Nguyễn Xuân Phúc đi vào vết xe Nguyễn Tấn Dũng?
Nhiều chuyên gia cũng như Đại biểu Quốc hội cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,7% là khó đạt, đồng thời khuyến nghị chính phủ không nên chạy theo thành tích tăng trưởng, mà cần chú trọng chất lượng tăng trưởng để đảm bảo phát triển bền vững. Vậy nhưng, thay vì nhân cơ hội có nhiều tiếng nói đồng thuận trong việc hy sinh tốc độ tăng trưởng để đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, hướng đến phát triển bền vững, chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn quyết tâm đạt cho bằng được chỉ tiêu tăng trưởng.
Ông Nguyễn Xuân Phúc.
Ngày 27/6/2006, khi chính thức tiếp quản chiếc ghế Thủ tướng từ người tiền nhiệm Phan Văn Khải, ông Nguyễn Tấn Dũng đã được kế thừa một nền kinh tế mà hầu như ai cũng đều thừa nhận là lành mạnh và hứa hẹn nhiều triển vọng nhất cho đến thời điểm đó.Bài học từ chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
Với tư duy hạn hẹp, tính cách độc đoán và tham vọng quyền lực lớn, một trong những việc đầu tiên mà ông Nguyễn Tấn Dũng thực hiện sau khi ngồi lên ghế Thủ tướng là giải tán Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, một định chế tư vấn từng giúp việc rất hiệu quả cho hai vị tiền nhiệm Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, để ông ta rộng đường thi triển “chiến lược” của mình mà không bị ai can ngăn. Chiến lược của ông ta không có gì là quá phức tạp: lấy thành tích tăng trưởng kinh tế làm làm bệ phóng để nhắm đến ngôi vị quyền lực số 1 và khai thác vô tội vạ những nguồn lực mà mình nắm trong tay để đạt được “thành tựu tăng trưởng”.
Nhà báo Huy Đức viết hồi tháng Chín, 2012, cựu Thủ tướng Phan Văn Khải nói “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn tạo ra một thành tích nổi bật ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, muốn hoàn thành kế hoạch 5 năm chỉ trong 4 năm. Ngay trong năm 2007, ông đầu tư ồ ạt. Tiền đổ ra từ ngân sách, từ ngân hàng. Thậm chí, để có vốn lớn, dự trữ quốc gia, dự trữ ngoại tệ cũng được đưa ra. Bội chi ngân sách lớn, bất ổn vĩ mô bắt đầu”.
Khi rời chiếc ghế Thủ tướng vào ngày 6/4/2016, “di sản” mà ông Nguyễn Tấn Dũng để lại cho người kế nhiệm là một nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc; chủ yếu dựa vào gia công lắp ráp và khai thác tài nguyên; nợ công ở mức báo động; và những con số về nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thì thường xuyên nhảy múa khiến ngay cả giới chuyên môn cũng hoa mắt, còn giá trị tuyệt đối thì không lúc nào dưới hàng trăm ngàn tỷ VNĐ.
Và lịch sử lặp lại?
Tiếp quản chiếc ghế Thủ tướng từ người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng đã hơn một năm nhưng ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn chưa tạo ra được nhiều dấu ấn. Không những vậy, những gì diễn ra dưới sự lãnh đạo và điều hành của ông còn khiến người ta không khỏi nghĩ rằng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm.
Hơn một năm qua, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế diễn ra chậm chạp, nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào hoạt động gia công, lắp ráp và khai thác tài nguyên.
Kết thúc năm 2016, mặc dù giá trị nhập siêu từ Trung Quốc giảm từ đỉnh cao 32 tỷ USD của năm 2015 xuống còn 28 tỷ USD và tỷ trọng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch XNK giảm từ mức đỉnh cao 29,9% của năm 2015 xuống còn 28,7%, song nguy cơ nền kinh tế Việt Nam trở thành “một bộ phận không thể chối cãi của Trung Quốc” vẫn lơ lửng qua những diễn biến đáng lo ngại gần đây: (i) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn nồng nhiệt mời gọi các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam; (ii) bản Thông cáo chung Việt - Trung ngày 14/9/2016 nhân chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam chứa đựng nhiều nội dung bất lợi về kinh tế - chính trị cho Hà Nội; (iii) ngày 11/5/2017, tại cuộc tiếp Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB – định chế tài chính do Trung Quốc khởi xướng và lãnh đạo), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ mong muốn AIIB sớm tài trợ vốn cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong năm nay (AIIB thậm chí còn cam kết tài trợ vốn ưu đãi cho các dự án thuộc khu vực tư nhân mà không cần chính phủ bảo lãnh); (iv) Việt Nam đang đứng trước làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ Trung Quốc, đặc biệt là thông qua hình thức thâu tóm các dự án bất động sản, mua cổ phần các doanh nghiệp, thậm chí có lúc Trung Quốc còn vượt qua cả Hàn Quốc và Nhật Bản để trở thành quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ hai ở Việt Nam, chỉ sau Singapore.
Theo tính toán của TS Vũ Quang Việt, chuyên gia thống kê của Liên Hợp Quốc, nợ công của Việt Nam năm 2016 đã lên tới 210% GDP, và tỷ lệ này vẫn đang tiếp tục tăng.
Trong tờ trình gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây để đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về xử lý nợ xấu, chính phủ cho biết là đến cuối năm 2016, nợ xấu – bao gồm cả nợ đang nằm tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam – chiếm 5,8%, còn nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì chiếm đến 10,08% tổng dư nợ, tức gần 600.000 tỷ VNĐ. Nghĩa là, dưới thời chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, vấn nạn nợ xấu ngân hàng không những chưa giải quyết được mà còn trầm trọng hơn, đến mức chính phủ buộc phải đề nghị Quốc hội can thiệp bằng… nghị quyết.
Tại kỳ họp thứ II năm ngoái, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7%. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng quý I năm nay lại rất thấp, chỉ ở mức 5,1%. Vì thế, nhiều chuyên gia cũng như Đại biểu Quốc hội cho rằng mục tiêu trên là khó đạt, đồng thời khuyến nghị chính phủ không nên chạy theo thành tích tăng trưởng, mà cần chú trọng chất lượng tăng trưởng để đảm bảo phát triển bền vững. Vậy nhưng, thay vì nhân cơ hội có nhiều tiếng nói đồng thuận trong việc hy sinh tốc độ tăng trưởng để đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, hướng đến phát triển bền vững, chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn quyết tâm đạt cho bằng được chỉ tiêu tăng trưởng.
Bất chấp phương tiện?
Và ba giải pháp chính mà chính phủ mới đưa ra để đạt được mục tiêu tăng trưởng nói trên hẳn khiến ai cũng phải thất vọng tràn trề: (i) tăng khai thác dầu thô – tức là tiếp tục điệp khúc khai thác tài nguyên thiên nhiên đến cạn kiệt; (ii) bám sát kế hoạch sản xuất của các nhà máy Samsung vì tập đoàn này dự kiến tăng doanh thu xuất khẩu năm 2017 lên 20% so với năm ngoái – tức là tiếp tục khai thác “sở trường” gia công, lắp ráp; và (iii) giao cho các Bộ, ngành liên quan nhanh chóng hoàn thành các công việc liên quan đến xử lý vấn đề môi trường để xem xét cho phép nhà máy của Formosa đi vào vận hành – tức là chấp nhận đánh đổi không chỉ môi trường mà cả những hiểm hoạ về an ninh quốc phòng và bất ổn xã hội để lấy “tăng trưởng”.
Để thể hiện quyết tâm của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thậm chí còn đặt vấn đề xử lý kỷ luật cấp dưới nếu không hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng. Đây là biểu hiện thường thấy của thứ “văn hoá thành tích” điển hình của chế độ. Trớ trêu thay, chính người đứng đầu chính phủ Việt Nam lại đang hô hào tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bất kể ông Nguyễn Xuân Phúc có nuôi tham vọng tiếp quản chiếc ghế Tổng Bí thư mà ông Nguyễn Phú Trọng sẽ rời bỏ vào giữa năm tới hay không, song những gì trên đây cho thấy là chính phủ của ông dường như đang đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm.
Việt Nam rồi sẽ lại bỏ lỡ những vận hội quý giá, rồi sẽ lại mất thời gian điều chỉnh, rồi sẽ tiếp tục bị gọng kìm kinh tế - chính trị - quân sự của Bắc Kinh siết chặt, tiếp tục xu hướng tụt hậu ngày càng xa so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc – mối đe doạ chiến lược đang phủ bóng đen lên tương lai dòng giống “con Lạc cháu Hồng”.
Lê Anh Hùng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét