Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

"Muốn biết ai tham nhũng, cứ hỏi dân!"

Ông Vũ Quốc Hùng: Muốn biết ai tham nhũng, cứ hỏi dân!
Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói gì về công tác phòng chống tham nhũng trong năm 2014 và năm 2015 sắp tới? Liên quan tới vấn đề chống tham nhũng, Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương để hiểu rõ hơn về công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta trong năm 2014.
Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban 
Kiểm tra Trung ương nói về công tác phòng chống tham nhũng

Năm 2014 sắp khép lại với hàng loạt “đại án” tham nhũng. Chúng ta có thể thấy được điều gì sau hàng loạt vụ việc chấn động trên thưa ông?

Sau hàng loạt “đại án” tham nhũng trong năm qua, tôi nhận thấy 2 điều. Thứ nhất, đó là quyết tâm chống tham nhũng thể hiện qua các sinh hoạt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội cũng như các ban ngành. Chúng ta vẫn dương cao khẩu hiệu phòng chống tham nhũng. Ta không đầu hàng hay nản trí trước tham nhũng. Có thể nhận thấy rõ điều này qua các tuyên bố của các vị lãnh đạo cấp cao tại các kỳ họp.

Thứ hai, như Thanh tra Chính phủ đã tổng kết, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã thông báo, rõ ràng chúng ta có chống tham nhũng và kết quả đã được các cơ quan liên quan công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các vụ việc liên quan tới chống tham nhũng mới đây là ví dụ điển hình. Ngoài ra, có thể thấy nhiều quan chức cấp cao đã về hưu mà có dấu hiệu tham nhũng, gian dối… chúng ta cũng “không tha”.

Có ý kiến cho rằng việc phòng chống tham nhũng của ta vẫn chưa sát với thực tế. Quan điểm của ông về những vấn đề này ra sao?

Đúng như vậy. Ngay cả Trung ương, Quốc hội đã thừa nhận điều đó. Rõ ràng, kết quả chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân là bởi quyết tâm phòng chống tham nhũng thì cao, nhưng việc tổ chức thực hiện lại chưa tốt, chưa quyết liệt.

Qua các thông báo, các nghị quyết có thể thấy Đảng và Nhà nước rất kiên quyết phòng chống tham nhũng, nhưng các lực lượng thực hiện việc đó lại chưa làm đúng được như tinh thần chỉ đạo. Thêm vào đó, còn một vấn đề cũng phải đặt ra là trong số những người làm nhiệm vụ chống tham nhũng, có ai đó cũng tham nhũng, tiêu cực không? Tôi nghĩ là có. Nhiều khi người ta vì nể nang nhau mà “quên” mất nhiệm vụ chống tham nhũng hoặc làm một cách hời hợt. Đó cũng là biểu hiện của tiêu cực.

Vậy làm thế nào để tránh tình trạng trên thưa ông?

Trước hết, phải làm sao để đội quân chống tham nhũng phải là những người rất sẵn sàng, rất trong sạch, rất quyết tâm và có trình độ nghiệp vụ tốt.

Ngoài ra, tôi nghĩ điều quan trọng số 1 là chúng ta phải chủ động trong công tác kiểm tra, thanh tra và kịp thời phát hiện những biểu hiện, dấu hiệu của tham nhũng, không nể nang, không vụ lợi, không sợ sệt khi thực hiện nhiệm vụ.

Cuối cùng, phải phát động để nhân dân cùng tham gia chống tham nhũng. Cùng với đó, Đảng và Nhà nước phải quan tâm hơn nữa tới việc bảo vệ những người tố cáo tham nhũng để họ được an toàn.

Theo đánh giá của ông, chúng ta phải làm gì để công tác phòng chống tham nhũng trong năm 2015 sắp tới đạt hiệu quả hơn?

Trong năm tới, muốn việc phòng chống tham nhũng đạt kết quả tốt hơn, chúng ta phải làm tốt việc kê khai tài sản. Kê khai tài sản phải đúng với thực tế chứ không phải chỉ mang tính hình thức như hiện tại.

Muốn biết việc kê khai tài sản có đúng hay không trước hết phải để người ta khai theo quy định, sau đó cơ quan giám sát phải vào cuộc kiểm chứng.

Cơ quan giám sát cũng không được nể nang trong quá trình kiểm chứng việc kê khai tài sản. Ai bao che, né tránh cho người khác kê khai không trung thực cũng sẽ bị xử lý. Ngoài ra, tôi nghĩ cần thiết phải công khai việc kê khai đó.

Năm 2014 cũng là năm dư luận xôn xao trước khối tài sản rất lớn của một số quan chức đã về hưu. Theo ông làm thế nào để chúng ta sớm phát hiện ra những trường hợp như ông Trần Văn Truyền…?

                    Tòa biệt thự của ông Trần Văn Truyền được báo chí đề cập thời gian qua.

Tôi nghĩ, muốn biết những trường hợp như thế cứ hỏi dân. Nói cách khác, cán bộ phải gần dân hơn. Dân ở đây có ý nghĩa rất rộng, bao gồm cả các đồng nghiệp cùng cơ quan, đồng hương, hàng xóm… với người đó.

Ngoài ra, chúng ta phải có những chính sách khuyến khích người dân, báo chí phát hiện ra những trường hợp như vậy. Tất nhiên những người phát hiện, tố cáo tham nhũng phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình chứ không phải vu khống người khác.

Ông có đề xuất, giải pháp nào để chúng ta làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ người chống tham nhũng không?

Chính các tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước phải đứng ra làm việc đó. Nếu người đứng đầu các cơ quan trong sáng, mọi vấn đề về tham nhũng, tiêu cự  sẽ được phanh phui. Họ cũng phải là người chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống những tiêu cực trong chính cơ quan mình.

Ngoài các tuyên bố, các cơ quan chức năng cũng cần có những hành động hết sức cụ thể để bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Chẳng hạn, họ phải giữ bí mật thông tin về người tố cáo tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật.

Nếu trong trường hợp họ bị lộ danh tính, chúng ta phải có nhiều biện pháp bảo vệ họ. Chúng ta có cả một hệ thống chính trị, hệ thống thống pháp luật, thực thi pháp luật mà không bảo vệ nổi người chống tiêu cực, tham nhũng thì còn làm được gì nữa?

Bộ Luật Hình sự sửa đổi sẽ bổ sung quy định người làm giàu bất hợp pháp, không chứng minh được nguồn gốc tài sản có khả năng bị truy tố. Theo ông điều này có ý nghĩa như thế nào với công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới?

Đó là quy định quá đúng, quá tốt. Điều đó cho thấy, từ thực tiễn đã đi vào luật. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ thực thi luật ra sao. Tất nhiên, việc thực thi luật sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu người ta cứ tái diễn chuyện nể nang, ngại, sợ. Qua những quy định như vậy, chúng ta có thể thấy sự quyết tâm và kiên quyết của Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng chống tham nhũng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phong Nguyên
(Giáo Dục)
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Ong-Vu-Quoc-Hung-Muon-biet-ai-tham-nhung-cu-hoi-dan-post153868.gd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét