Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Mùa Rươi

Mùa Rươi
Trên chuyến máy bay từ Sài Gòn đi Mỹ lần đầu trong một tua du lịch, tình cờ tôi gặp một người cùng làng: Ông Thực. Ông trở lại Mỹ sau lần đầu tiên về thăm quê. Suốt một chặng bay dài, hai người ngồi cạnh nhau, trở nên thân mật sau khi nhận ra nhau là người cùng sinh ra ở mảnh đất chiêm trũng gần bảy mươi năm trước. 
Khi mới 15 tuổi, ông Thực di cư vào Nam năm 1954, sau giải phóng 1975 phải đi cải tạo hơn mười năm, năm 1992 sang Mỹ theo diện HO. Ông nói với tôi: “Tưởng chả bao giờ quay về mảnh đất chôn rau cắt rốn , nhưng chú em viết thư bảo phải về xây mộ cho ông bà nội không thể không về…”. Câu chuyện trở lại quê nhà sau hơn nửa thế kỷ của ông Thực làm tôi xúc động, xin phép ghi lại theo lời kể của ông.


Bao năm đi xa, hình ảnh làng An vẫn không phai mờ trong tâm trí tôi. Giờ trở lại giữa mùa thu, khí trời hơi se lạnh, gió heo may báo hiệu con nước mùa rươi, tôi càng bần thần nhớ cảnh cũ người xưa…

Chú Thập, người em con ông chú ruột, dẫn tôi ra quán rượu đầu cầu Son lên gác xép ngồi bên cửa sổ nhìn xuống dòng sông Son .

Năm mươi năm trước, đây là quán thịt chó Chú Phì. Ngày ấy quán vách đất, mái lợp tranh, treo chiếc nia sứt cạp viết ba chữ nguệch ngoạc bằng vôi “Thịt chó Chú Phì” trước dàn mơ lông và mấy khóm riềng . Chú Phì đau mắt kinh niên, hai mắt toét nhèm, nhưng chặt thịt chó nhanh như chớp, miếng nào miếng nấy đều tăm tắp. Chiếc thớt gỗ nghiến của Chú Phì đen bóng như sừng, chặt thịt châng chấc, không ra tí mùn nào. Hễ có người khen chiếc thớt, là Chú Phì lại vênh mặt lên đầy kiêu hãnh: “Còn phải nói! Cái thớt nghiến này từ thời ông nội tao truyền lại. Của gia bảo đấy! Hàng ngàn chú khuyển đã lên thớt rồi ”.

Thập nói với tôi:
- Chú Phì chết cách đây hơn ba chục năm rồi. Mua con chó điên về làm thịt bán, bị nó đớp cho một phát! Có người con trai, theo nghề ông cha truyền lại, nhưng được ít lâu phải bỏ ra Quảng Ninh nhặt than thổ phỉ.
- Tại sao lại bỏ nghề gia truyền đi nhặt than? Tôi hỏi.

Chú Thập nói:
- Tay ấy hai mắt to như hai cái bóng đèn, nhưng chỉ soi vào túi tiền khách mà không soi vào miếng thịt của mình. Ai đời hắn bày nguyên cả miếng thịt còn lông lên đĩa cho khách ăn… Với lại thời buổi này chỉ rượu thịt chó suông đếch câu được khách!

Bây giờ quán “Thịt chó Phì” đã đổi tên thành “Returran Gió Mới”. Tấm bảng làm bằng mê ca thay chiếc nia sổ cạp.

Ngôi nghà gạch có gác xép thay căn nhà đất lụp xụp. Giàn mơ lông và bụi riềng cũng biến mất, thay vào đó là hòn non bộ và con Tì Hưu đắp bằng xi măng. Ngôi nhà nghễu nghện như chú gà trống khoe bóng xuống sông, tường xây còn để thô, rêu bám loang lổ . Con Tì Hưu đắp vụng, giống hệt con chó, cũng nhếch nhác như ngôi nhà. Chú Thập bảo tôi:
- Thằng Quất con lão Côi xóm Dè, đi làm thuê nước ngoài kiếm được ít tiền, về sang quán, đổi món rượu thịt chó thành thịt chó bia ôm. Thấy đông khách, có cả khách Tây, Tàu, hóa làm giàu.

Giữa buổi chiểu mưa rét, quán vắng teo, chỉ có hai anh em tôi. Quất khoảng ngoài bốn mươi, đầu đinh, răng vổ, hình thù ngổ ngáo, hỏi:
- Hai bác xơi gì ?
Chú em tôi nói:
- Cho một xị rượi đế với đĩa lạc rang !
Quất cười bỗ bã :
- Chỉ thế thôi à?
- Thì thế đã! Cần gì kêu sau.
- O K!

Tôi quay ra cửa sồ nhìn dòng sông. Đối với tôi sông Son thân thiết từ thuở bé. Con sông từ làng Vọng qua làng tôi xuôi xuống Tràng rồi đổ ra cửa biển Diêm Điền. Ngày xưa sông rộng hơn bây giờ. Tôi còn nhớ những khi thủy triều lên , dòng sông mênh mang, nước tràn ngập cánh đồng chiều, từng đàn cá mương, cá rói , cá chày vùng vẫy săn mồi. Chúng tôi bắt cào cào làm mồi câu , giật lên những con cá rói trắng phau như thỏi bạc. Cuối năm âm lịch là mùa rươi. Những ngày nước rươi về, dòng sông Son đỏ thẫm từng mảng rươi sâm chín lúc rạng đông. Dân làng tôi không quản rét mướt rủ nhau đi vớt rươi. Xuồng, ghe , bè chuối bập bềnh trên sóng nước … Ông nội tôi dẫn tôi đi theo. Ông bảo: “ Con rươi sống âm thầm dưới lòng đất, nhưng rất chung thủy với con người, tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mùng năm, đúng hẹn là nó ngoi lên ”.

Làng An bây giờ đã thay đổi nhiều. Những căn nhà gạch thay những mái nhà tranh, con đường làng rợp bóng tre ngày xưa giờ rải nhựa, ngôi đình đã bị phá… Nhưng dòng sông Son vẫn chảy mải miết và vẫn còn mùa rươi.

Chú Thập nói với tôi:
- Có một thời người ta ngăn sông , không cho nước thủy triều lên xuống , khoanh cánh đồng chiều thành vùng lúa đặc sản tám xoan. Cánh đồng trở nên nổi tiếng, được ông Tố Hữu về thăm tặng thơ, nhưng mất mùa rươi, và dân làng quanh năm không được ăn một bữa cơm gạo tám xoan nào…
- Tại sao cấy lúa mà không được ăn?

Chú Thật uống một hớp rượu, cười nhạt, rồi nhẩn nha nói:
- Gạo chăm , gạo tép còn chả đủ nhét đầy bụng nữa là? Với lại dân làng này quanh năm toàn rau muống tương cà,ăn với cơm tám nó phí đi. Chả đã có câu ca dao đó thôi: “Tiếc thay hạt gạo tám xoan, thổi nổi đồng điếu lại chan nước cà”. Vì thế thu hoạch được bao nhiêu nộp lên trên bấy nhiêu . Để bán ở cửa hàng Tôn Đản, Hà Nội …

Chú em họ tôi nói chuyện bằng cái giọng tưng tửng nửa đùa nửa thật. Nhưng nghe thấy cay mắt. Năm 1954, khi gia đình tôi di cư, Thập mới 7 tuổi, cứ lẵng nhẵng đòi đi theo. Ông nội tôi gói bọc quần áo, bảo bố mẹ tôi cho Thập đi cùng. Nhưng chú Thời , em bố tôi, giật gói quần áo lại, chỉ tay vào mặt bố tôi nói: “Anh đã ngoan cố theo giặc bán nước, còn định đưa con tôi theo?”. Gia đình tôi ngày ấy đã chia thành hai phe: Bố tôi đi lính cho Pháp, chú Thời tham gia cách mạng…

Thập kể :
- Sau khi gia đình bác di cư , đội cải cách ruộng đất về làng, ông bà nội bị quy thành phần địa chủ, lại có con di cư vào Nam , bị ghép thêm tội phản động. Tài sản bị tịch thu , bị đuổi ra khỏi nhà …
- Ông bà mất năm nảo?
- Ông mất năm sáu mươi, bà mất năm sáu tư!
- Còn cô út?
- Bà chết một năm thì chiến tranh lan ra miền Bắc. Cô út đi thanh niên xung phong . Năm sáu bảy hy sinh ở Quảng Bình.

Cô út hơn tôi ba tuổi. Ngày tôi di cư vào Nam, cô út tôi vừa tròn mười tám. Cô xinh đẹp , ngoan hiền. Ông bà nội tôi đã nhận trầu cau hứa gả cô út cho con trai ông Hào, cùng làng. Nhưng khi ông bà nội tôi thành phần địa chủ, ông Hào ngãng ra không cưới. Nghe Thập kể chuyện cô út buồn,đi thanh niên xung phong rồi chết bom ở Quảng Bình , tôi cảm thấy như có bàn tay chẹn lấy cổ họng, không thở được. Tôi không trách ông Hào không cưới cô út tôi cho con trai. Thời buổi ấy , ngay ông Thời, chú ruột tôi, còn cắt đứt bố mẹ , vợ con nữa là.

Có người khách vào quán lên gác xép, câu chuyện hai anh em tôi phải dừng lại. Người mới tới mặc bộ quân phục cũ, khuôn mặt dài góc cạnh, tóc bạc , nhìn rất khắc khổ . Nhưng dưới cặp lông mày vừa rậm vừa đen đôi mắt sáng, hình như tất cả tinh lực dồn vào đôi mắt . Tôi nhìn ông thấy quen quen, hình như đã gặp nhau ở đâu rồi. Ông ta cũng nhìn tôi, rồi hỏi chú Thập...
- Có phải đây là?

Chú Thập hồ hởi giới thiệu:
- Vâng, đây là anh Thực con bác Thụ , tôi vẫn kể với anh.

Rồi Thập quay sang tôi:
- Đây là anh Lẫm con bác Khán ngoài xóm trại. Bạn chăn trâu với anh đấy! Anh Lẫm nói đã từng gặp anh sau Hiệp định Paris…

Lẫm chìa tay về phía tôi. Tôi đứng lên dè dặt cầm bàn tay xương xảu của Lẫm. Mắt Lẫm sáng hẳn lên nhìn tôi , miệng cười cởi mở:
- Bạn cũ gặp nhau đây rồi!
Tôi im lặng dè dặt nhìn Lẫm. Anh nói tiếp:
- Còn nhớ bạn bè chứ?
- Vâng, nếu anh vẫn cho phép tôi gọi như thế!
- Không bạn bè thì là gì? Còn nhớ trèo cây thị nhà cụ Chánh hái trộm không? Cả chuyện đánh đáo lỗ ở sân đình Kênh …
Chủ quán chọn đúng lúc thò cái đầu trọc lên gác:
- Có con mực ngon tuyệt! Các bác phải ăn mừng hội ngộ chứ ạ!
Chú em tôi nói:
- Cho một đĩa luộc, một đĩa lòng!
- O K! Có ngay!

Tôi mời Lẫm ngồi vào bàn. Anh không tỏ ra khách sáo, ngồi xuống cạnh chú Thập . Đĩa thịt mang lên , chúng tôi chạm ly. Lẫm móc túi áo, lấy gói thuốc lào vê một điếu rõ to châm lửa hút, nhìn tôi qua làn khói , trầm ngâm suy nghĩ, rồi nói với Thập:
- Tôi với ông Thực đã choảng nhau chí tử ở chân núi Bà Đen…

Đó là vào mùa khô năm 1973, sau khi hiệp định Paris vừa ký kết. Tôi chỉ huy một đại đội bộ binh ở khu vực Mỏ Công chân núi Bà Đen. Đối diện với đơn vị tôi , chỉ cách một con kinh nhỏ, phía bên kia là đơn vị Việt cộng. Theo hiệp định Pari, hai bên giữ nguyên vị trí . Những ngày đầu đối xử với nhau khá thân thiện, hai bên mời nhau hút thuốc lá , nói chuyện tếu . Viên trung úy chỉ huy đơn vị Việt cộng thỉnh thoảng cũng xuất hiện, không ngăn cấm binh lính nói chuyện tếu, vẻ mặt khá cởi mở . Một lần tôi hỏi:
- Anh quê đâu?
Anh ta cười đáp:
- Thái Lọ!
- Làng nào?
- Làng An.
- Vậy anh là đồng hương với tôi!

Chưa kịp làm quen thì bỗng một đêm bất ngờ phía Việt cộng nổ súng chiếm hết con kinh. Khi bị đánh bật trở lại vị trí cũ, viên trung úy nói với tôi :“Mọi quyết định do trên. Tôi với anh là người lính, phải thi hành mệnh lệnh”.

Không ngờ hơn bốn chục năm sau tôi và anh Lẫm lại gặp nhau ở quê nhà. Lẫm hỏi tôi :
- Trận ấy bên anh mất mấy người?
- Chết 2 bị thương 3. Còn bên anh?
- Chết 3 bị thương 1!

Anh Lẫm bảo:
- Rốt cục gà cùng một mẹ đá nhau! Trong trận ấy chú Phúng con ông Phú làng ta hy sinh. Anh có còn nhớ ông Phú không?
- Có phải ông Phú quanh năm cởi trần đóng khố dậm cá bống dưới sông Son?
- Phải! Tên là Phú nhưng nghèo. Đã nghèo của lại nghèo con. Hai ông bà có mỗi chú Phúng thì hy sinh năm hai bảy tuổi , chưa kịp lấy vợ , giờ không có ai cúng giỗ. Cái bằng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”không có người nhận.

Ngừng một lát, anh Lẫm nói với tôi:
- Năm ngoái tôi quay lại núi Bà Đen tìm hài cốt chú Phúng và hai đồng đội hy sinh trận đó. Không đi thì áy náy, đi về càng buồn…
- Không tìm được à?
- Được cũng như không!

Lẫm kể:
- Năm đó tôi chôn trung đội trưởng Phúng và hai chiến sỹ gần bụi tre. Anh còn nhớ bụi tre gần mỏm núi đầu sư cụ không? Hơn bốn mươi năm sau quay lại, bụi tre đó đã biến mất, loay hoay gần buổi sáng mới tìm thấy dấu vết mỏm đá đầu sư cụ. Người ta phá núi lấy đá làm đường. Cũng may ba nấm mộ dưới khe chưa bị phá. Nhưng nước mưa đã san bằng, cây cối đã mọc kín. Tội nghiệp, họ nằm đây suốt bốn chục năm không ai nhìn ngó . Tôi thắp mấy nén nhang khấn xin chú Phúng và hai đồng đội tha thứ, rồi hăm hở cầm xẻng đào. Muốn đào ngay lên xem xương cốt của anh em ra sao. Tim đập thình thịch vì hồi hộp. Lâu ngày đất đã cứng , rễ cây chằng chịt. Mấy anh em thay nhau đào bới toát hết mồ hôi, rồi ngẩn ngơ thất vọng. Xương thịt chú Phúng và hai người lính đã bị kiến, mối, rễ cây ăn hết, chỉ còn lại ba đôi dép cao su và những mảnh vải nhựa nát vụn. Người ta nói tóc lâu tiêu nhất, nhưng cũng không còn sợi nào.

Tôi lấy tay bóp nặn cẩn thận, cố tìm một mẩu xương, nhưng thất vọng. Tất cả đã thành đất . Mắt mấy người cùng đi với tôi đều đỏ hoe. Một người nói:
- Chả còn gì ! Thế này thì đào lên làm gì?

Một người khác xuê xoa:
- Thôi thì để cho thân nhân họ yên lòng!

Tôi bốc ba nắm đất gói vào ba lá cờ, viết tên từng liệt sỹ rồi mang về. Hai liệt sỹ quê ở Hưng Yên, chúng tôi mang trao tận tay cho gia đình , còn chú Phúng giao cho chính quyền xã làm lễ truy điệu, an táng ở nghĩa trang Vũ Hạ. Nhìn người thân liệt sỹ ôm gói đất mừng mừng tủi tủi, tôi vừa buồn vừa xấu hổ. Nghĩ đến bây giờ rồi mà mình vẫn còn lừa dối người ta. Có tí xương nào đâu mà bảo hài cốt ? Nhìn người ta nâng niu, khóc, và trầm lắng trước một nắm đất vô tri vô giác, lương tâm ray rứt quá!

Anh Lẫm vê điếu thuốc lào nữa cho vào điếu cày châm lửa hút, làn khói trùm kín cả khuôn mặt khắc khổ. Lẫm bảo anh bị mất ngủ từ dạo đó. Cứ chợp mắt là hồn ma những người lính hiện về , đứng ngay ở đầu giường. Có người khóc, có người tỏ thái độ căm giận. Nhiều đêm anh thức trắng từ chập tối đến sáng. Lẫm cười chua chát:
- Bác sỹ bảo tôi bị thần kinh hoang tưởng. Đảng thì chụp cho cái mũ “ nhụt lý tưởng”…

Có tiếng ồn ào bên dưới, tôi nhìn qua cửa sổ thấy người lố nhố ở chân cầu , nhưng không nhìn rõ họ làm gì vì những tầu lá chuối ướt đẫm nước mưa che khuất. Ngay lúc đó anh chủ quán xồng xộc chạy lên gác nói hốt hoảng:
- Có người tự tử các bác ạ!
Chú Thật hỏi:
- Ai?
- Là chị Xuân ở thôn Trung.
Anh Lẫm nói:
- Mới tháng trước một vụ tự tử vì thua đề .

Chúng tôi trả tiền rượu thịt , rồi xuống chân cầu. Người xúm đen xúm đỏ. Xác nạn nhân đã vớt lên mặt cầu, đắp chiếu chờ công an huyện về khám nghiệm. Trời u ám, lất phất mưa, mấy cây nhang tắt ngấm. Người làng bàn tán về chị Xuân, chồng làm cán bộ hải quan ở Hải Phòng lấy vợ bé…

Chú Thập nói với tôi:
- Cô Xuân là con ông Hạo. Ông Hạo ra lệnh phá đình, bị ung thư chết, giờ con gái tự tử, không biết có phải quả báo không?

Thím dâu tôi cũng có mặt ở đó, nói với chúng tôi:
- Cái cô Xuân dại . Mình chết thì thiệt mình. nó có thương mình đâu? Còn mừng là đằng khác! Ngày ông Thời bỏ tôi lấy người khác, tôi chỉ lo mình chẳng may chết để con bơ vơ...

Đã hơn tám chục tuổi nhưng thím dâu tôi còn khỏe mạnh. Trên khuôn mặt hiền lành phúc hậu của thím ẩn nỗi buồn thầm kín. Tôi còn nhớ hồi còn trẻ thím dâu tôi không đẹp, không xấu, chỉ bình thường thôi. Thím có khuôn mặt trái xoan hơi gầy,nước da vàng vàng , được cái đôi mắt to, lông my dài , lòng trắng trong trẻo .

Thím tên Cải, là con ông Phó xóm dè. Gia đình ông Phó cũng thuộc loại khá giả , tương xứng với gia đình ông bà nội tôi. Có lẽ vì thế mà hai người kết thông gia với nhau.

Thím Cải lấy chồng năm 17 tuổi, năm 18 sinh con trai đầu lòng, là Thời. Thím là người đảm đang công việc và rất căn cơ nên được ông bà nội tôi yêu quý. Từ ngày gia đình tôi di cư vào Nam , một mình thím chèo lái con thuyền đắm là gia đình ông bà nội tôi. Trong hoàn cảnh bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ đều là địa chủ , chồng bỏ rơi ,từ hai bàn tay trắng thím đã tần tảo nuôi hai bên nội ngoại, rồi mua lại ngôi nhà của ông bà nội tôi hồi cải cách bị tịch thu chia cho bần cố nông. Thím nói với tôi:
- Nhờ cái cối giã cua của bà đấy. Đội cải cách chia cho bần nông, họ ngại nặng bỏ lại, bà xin mang ra gốc đa cuối chợ làm nghề bún riêu cua. Tôi với cô út mỗi người một cái giỏ, một cái lẹm, mò mẫm hết cánh đồng chiều thì sang đồng Ngân, đồng Lác. Mỗi ngày bắt được hai giỏ cua. Tối về lột mai , khêu gạch rồi giã cua , chẻ rau muống, thái chuối non. Đêm nào cũng kỳ cạch từ chập tối đến khuya, để sáng sớm có nồi riêu cua dọn ra gốc đa cho bà ngồi bán.

Quán riêu cua của thím tôi nổi tiếng khắp vùng. Những phiên chợ chính nấu hai nồi cũng không đủ bán. Những bát bún riêu nóng hồi , gạch cua vàng tươi, thơm nức ăn kèm với rau muống chẻ nhỏ , giá năm xu, vừa túi tiền những người buôn thúng bán bưng phiên chợ quê. Nhờ tích cóp từng đồng bán riêu cua, thím Cải đã mua lại được ngôi nhà của ông bà nội tôi. Hơn tám chục tuổi mà thím Cải còn nhớ dai lắm. Thím kể lại câu chuyện như nó mới xảy ra hôm qua hôm kia:

- Ngôi nhà cùa ông ba gọng bừa, năm gian nhà trên, bốn gian nhà ngang, tường hoa sân gạch . Ba người được chia cãi vã nhau quanh năm. Rồi chả ai bảo ai dỡ hết cánh cửa chính cửa sồ, cửa buồng ra bán . Những cánh cửa gỗ mít ông bà quý hơn vàng họ bán cho người ta có mấy đồng bạc . Rồi dỡ mái nhà bán ngói và đòn tay rui mẻ gỗ xoan, lấy rạ lợp thay vào. Gạch dưới sân cũng nạy lên bán. Cuối cùng mấy chục cây mít, cây bưởi trong vười cũng chặt làm củi bán hết. Chỉ còn mỗi cây khế bên cầu ao họ không chặt bán vì gỗ khế xốp, củi không đượm không ai mua, vả lại cây khế còn treo cái kẻng của hợp tác, họ không dám chặt…

Ngôi nhà tan hoang ấy giờ như một ngôi biệt thự vườn khang trang . Thím Cải cứ nhắc đi nhắc lại : “ Nhờ cái cối giã cua của bà nội anh đấy!”. Rồi thím nói với tôi :
- Trước khi nhắm mắt bà cầm tay tôi và cô út bảo: Nhờ cái cối giã cua mà mẹ con ta tậu lại được nhà cửa vườn ao của thầy các con. Mẹ chết đi, dù sau này các con không làm nghề bán riêu cua cũng phài giữ lấy chiếc cối!

Thím Cải bọc kỹ chiếc cối bằng một vuông vài đỏ, đặt trên bàn thờ. Chiếc cối xinh xinh , nhẵn bóng. Tôi rưng rưng xúc động như nhìn thấy dáng bà nội tôi, cô út tôi đang lom khom giã từng mẻ cua đồng trong chiếc cối kia…

Việc dời mộ ông bà tôi không khó khăn lắm. Thím dâu tôi và chú Thập đã chuẩn bị chu đáo đâu vào đấy cả rồi. Hai ngôi mộ được xây kim tĩnh trên chỗ đất cao ráo,phần lăng mộ đã thuê người ta đúc sẵn , chỉ việc đặt tiểu xuống dưới kim tĩnh, đạy tấm đan lại rồi đặt phần lăng lên trên là xong. Điều tôi hồi hộp nhất là không biết hài cốt ông bà nội tôi có còn không. Câu chuyện anh Lẫm kể cứ ám ảnh tôi mãi. Nhưng thím dâu tôi khẳng định hai cốt ông bà nội tôi vẫn còn nguyên.Thím ấy nói:
- Ba người ấy chôn nông, không có áo quan , giữa núi non như thế mối nó xông mới mục nát đi, chứ đằng này ông bà nội anh tôi đã sang cát cẩn thận lắm, tiêu làm sao được?

Nghe thím tôi nói tôi yên tâm một chút, nhưng vẫn muốn mở nắp tiểu ra tận mắt nhìn xương cốt ông bà nội. Khi ông bà nội tôi mất, bố mẹ tôi và tôi đều không có mặt. Giờ bố mẹ tôi đều đã chết, tôi muốn được thay mặt bố mẹ tôi nhìn ông bà nội tôi lần cuối cùng. Mấy chục năm qua, có lẽ đó là giây phút hồi hộp và xúc động nhất trong đời tôi. Khi hai chiếc tiểu sành vừa được chú Thập và mấy người bê lên từ dưới lòng đất, tôi quỳ thụp xuống , nước mắt trào ra . Hình ảnh ông nội tôi cầm chiếc vợt đứng trên bè vớt rươi năm nào hiện lên trước mắt tôi. Ngày đó ông nội tôi mới 60 tuổi, nhưng khó nhọc từ bé nên nhìn già lắm, hai má lõm sâu. Ông tôi được học một ít chữ nho, không biết chữ quốc ngữ , quanh năm làm lụng vất vả tạo dựng lên một cơ nghiệp rồi bị cướp trắng tay. Trời ơi, ông bà nội! Tôi bật khóc như một đứa trẻ khi nhìn thấy những mẩu xương vụn nát mầu nhợt nhạt của ông bà nội tôi…

Bà con trong họ và hàng xóm đến “mừng nhà mới” ông bà nội tôi rất đông. Bữa tiệc sắp tàn thì có chiếc xe con chạy vào tận ngõ. Một người đàn ông khoảng năm chục tuổi mặc véc đen xuống xe, dè dặt bước vào. Sau khi lễ phép chào mọi người, anh ta nói:
- Thưa các ông các bà! Cháu là Thành , con của bố Thời!

Mọi người đổ xô nhìn người khách lạ, bàn tán. Ông Thời cắt đứt cha mẹ, vợ con, bỏ làng đi gần sáu chục năm không một lần đoái hoài , bây giờ bỗng dưng có người con xuất hiện đúng ngày xây mộ mới cho ông bà nội tôi. Chú Thập đang ngồi bên tôi và Lẫm đứng bật, miệng há hốc ra hầm hầm bước tới trước mặt người khách lạ. Thím Cải buông rơi chiếc cối giã trầu trong tay…

Người đàn ông tên Thành hình như đã lường trước tình huống căng thẳng,chắp hai tay vái thím Cải , và nói với mọi người bằng giọng nói rất chân thành:
- Bố cháu mới mất tuần trước!

Nghe mấy câu đó không khí bỗng chùng hẳn xuống. Thành cho mọi người biết chú Thời nghỉ hưu đã hơn hai chục năm, nhưng bị tai biến mạch máu não phải nằm một chỗ. Cách đây một tuần đột nhiên tỉnh táo, dặn vợ con sau khi mình chết thì hỏa thiêu mang tro cốt về quê an tang bên cạnh cha mẹ. Thành nói:
- Bố cháu bảo , con thay mặt bố lạy ông bà , xin ông bà tha thứ cho bố. Còn sống bố không dám gặp ông bà. Nay xin ông bà tha thứ cho bố gặp nơi suối vàng...

Thím Cải vén vạt áo lau nước mắt. Khuôn mặt Thời bình tĩnh trờ lại . Tôi bắt tay Thành và tự giới thiệu về gia đình mình. Thành nói :
- Bố em cũng có nhắc đến bác Thụ, anh Thập và anh.

Không khí trở nên thân mật. Thập thắp ba nén nhang cho Thành lạy ông bà nội , rồi mời ngồi chung bàn với tôi và Lẫm. Cuộc hòa giải tưởng vô cùng khó khăn , ai ngờ rất đơn giản. Thành nói hôm nay về quê, là như đi tiền trạm,nếu thím Cải và gia đình cho phép thì sau 49 ngày sẽ đưa tro cốt ông Thời về …

Đêm ấy tôi thấy thím cải không ngủ. Thím ngồi một mình ở góc giường cạnh bàn thờ nhai hết miếng trầu này đến miếng khác. Tôi hỏi thím Cải:
- Thím có đồng ý đưa tro cốt chú về bên ông bà nội con không?
Thím cải nói:
- Chắc ông ấy cũng bị dày vò lắm rồi! Thôi thì để ông ấy toại nguyện!
- Vậy sao thím không ngủ?
- Nước rươi sắp lên người váng vất không ngủ được!

Tôi cũng nghĩ như thím Cải. Bao năm qua hình ảnh chú Thời chỉ vào mặt ba tôi mắng nhiếc in đậm trong lòng tôi, giờ đã vơi nhẹ . Chú cũng là một người hiền lành chân chất như ông nội và bố tôi, chỉ vì chất men lý tưởng đã làm chú quá say mà trở nên như thế.

Gần sáng hôm đó Lẫm đến rủ tôi đi vớt rươi. Chúng tôi ngồi trên chiếc ghe nhỏ chèo ra giữa dòng sông Son. Lẫm vừa lái vừa soi đuốc, tôi cầm vợt vớt rươi. Dòng sông mới chiều qua còn hẹp, chảy từ từ, giờ triều lên mênh mang cuồn cuộn, thuyền, ghe, bè mảng bập bềnh trong ánh đuốc. Tôi bỗng như sống lại quãng tuổi thơ ngắn ngủi, và lời ông nội tôi văng vẳng bên tai tôi: “Con rươi sống âm thầm dưới lòng đất nhưng rất thủy chung với con người. Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mùng năm đúng hẹn lại lên!”. Tôi cầu mong đừng bao giờ mất đi những mùa rươi cũng như những mùa hội hè khác. Tôi cầu mong con cháu chúng tôi không phài chịu cảnh chia xa như ông cha tôi và chúng tôi…

Đêm cuối năm 2014
Minh Tâm
(Blog Bùi Văn Bồng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét