Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2017

Chặt cây ở Hà Nội: làm đường hay còn mục đích khác?

Chặt 1.300 cây xanh ở Hà Nội: làm đường hay còn mục đích khác?
Những ngày qua thời tiết ở Hà Nội vô cùng khắc nghiệt vì cái nắng oi bức, nhiệt độ có lúc lên tới đỉnh điểm 60 độ C, khiến cuộc sống hàng ngàn người dân đảo lộn, vật vã chống chọi với cái nắng nóng chưa từng có trong lịch sử. Thế nhưng, trong tình cảnh này chưa thấy chính quyền Hà Nội có động thái nhằm giúp người dân xử lý, mà lại đưa ra quyết sách “chặt hạ 1.300 cây xanh phần lớn là xà cừ lâu năm” để làm đường. Liệu đây có phải là giải pháp đúng đắn? Thực chất của việc chặt cây là mở đường hay còn toan tính gì khác?

Hàng trăm cây xà cừ cổ đã bị đốn hạ để phục vụ thi công tuyến đường sắt trên cao và hầm chui khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối.

Chưa có năm nào khí hậu ở Hà Nội tăng lên mức báo động như năm nay, chỉ mới bắt đầu mùa nắng nóng nhưng nhiệt độ đã nằm trong khoảng 50-60 độ C. Người dân khổ sở loay hoay tìm mọi cách để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, trẻ nhỏ thì liên tục quấy khóc, người già thì không thể thích nghi được phải nhập viện. Vừa qua đã có hai trường hợp tử vong. Thậm chí, 100 ha rừng phòng hộ ở Sóc Sơn đột nhiên bốc cháy dữ dội do thời tiết khô hanh kéo dài, lực lượng chức năng phải huy động hơn 2.000 người dập lửa trong 12 giờ mới khắc phục được. Theo các chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, đợt nắng nóng này sẽ còn tiếp diễn, đặc biệt trong tháng 6, 7.

Thế nhưng trước tình hình trên, chưa thấy chính quyền Hà Nội có hành động tích cực gì để giúp người dân khắc phục với việc biến đổi khí hậu nặng nề nhất trong lịch sử này. Mà họ lại thản nhiên đưa ra quyết định là chặt hạ 1.300 cây xanh nằm hai bên đường Phạm Văn Đồng phần lớn là xà cừ lâu năm, để mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long. Trong số này có 986 cây xà cừ đường kính từ 0,4 m đến 1,2 m; còn lại là sấu, hoa sữa, phượng vĩ… Dự án này có tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 1.820 tỷ đồng. Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư.

Việc làm này của chính quyền Hà Nội vấp phải ý kiến không đồng thuận từ nhiều chuyên gia và dư luận trong cả nước. Giáo sư – Tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia cho rằng: “Cây xanh có vai trò cực kỳ quan trọng đối với đô thị nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Cây xanh vừa là cảnh quan, vừa là hệ sinh thái, vừa là văn hóa, là nguồn gen”. Còn Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Đình Hòe, Khoa Môi trường, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nói: “Có nhiều dự án phát triển đô thị nhưng vẫn giữ được cây xanh”


Hình ảnh ghi lại ở đầu đường Khương Trung (Đống Đa, Hà Nội) cho thấy, mặt đường đã bị chảy nhựa vào những ngày nắng nóng. (Ảnh: Vietnamnet)

Sở Xây dựng Hà Nội cũng mời các chuyên gia, giảng viên Đại học Nông nghiệp để tham vấn ý kiến, nhưng có nhiều ý kiến phản đối và đề nghị xem xét lại quyết định. Thế nhưng, đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội vẫn khẳng định việc di chuyển, chặt hạ cây xanh là bắt buộc, khiến nhiều hàng triệu dân thủ đô nói riêng và cả nước nói chung vô cùng bức xúc.

Anh Nguyễn Thanh Hùng ở Đan Phượng bày tỏ: “Những cây xanh lớn như thế này phải vài chục năm mới có được, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ hoặc có thể vẫn giữ hàng cây thay cho dải phân cách ôtô, xe máy“. Liên quan vụ này, báo chí trong nước cũng liên tục đăng tải những luồng ý kiến phản đối. Vậy mà bí thư Hà Nội nói với PV: “Chẳng có ý kiến nào bảo dừng chặt 1.300 cây xanh”. Thưa ông Bí thư, ông dựa vào đâu mà khẳng định như thế?


Đo nhiệt độ trên đường Nguyễn Xiển lúc 13h30 ngày 4/6, nhiệt kế chỉ 57 độ C. Ảnh: Trần Thường


Trong bóng mát hàng cây xà cừ, nhiệt kế khi đó chỉ ở ngưỡng gần 40 độ C

Chẳng lẽ tầm nhìn quy hoạch thủ đô của ta chỉ dừng lại ở việc mở rộng đường là chặt hạ cây xanh, dẹp phăng bất kỳ vật gì nằm trên đường bất kể lợi ích to lớn của nó với đời sống dân sinh và môi trường? Hãy nhìn sang đất nước Malaysia, người ta quy hoạch thành phố PutraJaya từ năm 1995, có đến 38% diện tích dành cho không gian xanh. Thế nhưng các con đường được thiết kế cực kỳ rộng rãi, tất cả cơ sở hạ tầng ở đây được đảm bảo không bị lạc hậu và quá tải sau ít nhất 60 năm. Còn Việt Nam thì sao?


Mặc dù sử dụng hàng ngàn tỷ đồng ngân sách để mở rộng, xây dựng đường để phát triển đất nước nhưng chất lượng công trình không tương xứng với số tiền bỏ ra. Trước mắt đã có một minh chứng là đường thiết kế chưa đi vào sử dụng đã hỏng (đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông), hay đưa vào sử dụng một thời gian thì xuống cấp (Quốc lộ 48E). Tại sao với đất nước Dubai người ta xây dựng con đường gồm 12 làn nhưng chi phí chỉ với 4 triệu USD/km, dùng trong 50 năm. Còn ở Việt Nam, chi phí xây đường trung bình là hơn 20 triệu USD/km, dùng trong 2 năm?


Đại lộ Nguyễn Văn Linh – con đường của tầm nhìn mới làng đường rộng rải, sử dụng cây xanh dải phân cách tự nhiên, vừa tăng không gian xanh cho thành phố vừa tiết kiệm. Thiết nghĩ TP.Hà Nội nên học hỏi TP.HCM

Quay trở lại “hạ sách” chặt hạ 1.300 cây xanh, việc làm này của chính quyền TP chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”, giữa cái nắng thiêu cháy da thịt hiện nay, cây xanh cho bóng mát, điều hòa không khí là rất cần, chặt hạ hết hàng ngàn cây xanh như thế này chỉ khiến cho nhiệt độ sẽ không tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Gần đây việc Việt Nam bị cảnh báo là quốc gia chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhiều nhất. Vậy mà chính quyền Hà Nội lại đưa ra quyết định khó hiểu, tàn phá môi trường, đi ngược lại và làm trái cam kết của chính phủ khi ký kết Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP21 cách đây không lâu, khiến tình trạng này ngày càng nghiêm trọng hơn.

Trong bối cảnh ngân sách ngày càng hạn hẹp, thì khoảng chi phí giải phóng mặt bằng (hàng ngàn tỷ) và chặt hạ cây xanh (35 triệu đồng một cây xà cừ) để mở rộng đường là quá lớn. Vì sao chúng ta không tận dụng chúng để làm dải phân cách, vừa tiết kiệm vừa có cây xanh điều hòa không khí góp phần giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu? Chưa kể, sau khi chặt hạ cây, gỗ sẽ đi đâu, dùng vào mục đích gì mà chỉ thấy chính quyền nhắc đến tới việc chặt cây, phần còn lại thì không công khai minh bạch.

Xà cừ là loại cây không phải tự nhiên mà người Pháp nghiên cứu kỹ khi chọn để quy hoạch đô thị cả trăm năm trước. Nó có tán dày, lá quanh năm, thân to bền. Xà cừ là cây có nhiều bóng mát, sống lâu năm. Đặc biệt rất dẻo dai, ít đổ ngã. Đặc biệt xà cừ hấp thu khí thải có chì tốt, cho bóng mát và làm giảm nhiệt rất tốt vì tán dày.

Nguồn: Vietnamnet / Vnexpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét