Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Ứng xử với ăn mày giả và ăn mày thật

Ứng xử với ăn mày giả và ăn mày thật
(TBKTSG Online) - Từ ngày 28-12-2014, TPHCM sẽ đưa người ăn xin, không có nơi cư trú nhất định vào trung tâm hỗ trợ xã hội theo Quyết định 49 ngày 18-12-2014 của UBND TPHCM. Đường dây nóng đã được thiết lập, công bố, để người dân báo tin khi phát hiện người ăn xin. Ai báo tin sẽ có chế độ hỗ trợ… Chính quyền thành phố kêu gọi người dân không cho tiền người ăn xin, nếu ai có lòng hảo tâm thì cho theo hình thức đóng góp cho các cơ sở, quỹ từ thiện...
Hình ảnh người già cơ nhỡ không may phải ngửa nón xin tiền, từ lâu, đã và đang phổ biến ở các thành phố lớn. Những dòng tin tức dồn dập trên các mặt báo những ngày cuối năm này đang dấy lên những thảo luận đa chiều.

Hình ảnh người tàn tật mất khả năng lao động, hay người già cơ nhỡ, trẻ em gặp hoàn cảnh không may phải ngửa nón xin tiền, từ lâu, đã và đang phổ biến ở các thành phố lớn. Cũng đã từ lâu, con người cám cảnh với những số phận không may mắn ấy rồi tự trào “ăn mày là ai?”. “Ăn mày là ta, đói cơm rách áo thì ra ăn mày!”. Mỗi thân phận con người đều có thể đứng trước những nghịch cảnh cuộc đời, đôi khi trở thành khánh kiệt mà sống dựa vào lòng trắc ẩn của người khác. Người Việt hay tự hào về truyền thống “lá lành đùm lá rách”, vậy nên tin tức hàng ngày về những hoạt động xã hội giúp đỡ nhau, từ việc cho tiền một cụ già quay quắt trong cái đói mùa đông, hay bữa cơm từ thiện, suất học bổng cho trẻ em nghèo đều có giá trị nhân bản nhắc nhở con người về lòng tốt luôn hiện diện ở cõi đời này.

Báo chí cũng đưa tin về hiện tượng lợi dụng lòng tốt ấy, một số kẻ xấu thiết lập nên cả những đường dây lừa đảo “kinh doanh lòng trắc ẩn”, hay có những người lười nhác lao động mà sống dựa vào lòng tốt ấy. Hiện tượng này, trên thực tế gây ra một tâm lý tiêu cực, hình thành nên một xu hướng tiêu cực, không chỉ tổn hại tâm cảm thương người như thể thương thân mà còn là nét nhếch nhác trong lòng một đô thị văn minh.

Lời kêu gọi “không cho tiền người ăn xin” của chính quyền TPHCM xuất phát từ mục đích xóa các hiện tượng tiêu cực đã thành nỗi bức xúc ở các khu đô thị, trả lại cho đô thị bộ mặt văn minh. Điều quan trọng hơn để giải quyết vấn đề này là phải có biện pháp để xóa đói giảm nghèo tận gốc. Đây không thể chỉ là chủ trương của riêng thành phố mà phải thực hiện trong phạm vi cả nước. Cứ mỗi năm bị lũ lụt, mất mùa là những người nông dân không có cái ăn từ khắp nơi vào thành phố lớn nương tựa qua ngày. Những con người khó khăn ấy cần được xã hội giúp đỡ căn cơ hơn chứ không phải bằng một cú điện thoại nóng đưa vào các trung tâm hỗ trợ xã hội.

Tất nhiên luật pháp thì vẫn phải được thực thi, nhiệm vụ của chính quyền là phát hiện các hành vi lợi dụng tình thương để “kinh doanh” và xử lý. Không thể đổ đồng “ăn mày giả” với “ăn mày thật” trong cùng một cách ứng xử.

Cũng có ý kiến cho rằng với lời kêu gọi “‘không cho tiền người ăn xin”, có vẻ như chính quyền đã đi quá xa so với giới hạn chức năng quản lý đô thị của mình. Bởi hành vi của người dân cho tiền hay không cho tiền trước một số phận nghèo khó không chỉ đơn thuần là việc giúp đỡ vật chất, mà qua hành động ấy, lòng trắc ẩn được nuôi dưỡng trong tâm cảm của mỗi con người.

Quốc Học
(TBKTSG Online)
http://www.thesaigontimes.vn/124459/Ung-xu-voi-an-may-gia-va-an-may-that.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét