Đàn bà, váy áo và yêu
HỒ KHÁNH VÂN 07 Tháng 6 2017 Thi Gia là người đàn bà không ngồi, không đứng để làm thơ, mà chạy để làm thơ. Chạy đến nỗi, “thấy tim dường như đã rơi khỏi ngực”[1], “môi em khát, thịt da em khát”[2]. Người bị buộc chạy, chữ bị buộc chạy cho kịp với cơn núi lửa xúc cảm phun trào ào ạt, cho kịp với ngọn thủy triều tâm tư vun vút tung mình ôm trùm bãi bờ. Bởi vậy, người đọc thơ Thi Gia cũng không thể vừa ngồi vừa đọc, vừa nằm vừa đọc, vì sẽ bị cảm xúc chồm lên đến ngạt thở. Đọc thơ của người thơ ấy, phải ôm chặt trang sách vào lòng, vừa đọc vừa chạy cho đến tận cùng của chữ.Cho đến tận cùng của yêu, buồn, nhớ, khát, thèm và đau.
Cho đến tận cùng cái cõi của kẻ đàn bà đa đoan.
Người đàn bà ấy không giấu mình con mọn, không giấu mình “thơm mùi của người đàn bà làm vợ, thơm mùi của những đứa con thơ”[3], không giấu mình lẽ ra, đang ở cái độ của sự chín chắn, trầm lắng, thậm chí đến yên ắng của thế giới đàn bà theo thói thường. Thế nhưng,hương thơ sao vẫn đậm đặc tình yêu nông nổi, nồng nàn, cuống quýt, cuồng dại, nhiều trông đợi và lắm say sưa dâng hiến, lồ lộ hết cả ra ngoài như người con gái mới vừa biết yêu lần đầu, loay hoay không biết cất vào đâu khối tình yêu dấu nóng rẫy ấy. Sắc thái nào của người đàn bà yêu cũng hiện lên rời rợi trong thơ Thi Gia. Hơn nữa, sắc thái nào cũng ở cung bậc cao nhất, ở cái đỉnh chót vót của tình.
Cái tình đầy đặc tính nữ, vừa mềm mại, vừa dữ dội; vừa yên ả, vừa ầm ào; vừa sâu lắng, vừa hừng hực, nhưng chung quy là cái tình không thể che giấu, không muốn che giấu.Niềm “hoan ái” khiến “người đàn bà được yêu” thành rộn ràng và đểnh đoảng, say sưa trong tình, chỉ biết có tình mà quên cả nhân gian: “Ríu rít như trẻ thơ, hát ca giữa phố/ Chiếc khăn choàng bỏ mặc chỏng chơ bởi trái tim nàng rực nóng/ Mặc kệ gió đông, mặc kệ mùa đông/ Nàng vẫn mong manh áo mỏng ngực đầy”[4]; còn nỗi nhớ của nàng thì vần vũ cả vũ trụ, lôi kéo vạn vật vào cơn cuồng loạn của khát khao: “Người đàn bà áp mặt vào gió/ Nghe biển vỗ vào tim từng đợt cuồng phong ngợp sóng/ Dường như đại dương thẳm sâu đang bùng lên nỗi nhớ/ Và thăm thẳm trong nàng da diết mưa”. Đất trời mù mịt cuồng điên vì nàng, hay nàng cuốn hết đất trời vào cơn cuồng điên thẳm sâu thân thể mình. Rồi khi ấy, giông bão thành thịt da và mưa gió là nỗi đẫm ướt đàn bà của nàng:
“Mưa…
Ướt đẫm cơn mơ đêm qua
Ướt đẫm hồng nhan
Ướt đẫm bóng tối thênh thang
Ướt đẫm hương thơm nàng mang về ngổn ngang bên gối
Tự xa lắc lơ nào hoa cỏ cũng đòi xanh”
(Hoa cỏ cũng đòi xanh)
Cuối cùng, trong cõi nghiệt ngã tình, vấp phải những nỗi vỡ tan thường hằng đầy trêu ngươi của tạo hóa, người đàn bà trút hết mình vào thơ, nên thơ đau đến quặn ruột, con chữ không còn khóc bằng tiếng người được nữa, mà chỉ có thể câm bặt vô ngôn như con chim thôi biết hót, hay tru lên bi ngôn như con sói lạc loài:
“Con chim khóc
Con chim không hót
Con chim không hót
Gió có rít hoài cũng vậy thôi
Con sói tru
Con sói tru từ nơi âm u
Mày rên chi cơn đau từ thẳm sâu trong tau con sói?
Mày có tru hoài cũng vậy thôi.
Ôi đôi môi
Nhói đau và đau vì cồn cào rêu rao
nơi thớ thịt xanh xao xa lắc xa lắc
Chút đêm người trao em
trong cơn say đắng ngắt
Em yêu người mà người ơi”
(Tự mình cắn lấy môi mình cuồng điên)
Trên đỉnh tình hay dưới đáy tình, hoan lạc hay sầu thương, trong vắt nhớ nhung hay tràn đầy nhục cảm, tình Thi Gia tuôn ra thành thơ và thơ Thi Gia như tuôn ra thành khúc hát. Câu chữ chảy đi, không theo lối miên man vì miên man là nhịp chậm, mà phải theo lối rào rạt thì mới kịp nhịp độ ào ạt Thi Gia. Đọc thơ Thi Gia, người ta thấy mình như chạy qua hết cơn gió này đến cơn gió khác, bơi qua hết cơn sóng này đến cơn sóng khác, để khi hổn hển dừng lại trên con chữ cuối cùng, nhận ra cơn lốc xoáy giữa lồng ngực mình, xoáy mãi xoáy mãi mà không chuồi ra ngoài, nghe thân thể mình rạo rực giữa những cảm xúc dữ dội. Thi Gia để lại cơn lốc ấy, để từng người cũng thấy thăm thẳm trong riêng mình những yêu, nhớ, khát, thèm và đau. Vì vậy, sôi nổi, cuồng nhiệt, ào ạt nhưng thơ Thi Gia không hề qua nhanh, không mau tan, không cạn lợt. Sau cơn hấp hổi, thơ Thi Gia đọng lại thấm thía một giọt tình quý giá của nhân gian. Giọt tình trong mỗi người, trong từng người. Bởi ai từng sống mà không yêu. Và bởi, yêu như Thi Gia là yêu như muôn người.
Thực ra, yêu nồng nàn như muôn người cộng lại. Yêu đến nỗi khôn kham, đến nỗi tự hoảng sợ trước chính mình, trước cơn yêu cứ rực lên rộn rã, đến nỗi người thơ, người yêu phải chắp tay mà lạy, “lạy tình, tình bớt đắm say”.
Thơ Thi Gia là thứ thơ trắng, thơ màu trắng, thơ khởi sinh từ cõi trắng, cõi đầu tiên của loài người. Ấy là cõi tình. Và thơ là thơ tình. Trong thơ Thi Gia và trong người Thi Gia, hình như tất thảy đều bị quên hết đi, đều bị mờ hết đi, chỉ còn cái tình uyên nguyên ở lại, trọn vẹn, bao trùm. Tình là tất thảy mà tất thảy là tình. Tình là nhân thế, là vũ trụ. Suy cho cùng, tình là cái đầu tiên và cũng là cái cuối cùng của loài người. Cũng như trắng là màu, mà cũng là không màu. Vì lẽ ấy, bất cứ điều gì nằm trong khí quyển Thi Gia đều đượcnhìn ngắm, cảm nghiệm, suy tưởng bằng con mắt tình. Người đàn bà thợ xây được lạ hóa bằng tình, quên đi những nỗi nhọc nhằn mưu sinh quen thuộc, mà hiện lên trong niềm xót xa cho những nỗi thiệt thòi, thiếu hụt rất sâu kín, rất đàn bà:
“Những người đàn bà thức dậy trước bình minh
Giặt giũ và phơi phóng
Trên giây phơi không có một chiếc váy mềm
Được dệt bằng voan và ren đỏ
Cho một người đàn ông được cởi ra trong đêm”
(Đàn bà thợ xây)
Với váy áo, với yêu, thơ Thi Gia khiến người ta thoáng nghĩ đến nỗi khát khao nhục cảm dữ dội, đa đoan có cái sóng mắt đong đưa, lơi lả Xuân Hương tự nghìn xưa. Với nỗi trào dâng và cơn dịu êm nhi nữ dành cho tình nhân, cho con thơ và cho người trăm năm, thơ Thi Gia lại nhắc người ta xao xuyến về người đàn bà hát tình ca Xuân Quỳnh. Với cái thế chủ động, đầy “muốn”, đầy “thèm”, đầy “cho”, đầy ý thức đàn bà bằng trăm nghìn động thái đàn bà, thơ Thi Gia lại cho người ta hồi tưởng đến những vần điệu của người con gái Nhã Ca không chịu sự im ắng, bỏ nhà, bỏ xứ sở, lên đường tìm thơ và tìm bản thể của mình những năm hai mươi tuổi. Thi Gia đã cùng với những thi nhân mặc váy áo làm thơ thế hệ trước, mở rộng thế giới đàn bà, khắc họa hình hài, đường nét, màu sắc đàn bà một cách tinh tế, độc đáo. Những người đàn bà ấy, không ngồi nhìn xuống bụng mình để chỉ là cái tử cung của nhân loại, mà nhìn sâu vào bụng mình, để nhân loại hiểu họ, tri nhận họ và ngỡ ngàng trước cái hang sâu đa thanh âm, đa sắc màu của chủ thể đàn bà.
Nhưng thơ Thi Gia không phải là thơ Xuân Hương, Xuân Quỳnh, Nhã Ca. Thơ Thi Gia có con mắt riêng, cái tứ riêng, cái giọng riêng, cái nhịp riêng. Đấy là con mắt tình, cái tứ yêu, cái giọng rạt rào, cái nhịp hổn hển.
Đấy là thơ trắng của người đàn bà trẻ con suốt đời chỉ biết say đắm nhân tình.
Và như thơ sinh ra đã trắng. Người thơ sinh ra đã là thi gia, Thi Gia.
[1]Mình thương nhớ mình ở phía đã từng xanh.
[2]Chết vì yêu thì chết đi nào
[3]Valentine day say café
[4]Nhan sắc tội tình
“Mưa…
Ướt đẫm cơn mơ đêm qua
Ướt đẫm hồng nhan
Ướt đẫm bóng tối thênh thang
Ướt đẫm hương thơm nàng mang về ngổn ngang bên gối
Tự xa lắc lơ nào hoa cỏ cũng đòi xanh”
(Hoa cỏ cũng đòi xanh)
Cuối cùng, trong cõi nghiệt ngã tình, vấp phải những nỗi vỡ tan thường hằng đầy trêu ngươi của tạo hóa, người đàn bà trút hết mình vào thơ, nên thơ đau đến quặn ruột, con chữ không còn khóc bằng tiếng người được nữa, mà chỉ có thể câm bặt vô ngôn như con chim thôi biết hót, hay tru lên bi ngôn như con sói lạc loài:
“Con chim khóc
Con chim không hót
Con chim không hót
Gió có rít hoài cũng vậy thôi
Con sói tru
Con sói tru từ nơi âm u
Mày rên chi cơn đau từ thẳm sâu trong tau con sói?
Mày có tru hoài cũng vậy thôi.
Ôi đôi môi
Nhói đau và đau vì cồn cào rêu rao
nơi thớ thịt xanh xao xa lắc xa lắc
Chút đêm người trao em
trong cơn say đắng ngắt
Em yêu người mà người ơi”
(Tự mình cắn lấy môi mình cuồng điên)
Trên đỉnh tình hay dưới đáy tình, hoan lạc hay sầu thương, trong vắt nhớ nhung hay tràn đầy nhục cảm, tình Thi Gia tuôn ra thành thơ và thơ Thi Gia như tuôn ra thành khúc hát. Câu chữ chảy đi, không theo lối miên man vì miên man là nhịp chậm, mà phải theo lối rào rạt thì mới kịp nhịp độ ào ạt Thi Gia. Đọc thơ Thi Gia, người ta thấy mình như chạy qua hết cơn gió này đến cơn gió khác, bơi qua hết cơn sóng này đến cơn sóng khác, để khi hổn hển dừng lại trên con chữ cuối cùng, nhận ra cơn lốc xoáy giữa lồng ngực mình, xoáy mãi xoáy mãi mà không chuồi ra ngoài, nghe thân thể mình rạo rực giữa những cảm xúc dữ dội. Thi Gia để lại cơn lốc ấy, để từng người cũng thấy thăm thẳm trong riêng mình những yêu, nhớ, khát, thèm và đau. Vì vậy, sôi nổi, cuồng nhiệt, ào ạt nhưng thơ Thi Gia không hề qua nhanh, không mau tan, không cạn lợt. Sau cơn hấp hổi, thơ Thi Gia đọng lại thấm thía một giọt tình quý giá của nhân gian. Giọt tình trong mỗi người, trong từng người. Bởi ai từng sống mà không yêu. Và bởi, yêu như Thi Gia là yêu như muôn người.
Thực ra, yêu nồng nàn như muôn người cộng lại. Yêu đến nỗi khôn kham, đến nỗi tự hoảng sợ trước chính mình, trước cơn yêu cứ rực lên rộn rã, đến nỗi người thơ, người yêu phải chắp tay mà lạy, “lạy tình, tình bớt đắm say”.
Thơ Thi Gia là thứ thơ trắng, thơ màu trắng, thơ khởi sinh từ cõi trắng, cõi đầu tiên của loài người. Ấy là cõi tình. Và thơ là thơ tình. Trong thơ Thi Gia và trong người Thi Gia, hình như tất thảy đều bị quên hết đi, đều bị mờ hết đi, chỉ còn cái tình uyên nguyên ở lại, trọn vẹn, bao trùm. Tình là tất thảy mà tất thảy là tình. Tình là nhân thế, là vũ trụ. Suy cho cùng, tình là cái đầu tiên và cũng là cái cuối cùng của loài người. Cũng như trắng là màu, mà cũng là không màu. Vì lẽ ấy, bất cứ điều gì nằm trong khí quyển Thi Gia đều đượcnhìn ngắm, cảm nghiệm, suy tưởng bằng con mắt tình. Người đàn bà thợ xây được lạ hóa bằng tình, quên đi những nỗi nhọc nhằn mưu sinh quen thuộc, mà hiện lên trong niềm xót xa cho những nỗi thiệt thòi, thiếu hụt rất sâu kín, rất đàn bà:
“Những người đàn bà thức dậy trước bình minh
Giặt giũ và phơi phóng
Trên giây phơi không có một chiếc váy mềm
Được dệt bằng voan và ren đỏ
Cho một người đàn ông được cởi ra trong đêm”
(Đàn bà thợ xây)
Với váy áo, với yêu, thơ Thi Gia khiến người ta thoáng nghĩ đến nỗi khát khao nhục cảm dữ dội, đa đoan có cái sóng mắt đong đưa, lơi lả Xuân Hương tự nghìn xưa. Với nỗi trào dâng và cơn dịu êm nhi nữ dành cho tình nhân, cho con thơ và cho người trăm năm, thơ Thi Gia lại nhắc người ta xao xuyến về người đàn bà hát tình ca Xuân Quỳnh. Với cái thế chủ động, đầy “muốn”, đầy “thèm”, đầy “cho”, đầy ý thức đàn bà bằng trăm nghìn động thái đàn bà, thơ Thi Gia lại cho người ta hồi tưởng đến những vần điệu của người con gái Nhã Ca không chịu sự im ắng, bỏ nhà, bỏ xứ sở, lên đường tìm thơ và tìm bản thể của mình những năm hai mươi tuổi. Thi Gia đã cùng với những thi nhân mặc váy áo làm thơ thế hệ trước, mở rộng thế giới đàn bà, khắc họa hình hài, đường nét, màu sắc đàn bà một cách tinh tế, độc đáo. Những người đàn bà ấy, không ngồi nhìn xuống bụng mình để chỉ là cái tử cung của nhân loại, mà nhìn sâu vào bụng mình, để nhân loại hiểu họ, tri nhận họ và ngỡ ngàng trước cái hang sâu đa thanh âm, đa sắc màu của chủ thể đàn bà.
Nhưng thơ Thi Gia không phải là thơ Xuân Hương, Xuân Quỳnh, Nhã Ca. Thơ Thi Gia có con mắt riêng, cái tứ riêng, cái giọng riêng, cái nhịp riêng. Đấy là con mắt tình, cái tứ yêu, cái giọng rạt rào, cái nhịp hổn hển.
Đấy là thơ trắng của người đàn bà trẻ con suốt đời chỉ biết say đắm nhân tình.
Và như thơ sinh ra đã trắng. Người thơ sinh ra đã là thi gia, Thi Gia.
[1]Mình thương nhớ mình ở phía đã từng xanh.
[2]Chết vì yêu thì chết đi nào
[3]Valentine day say café
[4]Nhan sắc tội tình
http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/dan-ba-vay-ao-va-yeu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét