Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

VẤN ĐỀ LUẬT SƯ TỐ THÂN CHỦ TRONG BLHS 2015

VẤN ĐỀ LUẬT SƯ TỐ THÂN CHỦ TRONG BLHS 2015
Theo tôi, trước hết cần phải thống nhất cách hiểu các cụm từ "biết rõ" và "biết được những tình tiết liên quan" trong BLHS 2015 và BLTTHS 2015 và phân biệt nó với "biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa". Các tranh luận tại cơ quan lập pháp, trong đó có các luật sư gần đây cho thấy các khái niệm nêu trên chưa được chú ý phân biệt.
Image result for Ls Phạm Văn Phất
(Ls Phạm Văn Phất, Đoàn Ls QN)
Khi một người "biết được những tình tiết liên quan" đến vụ án, họ sẽ trở thành người làm chứng trong vụ án đó khi được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập (xem Điều 66 BLTTHS 2015). Trường hợp người này là một luật sư thì anh ta không thể trở thành người bào chữa trong vụ án đó vì đã là người làm chứng (xem khoản 4 Điều 72 BLTTHS 2015). Như vậy quy định đang tranh cãi tại khoản 3 Điều 19 BLTTHS2015 không có ý nghĩa nếu luật sư đã là nhân chứng.

Còn để được cho là "biết rõ" tội phạm đang hoặc đã được thực hiện để phát sinh nghĩa vụ tố giác tội phạm thì đòi hỏi không những phải "biết được các tình tiết liên quan" mà còn phải biết rõ các tình tiết đủ để cấu thành một tội phạm nào đó. Như vậy, trước hết, người này phải có thể trở thành người làm chứng nếu vụ án được khởi tố. Do đó, nếu một luật sư biết rõ về tội phạm đang hoặc đã được thực hiện thì cũng không thể trở thành người bào chữa trong vụ án như phần trên đã nói- quy định tại khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 cũng không có ý nghĩa.

Như vậy, "biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa" theo tinh thần của BLHS 2015 phải được hiểu là được nghe thân chủ (bị can, bị cáo trong vụ án) kể về một hành vi phạm tội khác của họ (chưa bị khởi tố). Trường hợp này, nếu BLHS2015 buộc luật sư phải tố giác/ làm chứng trước tòa vì những gì thân chủ tin tưởng kể lại thì không những đã buộc luật sư phải vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp, mặt khác với cách hiểu "được nghe lời khai trong quá trình tác nghiệp cũng phải trở thành người làm chứng" thì chính các điều tra viên, kiểm sát viên, là những người trực tiếp hỏi cung, lấy lời khai cũng đều phải trở thành người làm chứng trước tòa, có nghĩa vụ tố giác tội phạm về những gì họ được nghe trình bày. Điều này sẽ tạo ra các trình tự tố tụng, cách xác định tư cách tham gia tố tụng hình sự biến dạng, quái dị.

Thử hình dung trong vụ án được khởi tố do một luật sư đã tố giác thân chủ vì nhận thấy mình "biết rõ" từ lời kể của chính thân chủ, vậy một luật sư khác tham gia bào chữa cho vị thân chủ trong vụ án mới được khởi tố này còn có quyền đưa ra quan điểm bào chữa là thân chủ ấy vô tội hay không, hay chí ít là chưa đủ căn cứ để buộc tội??? 

Hoặc giả luật sư đã thực hiện tố giác thân chủ theo yêu cầu của luật nhưng cơ quan tiếp nhận tố giác không tiến hành khởi tố vụ án vì cho rằng chưa đủ căn cứ. Xã hội, và cả cơ quan tiến hành tố tụng nữa, họ sẽ nghĩ gì về giới luật sư trong các tình huống này đây? Ai còn phải nghi ngờ đây không phải là quy định làm thui chột nghề luật sư?

Đó là chưa kể đến việc quy định buộc người bào chữa phải tố giác thân chủ, nếu có, sẽ rất dễ bị cơ quan điều tra lạm dụng để loại bỏ các luật sư tham gia bào chữa mà họ thấy gai mắt với chiêu bài nghi ngờ luật sư đã được bị can, bị cáo kể về một tội phạm nghiêm trọng khác. Khi luật sư chưa kịp tự minh oan cho mình thì vụ án chính đã qua đi mà không có sự tham gia của luật sư đó. Có lẽ đây mới là lý do chính mà cơ quan soạn thảo muốn giữ quy định này lại chứ không phải vì "lợi ích quốc gia". Còn nhớ cách đây chưa lâu, một nhóm người đã bị khởi tố về tội "khủng bố" (nhằm chống chính quyền nhân dân) chỉ vì đã gửi tin nhắn có nội dung "để yên cho người khác làm ăn" đến số máy của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh.

Theo những phân tích trên đây thì "lợi ích quốc gia, an ninh quốc gia" (như một nữ tiến sỹ Luật ĐBQH đã nêu) không liên quan và không thể là cái cớ để giữ lại quy định đầy mâu thuẫn và quái dị này.

Tóm lại, toàn bộ quy định tại khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 cần phải được xóa bỏ.

(Ls Phạm Văn Phất, Đoàn Ls QN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét