Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Nhà văn nhà veo

Nhà văn nhà veo
Nguyễn Quang Lập
Kì này mình ra Hà Nội gần nửa tháng, ra để giải quyết việc nhà, kì thực không nghĩ gì đến Đại hội nhà văn. Từ lâu rồi mình không quan tâm đến các đại hội của các hội, hội nào cũng thế chứ chẳng cứ gì hội nhà văn. Mình có tên trong bốn năm hội, khi còn trẻ mỏ thì hăng lắm, bây giờ già rồi, và nói thật cũng nản rồi, chẳng muốn dự bất kì đại hội nào nữa. Đến dự thì cũng vui, được gặp bạn bè tứ xứ ôm vai hót cổ hỏi han năm điều ba chuyện để biết thêm chút về nhau cũng không phải là dở. Nhưng ngoài chuyện đó ra mình chẳng thấy có ích gì.
Hồi còn trẻ thì máu me lắm. Sắp đến kì đại hội trong lòng rộn rã, xôn xao trước cả tháng. Mình nhớ đại hội nhà văn lần thứ IV vào cuối năm 1989, hội đó mình đang ở Huế, anh em nhà văn ngày nào cũng gặp nhau khi thì quán rượu chị Phứơc, khi thì quán rượu chị Hiếu, sôi sục bàn chuyện Đại hội. Người nói tôi sẽ nói cái này, người nói tôi sẽ nói cái kia, ai nấy mặt mày phừng phừng như sắp ra chốn sa trường, hi hi.
Đoàn nhà văn Bình Trị Thiên được tỉnh uỷ gặp gỡ, mời cơm trước khi đi Đại hội, còn cho tiền cấp xe đi ra Hà Nội, rất oách. Ra đến Bến Thuỷ trúng mùa nước lũ, kẹt phà, xe dồn nhau dài đến mấy cây số, anh em trình cả giấy triệu tập của Ban bí thư cũng không được ưu tiên. Bí thế, mấy anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Minh, Nguyễn Trọng Tạo kẻ đọc thơ, người hát nhạc nịnh mấy ông canh phà suốt đêm, sáng ra mới được ưu tiên cho qua phà trước, mừng hết lớn. 

Tâm trạng đi dự đại hội hồi đó lạ lắm, nó giống như đi lễ hội lớn vậy, ai nấy ngây ngất con cà cưỡng, tâm niệm đến đấy vừa để chơi vừa để giải quyết việc lớn văn chương nước nhà, ngây thơ đinh ninh nếu Đại hội thành công, bầu được Ban chấp hành ưa ý thì văn chương nước nhà nhất định sẽ khởi sắc. Mình cũng đinh ninh như thế. Chẳng biết từ khi nào anh em nhà văn đã đánh đồng nền văn chương với công tác Hội, cho rằng sở dĩ nền văn chương Việt xập xệ là do Ban chấp hành hội mà ra. Mọi yếu kém của nền văn chương cũng do mấy anh Ban chấp hành đầu têu hết. Bây giờ vẫn nhiều người nghĩ như thế chứ chẳng phải ngày xưa.
Kì thực Hội là nơi động viên giúp đỡ anh em sáng tác cho tốt, thế thôi. Chẳng có Hội nào lại lại chỉ đạo được nhà văn viết cái gì, viết như thế nào. Phàm là nhà văn chẳng ai chỉ đạo được ai, ông nào ông nấy cái tôi to bằng cái bồ, văn mình vợ người xưa nay đều thế cả, chẳng làm sao thay đổi được. Vả, tự do sáng tác là thứ nhà văn cần chứ không phải người ta cần Hội bắt tay chỉ ngón cho người ta viết, nếu bị bắt tay chỉ ngón thì đố ai còn viết văn đựơc đấy.

Có ai đó ví von chuyện con rết rất hay. Con rết có hai dãy chân đến cả trăm chân, mỗi lần nó chạy hai dãy chân chuyển động nhịp nhàng. Con chuột hỏi con rết ông làm sao điều khiển được hai dãy chân nhịp nhàng đến thế. Con rết nói có gì đâu, đầu tiên dơ chân này nhé, rồi dơ chân này nhé…Đến khi nó làm như nó nói thì nó không đi được nữa.

Hôm qua Vi Thuỳ Linh gọi điện phỏng vấn mình, nó nói theo chú Ban chấp hành có cần những người thực tài không. Mình nói có chứ sao không. Nhưng đó là các nhà văn có tài quản lý, tài điều hành, tài tổ chức sự kiện hội nghị hội thảo… chứ không phải tài viết văn. Bầu mấy ông có tài viết văn vào Ban chấp hành để làm gì, để họ viết văn mẫu cho mọi người viết theo hay sao?

Nói chuyện Ban chấp hành cũng buồn cười. Không rõ các kì đại hội I, II, III thì thế nào, chắc khi đó BCH đều do trên sắp đặt cả, bầu bán cũng giả vờ cho vui thôi. Từ đại hội IV trở đi trên cho bầu bán tự do thoải mái, nhà văn thì cứ tự do/ thằng nào xứng đáng ta cho vào hòm thì danh sách đề cử cả đến mấy trăm người, nhiều người xin rút rồi vẫn còn hơn hai trăm người, thất kinh. Lâu nay cứ nghĩ nhà văn thì chẳng ai mê quyền lực, thậm chí ghét bỏ khinh miệt nữa, té ra không phải. Quá nhiều người mê dù đó chỉ là cái quyền hão, danh hão và cũng quá nhiều người ảo tưởng về bản thân.

Về cái sự ảo tưởng về bản thân thì ai cũng mắc, mình cũng không thoát được. Đại hội V mình có tên trong danh sách đề cử, kì thực thì 500 đại biểu có đến 250 ông được đề cử rồi chứ chẳng vinh dự gì. Khi đó bao nhiêu người rủ rê tán tỉnh mình. Kẻ kéo áo, nói ông không được rút nhé; người rỉ tai, nói đợt này ông phải vào đấy, cấm có chạy làng. Ngoài mặt ra vẻ không quan tâm nhưng trong bụng sướng củ tỉ, bèn tắc lưỡi nói ừ thì không rút, vào được BCH cũng tốt, nếu chẳng vào được cũng biết thực có bao nhiêu người yêu mình. Đến khi bầu mình chỉ có 156 phiếu, còn gần trăm phiếu nữa mới trúng, xấu hổ chết được. Buồn đúng một tháng, không phải buồn vì trật BCH mà buồn vì nhận ra quá ít người yêu quí mình thật sự.

Sau nghĩ lại thấy chẳng việc gì mà buồn, người ta bầu BCH là bầu những người có năng lực điều hành chứ đâu bầu kẻ mình yêu, người mình phục văn tài. Ông Thiệp ( Nguyễn Huy Thiệp) hồi đó tên tuổi nổi như cồn, nhiều người nói nếu gọi Hội nhà văn là một gánh thì đầu này là cả hội nhà văn, đầu kia là Nguyễn Huy Thiệp. Chắc ông Thiệp cũng nghĩ thế nên ông chẳng rút, kết quả ông chỉ có hơn trăm phiêu bầu cho ông thôi.

Mình nhớ đại hội IV mình ở trong ban kiểm phiểu, ông nào ông nấy hằm hè nhau, ông này nghi ông kia lậu phiếu, rất căng thẳng. Bầu lần đầu được 5 người, lại bầu lần nữa được 6 người. Kiểm phiếu đến nửa đêm mới xong, mệt bã người. Điều lạ là giờ đó vẫn còn rất nhiều nhà văn ngồi phủ phục chờ kết quả bầu cử, khi tụi mình ra khỏi phòng kiểm phiếu xuống hội trường thì mọi người chạy rật rật đến, nói sao rồi sao rồi. Hi hi bầu BCH hội nhà văn mà hồi hộp căng thẳng không khác gì bầu tổng thống.

Hồi đó mình chỉ 33 tuổi, cái tuổi ưa nổi danh thích được chứng tỏ, nhảy lên diễn đàn phát biểu ba bốn lần, được vỗ tay hoan hồ càng ăn to nói lớn. Đại hội văn chương chẳng thấy bàn văn chương, chỉ toàn tranh cãi nhau ông này tham ông kia hèn, ông này bất tài ông kia cơ hội. Anh Trần Dần ra khỏi hội trường, dập dập cái gậy chống, mắt trợn miệng nói tợn, đại hội tợn quá.

Mấy bác Phùng Quán, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt… ba chục năm trở lại văn đàn, tưởng các bác sẽ đăng đàn nói những điều hệ trọng, té ra không. Các bác toàn rủ nhau ra căng tin phía sau hội trường uống bia, uống say thì về, chẳng biết gì đại hội đại heo. Anh Phùng Quàn cứ đến chiều là chân nam đá chân chiêu trở về nhà. Chị Trâm vợ anh hỏi đại hội có chuyện gì vui, anh chỉ nhăn răng cười., nói ua chầu, cãi nhau như mổ bò.

Cụ Hoàng Trung Thông khi đó đã già rồi, chẳng hiểu sao không thấy cụ vào ghế ngồi, chỉ đứng ở cửa trông vào. Tính mình ngồi không nóng chỗ, lúc lúc lại nhảy ra ngoài hút thuốc. Mỗi lần qua cửa cụ lại túm tay giật lại, nói sao rồi sao rồi. Mình cười, nói thì vẫn đang cãi nhau đó mà anh. Cụ cười cái hậc, nói đại hội với đại heo, hội nhà văn cãi nhau mấy chuyện này à, đó là hội nhà Đảng. Mình chỉ cười hì hì chẳng biết nói sao.

Khi đó mình nghĩ các cụ hết hơi rồi, viết lách không màng, hội hè cũng đã chán. Đến đại hội để tìm bạn uống ba chén rượu thôi. Bây giờ mới thấy các cụ có lý, nhà văn lại đi cãi nhau ỏm tỏi ba chuyện phi văn chương thật quá phí thời giờ. Đa phần các cụ đều dạt ra hết cho mấy anh trẻ tranh hùng, tóm lại cũng chỉ để tranh cái chân BCH. Các cụ đến đây chỉ để vui, vui bạn vui bè, vui nghề vui nghiệp, và đó mới đúng là đại hội nhà văn. Mấy thứ phi văn các cụ ớn lắm, sợ lắm. Đời các cụ ngấm đòn cũng đã nhiều rồi.

Một buổi chiều mình thấy anh Trần Hữu Thung say rượu nằm vật trên ghế đá khuôn viên Hội trường Ba Đình. Mình bế xốc anh dậy, nói để em đưa anh vào nhà nghỉ. Anh hoảng hốt bừng tỉnh, miệng nói tay khua, nói không không tôi không phát biểu đâu không phát biểu đâu, tôi nhất trí hết nhất trí hết. Hi hi nhà văn nhà veo sao mà khổ thế.

http://bolapquechoa.blogspot.ch/2013/09/nha-van-nha-veo.html?utm_source=BP_recent

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét