Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

Dân trí thấp hay quan trí thấp, thưa ông Hà Minh Huệ?

Dân trí thấp hay quan trí thấp, thưa ông Hà Minh Huệ?
CHÂU PHONG 10 Tháng 6 2017Nghe ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận tổ về Dự thảo Luật trưng cầu dân ý trong cuộc thảo luận ở tổ chiều 3-6 rằng “dân chủ của ta có hạn, dân trí còn thấp, số người dân trí cao là thiểu số, trưng cầu có khi gây hại, không thể tùy tiện”, tôi thật sự giật mình, nghĩ và lo. Không phải tôi lo cho ông sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến chê bai, khinh miệt và không khéo ông bị bãi nhiệm vì lẫn trí, mà nghĩ và lo cho đất nước, cho hệ thống chính trị, cho đến bây đang xây dựng một Quốc hội hành động, trí tuệ, dân chủ; một chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động mà lại có những ông nghị như vậy, ông qua như vậy.
Đại biểu QH, Phó CT Hội Nhà báo Hà Minh Huệ
Ngay sau phát biểu, dù có trả lời thanh minh báo VTC News (sáng 4-6) rằng ý tôi nói “cần xác định cụ thể những vấn đề gì cần được đưa ra trưng cầu dân ý, không phải vấn đề nào cũng đưa ra”, nhưng xem chừng câu trả lời càng chứng tỏ não trạng của ông có vấn đề.

Trước đây các quan hay đổ lỗi cho “cậu đánh máy”, nay lại có xu hướng, hội cứng đổ lỗi cho diễn đạt, từ ngữ Việt Nam. Tiếng Việt phong phú lắm, có tội gì mà đổ lỗi cho nó. Câu ông trả lời báo chí với câu “dân trí còn thấp” hoàn toàn khác nhau. Sao ông không nói thẳng như trả lời báo chí lại nói “dân trí còn thấp” và đổ lỗi cho diễn đạt?

Ông là dân hay là quan? Theo chức danh Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông đích thị là quan rồi. Quan mà tư duy như vậy, phát biểu như vậy, diễn đạt như vậy là quan trí thấp quá rồi. Còn nếu ông đại biểu của dân mà phát biểu như vậy thì không dân nào dám thu nạp ông vào hàng ngũ của dân cả, chứ chưa nói là đại biểu cho dân. Vì dân thông minh lắm, trí tuệ lắm. Mặc dù ở đâu có dân cũng có ba loại: hạng hăng hái, hạng vừa vừa, hạng kém, nhưng nói chung dân tốt lắm, trí tuệ lắm. Bác Hồ tổng kết “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Mặt khác, nếu “quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích”.

Nói Bác Hồ tổng kết thì phải trở về lịch sử.

Chế độ áp bức dân như phong kiến, tư sản mà còn phải coi “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, “quốc dĩ dân vi bản”, “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, lật thuyền mới biết dân như nước”, huống hồ chế độ dân chủ cộng hòa. Không có lòng tốt và dân trí cao với kiểu Hội nghị Diên Hồng thì làm sao ta có thể đánh thắng được các đội quân phong kiến Trung Quốc đông mạnh như thời Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung?

Đến thời cận đại, các vua triều Nguyễn do không biết dựa vào dân, phát huy lòng yêu nước và trí dân nên chúng ta mất nước vào tay thực dân Pháp.

Thời đại Hồ Chí Minh thì rõ quá rồi. Rõ rồi cũng phải nhắc cho những ông quan trí thấp hiểu. Giá trị lớn nhất thắng lợi của cách mạng do Đảng Cộng lãnh đạo là thiết lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa. Hiến pháp 1946, 1959 và các Hiến pháp tiếp theo đều có điều Trưng cầu dân ý. Tất nhiên, do hoàn cảnh lúc bấy giờ với những lý do khác, ta chưa làm được điều đó. Phải nhắc cho ông nghị Hà Minh Huệ nhớ một điều là thời thực dân - phong kiến, do chính sách ngu dân của thực dân Pháp, nên hơn 90% dân ta mù chữ. Thế mà, trên thực tế, Đảng ta và Bác Hồ - ở những mức độ và cách làm khác nhau - vẫn thực thi trưng cầu dân ý. Bác dạy rằng “phải học dân, hỏi dân. Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”. “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân”. “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không xong”. Vân vân và vân vân.

Không có những lời dạy đề cao dân trí như vậy để rồi tiến hành Quốc dân Đại hội, xây dựng Mặt trận Việt Minh, thì làm sao có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945?

Không có những di huấn về sức dân, trí dân, quyền hành của dân để đi đến “Thi đua yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, rồi “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, v.v.. thì làm sao có được thắng lợi trong mấy cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp, chống Mỹ, chống Tàu?

Trong 30 năm đổi mới chẳng lẽ ông cũng không biết sao. Xuất phát từ chỗ đề cao dân trí, Đảng ta tổng kết “cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì nhân dân, do nhân dân. Chính những ý kiến, nguyện vọng, sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Cũng do nhân dân hưởng ứng đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu hôm nay”. Đảng ta khẳng định phải quán triệt quan điểm “dân là gốc”, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân. Cũng từ nhận thức có chất lượng khoa học về lòng yêu nước, sức sáng tạo, trí tuệ, lòng tốt, sức mạnh của dân mà Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 - lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp nước ta - viết hoa chữ “N” trong cụm từ “Nhân dân”.

Thưa ông nghị Hà Minh Huệ! Thực lòng tôi không hiểu nổi khi ông phát ngôn “dân trí còn thấp”. Ở đây có mấy khả năng xảy ra. Thứ nhất, ông hiểu “dân trí” là học vấn, học hàm, học vị? Hiểu thế thì nguy quá, có hại quá. Mù chữ không đồng nghĩa với dân trí thấp, văn hóa thấp. Hay nói rõ ra là, tuy mù chữ nhưng dân trí ta vẫn cao lắm. Dưới thời thực dân - phong kiến, dân ta học vấn thấp, không có gì, nhưng trình độ văn hóa dân ta cao lắm. Không cao làm sao thắng được giặc xâm lăng hung bạo? Mà bây giờ dân ta có mũ chữ như thời thực dân cai trị nữa đâu. Cái lõi cốt của dân trí, thưa ông Huệ, là lòng yêu nước. Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Nếu đường lối, chính sách và việc làm của ta vì dân, thì dân đồng tình ủng hộ, mà được dân đồng tình ủng hộ thì việc khó mấy cũng làm được. Thứ hai, ông sợ dân, cũng như có người sợ có luật biểu tình. Theo xu hướng văn minh, dân chủ, hiện đại, hội nhập quốc tế, mà sợ dân biểu tình, sợ trưng cầu dân ý, thì ông muốn đất nước trở lại thời đồ đá? Thứ ba, ông không tin dân, không hiểu dân. Làm cách mạng mà không tin dân thì tin ai? Nguy hiểm quá. Đừng thấy một bộ phận dân kém mà đánh đồng là “dân ngu khu đen”, “dân không có lý luận cao siêu như mình” như trước đây Bác Hồ đã từng phê bình cán bộ ta. Thứ tư, thật ra bây giờ nhìn vào thực tế xã hội, Đảng và nhân dân thấy rõ “một bộ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” tức là chứa đựng trong bộ phận đó đảng trí, quan trí thấp, chứ không phải dân trí thấp như ông nghĩ. Nhân đây, tôi phải dẫn ra cho ông câu nói của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong bài viết “Nêu cao danh hiện Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”, đăng Tạp chí Cộng sản số 10 (5-1999): “Bọn thù địch chống phá ta bằng “diễn biến hòa bình”, chúng biết nhân dân là kiên cường không thể coi thường, chúng biết Đảng ta với chỗ mạnh và chỗ yếu có thể khai thác. Chúng chờ cơ hội. Điều đáng sợ là “diễn biến hòa bình” từ trong nội bộ Đảng ta”. Thứ năm - nói điều này hơi nặng nhưng cũng phải nói - ông phạm vào một số điều trong 27 biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nêu ra. Ví dụ, điểm thứ 3 ở mục “Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị” viết: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học lý luận chính trị; lười học tập lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Điểm 6 viết “nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng”. Những điều tôi dẫn trên đều là lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng cả.

Cuối cùng, xin được nhắc lại, nhấn mạnh rằng nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù; trí tuệ, tài giỏi, rất tốt, trung thành với Đảng, kiên cường không thể coi thường. Còn nhiều người có chức, có quyền trong hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng hư hỏng quá, thoái hóa biến chất, chạy theo chức, quyền, tiền, danh và lợi. Chính họ làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, chứ không phải và không bao giờ ngược lại. Ông Huệ nên nhớ rằng Bác Hồ và Đảng ta chưa bao giờ và sẽ không bao giờ nói “dân trí còn thấp, số người dân trí cao là thiểu số”. Ông là người duy nhất và cũng mong rằng chỉ một lần với một người duy nhất. Đơn giản vì dân trí cao nhất, xuyên suốt là yêu nước, mà “dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (Lời của Bác). Trong sự nghiệp đổi mới, nhờ lòng yêu nước của dân ta mà chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Để tạm khép lại bài viết, xin nhắc lại câu cuối của Bác trong Di chúc dặn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân rằng “để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. Lực lượng vĩ đại của toàn dân, nên nhớ rằng hàng đầu là lòng yêu nước./.

http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/dien-dan/dan-tri-thap-hay-quan-tri-thap-thua-ong-ha-minh-hue

2 nhận xét:

  1. Kẻ làm quan nào cũng bắt nguồn từ DÂN ,chả nhẽ mày đẻ ra là quan rồi à ,chê, khinh dân chí thấp túc là đã khinh ông bà tổ tiên mình.

    Trả lờiXóa
  2. Dân trí mà cao thì đám quan tham nó đã không ung dung ngồi xổm trên đầu rồi . Vì dân ta tự hào ...ngu quật cường nên trải qua bốn ngàn năm văn hiến vẫn chưa thèm khôn lên tí nào .Vãi !

    Trả lờiXóa