Thủ tướng Thái Lan: Chính phủ nên học tập Trung Quốc
HỒNG THỦY (GDVN) - Cựu Tư lệnh quân đội Thái Lan nói rằng người Thái nên ngừng cãi nhau và nên tìm cảm hứng trở thành một siêu cường như Trung Quốc. "Tôi đã nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và ông nói với tôi rằng 60 năm trước nước ông là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Trong 30 năm qua họ đã có thể làm cho đất nước mình trở thành một siêu cường kinh tế thế giới", Prayuth nói, "nhưng chúng ta thì vẫn đang cãi nhau".
Thủ tướng Thái Lan và Trung Quốc tại hội nghị
thượng đỉnh các nước tiểu vùng sông Mê Kông.
South China Morning Post ngày 26/12 đưa tin, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã lấy Trung Quốc làm ví dụ tốt đẹp về tăng trưởng kinh tế trong bài phát biểu cuối năm trước các quan chức chính phủ 7 tháng sau khi ông lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính quân sự. Cựu Tư lệnh quân đội Thái Lan nói rằng người Thái nên ngừng cãi nhau và nên tìm cảm hứng trở thành một siêu cường như Trung Quốc.Bài phát biểu hôm Thứ Năm của ông được đưa ra sau chuyến thăm chính thức 2 ngày tới Trung Quốc nhằm củng cố quan hệ với bắc Kinh khi bị Mỹ và phương Tây lạnh nhạt kể từ sau đảo chính. Đáng chú ý, chuyến công du Bắc Kinh diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường rời Bangkok sau khi dự hội nghị lãnh đạo các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Trong thời gian tại Thái Lan, Lý Khắc Cường và Prayuth đã đạt được 2 thỏa thuận quan trọng về việc Trung Quốc mua gạo của Thái Lan, đồng thời xuất khẩu công nghệ đường sắt cao tốc xây dựng cho người Thái.
Tờ Đa Chiều ngày 24/12 bình luận, trong chuyến thăm Bắc Kinh mấy ngày sau đó, ông Prayuth Chan-ocha lại tìm cách xác nhận lại về dự án đường sắt cao tốc này. Ngoài các cuộc hội đàm, Thủ tướng Thái Lan còn trực tiếp lên tàu trải nghiệm chất lượng đường sắt cao tốc của Trung Quốc, đoạn nối Bắc Kinh - Thiên Tân. Điều này cho thấy nhiều khả năng thỏa thuận mà hai nước đạt được khi Lý Khắc Cường ở Bangkok mới chỉ chung chung, không phải dự án cụ thể.
Một số quốc gia phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt và hạ cấp quan hệ với Thái Lan sau đảo chính quân sự. Tuần trước, chính quyền quân sự Thái Lan sử dụng hội nghị thượng đỉnh tiểu vùng sông Mê Kông ở Bangkok như một bằng chứng về "sự tự tin mới" của cộng đồng quốc tế đối với Thái Lan.
"Tôi đã nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và ông nói với tôi rằng 60 năm trước nước ông là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Trong 30 năm qua họ đã có thể làm cho đất nước mình trở thành một siêu cường kinh tế thế giới", Prayuth nói, "nhưng chúng ta thì vẫn đang cãi nhau".
Quân đội Thái Lan kiểm soát đất nước sau những gì họ nói là một nỗ lực để làm dịu cuộc khủng hoảng 6 tháng đã khiến hơn 30 người thiệt mạng. Trong số nhiều nhiệm vụ Prayuth phải đối mặt năm 2015 là làm thế nào để khôi phục lại một nền kinh tế ốm yếu và xây dựng hàng rào pháp lý ngăn chặn sự trở lại của cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra và các đồng minh.
Mặc dù nhìn bề ngoài nên kinh tế Thái Lan vẫn bình thường, nhưng nền kính tế lớn thứ 2 của Đông Nam Á này đang trì trệ. Nó chỉ tăng trưởng 0,2% trong 9 tháng đầu năm nay. Ngân hàng trung ương Thái Lan đã cắt giảm dự báo kinh tế cho năm 2014 và 2015.
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Thu-tuong-Thai-Lan-Chinh-phu-nen-hoc-tap-Trung-Quoc-post153936.gd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét