Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

Nguyễn Xuân Phúc và lá bài VN của Mỹ

Nguyễn Xuân Phúc và lá bài VN của Mỹ
 Việt Nam không phải là “Đồng minh tiềm tàng của Mỹ”.
Lữ Giang
Trước khi Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Hoa Kỳ, những người trong và ngoài nước đều biết trước kết quả sẽ được loan báo như thế nào. Trong khi báo chí nhà nước loan tin “Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đạt kết quả toàn diện” thì báo chí đấu tranh gọi đó là “Chuyến đi thất bại của ông Phúc”… Kết quả này đã được ghi sẵn trong Quốc văn giáo khoa thư, và mỗi lần xảy ra một biến cố tương tự như thế là cứ đem ra chép lại, chẳng cần biết chuyện gì đã thật sự xảy ra.
Mặc dầu đã phải bỏ nước ra đi vì Miền Nam bị Mỹ bán cho Trung Quốc, nhiều người Việt đấu tranh vẫn giữ vững hai tín điều: tín điều thứ nhất là Mỹ chống cộng và tín điều thứ hai là Mỹ tôn trọng dân chủ và nhân quyền”, trong khi thực tế hoàn toàn khác hẳn. Bây giờ hai lãnh tụ cộng sản hàng đầu của thế giới là Putin và Tập Cận Bình đều đã trở thành “đồng chí” của Donald Trump, còn “dân chủ và nhân quyền” là chuyện ông ta chẳng cần biết đến, ông ta chỉ lo chuyện làm ăn. Do đó, phải bỏ hai tín điều nói trên mới có thể thấy được vai trò của lá bài Việt Nam trong chiến lược Đông Nam Á của Mỹ và tại sao Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc phải đến Mỹ trong cảnh dầu sôi lửa bỏng như hiện nay.
LÁ BÀI VIỆT NAM TRONG CHIẾN LƯỢC MỸ
1.- Từ đối đầu đến đối tác
Không một ai có thể cứ sống mãi với dĩ vãng, nhất là một quốc gia. Sau khi chế độ cộng sản Liên Sô bị sụp đổ và Trung Quốc bắt đầu thực hiện tham vọng bành trướng, Mỹ phải thay đổi chiến lược. Muốn kiềm chế Trung Quốc, Mỹ phải trở lại Đông Nam Á vì đó là con đường tiến ra Thái Bình Dương của Trung Quốc, tại đây Việt Nam là “cửa ải” đầu tiên. Mỹ nghĩ ngay đến việc xử dụng Việt Nam làm “Tiền đồn ngăn chận Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á”Lúc đầu Việt Nam rất e ngại Mỹ nên do dự, do đó Mỹ phải khôn khéo, kiên nhẫn và tiến từng bước.
Tháng 4 năm 1991, Tổng Thống George Bush đề nghị với Việt Nam “Lộ Trình” (Road Map) từng bước bình thường hóa quan hệ.
Ngày 3.2.1994 Tổng thống Bill Clinton tuyên bố hủy bỏ hoàn toàn cấm vận cho Việt Nam và lập cơ quan liên lạc giữa hai nước.
Ngày 11.7.1995 Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Ngày 14.7.2000 tại Washington D.C., đại diện hai nước ký Hiệp định Thương mại song phương sau nhiều vòng đàm phán.
Ngày 17.10.2001 Tổng thống George W. Bush phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ.
Ngày 11.1.2007 Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO.
Ngày 25.7.2013 Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố Đối tác Toàn diện.(Comprehensive Partnership)
Ngày 2.10.2014 Mỹ tuyên bố tháo gỡ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam,
Ngày 6.2.2015 Mỹ tuyên bố giao 5 tàu tuần duyên cho Việt Nam.
Như vậy là từ “Đối đầu” với Việt Nam, Mỹ đã tiến tới “Đối tác”.
2.- Ưu đãi đặc biệt về thương mại.
Mỹ nhận thấy muốn phát triển kinh tế, Việt Nam cần có thị trường để xuất cảng những sản phẩm mà Việt Nam có thể xuất cảng nhiều được, đó là hải sàn (tôm, cá tra), hàng may mặc, giầy dép, rau quả, đồ gỗ, v.v. Các chính phủ Mỹ đã biến Hoa Kỳ thành thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, mặc dầu phần thâm thủng mậu dịch về phía Hoa Kỳ ngày càng lớn. Tài liệu thống kê mới nhất của Mỹ vào đầu tháng 6/2017 cho biết  như sau (tính theo USD):
Năm 2012: VN mua của Mỹ 4 tỷ 6, bán cho Mỹ 20 tỷ 2, Mỹ bị thâm thủng 15 tỷ.
Năm 2013: VN mua của Mỹ 5 tỷ 0, bán cho Mỹ 24 tỷ 6, Mỹ bị thâm thủng 19 tỷ 6.
Năm 2014: VN mua của Mỹ 5 tỷ 7, bán cho Mỹ 30 tỷ 6, Mỹ bị thâm thủng 24 tỷ 8.
Năm 2015: VN mua của Mỹ 7 tỷ 1, bán cho Mỹ 38 tỷ 0, Mỹ bị thâm thủng 30 tỷ 9.
Năm 2016: VN mua của Mỹ 10 tỷ1, bán cho Mỹ 42 tỷ 0, Mỹ bị thâm thủng 31 tỷ 9.
Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2016, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng 43,5 lần, mức kim ngạch xuất nhập khẩu từ 1,08 tỷ USD năm 2000 lên 52,1 tỷ USD năm 2016 (tài liệu của Mỹ).
Trong năm 2016, Trung Quốc chiếm 21% và Mỹ 14% trị giá mậu dịch quốc tế của Việt Nam.
Với Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2016 là 21,8 tỷ USD, còn Việt Nam nhập khẩu của Trung Quốc đến 49,8 tỷ USDViệt Nam bị thâm hụt mậu dịch là 28 tỷ USD.
Với Hoa Kỳ, như các con số đã trình bày trên, Việt Nam đã đạt thặng dư mậu dịch với Mỹ lên đến 31 tỷ 9. Mỹ chấp nhận sự thâm thủng mậu dịch trong giao thương với Việt Nam để giúp Việt Nam đứng vững và không nghiêng hẳn về phía Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama kéo dài 3 ngày vào tháng 5 năm 2016, Giáo sư Jonathan London thuộc Đại học Hồng Kông nói: Sự nồng ấm hơn trong mối quan hệ Việt Mỹ mở ra một cơ hội cho Việt Nam có khả năng tự vệ và độc lập trước Trung Quốc, điều mà họ không thể làm trước đây. Bên cạnh đó, họ có khả năng cụ thể để phát triển những hệ thống và công nghệ mà họ có thể tiếp cận.”
KHỦNG HOẢNG DO SỰ THẮNG CỬ CỦA TRUMP
Khi ông Donald Trump đắc cử Tổng Thống và tuyên bố hủy bỏ hiệp định TPP, bảo hộ mậu dịch và liệt kê Việt Nam vào số các nước cướp công ăn việc làm của Mỹ... Việt Nam lo sợ sẽ bị mất không những phần quota (định số) xuất cảng qua Mỹ mà ông Obama hứa sẽ tăng thêm khi TTP được áp dụng, mà còn có thể bị cắt phần lớn quota hiện có của Viêt Nam, vì Mỹ bị thâm thủng mậu dịch quá nhiều. Các nhà chiến lược Mỹ và Nhật phải tìm cách trần an Việt Nam. Trong 16 năm qua, Nhật là nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, còn Mỹ đứng đầu trong các nước nhập khẩu hàng Việt Nam. Hai nhân vật được phái đến làm công việc trấn an này là Ngoại trưởng Kerry và Thủ tướng Nhật Abé..
1.- Chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Kerry
Ngày 13.1.2017, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt đầu chuyến công du bốn nước trước khi kết thúc nhiệm kỳ, đó là Việt Nam, Pháp, Anh và Thụy Sĩ. Ông đặt chân đến Hà Nội đầu tiên. Trong một cuộc họp với Thứ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn và chào xã giao Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông nói: "Tôi rất vui mừng được trở lại Việt Nam, nơi chúng ta đang thúc đẩy một mối quan hệ phát triển." Rồi ông trấn an Việt Nam: “Quan hệ hữu nghị giữa hai nước không phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân, hay đảng phái nào. Nó dựa trên những lợi ích chung”.
Những gì ông Kerry hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam chúng ta không thể biết được.
2.- Thủ tướng Nhật Shinzo Abé đến Việt Nam
Sau Ngoại trưởng Kerry, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã đến thăm Việt Nam trong hai ngày 16 và 17.1.2017. Ông cho biết chính sách ngoại giao năm thứ 5 của ông đã khởi đầu từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Quốc gia đầu tiên ông tới trong quan điểm đó chính là Việt Nam. Nhật Bản cần triển khai chính sách ngoại giao tích cực với chân trục đặt vững chãi tại khu vực này và với tầm nhìn bao phủ giống như đang nhìn vào quả địa cầu trước mặt. Ông nhấn mạnh:
“Việt Nam, cũng như các nước khác, chia sẻ với chúng tôi tinh thần thượng tôn luật pháp, bảo đảm tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Đây là các nguyên tắc căn bản và chúng tôi muốn nó sẽ trở thành vững chắc, không gì thay đổi được. Nguyên tắc vững chắc đó sẽ tạo nên hòa bình và thịnh vượng của khu vực chúng ta".
Ông khẳng định về lâu về dài Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ cùng chung sức để hỗ trợ cho sự phát triển của Việt Nam. Thủ tướng Abe thông báo nước này quyết định đóng 6 tàu tuần tra mới cho Việt Nam. Trong chuyến công du Nhật Bản vừa qua, ngày 5.6.2017 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Tokio với hơn 1.600 doanh nhân, trong đó có 200 đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam. Hai bên đã ký kết các hợp đồng hợp tác đầu tưtrị giá 22 tỷ USD.
Như vậy nếu Donald Trump không còn yểm trợ Việt Nam về phương diện kinh tế và an ninh Biển Đông, Nhật sẽ thay thế. Nhật cam kết sẽ cấp thêm 1,05 tỷ USD vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) cho Việt Nam.
Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản cũng đã đến thăm Việt Nam từ ngày 28/2 đến ngày 5/3/2017.
QUA MỘT CUỘC VẬN ĐỘNG KHÉO LÉO
Với sự vận động khéo léo và tích cực của ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội và một số nhân vật khác, chúng phủ Hoa Kỳ đã duyệt xét và điều chỉnh lại tương quan mậu dịch giữa Mỹ và Việt Nam, đồng thời nâng cao vai trò của Việt Nam lên trong vấn đề bảo vệ an ninh Biển Đông. Theo hãng tin Reuters, đây là kết quả của nhiều cuộc trao đổi qua điện thoại, thư từ, nhiều cuộc tiếp xúc ngoại giao và nhiều chuyến đi của các viên chức cấp thấp từ rất lâu trước khi ông Trump nhậm chức.
Sau khi đã có sự thỏa thuận của hai bên, ngày 20.4.2017, Tướng H. R. McMasster, Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, đã chuyển thư của Tổng thống Donald Trump cho Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Hoa Kỳ. Tổng thống Trump cũng xác nhận sẽ có mặt tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017 để tham dự Hội nghị APEC 2017.
Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Tổng thống Trump ngày 31.5.2017 chỉ là vấn đề nghi thức, mọi văn kiện đã được soạn sẵn hết rồi, ông Trump chẳng biết gì để bàn. Hai bên đã đưa ra một thông cáo chung xác định tăng cường quan hệ đối tác toàn diện đã được hai bên ký kết trong tuyên bố ngày 25.7.2013.
Về kinh tế: Việt Nam đã ký 13 hợp đồng trị giá 8 tỉ USD, trong đó có 3 tỉ USD hàng hóa Mỹ, sẽ giúp tạo thêm ở Mỹ 23.000 việc làm. Đáng chú ý nhất là hợp đồng với General Electric trị giá 5,58 tỉ USD trong lãnh vực điện năng và hàng không. Đây là hợp đồng lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Công ty hàng không giá rẻ VietJet Air đã ký mua 215 động cơ máy bay trong 12 năm, trị giá 3,58 tỉ USD với CFM International, v.v. Theo Reuters, Tổng thống Donald Trump nói với báo chí tại Tòa Bạch Ốc: «Việt Nam vừa ký một loạt hợp đồng với Hoa Kỳ, và chúng tôi hoan nghênh việc này. Nhiều tỉ đô la có nghĩa là công ăn việc làm cho người Mỹ và các thiết bị rất tốt cho Việt Nam».
Như vậy quota nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ năm tới sẽ không thay đổi hay chỉ giảm chút ít.
Về bảo vệ an ninh Biển Đông: Tổng thống Donald Trump nhắc lại cam kết Mỹ sẽ bảo vệ quyền tự do đi lại trên Biển Đông, và phản đối mọi hoạt động nhằm quân sự hóa khu vực. Ngày 22.5.2017, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius chính thức bàn giao 6 tàu tuần tra Metal Shark 45-foot (tương đương 14 mét) cho Cảnh sát biển Việt Nam tại Quảng Nam, Vùng 2. Các tàu này sẽ được xử dụng vào việc thực thi pháp luật về buôn lậu, buôn bán bất hợp pháp, cướp biển và các vụ cướp tàu có vũ trang, và đánh bắt cá bất hợp pháp. Chuẩn đô đốc Tuần duyên Hoa Kỳ Michael J. Haycock tuyên bố: "Các con tàu này mang một biểu tượng ý nghĩa và cụ thể về quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Việt Nam".
VIÊT NAM: ĐỒNG MINH TIỀM TÀNG CỦA MỸ?
Về địa lý chính trị, Việt Nam là cửa ngỏ của Đông Nam Á, nên Trung Quốc muốn dùng Việt Nam làm bàn đạp để tiến xuống, trong khi đó Mỹ và Nhật lại tìm mọi cách để chặn lại. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Katrina Adams tuyên bố: «Quan hệ đối tác Mỹ-Việt là yếu tố chủ chốt trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương».
Trong bài Bước ngoặt hậu chiến, Mỹ thấy Việt Nam là đồng minh tiềm tàng” đài VOA của chính phủ Hoa Kỳ cho biết tại một hội nghị kỷ niệm 20 năm quan hệ song phương, Đại sứ Ted Osius phát biểu: Chúng tôi đã biến một lãnh vực từng có xung đột lớn thành một lĩnh vực mà chúng tôi đang hợp tác rất nhiều với Việt Nam”. Nhưng cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên của Việt Nam đã bác bỏ điều mà ông gọi là những “tin đồn” cho rằng tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đang đẩy Việt Nam vào vòng tay Mỹ. Ông nói: “Không có chuyện chúng tôi lợi dụng mối quan hệ này để đối trọng với bên kia. Đó không phải là chính sách của chúng tôi. Ông cho rằng hai nước Việt Nam và Mỹ đang xích lại gần nhau hơn vì lợi ích tổng thể của đôi bên.
Điều chắc chắn là Hà Nội không bao giờ từ bỏ Trung Quốc để trở thành một đồng minh chí cốt của Mỹ như VNCH trước đây. Hà Nội chỉ muốn liên kết với Mỹ và Nhật để đừng bị Bắc Kinh bắt nạt và thủ lợi. Kể từ khi Mỹ giết ông Ngô Đình Diệm và bỏ rơi VNCH, không nước nào dám làm đồng minh chí cốt của Mỹ nữa. Hai đồng minh chí cốt lâu đời nhất của Mỹ là Thái Lan và Philippines cũng đang bỏ Mỹ đi theo Trung Quốc. Mỹ cũng biết rõ như vậy và Mỹ chỉ muốn dùng Việt Nam làm Tiền đồn ngăn chận Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á”. Là bài Việt Nam của Mỹ chỉ có như thế. Việt Nam không phải là “Đồng minh tiềm tàng của Mỹ”.
Ngày 8.6.2017
Lữ Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét