Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Nhận diện mô hình tăng trưởng mới

Nhận diện mô hình tăng trưởng mới
NDĐT – Ngày 23-12, Báo Nhân Dân, Ban Kinh tế trung ương và Kiểm toán Nhà nước phối hợp tổ chức Tọa đàm “Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế” nhằm nhận diện, định hình mô hình tăng trưởng mới. Cuộc tọa đàm tập trung thảo luận để nhận diện rõ và định lượng được mô hình tăng trưởng, trong đó chỉ ra các phương thức thực hiện, chiến lược tăng trưởng, động lực tăng trưởng, nguồn lực tăng trưởng và mục tiêu tăng trưởng.

Đồng chí Thuận Hữu - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, đồng chí Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đồng chí Nguyễn Hữu Vạn - Tổng Kiểm toán Nhà nước chủ trì Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tại tọa đàm, đồng chí Thuận Hữu – Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân cho biết, sau ba năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo ba trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã có những bước chuyển nhưng nhìn tổng thể vẫn chậm so với thực tiễn và mục tiêu. Cuộc tọa đàm tổ chức nhằm mong các đại biểu, các chuyên gia kinh tế đề xuất những giải pháp cụ thể thiết thực để định hình rõ mô hình tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.

Giáo sư Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cũng đánh giá: Nhìn tổng thể mô hình tăng trưởng kiểu cũ ngày càng thiếu hiệu quả và sức cạnh tranh. Nếu so sánh với sự phân loại các nền kinh tế theo năng lực cạnh tranh toàn cầu, GDP Việt Nam những năm qua dưới 2000 USD – 3000 USD, chủ yếu nặng về khai thác đầu vào và chưa chú ý đến hiệu quả và đổi mới sáng tạo (gồm các yếu tố khoa học công nghệ và quản trị) nên năng suất lao động thấp, hiệu quả giảm dần. Nền kinh tế khó thích ứng với sự phát triển nhanh của thế giới, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ (KHCN), hội nhập sâu và đi vào đổi mới bên trong. Giáo sư Nguyễn Quang Thái nói: “Không đổi mới là tụt hậu ngày càng xa hơn”.

Giáo sư Thái chỉ rõ: “Thể chế chưa coi trọng khu vực tư nhân trong nền kinh tế thị trường, nền kinh tế mất dần động lực. Cơ cấu ngành kinh tế trì trệ”. Cụ thể tỷ trọng ngành nông nghiệp không thể giảm, do bản thân nông nghiệp không tạo ra năng suất cao, cũng như sức chồi lên của các ngành phi nông nghiệp còn kém. Nông dân mất đất sản xuất vì phải nhường đất cho đô thị hóa, song họ lại khổng thể mưu sinh ở đô thị thì không có nghề phù hợp… Nền kinh tế khi đó dựa vào FDI, lâm vào thế “gia công” vì nguyên liệu nhập khẩu chiếm đến 80% và xuất khẩu hộ các nhà đầu tư nước ngoài. Nền kinh tế kém hiệu quả. Việc chỉ số ICOR vừa qua có giảm nhưng là do giảm đầu tư, mà không phải là chủ động điều chỉnh hiệu quả.

Giáo sư Thái nói thêm, các vùng kinh tế phát triển còn thiếu sự phối hợp, bị chia cắt, nên không tạo ra sức mạnh tổng hợp, các tỉnh thành phố ganh đua nhau, trong khi cơ cấu kinh tế quốc gia là thống nhất, xu hướng hội nhập sâu đã đến rất gần.

Các nhân tố tăng năng suất và chất lượng bị kìm hãm, trong đó công nghệ, lao động và quản trị của cả quốc gia và doanh nghiệp đều kém. Dù FDI tăng mạnh chiếm hai phần ba giá trị xuất khẩu, nhưng chủ yếu vẫn là gia công nên chỉ đóng góp được khoảng 20% GDP cả nước. Ba chiến lược đột phá là đúng nhưng không nhanh về nguồn lực và hạ tầng, trong khi thể chế lại lúng túng. Hạ tầng không thể cải thiện nếu chỉ dựa vào đầu tư công và vốn trong nước. Vì vậy, Giáo sư Thái đề nghị: “Mô hình tăng trưởng mới phải gắn với thời đại, tiến kịp thời đại. Phải làm rõ các thách thức cần vượt qua, các rào cản cần khắc phục. Theo đó, về tư duy phát triển cần coi trọng khu vực tư nhân trong hội nhập, gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền, với vai trò lãnh đạo của Đảng là định hướng. Định hướng XHCN hợp lòng dân nhưng thị trường thì phải là cái đích thực để có hiệu quả”.

Đồng quan điểm, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Mô hình tăng trưởng mới được xác định là tăng trưởng không hoàn toàn dựa vào nguồn vốn đã được huy động rất cao, thường là 40% GDP, có lúc đã lên hơn 50% - 60% GDP, trong khi ở nhiều nước thường chỉ ở mức dưới 30% GDP trong thời kỳ đầu công nghiệp hóa; dựa vào nguồn tài nguyên khoáng sản để xuất khẩu và sử dụng trong nước dưới dạng thô, hay chỉ dựa hầu hết vào nguồn lao động giản đơn, trong khi nhân tố năng suất tổng hợp gồm khoa học công nghệ và quản lý, quản trị chưa đến 30%, nhưng năm gần đây chỉ trên dưới 10%... TS Lưu Bích Hồ nói: “Tóm lại, chúng ta đang phát triển theo mô hình chiều rộng và mô hình này đến nay đã được ‘tận khai’, không còn mấy dư địa cả về nguồn lực động lực để tiếp tục phát triển.

Vì vậy không còn cách nào khác là chúng ta phải chuyển sang phát triển theo chiều sâu, có nghĩa là năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính bền vững phải được ưu tiên hàng đầu, là tiêu chuẩn, thước đo chủ yếu đối với tăng trưởng. Con đường và giải pháp cốt lõi là vận dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, kỹ năng quản trị tiên tiến hiện đại, với nguồn lực chất lượng cao và ngày càng cao”. Nói cách khác đây là một kiểu tăng trưởng không chỉ bằng nguồn lực vật chất mà phải gắn chặt với nguồn lực tri thức, phát huy và tổ chức một cách khoa học trong một hệ thống đổi mới sáng tạo ngày càng sâu rộng. TS Lưu Bích Hồ nói: “Người ta gọi đây là một sự phát triển kinh tế dựa trên tri thức và tri thức mới”.

TS Nguyễn Hữu Vạn, Tổng Kiểm toán Nhà nước đưa ra nhận định: Sau ba năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, tuy chưa đạt như kỳ vọng nhưng cũng mang lại một số kết quả bước đầu. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, duy trì tốc độ tăng trưởng, lạm phát được kiềm chế, cán cân thương mại được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người theo giá thực tế tăng theo từng năm, như năm 2011 là 1543 USD, năm 2012 là 1755 USD, năm 2011 là 1911 USD, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế đúng hướng thể hiện tỷ trọng nông nghiệp đã giảm từ hơn 20% xuống hơn 18%, tỷ lệ công nghiệp và dịch vụ tăng từ gần 80% lên 81,62%. Cán cân thương mại liên tục xuất siêu từ năm 2012 đến nay….

Tuy nhiên theo TS Nguyễn Hữu Vạn, nền kinh tế bộc lộ yếu kém. Tốc độ tăng GDP chậm lại, tăng trưởng công nghiệp cũng chững lại, tỷ lệ bội chi ngân sách ở mức cao, khả năng cạnh cạnh của nền kinh tế có xu hướng giảm, cơ cấu kinh tế và cơ cấu ngành chưa chuyển biến.

Cụ thể tái cơ cấu đầu tư công vẫn còn chậm. Tỷ trọng đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách và đầu tư toàn xã hội giảm. Nhiều bộ ngành, địa phương còn nợ đọng vốn đầu tư lớn…. còn nhiều sai sót trong đầu tư.

Đối với trọng tâm tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước nhìn chung chưa có tính chiến lược, còn rời rạc, quá trình tái cơ cấu thiếu tính toàn diện. TS Nguyễn Hữu Vạn nhấn mạnh: “Đặc biệt thiếu sự quan tâm để tạo ra những sản phẩm mới, tăng năng suất, hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh”.

Đối với trọng tâm tái cơ cấu các tổ chức tài chính, ngân hàng vẫn diễn ra chậm chưa đạt mục tiêu đề ra, trong đó các ngân hàng thương mại đang gặp khó trong xử lý nợ xấu bởi vì VAMC không xử lý được số nợ xấu đã mua về hơn 59 nghìn tỷ đồng, trong khi mới xử lý được gần 4000 tỷ đồng.

XUÂN BÁCH

http://www.nhandan.com.vn/kinhte/chinh-sach/item/25164602-nhan-dien-mo-hinh-tang-truong-moi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét