Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

“Đề tài ứng dụng xếp ngăn kéo là không chấp nhận được”

Từ ngày sang TS, chẳng mấy khi mình xem TV Việt Nam vì không có thời gian, hơn nữa nội dung quá nghèo nàn và tuyên truyền nhiều quá (riêng chuyện hôm nào cũng mất 10-30 phút đưa tin các bác lãnh đạo đi thăm trong và ngoài nước đã thấy chán). Riêng tối qua trong khi chờ cơm mình bật thử xem tin tức có gì đặc biệt không thì được nghe bác Quân trả lời. Quả thực càng nghe càng tức. Với tất cả các câu hỏi đặt ra, bác đều trả lời cứ yên tâm, nhà nước đã có chính sách hết, các nhà khoa học, kể cả nông dân cứ đến chỗ nọ, chỗ kia, sẽ có quỹ nọ quỹ kia hỗ trợ... Nghe ngon lành cành đào quá nhưng thực tế trái ngược đúng 100% so với lời của bác. Làm khoa học ở Việt Nam khổ lắm, nhất là khi phải xin sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, vì bị kiểm tra, đánh giá, quyết định bởi chính những người quản lý khoa học không có kiến thức tối thiểu nhưng đầy quyền lực. Hậu quả là khoa học nước ta ngày càng tụt hậu nhanh. Bác thử kể ra hiện nay nước ta có nhà khoa học nào, tập thể khoa học nào mạnh ở tầm quốc tế như 20-30 năm về trước với những tên tuổi nổi danh và được đưa vào từ điển thế giới ? Tôi nghĩ bác Quân quá vô cảm với thực trạng khoa học nước nhà.

“Đề tài ứng dụng xếp ngăn kéo là không chấp nhận được”
“Những đề tài ứng dụng mà xếp ngăn kéo là không chấp nhận được. Trước đây tỷ lệ này còn khá lớn vì giữa nghiên cứu và sản xuất của chúng ta chưa có cầu nối để nghiên cứu xong thì có thể ứng dụng được”.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân chia sẻ tại chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 22/9 khi đề cập đến Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (CNQG) 1000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đề nghị các Sở KH&CN hỗ trợ tối đa cho các "nhà khoa học chân đất"
Một GS làm khoa học hỏi: Tôi đánh giá rất cao cơ chế rõ ràng, minh bạch, định lượng của Qũy đổi mới CNQG với các điều kiện như phải có bao nhiêu bài báo, bao nhiêu công trình nghiên cứu mới được giải ngân, giải ngân, giải ngân tới đâu… từ đó sẽ loại bỏ được một số đề án của các TS “giấy”, GS “giấy”.
Tuy nhiên, còn rất nhiều các cấn đề lớn của đất nước, những vấn đề liên quan mật thiết với nhu cầu của dân sinh thì không có người làm vì sẽ không được các tạp chí quốc tế đăng tải. Những công trình nghiên cứu được đăng tải là những đề án lẻ của các nhóm nghiên cứu mà không có các cụm công trình KH mang tính hệ thống quốc gia. Bộ trưởng nghĩ sao về băn khoăn này?
Qũy đổi mới CNQG chỉ là một trong hai Quỹ lớn mà Chính phủ đã cho phép thành lập nhằm hỗ trợ cho hoạt động KHCN. Qũy này tập trung giúp cho DN đổi mới CN, đặc biệt là các DN KHCN, để nâng cao trình độ KHCN, tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh khi chúng ta hội nhập quốc tế.
Cách đây nhiều năm Chính phủ đã cho phép thành lập Qũy phát triển KHCN quốc gia. Đây là Quỹ có hệ thống từ trung ương đến địa phương và mới là nơi tài trợ cho nghiên cứu cơ bản như trên. Tức là đòi hỏi kết quả đầu ra phải có công bố quốc tế, kết quả cụ thể thì mới được giải ngân.
Bên cạnh hai Quỹ này, Bộ KH&CN cũng được Chính phủ giao thành lập 16 chương trình quốc gia, chương trình trọng điểm cấp nhà nước về KHCN, và gần 10 chương trình quốc gia về phát triển KHCN. Những cụm công trình lớn, những vấn đề liên quan đến quốc tế dân sinh, kể cả những công trình không được công bố quốc tế, không được đăng báo và các tạp chí quốc tế thì vẫn được nhà nước chăm lo, thậm chí được hỗ trợ rất mạnh, ví dụ như giàn khoan dầu khí, chế tạo động cơ cho ô tô xe máy, các chương trình hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn…
Cơ chế điều lệ hoạt động của Qũy như thế có hạn chế được tình trạng đề án khoa học cất ngăn kéo như đang xảy ra không, thưa Bộ trưởng?
Trong bản thân khoa học đã có những đề tài làm ra để xếp ngăn kéo, đó là nghiên cứu cơ bản, phải đi trước thời đại, vì thế nó phải để ngăn kéo cho đến khi nào trình độ xã hội phát triển đạt đến mức độ nào đó mới có thể ứng dụng.
Tuy nhiên những đề tài ứng dụng mà xếp ngăn kéo là không chấp nhận được. Trước đây tỷ lệ này còn khá lớn, vì giữa nghiên cứu và sản xuất của chúng ta chưa có cầu nối để nghiên cứu xong thì có thể ứng dụng được. Vì vậy với sự ra đời của các quỹ sẽ có 2 mặt tích cực: tạo cơ chế thuận lợi cho giới khoa học trong nghiên cứu, bên cạnh đó những đề tài này theo cơ chế đặt hàng, có địa chỉ ứng dụng, có khả năng thương mại hóa, được nhà nước “đặt hàng”.
Có ý kiến cho rằng, Qũy này chỉ có thể khuyến khích được nhà khoa học riêng lẻ mà không tạo được tập thể các nhà khoa học mạnh, Bộ trưởng nghĩ sao về ý kiến này?
Điều đó chỉ đúng với quỹ KHCN phát triển quốc gia ở giai đoạn ban đầu. Tức là Qũy này tài trợ cho nghiên cứu cơ bản, thường chỉ là một nhóm, hoặc một cá nhân nhà khoa học. Tuy nhiên bên cạnh Qũy đó còn có các chương trình trọng điểm cấp nhà nước, các chương trình quốc gia về KHCN sẽ tạo ra được tập thể các nhà khoa học mạnh.
Một số “nhà khoa học nông dân” có rất nhiều sáng chế tạo ra những sản phẩm tự làm ra và ứng dụng vào cuộc sống, họ đặt câu hỏi là: Chúng tôi đang đứng ở đâu trong đề án này?
Với những “nhà khoa học nông dân”, hay thường gọi là “nhà khoa học chân đất”, nếu như họ có ý tưởng sáng tạo thì nhà nước đều có thể hỗ trợ thông qua các Quỹ phát triển KHCN, bây giờ còn có thêm Quỹ đổi mới CNQG. Bên cạnh đó năm 2012 Chính phủ cũng đã ban hành nghị định về sáng kiến, quy định tất cả những người có sáng kiến, có thể chưa đạt tới tầm của phát minh, hay sáng chế thì vẫn được nhà nước quan tâm hỗ trợ.
Chúng tôi đề nghị các Sở KH&CN 63 tỉnh, thành phố quan tâm đến những người dân có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, hỗ trợ cho họ tối đa, từ hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện sáng kiến của họ, đến giúp họ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, giúp cho họ thương mại hóa sáng kiến của họ vào sản xuất kinh doanh, đem lại lợi ích của cá nhân họ cũng như cho xã hội.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Thành Nam (ghi)
http://infonet.vn/Thoi-su/De-tai-ung-dung-xep-ngan-keo-la-khong-chap-nhan-duoc/110917.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét