"Sức đâu mà bảo vệ nhiều thế, tốn kém lắm!"
TRINH PHÚC - QUỐC TOẢN 09/06/17
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu quan điểm như vậy trước đề nghị đưa Chủ tịch và Bí thư các tỉnh cũng trở thành đối tượng được cảnh vệ. Mới đây, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật cảnh vệ, trong đó có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh quy định đối tượng được cảnh vệ (bảo vệ đặc biệt).
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre). Ảnh. media.quochoi.vn
Theo đó, ngoài các đối tượng cảnh vệ được quy định như trong dự thảo, nhiều địa phương còn đề nghị đưa Chủ tịch và Bí thư các tỉnh cũng trở thành đối tượng được cảnh vệ. Trao đổi bên hành lang Quốc hội hôm 8/5, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh có thể là đối tượng bảo vệ, nhưng bảo vệ và cảnh vệ là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau."Nếu xếp Bí thư, Chủ tịch tỉnh là đối tượng được cảnh vệ thì tức là được xếp ngang hàng với những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, như vậy không hợp lý.
Có một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị từng kể câu chuyện mà tôi cứ nhớ mãi, đồng chí ấy nói với các anh em cảnh vệ rằng, “các cậu không bảo vệ được tớ đâu, nhân dân mới là người bảo vệ tớ”", Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết.
Đồng quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, đây là đề xuất không cần thiết.
"Tôi nghĩ cái đó không đúng, bởi cảnh vệ là biện pháp rất đặc biệt để bảo vệ các yếu nhân.
Trong Luật cảnh vệ có 18 đối tượng được cảnh vệ. Tôi nghĩ, đến giai đoạn nào đó, không cần ai bảo vệ mới là văn minh.
Còn đi ra mà lúc nào cũng thấy người bảo vệ mình thì có nghĩa không an toàn.
Tôi đã rất nhiều lần đi bảo vệ các đối tượng A1 (nguyên thủ), có những bác, đồng chí không muốn xuất hiện ồn ào mà muốn đi về không phải trống giong, cờ mở gì hết, chỉ cần làm việc hiệu quả, chất lượng", ông Cầu nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: media.quochoi.vn.
Một số ý kiến đề cập tới tính cấp thiết của việc cảnh vệ khi đề cập tới câu chuyện Chủ tịch Hà Hội xuống Đồng Tâm để đối thoại với nhân dân hoặc vụ lãnh đạo tỉnh Yên Bái bị sát hại.
Về việc này Đại biểu Cầu chỉ rõ: "Đó không phải là cảnh vệ mà là bảo vệ".
Cảnh vệ là bảo vệ yếu nhân, có 18 chức danh thôi còn bảo vệ là bảo vệ tất cả những gì có tình huống đột xuất.
Trong 1 ngày, 13.000m2 đất rừng thành đất ở cho Giám đốc Sở Tài nguyên Yên Bái
Một đồng chí không chỉ là Chủ tịch, Bí thư mà một nhà báo đi xuống khu vực nguy hiểm thì cần phải bảo vệ.
Bây giờ, phóng viên xuống địa bàn nguy hiểm, nếu mình không phòng ngừa, bảo vệ cho anh em thì sao tồn tại để tác nghiệp.
Tôi cho rằng, cảnh vệ càng nhiều thì xã hội càng bất ổn cho nên đối tượng cảnh vệ chúng ta như luật vừa rồi cũng đúng với thực tại bây giờ còn không thể bảo vệ được nhiều đâu, có sức đâu mà bảo vệ nhiều thế, tốn kém lắm.
Tất cả sự việc vừa qua chỉ là hy hữu thôi. Chúng ta chỉ thấy một sự việc đưa ra cách nhìn tổng thể thì không nên.
Còn dân mình rất tốt, không ai làm gì đâu!", Đại biểu Cầu nhận định.
TRINH PHÚC - QUỐC TOẢN
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Suc-dau-ma-bao-ve-nhieu-the-ton-kem-lam-post177237.gd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét