Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Võ Văn Kiệt, người “mắc nợ những kỳ vọng”

Võ Văn Kiệt, người “mắc nợ những kỳ vọng”
Huỳnh Sơn Phước - Gặp nhà báo, Võ Văn Kiệt thường đặt câu hỏi trước, lắng nghe, để thấu rõ dân tình qua một kênh thông tin từ người đọc, công dân, người đóng thuế. Gặp Võ Văn Kiệt, với nhà báo là cơ hội săn tin, khai thác các tầng sâu đằng sau các sự kiện, nói thẳng những gì còn lẩn khuất giữa những dòng chữ.
Có lúc bất đồng, ông sẵn sàng tranh luận, tuyệt nhiên không bao giờ ông đối xử với nhà báo như cán bộ cấp thấp dưới quyền, nên không bao giờ áp đặt hay cán thuốc. Chính phủ thời Võ Văn Kiệt là chính phủ đầu tiên xác định: "Báo chí là một kênh thông tin rất quan trọng, không thể thiếu đối với người lãnh đạo và điều hành việc nước”.


Tháng 9-1975, báo Tuổi Trẻ ra đời ở TP.HCM thì báo Sài Gòn Giải Phóng đã phát hành đến số thứ 120, với 90.000 bản mỗi ngày. Báo Công Nhân Giải Phóng 25.000 bản, Phụ Nữ 25.000 bản. Phát hành sau gần 5 năm, Tuổi Trẻ cũng chỉ là một nội san với số lượng phát hành không quá 10.000 bản một tuần. (tháng 6-2008 hơn 450.000 bản mỗi ngày).

Tháng 4-1980, Võ Văn Kiệt hỏi: “Vì sao trước 1975 ai làm báo cũng giàu, bây giờ năm nào Tuổi Trẻ cũng ngửa tay xin tiền, xin giấy, cho đồng nào xài hết đồng ấy? ”. Liệu còn có cách nào để tự lập không? Và rồi chính ông đã ra quyết đinh: từng bước cắt tài trợ ngân sách, trả cho Tuổi Trẻ quyền tự chủ và sống nhờ vào sự chi trả của người đọc.

Tháng 5-1981. Khi thị trường còn là điều cấm kỵ, nền kinh tế bị trói chết trong cơ chế tập trung và chế độ bao cấp hoang phí, Võ Văn Kiệt đến từng nhà máy loay hoay tiến hành những cuộc thể nghiệm không có tiền lệ và ngoài vòng luật pháp hiện hành. Các doanh nghiệp mới dám nói đến chuyện hai kế hoạch, ba lợi ích, thì đã có ngay lời bàn xỉa xói “bít lợi A”. Ông kéo nhà báo đến nhà máy trò chuyện với công nhân, làm việc với các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế tài chính, ngân hàng, với các nhà quản trị kinh doanh từng trải trong thị trường... Ông đứng sau lưng các giám đốc dám đánh đổi tất cả để sản xuất bung ra. Lúc đó, giới thạo tin nói rằng: Người Sài Gòn có thừa kinh nghiệm trong kinh tế thị trường đã cứu lấy Đảng bộ của mình, nhưng trong dư luận xã hội thì lại kháo nhau: “Ông Sáu Dân chịu chơi, dám bứt phá, mở đường”.

Thôi làm thủ tướng, ông có nhiều thời gian để chia sẻ với nhà báo những chuyện sâu kín của một chính khách, những sự thật cần cho tương lai. Ngày 30-4-2005, ông kể: “Sau ngày 30-4-1975, khi giữ cương vị bí thư Thành ủy TP.HCM, tôi có dịp trò chuyện với cố đức tổng giám mục Nguyễn Văn Bình. Một lần, cùng cố tổng giám mục đến thăm các cháu thiếu nhi vui chơi trong vườn Tao Đàn, tôi nói với cụ: “Nhìn những cháu bé đang chơi với nhau ấy, làm sao có thể phân biệt được cháu nào có đạo, cháu nào không, cháu nào là “con quốc gia”, cháu nào là con cộng sản?". Cố tổng giám mục Nguyễn Văn Bình nhất trí với tôi: “Chỉ người lớn mới phải chịu trách nhiệm về những sự phân biệt đó”. “Giá như đổi mới sớm hơn”, đọc sử cho tương lai, ông dẫn người nghe vào nỗi đau riêng của một người từng trải ở chính trường: không giáo điều, không duy ý chí, không đố kỵ thì đâu có phải trả giá đắt như giai đoạn 1975 - 1985".

Lúc này giới quan sát bắn tin cho nhau về một dự báo lạc quan khả năng có bước đột phá về chính trị, 2005 đêm trước của đại hội 10, thời điểm đã chín cho một cuộc vận động “đổi mới lần thứ 2”. Từ đầu tháng tư, khi đi tìm những cuộc phỏng vấn độc quyền, chúng tôi biết nhiều đông nghiệp đã đến trước. Trả lời phỏng vấn báo Quốc Tế (Bộ Ngoại giao) Võ Văn Kiệt nói: Sau 30 năm, một sự kiện liên quan đến chiến tranh “ khi nhắc lai có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần đươc giữ lành thay vì tiếp tục làm nó thêm rỉ máu”. Với những người từng đưa quân đến xâm lươc và đánh thuê trên đất nước ta, chúng ta còn khép lai quá khứ, đưa tay kết bạn huống chi là người nước mình”… Về đối nội, theo tôi, đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện ở trong nước hay ở bên ngoài. Bản thân tôi cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ không thể không nói đến vai trò của nội các Dương Văn Minh và các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ - Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ”. Trên báo Lao Động: “Phải thông hiểu sâu sắc truyền thống của dân tộc VN, lòng yêu nước thương nòi trong mỗi trái tim người VN, cho dù sự biểu hiện có thể rất khác nhau với nhiều hoàn cảnh không giống nhau, thì mới đánh giá đúng sự kiện 30-4-1975… Chúng ta cần ôn lại để tự soi sáng cho mình trong những bước đi sắp tới… Không có một tình huống nào mà không có lối ra. Chỉ cần chúng ta biết thật sự cầu thị, dám vượt qua chính mình, chân thành lắng nghe và trân trọng tiếp thu những tiếng nói trung thực của mọi người VN vốn nặng lòng với đất nước, mở rộng dân chủ để mọi sáng kiến, mọi kế sách tâm huyết đến được với những nơi cần đến, nhất định sự nghiệp của chúng ta sẽ giành được thắng lợi”.

Là người luôn có những ý tưởng đột phá, ông có cái thế mạnh của người trong cuộc, trong tổ chức, trăn trở, động não khi bị buộc phải khép mình chờ đợi, nhưng xuyên suốt vẫn là khả năng vượt qua chính mình, vượt ra khỏi cái trật tự lỗ̉i thời, ông thường gọi là “vật cản” để có được những quyết đinh cải cách. Bị ngộp trong không gian hẹp của những giáo điều cấm kỵ, ông tìm niềm vui sống khi tự đặt mình, đúng hơn là tìm đến với những nơi, những người có thể đặt lên bàn những cuộc tranh luận những sự kiện mới, những ý tưởng mới, những chọn lựa khác mình. Ông sợ nhất là bệ̣nh giáo điều, xa dân, xa thực tế và quay lưng với sự thật, lạ̃nh cảm với con người và những phát kiến đổi thay. Người có lòng tốt, thông tuệ tìm đến ông, trao không cho ông cái túi khôn của thiên hạ, với nhiều kỳ vọng… Ông có nhiều bạn, nhiều cộng sự, nhiều cố vấn có tầm giải quyết những vấn đề quốc gia trong đời sống toàn cầu.

Về hưu, như chim sổ lồng, ông sống như không có ngày mai. Tháng 9.2007, Ông vận động sáng lập “ Viện Nghiên cứu Phát triển (Institute of Development Studies - IDS)” . Tháng 12.2007, Võ Văn Kiệt nhận làm Chủ tịch danh dự “ Trung tâm Nghiên cứu Saigon Times”, gặp gở các nhóm nghiên cứu phát triển “Diễn Đàn” ở Pháp, các nhà nghiên cứu chính sách Mỹ -Việt (Think tank)- vừa nghiên cứu khoa học phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước, vừa lobby cho sự hơp tác phát triển chiến lược giữa Viêt Nam – Hoa Kỳ - Châu Âu , Nhật Bản …

Ông “giàu vì bạn” và mang “nợ kỳ vọng” của nhiều người.

Khác với những năm 1980, giờ đây trước lúc trở về, ông có tầm nhìn và trí tuệ của một cuộc tập hợ̣p lớn cần cho bước chuyển lớn VN ở đầu thế kỷ 21, nhưng lúc này ông không còn đủ quyền lực để trả nợ cho những kỳ vọng của nhân dân.

Đó là những gì Võ Văn Kiệt đã gử̉i lại cho bất cứ ai còn nhận minh là nhà báo Việt Nam, gử̉i lại cho những trang báo của ngày mai.

Huỳnh Sơn Phước
( Nhà báo – nguyên Phó TBT báo Tuổi Trẻ )
2-6-17
http://www.viet-studies.com/kinhte/HuynhSonPhuoc_VoVanKiet.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét