Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Xử tham nhũng như trò đùa!

Thời còn làm việc trong bộ máy nhà nước ta, bọn công chức chúng tôi thường nói đùa trong nội bộ với nhau: Việc nhà nước như trò hề (vì toàn đóng kịch với nhau cả). Nay có bác Cao Giang nói công khai, thật là mừng. Tiếc là bác cũng chỉ công khai sau khi đã nhận sổ hưu.
Đọc đoạn dưới đây lại nhớ đến hành động dũng cảm của Nghệ sĩ Kim Chi từ chối lời khen của Thủ tướng Dũng: "Bây giờ, động viên người ta đứng ra tố cáo tham nhũng đã khó. Nhưng việc khen thưởng người ta cũng khó không kém bởi không thể giao cho một ông cán bộ có gương mặt nhem nhuốc - hoàn toàn theo nghĩa bóng, đứng ra trao thưởng được. Mà giờ thì cán bộ nhem nhuốc không ít đâu. Khi ông nhem nhuốc đi trao thưởng cho hành động cao đẹp là vạch trần cái xấu thì người tự trọng sẽ thấy đó là một sự xúc phạm".
Xử tham nhũng như trò đùa!
(Kienthuc.net.vn) - Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, trong 8 tháng đầu năm nay đã có 36 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 4 người bị xử lý hình sự.
"Xử lý như thế không là trò đùa thì là cái gì?", ông Cao Giang, nguyên biên tập viên Nhà Xuất bản Thanh niên, người có 43 năm tuổi Đảng đặt vấn đề khi trò chuyện cùng phóng viên.

 Ông Cao Giang, nguyên biên tập viên Nhà Xuất bản Thanh niên.
Người tự trọng mới trả lại giải thưởng!
Vụ việc chị Dương Thị Thu Thủy - nữ hộ sinh Trạm Y tế Thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam vừa từ chối nhận thưởng vì đã tố cáo trưởng trạm tham nhũng đặt ra cho ông suy nghĩ gì, thưa ông?

Trước hết, phải khẳng định rằng, thưởng thì ai cũng muốn. Thế nhưng, khi mà người được thưởng từ chối nhận giải thưởng thì phải xem xét lý do tại sao. Ở đây, nữ hộ sinh này cho rằng đơn tố cáo của chị chưa được giải quyết thỏa đáng nên chị từ chối nhận thưởng. Tôi cho đó là một hành động dũng cảm, thể hiện quyết tâm chống cái xấu đến cùng, dù cho có thể mình gặp điều không may.

Ông đồng tình với cách hành xử ấy?
Đúng thế. Tôi tin, những người có lòng tự trọng đều sẽ làm như chị Thủy.

Có người bảo, việc trả thưởng ấy là một sự bất lực khi thấy cái xấu hoành hành mà không trị tận gốc được!

Tôi nghĩ nhận định ấy không phải vô lý. Nó thể hiện sự bất lực khi người ta muốn gạt bỏ cái xấu ra khỏi đời sống, nhưng chính người đó lại không có đủ thẩm quyền để gạt bỏ nó. Còn những người có thẩm quyền thì lại dung dưỡng, bao che. Điều đó cũng cho thấy một thực trạng là, việc bé như con kiến (sai phạm ở trạm y tế cấp xã) mà người ta đã không giải quyết được thì ở những cấp cao hơn, sai phạm nặng nề hơn, người ta còn khó xử lý đến mức nào.

Nó ăn dây cả đấy!

Theo ông thì vì sao sai phạm ở ngay cả cấp "bé như con kiến" mà cũng không giải quyết nổi?

Là bởi, sự dung dưỡng, thỏa hiệp với cái xấu ở mọi nơi. Anh trạm trưởng trạm y tế sai rồi nhưng đâu phải chỉ riêng anh ta. Tôi không tin là chỉ mình anh ta được lợi và cấp trên thì không biết. Người ta biết chứ! Nó ăn dây cả đấy! Nhưng nói ra thì chẳng khác nào "lạy ông tôi ở bụi này".

Thứ nữa, pháp luật của ta về chống tham nhũng, tôi thấy là cũng khá đầy đủ, chặt chẽ đấy. Chế tài xử lý cũng có. Nhưng người ta xử lý cứ như trò đùa ấy!

Ông có cường điệu quá không?

Chả thế à! Ngay thống kê của Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ ra, trong 8 tháng đầu năm đã có 36 người đứng đầu bị xử lý liên quan đến tham nhũng, trong đó chỉ có 4 người bị xử lý hình sự, còn lại là xử lý kiểu thuyên chuyển công tác, hạ chức vụ. Xử lý như thế không là trò đùa thì là cái gì? Mình xây dựng nhà nước pháp quyền nhưng lại bỏ rơi pháp luật, khiến pháp luật chỉ tồn tại trên văn bản. Do đó, sẽ rất khó để thành công trong việc chống tham nhũng. 

Vậy còn với bộ phận giám sát là những người dân như ông, ông thấy thế nào về sự tham gia này?

Nói là công dân đều có quyền giám sát, tố cáo tham nhũng, thế nhưng mấy ai dám lên tiếng. Vì ai bảo vệ họ? Bảo là thư tố cáo nặc danh không xem xét vậy tại sao không hỏi ngược lại là thư nặc danh do đâu? Người dũng cảm, dám đấu tranh với cái xấu thì còn phải lo cho vợ con, gia đình người ta nữa chứ. Mà giám sát đấy, tố cáo đấy nhưng anh giải quyết thì có xử lý đến nơi đến chốn đâu.

"Đãi"... công chức tìm người trung trực

Nói thế thì chính cái tâm của những người có trách nhiệm cũng đang có vấn đề?

Nói thẳng ra là cái tâm đó rất ít. Bây giờ, trong quản lý hành chính thì phải đặt lại câu "đãi cát tìm vàng" là "đãi công chức tìm người trung trực" mới đúng. Người trung trực phải cao hơn người trung thực. Đó phải là người không chỉ không làm việc xấu mà phải cao cả hơn khi trong những điều kiện, hoàn cảnh có thể làm việc xấu, nhưng họ không làm.

Ông nói thế làm tôi liên tưởng đến một anh công chức bình thường thì chỉ ăn cơm với rau, đậu phụ. Đến khi có chức quyền, có điều kiện để được ăn thịt bò - dù thịt đó kiếm được bằng cách nào đi chăng nữa thì e là người ta khó mà từ chối được?

Đúng vậy. Khi anh trung trực thì anh sẽ chẳng màng đến miếng thịt bò người ta mang biếu anh để mong nhận được từ anh một ân huệ nào đó. Khi ấy, tiếng thơm của anh sẽ được người ta ghi nhớ. Nhưng bây giờ, tôi thấy nhiều người chả nghĩ đến tiếng thơm mà chỉ nghĩ đến miếng ăn thôi. Vậy nên họ cứ thò tay vào túi người khác mà móc về làm giàu cho mình, cho gia đình, cho nhóm của mình.

Chưa kịp về hưu đã chết trong lòng dân

Cái đó đổ cho lòng tham con người là vô đáy, hay vì cái gì khác, thưa ông?

Suy cho cùng thì chính quyền lực làm cho người ta bị tha hóa. Quyền lực càng cao càng dễ tha hóa, vì cùng với quyền lực là tiền tài, danh vọng. Mà ở đời, lòng tham thì ai đo đếm được. 

Nhưng có vẻ, cái giá người ta phải trả nhiều khi vẫn còn chưa tương xứng?

Đúng thế, như cái con số xử phạt ở trên ấy. Nhưng có những cái mất đi mà người ta không nhận ra, vì lòng tham làm mờ mắt họ rồi.

Đó là những cái mất gì vậy? 

Đấy là sự liêm sỉ. Một người mà không có liêm sỉ thì làm sao cho ra nhân cách con người. Là việc chưa kịp về hưu nhưng đã chết trong lòng dân, đến mức ông cứ rao giảng về đạo đức, về sự trong sạch nhưng những người biết chuyện thì chỉ mỉa mai, lảng ra chỗ khác.

Lẽ phải không dành cho người yếu thế!

Có vẻ chẳng khó để nhận ra những quan chức dạng này, đúng không ông?

Đúng vậy. Dù họ có chối tội, có cố tình che đậy bằng quyền lực của mình thì dân cũng biết cả thôi.

Nhưng để người dân lên tiếng thì khó lắm thay!

Người ta sẽ lên tiếng khi mà họ bị dồn đến mức không còn gì để mất. Nó cũng đặt ra vấn đề là bây giờ, luật pháp, lẽ phải trong một số trường hợp dường như không dành cho người yếu thế.

Vậy luật pháp, lẽ phải dành cho ai?

(Cười) Dành cho người không yếu thế thôi. Thế mới có chuyện người ta ở tận các tỉnh xa xôi phải ra nơi tiếp dân của Chính phủ, Quốc hội ngoài Hà Nội để tố cáo tiêu cực, tham nhũng. Hay có những người dân vác đơn đi kiện ròng rã hàng năm trời, có khi mấy chục năm trời mà chưa xong. Mà không ít cán bộ bây giờ cũng có coi trọng dân đâu! Thi thoảng báo chí vẫn đưa tin cán bộ công quyền hành hung dân đấy thôi.

Theo ông thì phải làm sao để người dân lấy lại được lòng tin vào cán bộ công chức, vào cơ quan công quyền trong công cuộc phòng chống tham nhũng?

Tôi cho rằng cái cốt lõi vẫn là ở tự thân cán bộ công chức. Họ phải tu dưỡng rèn luyện lại chính mình. Thứ nữa mới đến việc thực thi pháp luật cho hiệu quả. Chừng nào người ta còn đi kiện, còn tìm đến cơ quan công quyền thì chừng đó niềm tin trong dân vẫn còn. Chỉ mong cán bộ công chức của ta từ thấp đến cao nhận ra để làm sao cho niềm tin ấy không bị mất đi. Người dân chúng tôi rất mong mỏi điều này.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ hết sức thẳng thắn này!

"Bây giờ, động viên người ta đứng ra tố cáo tham nhũng đã khó. Nhưng việc khen thưởng người ta cũng khó không kém bởi không thể giao cho một ông cán bộ có gương mặt nhem nhuốc - hoàn toàn theo nghĩa bóng, đứng ra trao thưởng được. Mà giờ thì cán bộ nhem nhuốc không ít đâu. Khi ông nhem nhuốc đi trao thưởng cho hành động cao đẹp là vạch trần cái xấu thì người tự trọng sẽ thấy đó là một sự xúc phạm".

Vũ Thủy (Thực hiện) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét