Sẽ còn vô khối Đồng Tâm
Hội chứng “hốt cú chót” buổi chợ chiều chính thể vẫn biến diễn vũ điệu tham tàn và sôi sục - từ chủ trương “Tập trung tích tụ đất đai” của “đảng và nhà nước ta” đến chiến dịch lợi dụng chủ trương đó để “tiến lên, tất cả ắt về ta!”. Luận điệu mới nhất do nhóm “hốt cú chót” tung ra là “chấp nhận mất mát để tích tụ ruộng đất”. Ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Trong bối cảnh nợ công như hiện nay, nếu vỡ, mà người nông dân không còn ruộng đất để bám víu thì bất ổn kinh tế sẽ nhanh chóng trở thành bất ổn chính trị, khủng khiếp”. Cứ “tập trung tích tụ ruộng đất” và bắt nông dân phải chịu thảm cảnh mất mát đi, sẽ còn vô khối vụ Đồng Tâm nổ ra trên đất nước khốn khổ này!Một cảnh sát cúi đầu cảm tạ dân làng Đồng Tâm sau khi được phóng thích hôm 22 tháng Tư. (Hình: REUTERS/Kham)
“Chấp nhận mất mát để tích tụ ruộng đất” (!)
3 tháng sau khi chủ trương “Tập trung tích tụ đất đai” được Chính phủ chỉ đạo xây dựng đề án và giao Bộ Tài Nguyên Môi Trường thực hiện, vài ba diễn đàn công khai đã được tổ chức để “lấy ý kiến chuyên gia”. Một vài diễn đàn đã bị biến thành động tác bắn tiếng để nông dân cần phải biết họ sẽ mất cái gì và mất bao nhiêu cho sự nghiệp “lấy của người nghèo chia cho người giàu”.
Buổi tọa đàm "Tích tụ ruộng đất, được và mất" diễn ra vào cuối tháng 5/2017, không biết vô tình hay hữu ý, đã khuếch trương cho chiến dịch khởi tạo nỗi mất mát ấy. Vnexpress - một trang báo điện tử của nhà nước, có bề dày thành tích PR đầy nghi vấn trong các chiến dịch “đánh lên” gấp đôi gấp ba giá bất động sản ở Hà Nội và Sài Gòn, đã dẫn lại ý kiến một vài chuyên gia và doanh nhân với “gợi ý” nông dân phải chịu mất ruộng đất của mình cho “hợp tác xã”, rồi lạnh lùng đặt tựa đề ‘Chấp nhận mất mát để tích tụ ruộng đất’ - như một lời kêu gọi giới nông dân Việt Nam hãy bỏ cày cuốc, bán rẻ đất đai chôn rau cắt rốn cho các doanh nghiệp kinh doanh từ đất cùng giấc mơ “tỷ phú đô la Việt Nam”.
Với tựa đề trên, một lần nữa dư luận xã hội được chứng kiến thói vô cảm và vô lương tâm tận cùng của không ít tờ báo nhà nước đối với lớp nông dân chỉ còn thiếu bị đạp xuống tận bùn đen.
Cái cách rút tít trên lại xuất hiện chỉ sau hơn một tháng nổ ra vụ khủng hoảng Đồng Tâm ở ngay ngoại thành thủ đô ngự trị của Bộ Chính trị.
Hãy nhìn lại vùng đất Đồng Tâm. Thử hỏi nếu không có chuyện Đỗ Mười - Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng - ký một quyết định thu hồi hơn 47 ha đất nông nghiệp của nông dân Đồng Tâm từ năm 1980 để “phục vụ dự án an ninh quốc phòng và sân bay Miếu Môn”, làm sao có thể phát sinh hậu quả ghê gớm như ngày hôm nay? Thử hỏi, nếu không có chuyện chính quyền huyện Mỹ Đức, sau khi nhận lại số đất nông nghiệp trên từ Lữ đoàn 28 của Quân chủng Phòng không - không quân do sân bay Miếu Môn không làm được, nhưng lại nhập nhèm suốt 10 năm từ 2007 đến nay mà không làm quyết định giao đất cho bà con nông dân, trong khi lại xảy ra hàng loạt vụ việc một số quan chức địa phương bảo kê cho người thân chiếm dụng đất và giờ đây còn định để cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) “cướp” đất của dân, làm sao bà con nông dân lại phải rồng rắn kéo đoàn khiếu kiện đông người trong ròng rã nhiều năm trời? Và thử hỏi, nếu không có chuyện giới công an trị sử dụng “biện pháp nghiệp vụ” để bắt giữ trái phép một số đại diện của dân xã Đồng Tâm, làm sao người dân xã này lại phải nghĩ đến việc bắt giữ lại hàng trung đội cảnh sát cơ động và quan chức công an để “trao đổi tù binh”?
Vẫn quyết liệt “sở hữu đất đai toàn dân”!
Hậu Đồng Tâm. Trong lúc dư âm cơn động đất này vẫn còn vật vã và vẫn chưa một nhân viên công an nào bị xử lý vì đã vật gãy xương sườn bô lão Lê Đình Kình của thôn Hoành, các nhóm lợi ích bất động sản đã phất ngọn cờ “tạo điều kiện cho hộ nông dân, hợp tác xã tăng quy mô, tăng năng suất lao động” để mưu toan tước sạch kế sinh nhai cuối cùng của hàng triệu nông dân.
Chiến dịch “tận diệt nông dân” trên lại hiện hình trong bối cảnh đảng vẫn chưa có bất kỳ động tác nào xem xét lại Hiến Pháp năm 2013, vẫn giữ nguyên chế độ “sở hữu đất đai toàn dân” mà chẳng thèm đếm xỉa gì đến quyền sở hữu đất đai tư nhân của hàng triệu nông dân sắp mất đất.
Việt Nam từ sau thời mở cửa kinh tế những năm 90 của thế kỷ 20 đã chứng kiến vô số cảnh lấy đất, cướp đất tàn bạo của nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Có hàng ngàn ví dụ trong một phần tư thế kỷ qua ở Việt Nam, kể từ thời điểm bắt đầu đường parabol hướng lên của thị trường bất động sản từ năm 1995 và kéo theo rất nhiều vụ thu hồi đất không thỏa đáng, trái pháp luật và sau này là bất chấp đạo lý đối với nông dân.
Cùng với cơ chế đền bù cho nông dân với giá chỉ bằng 1/10 đến 1/20, thậm chí chỉ bằng 1/100 hay 1/1000 giá thị trường, rất nhiều khuôn mặt đại gia đã phất lên qua những con sóng bất động sản từ năm 1995 đến năm 2011.
Rất tương đồng với xã hội Trung Quốc, có đến 70% triệu phú và tỷ phú đô la ở Việt Nam mang xuất thân đáng tự hào: “đi lên từ đất”.
Nhưng cũng từ năm 1995 đến nay, đã xuất hiện một giai tầng mới: hàng triệu nạn nhân liên quan đến chính sách thu hồi đất đai. Rất nhiều người trong số họ đã phải ròng rã khiếu kiện nhiều năm trời, tạo thành những đám đông biểu tình ghê gớm. Nhiều nạn nhân đã phải vào tù chế độ và trở thành tù nhân lương tâm.
Hậu Đồng Tâm. Vài ba lời lẽ của giới quan chức cao cấp về “sẽ điều chỉnh chính sách đất đai” rốt cuộc đã biến thành đầu môi chót lưỡi nhanh nhảu và xảo trá chưa từng có.
Sẽ còn vô khối vụ Đồng Tâm!
Hãy nhìn lại trong khoảng 5 năm qua. Dù chưa chính thức, “tập trung tích tụ đất đai” đã bắt đầu bị soi mói lợi dụng. Về thực chất, đó là cơ hội để các tập đoàn nhà nước chiếm đất, hàng triệu ha đất nông nghiệp của nông dân đang là miếng mồi cực kỳ màu mỡ dành cho những kẻ sinh ra làm giàu từ đất và cuối cùng cũng bị chôn vùi trong lòng đất.
Hậu quả ghê gớm có thể nhìn thấy trước là chủ trương “Tập trung tích tụ đất đai” nếu không được kiểm soát và chế tài trong quá trình triển khai, đặc biệt về việc doanh nghiệp phải triển khai đúng công năng đối với đất nông nghiệp, tất sẽ phát sinh tràn lan tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này để cưỡng bức nông dân phải vào cơ chế “tập đoàn hóa” của họ như thời “kinh tế mới” ngay sau năm 1975, hoặc tồi tệ hơn là doanh nghiệp “tay không bắt giặc” khi cấu kết với chính quyền địa phương để cưỡng bức thu hồi đất của nông dân, biến những người đang sở hữu mảnh đất chôn rau cắt rốn và là kế sinh nhai duy nhất thành dân oan đất đai, sau đó chuyển công năng đất nông nghiệp thành đất đô thị để bán kiếm lời khủng.
“Triển vọng mất trắng” của nông dân là hoàn toàn xác thực. Một trong những phương án “hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân” mà chính quyền nêu ra là doanh nghiệp sẽ tổ chức canh tác trên đất của nông dân, còn nông dân sẽ biến thành “công nhân nông dân” làm thuê cho doanh nghiệp đó. Lẽ dĩ nhiên, mức thu nhập của nông dân được “vẽ” theo phương án này là không tệ (4-5 triệu đồng/người/tháng). Nhưng trong thực tế, đã có quá đủ kinh nhiệm xương máu về việc nhiều doanh nghiệp đã “từ tâm” đến thế nào để từ lợi dụng nông dân đến cướp đất của họ. Một khi đã lấy được đất của nông dân, không có gì bảo đảm là doanh nghiệp sẽ thuê nông dân làm công cho họ, mà nếu có thuê thì cũng chẳng có gì chắc chắn là nông dân sẽ được hưởng một mức lương đủ sống.
Trong bối cảnh hỗn mang của chính trị và xã hội Việt Nam hiện thời, chẳng có gì bảo đảm là chủ trương “Tập trung tích tụ đất đai” nếu đưa vào thực hiện sẽ bảo đảm được tính “lý tưởng” của nó. Thậm chí ngược lại, nhiều đại gia và quan chức sẽ xem đây là phi vụ kinh doanh bất động sản cực lớn để “lấy mỡ nó rán nó,” bỏ mặc một giai tầng hàng triệu dân đen ai oán và nổi lên chống đối chính quyền.
Với ông Phan Chánh Dưỡng, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, sở dĩ các chính sách tích tụ, tập trung đất đai không được người dân ủng hộ là bởi nó xâm phạm đến không gian sinh tồn của họ. "Chúng ta không thể lấy giá trị kinh tế để quét người nông dân ra khỏi miếng đất của mình. Vấn đề tích tụ, tập trung đất đai là một tờ giấy mà một mặt là kinh tế, một mặt là xã hội. Trong đó, cái lợi của không gian sinh tồn được tính theo chuẩn khác chứ không phải bằng tiền" - ông Dưỡng bức bối.
Còn với ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Trong bối cảnh nợ công như hiện nay, nếu vỡ, mà người nông dân không còn ruộng đất để bám víu thì bất ổn kinh tế sẽ nhanh chóng trở thành bất ổn chính trị, khủng khiếp”.
Cứ “tập trung tích tụ ruộng đất” và bắt nông dân phải chịu thảm cảnh mất mát đi, sẽ còn vô khối vụ Đồng Tâm nổ ra trên đất nước khốn khổ này!
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét