Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

Nợ công lên đỉnh cuối năm, sát ngưỡng 65% GDP

Nợ công sẽ chạm đỉnh vào cuối năm, sát ngưỡng 65% GDP
01/06/2017 HỒ MAI -(VNF) - Trong buổi họp báo chiều 31/5, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Kế hoạch và Quản lý rủi ro, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho hay, đỉnh nợ công Việt Nam sẽ rơi vào năm 2017-2018 với mức nợ có thể tiến sát ngưỡng 65% GDP.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, mức nợ công tới thời điểm cuối năm 2016 của Việt Nam là 63,7% GDP trong đó nợ Chính phủ là 52,6%. Tuy nhiên, đây chưa phải là mức cao nhất trong giai đoạn năm 2016-2020.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, đỉnh nợ công sẽ rơi vào năm 2017-2018. Cụ thể, với giả định mức tăng trưởng kinh tế là 6,7%-7% thì nợ công vào năm 2017 sẽ lên tới 64,8% GDP. Đến năm 2018, mức nợ công vẫn ở mức cao là 64,7% GDP. Sau đó, tới năm 2020, nợ công có thể lùi về mức 63,7% GDP.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho rằng đây là kết quả dựa trên giả định còn mức cụ thể sẽ tùy tình hình kinh tế của từng năm mà có thể thay đổi. Bộ Tài chính cũng khẳng định, Bộ và Chính phủ sẽ có các biện pháp để tái cơ cấu ngân sách, nợ công để đảm bảo nợ công tất cả các năm không vượt quá 65% GDP.

Trong bối cảnh nợ công đang ngày một sát trần, đại diện Bộ Tài chính lại thông tin thêm về việc, Việt Nam sẽ chính thức phải dừng nhận vốn vay ưu đãi của Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) từ tháng 7 năm nay.

Theo Báo cáo của Chính phủ số 464/BC-CP ngày 19/10/2016 về mục tiêu định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020, nợ công đến 31/12/2015 là 2,6 triệu tỷ đồng, bằng 62,2% GDP. Trong đó, nợ Chính phủ 2,1 triệu tỷ đồng, bằng 50,3% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh 463.755 tỷ đồng, bằng 11%GDP và nợ chính quyền địa phương 36.317 tỷ đồng, bằng 0,9% GDP.

Như vậy, theo con số báo cáo từ Chính phủ thì trung bình mỗi người dân Việt Nam "gánh" khoảng 30 triệu đồng nợ công.

Tại phiên thảo luận ở Quốc hội về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) chiều 30/5, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) cho rằng, việc dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) gạt toàn bộ số nợ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ra khỏi nợ công là không ổn. Theo ông Nghĩa, nếu tính luôn số nợ của DNNN vào nợ công thì nợ công của Việt Nam sẽ lên đến 431 tỷ USD, bằng 210% GDP chứ không phải 63,9% GDP như cách tính hiện nay.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa dẫn ra số nợ của DNNN năm 2016 là 324 tỷ USD, bằng 158% GDP. Con số này còn cao hơn cả số nợ mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác đang nợ.

Với cách tính theo ý kiến của Đại biểu Dương Trọng Nghĩa, thì nợ công trên đầu người Việt Nam sẽ vào khoảng 100 triệu đồng?!

Ông Nghĩa cho rằng nếu “gạt” nợ DNNN ra khỏi nợ công thì cần phải xem lại vì khoản nợ đó rất lớn. Do đó, dù không gộp vào nợ công nhưng cũng phải đưa vào báo cáo nợ công chứ không thể “phủi tay” nợ của DNNN vậy được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét