Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Nga là bài học để Trung Quốc hành xử với láng giềng

Thế giới năm 2014 - Kỳ 2:
Nga là bài học để Trung Quốc hành xử với láng giềng
(
Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao - cho rằng, trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, sự nổi lên mạnh mẽ và thay đổi chính sách ngoại giao của Trung Quốc (TQ) đang tạo ra sự cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực, vừa có khía cạnh tích cực nhưng cũng vừa có nguy cơ gây bất ổn khu vực.
Hình ảnh cho thấy Trung Quốc đang mở rộng đảo Gạc Ma 
thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng.
Năm qua, TQ quả quyết hơn trong thực thi đòi hỏi chủ quyền và hành xử với các nước trong khu vực. Điều đó, theo ông, gây nguy hại tới mức nào đến an ninh chính trị của khu vực?

Năm 2014, lần đầu tiên sau hàng trăm năm, TQ lấy lại vị thế là nền kinh tế lớn nhất thế giới, tính theo sức mua ngang giá (PPP). Sự trỗi dậy của TQ về kinh tế, kéo theo sự tăng cường ảnh hưởng về chính trị, sức mạnh quốc phòng. Trong cách hành xử của mình, lãnh đạo TQ có thái độ tự tin và quyết đoán hơn, mong muốn thiết lập một trật tự mà TQ có vai trò trung tâm.

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chiến lược Ngoại giao. 

Năm qua, TQ đưa nhiều sáng kiến khác nhau về kinh tế, chính trị, an ninh, khẳng định quyết tâm của TQ mong thiết lập một trật tự mới. Trong lĩnh vực tài chính, thương mại, TQ đưa ra sáng kiến thiết lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á, cạnh tranh trực tiếp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), các sáng kiến thiết lập con đường tơ lụa trên biển, trên bộ, đề nghị thiết lập khu vực thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương. Trong lĩnh vực an ninh, TQ đưa ra đề nghị thiết lập một cấu trúc khu vực mới về an ninh bao gồm TQ – Nga - Iran...

Với sức mạnh đang lên, TQ ngày càng tự tin trong việc mở rộng ảnh hưởng của mình. Điều này cũng liên quan tới việc sắp xếp lại thứ tự ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Tại Hội nghị trung ương về đối ngoại ngày 28.11.2014 tại Bắc Kinh, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến đặt quan hệ ngoại giao với láng giềng trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của TQ, cao hơn quan hệ của TQ với các nước lớn. Điều này cũng phù hợp với thực tế là quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của TQ với các nước láng giềng vượt xa quan hệ với Mỹ. Khu vực này cũng có tầm quan trọng thiết yếu trong việc duy trì môi trường an ninh, chiến lược hòa bình để TQ thực hiện "Giấc mơ phục hưng Trung Hoa". Điều này hy vọng sẽ đem lại các lợi ích to lớn cả về kinh tế lẫn chính trị, mà Việt Nam và các nước ASEAN cần sớm đón bắt và thúc đẩy xu hướng này.

Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của TQ cũng gây ra các mối lo ngại về việc gây ra các rạn nứt trong cấu trúc kinh tế, chính trị, an ninh đã hình thành trước đó, gây ra lo ngại về cách thức TQ xử lý vấn đề tranh chấp lãnh thổ gây bất ổn, bất an ở khu vực. Hiện, trong khu vực đang có sự cạnh tranh ảnh hưởng lớn, không chỉ Mỹ và TQ xoay trục sang Đông Á, các nước lớn khác trong và ngoài khu vực như Nga, Ấn Độ, Nhật Bản cũng tái cân bằng với khu vực, tạo ra sự cạnh tranh, và cọ xát quyền lực. Tuy chưa đến mức phân cực như thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhưng đang gây lo ngại về khả năng chia rẽ và tập hợp lực lượng mới.


Tàu Trung Quốc uy hiếp tàu cảnh sát biển Việt Nam trong vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam

TQ vẫn cảnh báo không nên “kiềm chế sự trỗi dậy” của họ. Tuy nhiên, trong khi họ tăng cường ảnh hưởng ra bên ngoài, liệu có cần cách nào đó để kiềm chế sự quả quyết của họ không?
Khi trao đổi với một nhà nghiên cứu về TQ cách đây chưa lâu, ông ta có nói với tôi rằng không ai có thể kiềm chế, ngăn chặn được TQ, mà chỉ có người TQ làm điều đó. Tôi quan sát rất kỹ về trường hợp của Nga trong thời gian qua. Không ai nghĩ một cường quốc thế giới như Nga lại suy yếu nhanh trong một thời gian ngắn như vậy. Ở đây, tôi không bàn đến sự đúng - sai của vấn đề. Khi cuộc khủng hoảng với phương Tây diễn ra, nhiều mặt yếu của Nga bị phơi bày và cho thấy, thực chất toàn bộ sức mạnh đều dựa trên yếu tố dầu lửa, khí đốt và giá của 2 mặt hàng quan trọng này. Vũ khí hạt nhân và sức mạnh quân sự không có đất dụng võ, "vũ khí" dầu lửa vốn rất mạnh trước đây nay không còn hữu dụng, còn sức ảnh hưởng chính trị bị giảm sút sau khi "mất ghế" trong G8.

TQ chắc hẳn phải tự nhìn lại mình, nhìn bài học của Nga để rút ra bài học cho mình. Crưm không thể so sánh được với Biển Đông trên mọi phương diện về địa kinh tế, địa chiến lược. Vậy mà, khi vấn đề Crưm diễn ra, phương Tây đồng lòng và hợp sức quyết làm suy yếu nước Nga. Vậy, nếu TQ tìm cách khống chế chiếm đoạt một khu vực quan trọng như Biển Đông, chúng ta có nghĩ cộng đồng quốc tế và phương Tây "khoanh tay" ngồi nhìn? Đặt ra câu hỏi có nghĩa đã biết câu trả lời. Vậy nguồn gốc tạo ra "sức mạnh" TQ là gì? Sức mạnh này có phải bất khả chiến bại hay không? Nếu cộng đồng quốc tế đồng lòng phản đối hành động gây hấn của TQ, TQ có đối phó được không và đối phó ra sao? Chúng ta nói TQ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới là nói đến "độ to", "độ lớn" chứ chưa phải độ "mạnh". "To" và "mạnh" là hai khái niệm, hai câu chuyện rất khác nhau đấy nhé.

Tôi cho rằng, nếu rút ra được bài học hữu ích nhất, TQ sẽ hành xử một cách có trách nhiệm, xử lý hòa bình đối với tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng trên cơ sở luật pháp quốc tế, cùng ASEAN bàn về việc tiến tới COC.

http://laodong.com.vn/the-gioi/nga-la-bai-hoc-de-trung-quoc-hanh-xu-voi-lang-gieng-282708.bld

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét