Thứ Hai, 9 tháng 10, 2023

Israel hoàn toàn bất ngờ và thiệt hại nặng khi bị Hamas tấn công dữ dội

Israel hoàn toàn bất ngờ và thiệt hại nặng khi bị Hamas tấn công dữ dội
Thế giới đang hỗn loạn chưa từng có. Trung Đông bất ngờ nóng rực. Thời điểm này, 50 năm trước, Israel đã phải đối mặt với mối đe dọa đến sự tồn vong của mình sau cuộc tấn công bất ngờ của Ai Cập và Syria. Đó là khởi đầu của cuộc chiến Yom Kippur đi vào lịch sử. 50 năm sau, vào đầu giờ thứ Bảy, trong ngày cuối cùng của ngày Lễ Ăn Mừng Kinh Thánh Torah trọng đại của người Do Thái, lịch sử dường như lặp lại. 

Cục diện khu Bờ Tây và Dải Gaza. Đồ họa: CNN
Người Israel bị đánh thức bởi tên lửa và còi báo động không kích khi nhóm chiến binh Palestine Hamas phát động cuộc tấn công quân sự lớn nhất mà Israel phải đối mặt kể từ ngày định mệnh năm 1973. Các chiến binh Palestine được trang bị súng máy, lựu đạn phóng tên lửa và súng lục có thể tràn vào các thị trấn và căn cứ quân sự của Israel một cách dễ dàng đến mức đáng ngạc nhiên. Ít nhất 300 người Israel đã thiệt mạng, hơn 1.500 người bị thương. Theo số liệu từ các quan chức cả hai bên, chỉ trong hai ngày, khoảng 600 người đã thiệt mạng ở Israel và ít nhất 370 người ở Gaza.

Sáng 7/10, hàng trăm người Israel tập trung tại khu định cư Reim để tổ chức lễ ăn mừng Kinh thánh Torah, một ngày lễ lớn của người Do Thái mà không biết rằng thảm kịch đang chờ đón họ. Đột nhiên, tiếng súng, tiếng rocket không biết từ đâu tới vang lên. Tiếng nhạc dừng lại, thay thế bởi còi báo động không kích.

Đó là khoảnh khắc nhóm vũ trang Hamas đồng loạt khai hỏa hàng nghìn quả rocket từ Dải Gaza vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Israel, trong đó có khu định cư Reim, cách biên giới không xa. Các tay súng Hamas sau đó cho nổ tung hàng rào biên giới, ồ ạt tràn vào lãnh thổ Israel, mở đầu "ngày đẫm máu" khi lực lượng này tuyên chiến với Tel Aviv.

Tổ chức vũ trang Hamas ngày 7/10 phóng khoảng 5.000 quả rocket vào các thành phố Israel, đồng thời tổ chức nhiều mũi xâm nhập sâu vào lãnh thổ đối phương bằng đường biển, đường bộ và dù lượn. Lãnh đạo nhóm tuyên bố hôm nay là ngày khởi đầu "cuộc chiến lớn nhất để chấm dứt tình trạng chiếm đóng" ở Palestine. Israel đã tuyên bố tình trạng chiến tranh và tung các đòn đáp trả.

Đây là đợt xâm nhập chưa từng thấy của Hamas vào lãnh thổ Israel, cũng là một trong những động thái leo thang căng thẳng nghiêm trọng nhất tại khu vực trong nhiều năm qua. Video được các nhóm chiến binh Palestine đăng trên mạng xã hội cho thấy nhiều binh sĩ và dân thường Israel bị trói hai tay sau lưng, đưa lên xe trở về Dải Gaza, dường như để làm con tin. Tại một số khu định cư, các tay súng Hamas bắn bừa bãi vào xe cộ trên phố, lùng sục từng nhà để bắt người và đối đầu với lực lượng an ninh Israel.

Thành phố Sderot là điểm nóng đụng độ giữa quân đội Israel và lực lượng vũ trang Hamas trong 12 giờ sau đó. Giao tranh vẫn tiếp diễn ở hơn 20 địa điểm xung quanh Dải Gaza khi màn đêm buông xuống. Ít nhất 300 người Israel đã thiệt mạng, hơn 1.500 người bị thương. Chính phủ Israel tuyên bố tình trạng chiến tranh, ra lệnh động viên lực lượng dự bị và cam kết sẽ "xóa sổ" Hamas nhằm đảm bảo an ninh cho đất nước.

Rất nhiều người Israel ở các khu vực khác sốc và ngỡ ngàng trước những gì đang xảy ra xung quanh Dải Gaza. Họ dán mắt vào màn hình, liên tục cập nhật tin tức. Tại các điểm nóng giao tranh, người dân cố thủ trong nhà suốt cả ngày, kêu gọi lực lượng an ninh giúp đỡ, khi các tay súng Hamas lùng sục khu dân cư.

Chiến đấu cơ Israel sau đó liên tiếp không kích các mục tiêu Hamas trên Dải Gaza. Đến tối 7/10, quân đội nước này tuyên bố đã vô hiệu hóa phần lớn các tay súng xâm nhập và chuẩn bị cho chiến dịch phản công quy mô lớn. Trong những giờ đầu của cuộc xung đột, các đội y tế Israel không thể tiếp cận những người bị thương ở các thị trấn nơi giao tranh diễn ra. Một xe cứu thương bị tấn công, khiến một nhân viên y tế thiệt mạng.

Việc Israel không lường trước được một cuộc tấn công hôm 7/10 khiến hàng trăm binh sĩ, dân thường thiệt mạng và việc các chiến binh Hamas hung hãn tràn qua các ngôi làng đã chọc thủng cảm giác bất khả chiến bại của bộ máy quân sự, tình báo được ca ngợi của họ. Nó khiến thế giới đặt câu hỏi điều gì đã xảy ra và các nhà lãnh đạo Israel đang phải đối mặt với áp lực phải trả đũa bằng vũ lực áp đảo.

Một số quan chức dân sự và quân sự cấp cao của Mỹ cho biết, cuộc tấn công của Hamas cũng khiến chính quyền Biden bất ngờ. Chuẩn Đô đốc đã nghỉ hưu Mark Montgomery cho biết: “Tôi tin chắc rằng chúng tôi không có thông tin gì”. Ông Montgomery cho biết mình đã đến Israel vào đầu năm nay, đã đi thị sát lực lượng phòng thủ tại một trong những khu định cư Do Thái ở miền nam Israel nơi đã từng bị Hamas tấn công.

Ông Montgomery cho biết một sĩ quan quân đội cấp cao của Mỹ trong khu vực đã lên máy bay và trở về Mỹ trong những ngày gần đây, ngụ ý rằng điều đó sẽ không xảy ra nếu Washington biết một cuộc tấn công sắp xảy ra.

Cuộc tấn công xảy ra khi Israel phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ kể từ thất bại an ninh lớn nhất của họ trong Chiến tranh Yom Kippur, cuộc tấn công bất ngờ do lực lượng Ai Cập và Syria phát động cách đây 50 năm. Lúc này, Iran đã cung cấp một sự phối hợp chưa từng có giữa các lực lượng của một số nhóm chiến binh, bao gồm Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon, đồng thời gây ra xung đột chết người ở Bờ Tây, khiến Israel gặp nguy hiểm trên ba mặt trận.

Sử dụng tên lửa, dù lượn, mô tô, xe bán tải và thuyền, các chiến binh Hamas từ Dải Gaza đã phát động một cuộc tấn công phối hợp cho thấy mức độ tinh vi không ngờ. Lực lượng Israel dường như hoàn toàn bị bất ngờ khi phiến quân Hamas ở Gaza dùng máy ủi phá bỏ hàng rào an ninh và tràn vào nước này.

Brian Katulis, phó chủ tịch chính sách tại Viện nghiên cứu Trung Đông ở Washington, cho biết: “Rõ ràng đây là một hoạt động được lên kế hoạch kỹ lưỡng, không diễn ra chỉ sau một đêm và thật đáng ngạc nhiên là nó không bị Israel hay bất kỳ đối tác an ninh nào của họ phát hiện. Thật khó để nghĩ đến một thất bại an ninh nghiêm trọng như vậy trong lịch sử gần đây của Israel”.

Các nhà lãnh đạo an ninh Israel đã hạ thấp mối đe dọa từ Hamas trong những tháng gần đây, khi nhóm này né tránh các cuộc xung đột do đồng minh nhỏ hơn của họ ở Gaza là nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine khởi xướng. Có cảm giác rằng Israel, với hệ thống phòng không Vòm sắt - Iron Dome, đã khiến mối đe dọa chính từ tên lửa tầm ngắn của Gaza trở nên vô hiệu. Tháng trước, quân đội Israel tự tin mô tả Gaza đang ở trong tình trạng “bất ổn trong ổn định”, cho thấy mối nguy hiểm do phiến quân Hamas gây ra phần lớn đã được ngăn chặn.

Đánh giá tình báo gần đây của Israel về Hamas là nhóm chiến binh này đã chuyển trọng tâm sang cố gắng khơi dậy bạo lực ở Bờ Tây và họ đang tìm cách tránh tiến hành các cuộc tấn công lớn từ Gaza nhằm tránh các hành động trừng phạt quân sự của Israel, vốn đã tàn phá khu vực bị cô lập trong quá khứ.

Ở nhiều khía cạnh, cuộc tấn công bất ngờ hôm 7/10 là một cuộc tấn công công nghệ thấp, dựa nhiều vào yếu tố bất ngờ hơn là vũ khí tiên tiến. Các chiến binh Palestine được trang bị súng máy, lựu đạn phóng tên lửa và súng lục có thể tràn vào các thị trấn và căn cứ quân sự của Israel một cách dễ dàng đến mức đáng ngạc nhiên.

Điều đáng ngạc nhiên là một cuộc tấn công trên diễn ra khi Israel vẫn duy trì hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt đối người Palestine ở Dải Gaza, trong đó có cả Hamas với việc giám sát nhất cử nhất động của các thành viên Hamas đối với an ninh Israel là nhiệm vụ hàng ngày và bắt buộc.

Israel và Hamas đã bị lôi kéo vào cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ ở Dải Gaza, nơi từng là tâm điểm của các cuộc xung đột lặp đi lặp lại kể từ khi quốc gia Do Thái này được thành lập vào năm 1948. Ai Cập nắm quyền kiểm soát Dải Gaza cho đến năm 1967, khi Israel chiếm giữ một dải hẹp dọc theo Dải Gaza bên bờ biển Địa Trung Hải trong Chiến tranh Sáu ngày.

Hàng nghìn người định cư Israel đã sống ở Dải Gaza cho đến năm 2005, khi Israel rút binh lính cùng dân thường và nhường quyền kiểm soát cho chính quyền Palestine. Hai năm sau đó, các chiến binh Hamas đã lật đổ chính quyền Palestine và giữ quyền kiểm soát Dải Gaza kể từ đó.

Hamas đã sử dụng mạng lưới đường hầm dưới biên giới Ai Cập-Gaza để buôn vũ khí và vật tư dùng để chế tạo hàng nghìn tên lửa và một số lượng nhỏ máy bay không người lái (UAV) mà họ đã nhắm bắn vào Israel trong những năm qua. Nhưng lực lượng phòng không của Israel đã có thể vô hiệu hóa phần lớn mối đe dọa này.

Không ai có con số thống kê đáng tin cậy về số lượng tên lửa mà Hamas có trong tay. Ông Jonathan Schanzer, Phó Chủ tịch nghiên cứu cấp cao tại Tổ chức tư vấn Quốc phòng Dân chủ ở Washington (Mỹ), cho biết phong trào này có khoảng 15.000 tên lửa ở Gaza.

Trong những năm qua, quân đội Israel đã thực hiện một loạt cuộc không kích nhằm vào các đường hầm của Hamas nằm sâu dưới biên giới Gaza-Israel, ngăn chặn thành công những nỗ lực trước đó của phong trào này trong việc thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ.

Người Israel trên khắp đất nước đã bị sốc sau khi Hamas phát động một cuộc tấn công lớn bất ngờ vào lãnh thổ Israel sáng 7/10 và dường như đã giành quyền kiểm soát một số thành phố và làng mạc dọc biên giới. Nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao một trong những đội quân mạnh nhất thế giới lại có thể không chuẩn bị cho một tình huống nguy hiểm như vậy.


9/10/2023 Thảm cảnh của dân thường Palestine sau khi Hamas tấn công Israel

Hàng chục nghìn người Palestine ở Dải Gaza đang phải sống trong sợ hãi và tương lai bấp bênh khi giao tranh nổ ra giữa lực lượng Hamas và Israel.

Vây quanh bởi những người cháu của mình, ông Mahmud al-Sarsawi, 68 tuổi, nằm trên chiếc bàn trong một trường học được chuyển thành nơi trú ẩn ở Dải Gaza với ống thở oxy.

"Tất cả chúng tôi đến đây để trốn các cuộc tấn công của Israel", Sarsawi nói hôm 8/10 và cho biết ông nằm trong khoảng 70 người trú ẩn tại ngôi trường này sau ngày thứ hai Israel không kích khu vực.


Một tòa nhà ở Gaza bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel ngày 8/10. Ảnh: CNN

"Tình hình thật đáng sợ và chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài tìm nơi ẩn náu", ông cho hay.

Nơi ông lánh nạn là một trong 44 trường học được chuyển thành địa điểm trú ẩn do Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hợp Quốc dành cho Người tị nạn Palestine (UNRWA) điều hành.

Theo UNWRA, hơn 20.000 người Palestine đã phải sơ tán sau khi các chiến binh Hamas phóng hàng nghìn quả rocket và xâm nhập vào Israel trước bình minh hôm 7/10. Lực lượng Israel đã ngay lập tức trả đũa bằng các cuộc không kích vào Dải Gaza, khu vực nghèo nàn với khoảng 2,3 triệu dân đang sinh sống.

"Tôi muốn nói với người dân Gaza rằng hãy rời khỏi đó ngay, bởi vì chúng tôi sắp hành động ở mọi nơi với tất cả lực lượng của mình", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo, đồng thời tuyên bố nơi ẩn náu của Hamas ở Gaza sẽ bị biến thành đống đổ nát.

Theo số liệu từ các quan chức cả hai bên, chỉ trong hai ngày, khoảng 600 người đã thiệt mạng ở Israel và ít nhất 370 người ở Gaza.

Bên trong lớp học, các thành viên nữ trong gia đình Sarsawi ngồi trên những tấm đệm xốp mang từ nhà đến, xung quanh là gas nấu ăn, đồ ăn đóng hộp và những túi quần áo lộn xộn.

Amal al-Sarsawi, 37 tuổi, cho biết họ vẫn còn sốc sau khi nghe thấy tiếng rocket nã xuống Gaza. "Chúng tôi lập tức thu gom những thứ cần thiết trong nhà và lao đến trường", bà mẹ 5 con kể lại.

Cô cho hay cả đêm họ không thể ngủ được khi cố gắng trấn an những đứa trẻ đang sợ hãi. "Tình hình hiện nay là điều không thể chịu đựng nổi đối với chúng tôi, cả về tâm lý và kinh tế", Amal nói.


Người Palestine chạy trốn khỏi các cuộc không kích của Israel trú ẩn trong một trường học do Liên Hợp Quốc điều hành ở thành phố Gaza. Ảnh: AFP

Một người phát ngôn của Hamas cho biết 13 tòa tháp và tòa nhà dân cư đã bị phá hủy, 1.210 căn hộ bị hư hỏng.

Một nhân viên UNRWA cho hay trường nam sinh New Gaza, nơi gia đình Sarsawi đang trú ẩn, có thể chứa ít nhất 300 người. Hầu hết những người phải di dời đến từ phía đông thành phố Gaza và phía bắc Dải Gaza.

Trên hành lang của ngôi trường, một phụ nữ đến cùng 14 người thân đang ngồi ôm đầu. Không cầm được nước mắt, cô cho biết bản thân còn không đủ tiền mua sữa cho hai con nhỏ.

"Chúng tôi chưa ăn gì từ sáng hôm qua. Chúng tôi chỉ bỏ chạy với một ít quần áo", cô nói.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động của cuộc giao tranh đối với những người dân Palestine đang rơi vào cảnh thiếu thực phẩm nghiêm trọng.

"Dù hầu hết các cửa hàng ở các khu vực bị ảnh hưởng tại Palestine có thể tích lũy lượng thực phẩm dự trữ cho một tháng, chúng có nguy cơ cạn kiệt nhanh chóng khi người dân đổ xô đi mua thực phẩm vì lo ngại xung đột kéo dài", WFP lưu ý.

Leila Saqr, người sống tại một trong những khu vực bị Israel tấn công, đã qua đêm cùng gia đình và ba đứa con ở lối vào tòa nhà của cô. "Các con tôi rất sợ hãi. Chúng la hét suốt đêm", cô nói.

Hầu hết người dân Gaza không có cách nào thoát khỏi vùng đất đang bị bao vây. Tất cả các cửa ngõ ra khỏi khu vực đều bị đóng cửa, ngoại trừ cửa khẩu Rafah với Ai Cập được kiểm soát chặt chẽ.

Hani El-Bawab, 75 tuổi, cho hay ông và gia đình cũng đã thức suốt đêm vì lo sợ các cuộc không kích. Tòa tháp liền kề với nhà El-Bawab bị Israel tấn công trong đêm, đổ sập xuống chính ngôi nhà của ông.

"Tôi không biết phải làm gì", El-Bawab nói. Hiện ông sống ngoài đường còn vợ ông ở nhờ nhà một người quen.

Theo lời ông, người Palestine ở Gaza đang sống trong "hoảng loạn và sợ hãi", từng giây phút đều lo sợ một quả bom có thể rơi xuống nhà của họ. "Tôi chỉ muốn có một ngôi nhà để sống cùng các con. Tôi chỉ muốn một nơi trú ẩn", ông nói.

https://vnexpress.net/tham-canh-cua-dan-thuong-palestine-sau-khi-hamas-tan-cong-israel-4662415.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét