trơn tru.
Vân Du
(Sống mới)
Vân Du
(Sống mới)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét