Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Cơm xã hội, Cơm từ thiện, Cơm 2.000

Quán cơm xã hội, Quán cơm từ thiện, Quán cơm 2.000
Năm 1988, đi công tác tại Đà Nẳng, trùng hợp dịp Liên hoan Phim Việt Nam tổ chức tại TP.Đà Nẳng, buổi tối mua vé vào xem được Phim “Chuyện Tử Tế” của ông Trần Văn Thủy, xem xong về khách sạn nghỉ, lòng mãi xúc động bồi hồi …. Cảnh trong 1 nhà hàng : bia bọt, thức ăn mắc tiền thừa mứa. bên ngoài nhà hàng có mấy người tìm thức ăn thừa trong các thùng rác...
1988 – 2013, 25 năm trôi qua, kể từ thời đổi mới, hòa nhập , hội nhập, kinh tế thị trường ….. nhưng hiện giờ vẫn còn nhiều người tìm miếng ăn trên các bãi rác, nhiều mãnh đời bất hạnh...
“ Cũng ở ngay Hà nội ấy, có một cụ bà với cái làn trong tay, trong ấy là mấy bộ quần áo và di ảnh ông chồng là một cựu chiến binh (cụ nầy cũng là cựu binh) và chỗ nào sạch sẽ thì bà lại dựng ảnh ông lên để thờ, để cúng ông. 
Đó là bà cụ sống “Cuộc sống “cơm niêu, nước lọ” ngay tại Hà nội, đi lang thang “Tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”.
Đây là một đoạn đối thoại giữa phóng viên với : 

………

Bà Loan : Tắm thì tối người ta về, có cái cô bán nước chè vỉa hè , từ tối đến 4 giờ sáng góc kia kìa. Bà vào đây tắm nhờ. Ngày xưa ông chồng bà còn sống, cô ấy còn nấu cả cháo gà để mang cho ông ấy đấy, thương ông lắm. Bà tắm xong, bà giặt quần áo, phơi lên cái xe máy dọc đường. Nó cứ để ở đấy thì mình cứ phơi, sạch sẽ. Mày xem, bà rất sạch sẽ kia mà .

…………

Bà Loan : Bà thề với chúng bay, từ ngày lên đây, bà chưa biết bát phở là gì. Sáng ra bà mua 2 nắm cơm 10 nghìn ăn cả ngày, muốn ăn cái rau thì mua tự nấu lấy ………… (Văn hóa ứng xử, Ứng xử văn hóa . Văn Công Hùng. Trannhuong.com 15/9/2013).


NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN : Miền Nam trước 30/4/1975, mặc dù đối mặt với trận chiến 1 mất 1 còn với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, Chánh quyền miền Nam thời ấy : bên trong phải đối phó với tệ nạn tham nhũng, phong trào sinh viên, học sinh biểu tình, bãi khóa …, với bà luật sư Ngô Bá Thành thì Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, ông linh mục Trần Hữu Thanh lại chủ tịch Ủy ban Bài trừ tham nhũng, linh mục Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín… thượng tọa Thích Trí Quang… áp lực của Tòa Bạch Ốc ….

QUÁN CƠM XÃ HỘI : Về mặt dân sinh, chánh quyền Sài gòn thời ấy vẫn tổ chức được các quán cơm xã hội dành cho người nghèo, các địa điểm được chọn là thuận lợi, thoáng mát, xây cất khang trang, hợp vệ sinh, tại tỉnh lỵ và ở các quận (huyện ngày nay) đều có 1 điểm .

MÔ HÌNH : Toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị quán cơm do nhà nước cung cấp. Số gạo hàng tháng nhà nước cung cấp miễn phí .

Người phụ trách ( người thầu) chịu trách nhiệm : Cơm phần có đủ 3 món : canh, xào, mặn, nước uống, cơm ăn no .

Mỗi phần ăn là 5 đồng (các quán cơm bình dân là 15 đồng ).

Ở đây không có sự đóng góp của từ thiện, là do sự khéo thu xếp của người phụ trách, trước tiên họ lời được phần gạo (kê khống số phần khách ăn, chứ không bớt xén phần ăn), nuôi thêm lợn (giải quyết phần cơm, canh cặn… lấy công làm lãi vậy). Các quán cơm nầy hoạt động tốt đến ngày 30/4/1975.

QUÁN CƠM TỪ THIỆN và QUÁN CƠM 2000 : 

Xuất hiện sớm nhất ở miền Tây : An Giang, Đồng Tháp… trước là ở các bệnh viện, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, cùng các người thiện nguyện đến giúp việc không nhận tiền công. Họ thấy được sự khó khăn của các bệnh nhân nghèo và các thân nhân đi nuôi bệnh ở xa : sáng sớm có cháo trắng, 2 bữa cơm trưa và chiều cho tất cả người bệnh và người nuôi bệnh … Mô hình nầy làm ăn được quá ( lỗ không hà !) nhân rộng ra, đến nay toàn các bệnh viện tuyến Huyện đều có cả ( lúc đầu xin phép cũng không dễ đâu !), kế đến các quán cơm từ thiện bên ngoài, từ thành phố lan dần về các huyện, thị xã, có nơi miễn phí, có nơi nhận tiền 2000 đống /phần ăn . 

Hơn tuần nay, trên BBC có bài viết của một ông người Ăng lê (gốc Việt), viết về các quán cơm 2000 đồng ở TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, tỏ ý không thích việc ra đời của các quán cơm nầy với lý do :

- Các quán cơm nầy sẽ gây thiệt hại đáng kể cho hàng trăm ngàn quán cơm bình dân, sẽ gây phá sản, tạo nên tình trạng thất nghiệp cho người làm các quán cơm nầy.

- Các hành khất cái bang các tỉnh lân cận tràn về thành phố để được ăn cơm 2000 nầy, gây xáo trộn nề nếp sinh hoạt : xanh, sạch, đẹp … của thành phố, ông ta nói thì có cái lý của ông ta chứ ! Nói vậy hay vậy, nhưng câu nói nầy làm tôi nhớ lại câu nói của ngài Phạm Quang Nghị, Bí Thư TP.Hà Nội :”Để những dân oan khiếu kiện đổ về thủ đô, làm mất vẽ mỹ quan của thủ đô”.

Cuộc sống đa dạng, có người vầy, có người khác. Một nữ đại gia đập bỏ ngôi biệt thự trên 130 tỷ để xây lại biệt thự mới, đại gia Lê Ân (Vũng Tàu) mua cái giường ngủ 6 tỷ, để vinh danh cho nước Việt Nam ta …. Thì cũng phải có những người cùng khổ chứ ?

Tục ngữ, ca dao Việt Nam có câu :

- Một miếng khi đói bằng gói khi no.

- Lá lành đùm lá rách.

-Nhiễu điều phủ lấy giá gương.

Người trong một nước phải thương nhau cùng .

………

“ Tất nhiên không phải không có người tốt. Rất nhiều nữa đằng khác. Họ tự nguyện và âm thầm. Như chương trình “CƠM CÓ THỊT” của anh Trần Đăng Tuấn, chương trình Sách Cho Nông Thôn của anh Nguyễn Quang Thạch, chương trình Vì Ta Cần Nhau của chị Thanh Chung và rất nhiều, rất nhiều nữa, từ hành động giúp khi gặp các hoàn cảnh thương tâm, đến nồi cháo lặng lẽ khiêm tốn ở những góc bệnh viện, đến những chương trình dài cho cộng đồng. Nhưng cảm giác đấy chỉ là những hành động tự phát … (Văn hóa ứng xử, Ứng xử văn hóa của Văn Công Hùng. Trannhuong.com 15/9/2013).

Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội có nghĩ đến việc thành lập các QUÁN CƠM XÃ HỘI trên toàn quốc được không ? Được quá đi chứ ? Số tiền bỏ ra cũng không lớn lắm đâu ! Hiện giờ số người mua gánh, bán bưng, chạy ăn từng bữa, kiếm ăn trên các bãi rác còn nhiều lắm .

Hãy giúp họ đi ! Hãy làm một cái gì đi ! Về mặt nhân tâm, nhà nước ta sẽ thu lợi nhiều đấy !

15/9/2013 TRỊNH KIM THUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét