Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

ASEAN tiếp tục nỗ lực hình thành Cộng đồng vào năm 2015

ASEAN tiếp tục các nỗ lực hình thành Cộng đồng vào năm 2015
Ngày 30/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung chủ trì cuộc họp liên Bộ, ngành nhằm tổng kết, đánh giá tình hình hợp tác ASEAN và sự tham gia của Việt Nam năm 2014, đồng thời xác định phương hướng tham gia hợp tác ASEAN năm 2015. Các đại biểu đều chung nhận định, ASEAN tiếp tục các nỗ lực hình thành Cộng đồng vào cuối năm 2015 cũng như tích cực chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Cộng đồng sau 2015.
Tham dự còn có đại diện 3 trụ cột cộng đồng của Việt Nam (Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cùng các Bộ, ngành liên quan.

Nỗ lực hình thành Cộng đồng
Đánh giá về hợp tác ASEAN trong năm 2014, đại diện các Bộ, ngành cho rằng, ASEAN đã quyết tâm cao trong thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 với việc ASEAN đã đạt 85% các biện pháp trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh; gần 74,5% các mục tiêu trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, đã và đang triển khai khoảng 97% các hoạt động trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.

Đáng chú ý, ASEAN đã đẩy mạnh kết nối khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển, góp phần xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN 2015. Trong đó, ASEAN đã triển khai được khoảng 40% Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC). Trong khuôn khổ Kế hoạch Công tác Sáng kiến IAI, ASEAN đã triển khai được 285 dự án với khoảng 22 triệu USD; chú trọng gắn kết triển khai IAI với các khuôn khổ hợp tác tiểu cùng Mekong nhằm tạo sự đồng bộ và bổ sung lẫn nhau trong triển khai.

ASEAN cũng đã chuẩn bị cho giai đoạn phát triển cao hơn, liên kết toàn diện và sâu rộng hơn sau khi Cộng đồng ASEAN được hình thành vào cuối năm 2015 với việc các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua các thành tố chính của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 tại Hội nghị cấp cao 25 (tháng 11/2014). Cùng với đó, các nhà Lãnh đạo ASEAN giao cho các bộ trưởng và quan chức cao cấp xây dựng văn kiện Tầm nhìn để trình Hội nghị Cấp cao tháng 11/2015 thông qua.

Về đối ngoại, ASEAN đã mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại, tiếp tục phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc đang định hình. Đó là ASEAN tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác thông qua các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, ARF, ADMM+, EAMF… Bên cạnh việc đưa các quan hệ đối tác chiến lược đã được thiết lập với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đi vào chiều sâu, ASEAN nhất trí sẽ đưa quan hệ đối thoại với Mỹ, Australia và EU lên đối tác chiến lược. Qua đó, ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò chủ động và tích cực trong việc định hướng và dẫn dắt các tiến trình hợp tác khu vực do ASEAN khởi xướng nhằm đảm bảo vai trò trung tâm của mình đồng thời tiếp tục thu hút và duy trì sự quan tâm và tham gia của các đối tác vào hợp tác khu vực vì lợi ích và mục tiêu chung.

Riêng về vấn đề Biển Đông, ASEAN tiếp tục thể hiện được đoàn kết và tiếng nói chung như trong Tuyên bố riêng về Biển Đông của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 10/5/2014, Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (tháng 8/2014), Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 và 25 (tháng 5 và tháng 11/2014); tăng cường trao đổi với Trung Quốc về thực hiện DOC và xây dựng COC; thu hút sự quan tâm và tập hợp được sự ủng hộ của các nước về bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Sự đóng góp tích cực của Việt Nam

Các đại biểu đánh giá cao sự tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam trong năm 2014. Cụ thể, Việt Nam đã tích cực đóng góp triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng, là một trong số các thành viên ASEAN đạt tỷ lệ cao hoàn thành các dòng hành động trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015).

Về chính trị - an ninh, Việt Nam đã tích cực tham gia triển khai 14 lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch tổng thể trụ cột chính trị - an ninh ASEAN, nhận chủ trì 04 dòng hành động của trụ cột này. Đáng chú ý, Việt Nam tham gia nhiều hoạt động hợp tác trong phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác xuất nhập cảnh và lãnh sự, tương trợ tư pháp, giải quyết khủng hoảng và nhân quyền…

Về kinh tế, Việt Nam tích cực đóng góp thúc đẩy liên kết kinh tế lên mức cao hơn, là một trong ba nước đạt tỷ lệ cao nhất thực hiện các biện pháp xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (84,5%); tích cực cùng các nước triển khai Danh mục ưu tiên năm 2014, xây dựng khung hội nhập AEC tới 2015. Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực đóng góp thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu rộng hơn với các đối tác; chủ động đề xuất sáng kiến, tích cực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như: an sinh xã hội, môi trường và biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động di cư…

Việt Nam cùng các nước ASEAN đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ sâu rộng hơn với các đối tác đối thoại và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực; vận động các đối tác đối thoại đóng góp, hỗ trợ triển khai các trọng tâm, ưu tiên của ASEAN, nhất là tiến trình xây dựng Cộng đồng. Với vai trò điều phối quan hệ ASEAN-EU, Việt Nam tích cực góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hai bên, đặc biệt đã vận động thành công việc tổ chức Hội nghị cấp cap không chính thức lần đầu tiên ASEAN-EU (tháng 10/2014), vận động ASEAN và EU nhất trí hướng tới quan hệ đối tác chiến lược; đóng góp tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 20 (tháng 7/2014).

Việt Nam đã chủ động thúc đẩy tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xử lý những thách thức lớn nảy sinh ở khu vực, nhất là trong vấn đề Biển Đông, trong đó có Tuyên bố riêng về Biển Đông của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày tháng 5/2014 (lần đầu tiên kể từ Tuyên bố năm 1992); thúc đẩy thực hiện DOC và xây dựng COC.

Phương hướng tham gia hợp tác ASEAN năm 2015


Năm 2015 sẽ là dấu mốc quan trọng đưa ASEAN chuyển sang giai đoạn mới với việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 với những khuôn khổ và luật chơi mới. Bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp đặt ra thách thức cho đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Bên cạnh đó, ASEAN cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn nội tại như nguồn lực hạn chế, bộ máy hoạt động chưa hiệu quả…

Trong năm 2015, Việt Nam sẽ tập trung vào các trọng tâm, ưu tiên sau:

Thứ nhất, tích cực thúc đẩy hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, trong đó thực hiện các chương trình/kế hoạch về xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015, rà soát để điều chỉnh các quy định trong nước cho phù hợp với cam kết trong ASEAN, tăng cường công tác tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN để người dân hiểu về ASEAN cũng như vai trò và vị thế của Việt Nam trong ASEAN;

Thứ hai, chủ động tham gia xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 và các Kế hoạch Tổng thể triển khai Tầm nhìn trên cả 3 trụ cột;

Thứ ba, tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực;

Thứ tư, góp phần thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN, trong đó sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-EU (7/2012-7/2015); chuẩn bị và đảm nhiệm vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ (7/2015-7/2018);

Thứ năm, tăng cường bộ máy và cơ chế phối hợp giữa các Bộ/ngành của Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN, chuẩn bị cho Cộng đồng ra đời và giai đoạn phát triển sau đó./.Anh Sơn


http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/ChinhTri/2014/12/FCCD6CFD4BF3E905/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét