Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

Khổ như dân đón buýt trên đường Âu Cơ Hà Nội

Ở VN, quan chức nhà nước luôn luôn tự hào là nhà nước của dân, do dân và vì dân, rồi dân có quyền giám sát, tố cáo các sai phạm của các quan chức và cơ quan nhà nước, và các cơ quan chức năng phải xem xét xử lý.
Tuy nhiên, thực tế mỗi khi người dân phải sử dụng dịch vụ của các cơ quan nhà nước, họ đều được đối xử rất tồi tệ. Điển hình là dịch vụ xe buýt Hà Nội.
Tôi thường xuyên đi xe buýt đã được 4 năm. Ngay lần đi đầu tiên trên xe buýt số 45 năm 2019, tôi đã sốc vì những hành vi rất vô học và vô văn hóa của lái xe và nhân viên phụ xe. Lúc xuống xe, tôi nói chuyện với mấy bác đi cùng... Các bác bảo thường xuyên như thế. Một bác khẳng định luôn nhiều tuyến 80% lái xe và nhân viên phụ xe cư xử cực kỳ vô văn hóa, bác gọi là mất dạy; trung bình cả hệ thống buýt Hà Nội có khoảng 60% cán bộ nhân viên rất vô văn hóa.
Tương tự buýt số 41 đi trên đường Âu Cơ cũng thế; giờ giấc tùy tiện, sẵn sàng bỏ điểm dừng không cho khách lên xuống; phóng nhanh vượt ẩu; quát mắng hành khách... Nhiều phụ xe không lên xe từ đầu bến nên xe chạy dọc đường phải dừng đỗ chờ 10-15 phút để lái xe đi bộ đến và lên xe bắt đầu làm việc.
Những xe này trước tháng 9/2022 của Công ty TNHH Bắc Hà; từ tháng 9/2022 chuyển sang thuộc Công ty CP Xe điện Hà Nội, nhưng văn hóa của đám lái xe và nhân viên vẫn như trước.
Xe buýt Hà Nội, trừ loại xe điện của Vinbus và vài xe cỡ nhỏ của Công ty cổ phần xe khách Hà Nội là tử tế, còn lại tất cả là xe cũ kỹ, hôi hám, bẩn thỉu, nội thất không có gì ngoài máy lạnh, thực sự là những chiếc thùng di động chở lợn hay chở hàng chứ không phải xe khách chở người. Tuy nhiên tuổi già, nếu đi xe máy thì nguy cơ mất an toàn cao, lại thêm ô nhiễm khói và bụi nên tôi chấp nhận đi xe buýt; hơn nữa, tôi chịu đựng gian khổ cả đời nên quen rồi, khó khăn mấy cũng thích nghi được.
Các điểm dừng xe buýt được đặt loạn xe, khoảng cách lúc quá gần, lúc quá xe; đa số không có mái che cũng chẳng có ghế ngồi. Thậm chỉ không điểm nào có tên chính thức; mỗi công ty xe khách có xe chạy qua điểm nào thì tự đặt tên cho điểm đó, nên cùng một điểm nhưng có nhiều tên khác nhau. Đây là trách nhiệm của Sở Giao thông Hà Nội.
Đã một số lần tôi gửi thư, goi điện tới các hãng xe buýt và Sở Giao thông Hà Nội, nhưng thường không có người trực máy; nếu có người trực thì cũng trả lời quanh co hoặc bảo đợi chuyển máy cho người khác... Trong khi mỗi phút gọi tới các hãng tôi phải trả 2 nghìn đồng, gọi tới Sở Giao thông Hà Nội mất tới 3 nghìn đồng, nên tôi chán chẳng muốn phản ánh nữa.
Thực tế, các hãng xe buýt đều rất thiếu lái xe và nhân viên phục vụ, nên họ có cư xử vô văn hóa thì các hãng cũng không thể đuổi việc được họ.
Hàng ngày tôi vẫn đến Câu lạc bộ Ba Đình bằng xe 41 trên tuyến đường Âu Cơ trong bài viết dưới đây; nhưng tôi đi chuyến rất sớm, ít bị tắc đường; chiều về thì tôi đi tuyến khác để tránh bị tắc đường ở tuyến này.
Ngồi trên xe, ngắm nhìn lái xe và phụ xe, tôi thấy thương họ vì họ thiếu học và cuộc sống lam lũ, vất vả làm họ sống kiểu bất cần đời. Đã vài lần tôi khuyên họ chuyển sang làm cho Vinbus để cư xử có văn hóa hơn và thu nhập cao hơn. Bất ngờ là họ dứt khoát từ chối. Họ bảo sang đó phải làm việc theo đúng khuôn phép qui định của Vinbus thì mất tự do nên không thèm. Đúng là hết thuốc chữa.
Khổ như dân đón buýt trên đường Âu Cơ Hà Nội
Video ngày 19 Tháng Mười 2023 của Dân Trí phản ảnh một trạm xe buýt kỳ quặc và nguy hiểm nhất Hà Nội, và cũng có lẽ là nhất hành tinh! Trạm xe buýt đó nằm giữa hai bức vách dựng tạm bằng tôn trên lòng đường Âu Cơ (quận Tây Hồ, Hà Nội), phía trước là xe cộ chạy nườm nượp chóng cả mặt, đằng sau là công trường đang mở rộng đường còn dang dở, bên trên không có mái che, nắng thì hứng khói bụi, mưa ngập không kịp có áo mưa hay dù thì càng khốn khổ hơn. Thế mà dân Hà Nội phải chịu cảnh đón xe buýt ở trạm này từ hơn ba năm qua, khổ chưa!
Không gian đợi xe buýt bé, sát đường đi lại của xe máy, ôtô. Ảnh: Nhật Minh
Đoạn video của Dân Trí mở đầu bằng câu: “Là dân thủ đô Hà Nội, đã bao giờ bạn phải chờ xe buýt như thế này chưa?” với vẻ đầy châm biếm chứ không phải xót xa.

Có đến 10 trạm xe buýt nguy hiểm như thế này trên dự án mở rộng đường Âu Cơ dài chưa đến 4 cây số – Ảnh cắt từ video của Dân Trí

Cảnh quay mô tả vài người (trẻ có, già có) lẳng lặng đi vào cái ngách giữa hai bức vách bằng tôn, đứng chờ xe buýt dưới tấm bảng có chữ “Điểm dừng xe buýt”, thỉnh thoảng lại có người bước ra khi xe buýt trờ tới. Trong số đó có cả người ngoại quốc.

Dân Trí phỏng vấn hai du khách, một công dân Singapore là ông Vic Lee và công dân Bỉ là ông Rodrigo. Ông Vic Lee phàn nàn: Đứng đón xe buýt như thế này không hề an toàn, vị trí quá gần đường sá đang lưu thông, xe cộ qua lại nhiều nguy hiểm, đã vậy không có mái che, nắng rồi mưa không có chỗ trú.

Một du khách Singapore phàn nàn về sự nguy hiểm của trạm buýt giữa đường – Ảnh cắt từ video của Dân Trí

Ông Vic Lee còn đội mũ, còn ông Rodrigo chỉ có một cái kính mát, nên tỏ ra rất sốt ruột: Tôi đứng chờ một tiếng đồng hồ rồi, nắng và nóng thế này mà không rõ khi nào mới có xe buýt đến?

Ông Rodrigo nói đã sống ở Hà Nội năm năm và đồng ý với ông Vic Lee là chỗ đón xe buýt này quá nguy hiểm, không an toàn. Cuối cùng, khi một xe taxi đi ngang mời ông đi phi trường Nội Bài với giá 100,000 đồng, ông Rodrigo xác nhận giá 100,000 đồng một lần nữa rồi bước lên xe taxi, vì ông không kiên nhẫn chờ xe buýt nổi nữa!

Chờ giữa đường dưới nắng nóng, một du khách Bỉ tỏ ra chán ngán – Ảnh cắt từ video của Dân Trí

Vì cớ gì mà lại đẩy người đón xe buýt, trong đó có cả du khách ngoại quốc (thật mất mặt) vào tình trạng khốn khổ như vậy?

Chỉ vì dự án hạ đê sông Hồng, mở rộng đường Âu Cơ, thi công chậm như rùa bò, khởi công từ Tháng Sáu 2020, hứa hẹn đến năm 2021 là xong, nhưng đến nay vẫn kéo dài trong tình trạng ngổn ngang, hứa tiếp đến năm 2024 mới xong!

Tình trạng thi công đường bầy hầy này đã gây phiền toái cho cư dân hai bên đường và nhất là người dân sử dụng phương tiện công cộng phải ra giữa lòng đường đón buýt.

Mà dự án này chỉ dài có 3.7km (tức chưa được 4 cây số), bắt đầu từ khách sạn Thắng Lợi đến điểm cuối là cầu Nhật Tân.

Thi công mở rộng đường ngay tại thủ đô, chiều dài chưa đến 4 cây số, mà kéo dài đến hơn ba năm, thật chỉ có ở Việt Nam!

Video dài chưa đến ba phút của Dân Trí không cho biết đây là trạm xe buýt nào, địa chỉ chính xác ở đâu trên đường Âu Cơ, mà chỉ nói: “Dự án mở rộng đường Âu Cơ (Hà Nội) chậm tiến độ đã kéo theo hơn 10 trạm xe buýt phải vận hành trong điều kiện thiếu an toàn”.

Có nghĩa là còn chín trạm xe buýt trên con đường “lầy lội” này cũng rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm tương tự, kéo dài từ Tháng Sáu 2020 đến nay và còn chưa biết bao giờ mới chấm dứt!

Người Việt có thể quen với nguy hiểm rình rập mỗi ngày khi ra đường nhưng du khách ngoại quốc thì không – Ảnh cắt từ video của Dân Trí

Độc giả Dân Trí bàn tán rất nhiều dưới video này, trong đó có nhiều dân Hà Nội tỏ ra bức xúc trước cách làm ỳ ạch của ngành giao thông vận tải Hà Nội: 

“Quá bức xúc về tuyến đường này, mỗi đoạn chỉ có chục người làm không biết bao giờ mới xong được khi tiến độ làm việc như vậy, không làm được thì đừng làm” (Ly Khánh); 

“Không còn gì để nói về vấn nạn giao thông ở Hanoi, khổ và khổ!” (Nguyễn Mỹ Linh);

“Đoạn đường này không dài nhưng thi công quá chậm chạp, bụi mù, tắc nghẽn giao thông. Mấy năm nay đi Nội Bài là phải gọi taxi chứ không đi buýt 86 được vì phải kéo vali đi quá xa mới tìm được trạm buýt và phải đứng cả tiếng giữa không gian bụi mù, xe cộ chạy qua lại mới lên được xe. Đúng là tình trạng thi công xây dựng công cộng ở Hà Nội, không biết bao giờ mới đúng tiến độ và an toàn được. Chán lắm ☹” (Nguyen Thanh);

“Quận Tây Hồ có mỗi con đường huyết mạch mà làm mãi không xong, chỉ thấy quây tôn xong để đấy, công trường không thấy bóng công nhân, sắt thép rỉ sét hết cả…Không hiểu ban quản lý dự án đang làm gì???” (Hoa Nguyen Duc).

Mở rộng đường chỉ dài gần 4 cây số mà Hà Nội kéo dài hơn ba năm, không hiểu điều hành đô thị thông minh kiểu gì – Ảnh cắt từ video của Dân Trí

Ngoài sự bức xúc, dân Hà Nội còn phản ảnh sự nguy hiểm của con đường này dưới nhiều góc độ khác nhau: “Dự án làm ỳ ạch quá khổ sở vì ô nhiễm môi trường cho dân sinh sống hai bên đường, lại còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và các cháu đi học. Đã có hai người đã chết và nhiều vụ tai nạn giao thông ở con đường huyết mạch này” (Trần Anh Tuấn);

“Hằng này tôi đi lại hai lượt bằng xe máy trên tuyến đường này nên thấy thật sự nguy hiểm, không chỉ cho hành khách đi xe buýt mà với cả phương tiện xe máy, xe đạp… Lòng đường bị rào lại chỉ còn đủ rộng cho một xe ô tô và một xe máy lưu thông, người đi bộ (lên xuống xe buýt) phải mon men đi xen lẫn giữa dòng xe, nguy hiểm vô cùng.

Hơn nữa, rất nhiều chỗ rào tôn bị rách, chìa ra lòng đường đi như chông như lao, mặt đường lún, gồ ghề sóng trâu làm cho người đi xe máy rất hay bị ngã, gây tai nạn. Dự án này đã bị chậm tiến độ nhưng theo quan sát thì thấy hiện nay các nhà thầu không thi công, chỉ đắp đất tạm vào hai bên để bảo đảm an toàn đê, có nghĩa là còn không biết đến bao giờ mới thi công xong” (Duong Pham);

Bức vách tôn tạm còn bị rách, chìa miếng tôn ra ngoài là cái bẫy cho người đi đường – Ảnh cắt từ video của Dân Trí

“Nhà mình ngay mặt đường Âu Cơ, khổ sở mấy năm nay rồi, đóng kín cửa thì nóng và bí, mở ra chỉ cần một lúc là có một lớp bụi dày. Đóng kín cả ngày vẫn có một lớp bụi mịn vào nhà.

Giữa trung tâm thủ đô, được quy hoạch là trung tâm du lịch, chính trị, kinh tế, là tuyến đường chính để đón đoàn các nước và cũng là tuyến đường các lãnh đạo cấp cao đi nhiều. Vậy mà không có cách nào để hoàn thành nhanh được hay sao? Mà làm xong rồi có khi được vài hôm lại đào lên lên chôn lấp đường dây, hay đường ống gì đó. Quá là mệt mỏi” (Tien Nguyen).

Có độc giả còn phản ảnh rộng hơn: “Hà Nội rất nhiều kiểu loại đặc sản như thế này” (Tên gì đây); “Không chỉ cơ sở hạ tầng và các dự án lúc nào cũng bị chậm, rồi cứ để bừa ngổn ngang vậy, gây khó khăn, mà đến mấy con sông lớn đều ô nhiễm đến phát kinh. Thủ đô của ta đó, hơn 20 mấy năm vẫn vậy. Nghĩ đến mà xấu hổ” (H2);

“Thế này mà đòi tăng trưởng du lịch. Thi công xây dựng ở Việt Nam rất thiếu tôn trọng người tham gia giao thông? Không biển bảng, không báo hiệu rõ ràng…” (Thu Đô)

Cuối cùng, độc giả Hoa Binh kết luận: ““Nói một đường làm một nẻo” đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện rồi”, nó là nguồn gốc của câu nói “Hà Nội không vội được đâu”!


Xem thêm: Ám ảnh khi đứng chờ xe buýt trên đường Âu Cơ, Hà Nội
NHẬT MINH - Thứ sáu, 20/10/2023 - Tan làm sau một ngày mệt mỏi, chị Nguyễn Thị Loan (32 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) lại tiếp tục những trải nghiệm ám ảnh khi chờ xe buýt trên đường Âu Cơ, Hà Nội.


Người dân lo lắng khi đứng chờ xe buýt tại đường Âu Cơ. Ảnh: Nhật Minh

Chị Loan cho biết, sau khi tan làm, chị phải đi bộ dưới lòng đường để ra trạm xe buýt số 236 Âu Cơ (đoạn gần chợ hoa Quảng Bá, Hà Nội). Khi ra đến bến xe, chị Loan đứng nép sát vào những tấm tôn của công trình đang thi công.

Trong 15-20 phút chờ xe, chị Loan gọi đây là khoảng thời gian ám ảnh. “Mỗi lần đợi xe buýt, tôi luôn bồn chồn, lo lắng vì bản thân đang đứng ngay dưới lòng đường, sát vị trí đi lại của nhiều xe máy, ôtô” - chị Loan nói.

Thời điểm này, đoạn đường Âu Cơ thường xuyên xảy ra ùn ứ. Chỉ cần không cẩn thận, lơ là một phút là người đi bộ có thể gặp nguy hiểm.

Người dân đứng ngồi không yên tại các trạm chờ xe buýt. Ảnh: Nhật Minh

Cùng tình trạng với chị Loan, anh Nguyễn Việt Tài - sinh viên năm 3 tại Hà Nội cho biết, luôn lo lắng khi đứng đợi xe ở khu vực này. "Thời điểm tan tầm, khói bụi từ các phương tiện giao thông và từ công trường xây dựng khiến khu vực này bụi mù mịt” - anh Tài nói.

Có những lần do đường đông, anh Tài phải đi sát vào lề đường nên vô tình va phải những miếng tôn nham nhở. “Có những hôm, dù lúc đã xuống xe buýt nhưng tôi lại không thể đi bộ để về nhà vì đường chật cứng, có 2-3 hàng ôtô, xe máy. Người đi bộ khi đó không còn lối đi" - anh Tài chia sẻ.

Lối đi lại của người đi bộ rất hạn chế, nhất là vào giờ cao điểm. Ảnh: Nhật Minh

Theo ghi nhận của Báo Lao Động, dọc đường Âu Cơ, có nhiều trạm chờ xe buýt không chỗ ngồi, không mái che. Bên cạnh đó, lối xuống xe, đi lại của người dân cũng bị hạn chế, nhất là giờ cao điểm.

Có những thời điểm, xe buýt dừng tại điểm đón gây ra ùn ứ, phương tiện nối đuôi nhau trên đường.Những mảng tôn nham nhở gây nguy hiểm cho người đi đường. Ảnh: Nhật Minh
Dự án mở rộng đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm đoạn từ nút giao khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân dài 3,7km, có tổng mức đầu tư trên 815 tỉ đồng, được UBND TP Hà Nội xin Thủ tướng thực hiện theo cơ chế đặc thù, cấp bách.

Theo quyết định điều chỉnh lần 1 của UBND TP Hà Nội, dự án phải hoàn thành năm 2020. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn thi công chưa xong và đã trải qua 4 lần điều chỉnh thời hạn. Lần mới đây nhất, công trình này được dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2024.

Theo Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, quận đã kiến nghị với Ban An toàn giao thông Thành phố Hà Nội để giải quyết những vướng mắc để đảm bảo giao thông được thông suốt.

“Chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản, đề nghị đẩy nhanh tiến độ dự án để người dân sớm ổn định lại cuộc sống cũng như thực hiện tốt chức năng của con đê này” - ông Khuyến nói.

Play Video
Nguy hiểm rình rập khi đứng chờ xe buýt tại khu vực này. Video: Nhật Minh
https://laodong.vn/xa-hoi/am-anh-khi-dung-cho-xe-buyt-tren-duong-au-co-ha-noi-1256756.ldo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét