Thứ Năm, 12 tháng 10, 2023

Đọc bài này để biết cách bảo vệ thận của bạn

Đọc bài này để biết cách bảo vệ thận của bạn
1. 6 thói quen xấu gây hại cho thận nhất định phải tránh
Bệnh thận được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”, có thể bạn đã mắc bệnh mà không cảm thấy gì. Chúng ta thường thấy trên tin tức có người đi khám vì chán ăn, thiếu máu, mệt mỏi nhưng lại phát hiện ra mình mắc bệnh urê huyết giai đoạn cuối!
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo. (Nguồn: TTXVN)
Thực tế hiện nay, ước tính cả nước ta có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn, chiếm 10,1% dân số và căn bệnh này đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Số ca bệnh cần lọc máu khoảng 800.000 bệnh nhân nhưng hiện tại Việt Nam mới chỉ có 5.500 máy phục vụ 33.000 bệnh nhân. Theo thống kê, 50% bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong trong vòng 5 năm...

Thử đối chiếu xem, trong cuộc sống, bạn đã mắc phải thói quen nào trong số 6 thói quen xấu gây hại cho thận dưới đây?

1.1. Uống quá nhiều đồ uống

Tiêu thụ nước ngọt, uống nước tăng lực ở mức độ vừa phải sẽ không gây hại quá nhiều cho sức khỏe con người, nhưng nếu tiêu thụ quá mức có thể gây hại cho thận. Độ pH trong những đồ uống này nhìn chung thấp hơn độ pH tự nhiên trong cơ thể con người, tiêu thụ quá nhiều sẽ gây áp lực lên thận.

1.2 Thường xuyên nhịn tiểu

Nếu nước tiểu đọng lại trong bàng quang quá lâu, vi khuẩn dễ sinh sôi, vi khuẩn có thể di chuyển ngược lên thận qua niệu quản, gây nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm bể thận.

1.3 Ăn quá nhiều

Con người hiện đại có nhiều cơ hội ăn cùng nhau hơn. Đặc biệt trong bữa tối, họ thường ăn nhiều hơn mức bình thường, lượng nitơ phi protein (là những sản phẩm trung gian cuối cùng của quá trình trao đổi chất protein) dư thừa cần được đào thải qua thận, điều này chắc chắn sẽ làm tăng gánh nặng cho thận.

1.4 Uống quá ít nước

Nếu bạn không uống nước trong một thời gian dài, lượng nước tiểu sẽ giảm, nồng độ chất thải và chất độc trong nước tiểu sẽ tăng lên.

1.5. Uống trà đặc sau khi uống rượu

Chất theophylline trong trà có tác dụng nhanh chóng đến thận và có tác dụng lợi tiểu, lúc này rượu được thận đào thải không kịp phân hủy sẽ quay trở lại, khiến thận bị kích thích bởi một lượng lớn ethanol, từ đó gây tổn hại chức năng thận.

1.6. Ăn đồ ăn quá mặn

95% lượng muối trong khẩu phần ăn của chúng ta được chuyển hóa qua thận, nếu bạn ăn quá nhiều muối, gánh nặng cho thận sẽ tự nhiên tăng lên.

Hãy nhanh chóng từ bỏ những thói quen xấu và bảo vệ thận của bạn!

2. Vì sao gánh nặng bệnh thận mạn ngày càng gia tăng ở Việt Nam?

(Vietnam+) 23/09/2023 - Hiện nay, ước tính cả nước có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn, chiếm 10,1% dân số và căn bệnh này đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.
 
Hai năm nay, cứ hằng tháng, chị Nguyễn Thị Huệ, 41 tuổi ở huyện Trạm Tấu, Yên Bái lại phải xuống Hà Nội để điều trị bệnh thận.

Từ khi phát hiện mắc bệnh thận, tháng nào chị cũng phải vượt chặng đường gần 300km để xuống Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Có những tháng chị phải thuê nhà trọ, ở lại chạy thận vài ngày mới về. Con còn nhỏ, kinh tế eo hẹp nên từ khi mắc bệnh, gia đình chị khá chật vật.

Thực tế hiện nay, Việt Nam có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn, chiếm 10,1% dân số. Bệnh thận mạn đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Số ca mới được chẩn đoán mỗi năm khoảng 8.000 ca.

2.1. Gánh nặng bệnh thận mạn

Tại buổi tọa đàm “Góc nhìn đa chiều trong ứng dụng tiến bộ y khoa về quản lý bệnh thận mạn” do Tổng hội Y học Việt Nam và Công ty Trách nhiệm hữu hạn AstraZeneca phối hợp tổ chức, Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Khoa Diệu Vân - Phó Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, cho biết bệnh thận mạn là bệnh lý thầm lặng ngày càng tăng trên thế giới và tại khu vực châu Á, với trên 840 triệu người mắc trên thế giới, chiếm 11-13,4% dân số, trong đó 2/3 gánh nặng tập trung ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

"1,2 triệu người tử vong do bệnh thận mạn mỗi năm, cộng thêm 1,4 triệu người có bệnh tim mạch tử vong do suy giảm chức năng thận, trên 2 triệu người tử vong do không tiếp cận được lọc thận," Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Khoa Diệu Vân dẫn chứng và cho biết suy giảm chức năng thận dẫn đến sự gia tăng đáng kể tỷ lệ biến cố tim mạch và tử vong, đồng thời làm giảm chất lượng sống.

Kiểm tra quá trình chạy thận cho bệnh nhân. (Nguồn: TTXVN)

Cùng nhận định, Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết hiện nay, gánh nặng toàn cầu của bệnh thận mạn đang gia tăng nhanh chóng và được dự đoán sẽ trở thành nguyên nhân thứ 5 gây mất số năm sống trên toàn thế giới vào năm 2040. Một điều đáng lưu ý là gánh nặng của bệnh thận mạn tăng nhanh hơn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam.

Số ca bệnh cần lọc máu khoảng 800.000 bệnh nhân nhưng hiện tại Việt Nam mới chỉ có 5.500 máy phục vụ 33.000 bệnh nhân. Theo thống kê, 50% bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong trong vòng 5 năm, với chi phí y tế cho điều trị lọc máu tăng gấp 3 lần chi phí quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm.

2.2 Cần chẩn đoán và can thiệp sớm

Theo Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Khoa Diệu Vân, hiện nay, bệnh thận mạn vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Phó giáo sư-tiến sỹ Diệu Vân cũng cho hay trên thực tế, việc chẩn đoán, điều trị sớm bệnh thận mạn vẫn còn nhiều khó khăn. Về phía bệnh nhân, không thấy triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn sớm, không hiểu vể nguy cơ bệnh thận của mình nên hầu hết đến viện trong giai đoạn muộn.

[Người bị bệnh thận có nguy cơ tử vong cao hơn nếu mắc COVID-19]

"Gần như khi đi kiểm tra, khám sức khỏe, chưa có bệnh nhân nào nói với bác sỹ kiểm tra bệnh thận. Điều này lý giải vì sao chỉ có 4,5-15,5% người lớn mắc bệnh thận mạn được chẩn đoán. Thường thì khi phát hiện, bệnh nhân đã sang giai đoạn 3 hoặc 4," bà Vân nói.

Cũng theo chuyên gia này, chỉ có 5% số người trưởng thành được phát hiện mắc bệnh ở giai đoạn 3, phần lớn bệnh được phát hiện khi đã ở giai đoạn 4 và 5 phải điều trị thay thế thận. Dự kiến đến năm 2030, có 5 triệu người cần thay thế thận. Do đó, việc chẩn đoán và can thiệp sớm bệnh thận mạn có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn xã hội.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại một bệnh viện. (Nguồn: TTXVN)

Theo các chuyên gia, đã có các thử nghiệm lâm sàng lớn về kiểm soát bệnh thận mạn được công bố trên thế giới, trong đó có nhóm thuốc ức chế SGLT-2i.

Nghiên cứu DAPA-CKD, một thử nghiệm lâm sàng toàn cầu khảo sát tác dụng của thuốc Dapagliflozin thuộc nhóm thuốc này trên bệnh nhân mắc bệnh thận mạn đến từ các quốc gia khác nhau, trong đó có cả bệnh nhân Việt Nam, đã được công bố và cho thấy hiệu quả giảm 39% nguy cơ tiến triển của bệnh và giảm 31% nguy cơ tử vong trên các đối tượng mắc bệnh này.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận sau 20 năm, các nghiên cứu như nghiên cứu DAPA-CKD đã mở ra hướng đi mới trong việc quản lý bệnh thận mạn từ lúc bệnh còn ở giai đoạn sớm. Hiện thuốc này đã được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng cho bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính với chỉ định từ bác sỹ điều trị.

Tại tọa đàm, các giải pháp tăng cường việc chẩn đoán bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm bằng các xét nghiệm có độ phát hiện cao cũng đã được đưa ra phân tích, trong đó cũng có kiến nghị xem xét triển khai những giải pháp này từ các tuyến y tế cơ sở để có thể phát hiện và can thiệp bệnh sớm hơn.

Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh trong những năm gần đây, Bộ Y tế khuyến khích triển khai và phát triển các nghiên cứu lâm sàng, đồng thời xây dựng các hướng dẫn điều trị quốc gia dựa trên kết qủa nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng chăm sóc người bệnh.

Đến nay, Việt Nam đã và đang trở thành một trong các điểm nghiên cứu quan trọng, tham gia vào chương trình phát triển lâm sàng toàn cầu trên nhiều lĩnh vực với sự đóng góp nhiều đối tượng cho các nghiên cứu bản lề, đặc biệt với mảng bệnh lý tim mạch-thận-chuyển hóa nói chung và bệnh thận mạn nói riêng./.

3. Uống nhiều nước có tốt cho gan, thận không?

Mặc dù mất nước là một vấn đề gây ảnh hưởng đến sức khỏe một cách nghiêm trọng, uống nhiều nước quá cũng có thể gây ra vấn đề. Thừa nước có nghĩa là khi uống nhiều nước hơn mức cơ thể cần. Tình trạng này kéo dài sẽ là gánh nặng cho thận, làm loãng lượng natri trong máu, rối loạn điện giải hay ngộ độc nước.

3.1. Uống nhiều nước là như thế nào?

Tình trạng thừa nước xảy ra khi cơ thể hấp thụ nhiều nước hơn mức bài tiết ra ngoài và mức natri bình thường trong máu bị pha loãng. Một lượng nước quá lớn được dung nạp vào cơ thể sẽ trở thành gánh nặng cho thận, gây suy thận và có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, thay đổi hành vi, tổn thương não, co giật hoặc hôn mê.

Trẻ sơ sinh dường như có nhiều nguy cơ bị quá tải nước do trọng lượng cơ thể còn nhỏ. Tình trạng này dễ gặp phải trong tháng đầu đời, khi trẻ bị cho uống quá nhiều nước trong khi cơ chế lọc của thận còn quá non nớt để bài tiết chất lỏng nhanh chóng như trẻ lớn hơn. Do đó, sữa mẹ hoặc sữa công thức vốn dĩ đã cung cấp tất cả các chất lỏng mà một em bé khỏe mạnh cần trong các ngày tháng đầu tiên.

Bên cạnh đó, nhóm đối tượng cũng có thể đối mặt với nguy cơ nhiễm độc nước là những vận động viên chuyên nghiệp hoặc những người tập thể dục hơn 4 giờ một ngày. Khái niệm “quá tải nước” ở những bệnh nhân này cũng thường đi kèm với chứng "hạ natri máu do tập thể dục". Sự dư thừa nước gây ra tình trạng đào thải quá mức muối khoáng dẫn đến mất cân bằng nước-điện giải sau đó.

Trong một số trường hợp khác, những người ăn kiêng sẽ có khuynh hướng uống một lượng nước dư thừa nhằm chiếm không gian trong dạ dày, giúp hạn chế cảm giác thèm ăn và kéo dài cảm giác no. Tuy nhiên, phương pháp này không bao giờ là cách ăn kiêng an toàn.

Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến uống quá nhiều nước còn do chứng rối loạn tâm lý, nằm trong chứng cuồng ăn, cuồng uống.

3.2. Các triệu chứng của uống quá nhiều nước như thế nào?

Trong điều kiện bình thường, một người khỏe mạnh có vùng dưới đồi (phần não kiểm soát cơn khát), thận và tim hoạt động trơn tru có thể uống, mặc dù không được khuyến khích, tối đa 7 lít nước mỗi ngày với tối đa 1,5 lít mỗi giờ.

Vốn dĩ cơ thể con người có một cơ chế bảo vệ thích hợp trước khi bị thực sự rơi vào tình trạng nhiễm độc nước. Vượt quá lượng có thể chịu đựng này sẽ dẫn đến ngộ độc nước. Lúc này, thận trở nên làm việc quá sức và các tế bào nhu mô thận sẽ sưng phồng lên tạm thời (trong khi gan không bị ảnh hưởng gì vì không tham gia vào quá trình chuyển hóa nước – điện giải). Song song đó, não cũng bị phù nề, làm tăng áp lực nội sọ; theo đó, một trong những triệu chứng đầu tiên của việc uống quá nhiều nước là đau đầu.

Các triệu chứng khác khi uống quá nhiều nước là chuột rút cơ và mệt mỏi do natri và kali hòa tan trong máu. Một số người bị buồn nôn, phù do tích tụ chất lỏng ở cẳng chân do hạ natri máu, xảy ra khi nồng độ natri trong máu trở nên rất thấp và ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể. Ngoài ra, suy tim sung huyết, buồn ngủ sâu và kéo dài, ảo giác, co giật và tê liệt một phần hoặc hoàn toàn cơ thể cũng là những biểu hiện của việc uống quá nhiều nước. Trong trường hợp nghiêm trọng nhất, uống quá nhiều nước cũng có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

3.3. Cách điều trị quá tải nước

Tình trạng thừa nước nhẹ thường có thể được điều chỉnh bằng cách làm theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế lượng nước nạp vào cơ thể.

Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, thuốc lợi tiểu có thể được chỉ định để tăng khả năng đi tiểu. Việc chỉ định này là dựa trên những tác động mà quá tải nước gây ảnh hưởng trên các cơ quan quan trọng. Trong đó, suy giảm chức năng tim hoặc thận là mối ưu tiên hàng đầu và hạn chế chất lỏng là một thành phần quan trọng của mọi kế hoạch điều trị.

Ở những người có các triệu chứng thần kinh nghiêm trọng, sự mất cân bằng nước và điện giải phải được điều chỉnh ngay lập tức bằng cách bổ sung dung dịch muối ưu trương.

3.4. Làm thế nào để uống nước một cách an toàn

Uống đủ nước theo nhu cầu nước theo tuổi, thể trạng của cơ thể, khoảng 2 lit/ngày. Nước được sử dụng bao gồm nước lọc, nước hoa quả, nước dừa và cả các thức ăn ở dạng lỏng như canh, súp.

Nên uống nước khi có cảm giác khát. Không ép buộc bản thân phải uống quá nhiều nước để dự trữ trước.

Có thể uống thêm 500ml nước nếu hoạt động ngoài trời hay thời tiết nắng nóng.

Nếu mất nhiều mồ hôi khi chơi thể thao, có thể dùng dung dịch điện giải hay bổ sung viên uống điện giải, giúp bù đắp lượng natri trong cơ thể.

Tóm lại, hoàn toàn không có tiêu chuẩn chính thức nào về lượng nước một người cần uống mỗi ngày. Lượng nước hấp thụ phù hợp phụ thuộc vào các yếu tố như trọng lượng cơ thể, mức độ hoạt động thể chất, khí hậu, tình trạng sức khỏe, giới tính và tuổi tác. Tuy nhiên, để ngăn ngừa tình trạng thừa nước, chỉ nên uống nước theo nhu cầu, giúp giữ quá trình chuyển hóa nước và điện giải luôn được ổn định.

https://www.vietnamplus.vn/vi-sao-ganh-nang-benh-than-man-ngay-cang-gia-tang-o-viet-nam/896158.vnp
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/uong-nhieu-nuoc-co-tot-cho-gan-khong/#:~:text=Share%3A,gi%E1%BA%A3i%20hay%20ng%E1%BB%99%20%C4%91%E1%BB%99c%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét