Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2023

36 cách để tướng mạo của chúng ta ngày càng đẹp hơn

36 cách để tướng mạo của chúng ta ngày càng đẹp hơn
Thời xưa có một câu ngạn ngữ: "Hữu tâm vô tướng, tướng theo tâm sinh, hữu tướng vô tâm, tướng tùy tâm diệt"
. Câu này có nghĩa là: Người có tâm tốt, nhưng tướng không tốt thì cái tướng không tốt ấy sẽ theo tâm tốt mà chuyển hóa dần dần thành tướng tốt. Nhưng ngược lại, người có tướng tốt nhưng tâm không tốt thì cái tướng tốt ấy, sẽ bị cái tâm không tốt chuyển hóa dần dần thành tướng xấu. 
Như vậy giữa tướng và tâm, chúng ta thấy tâm là quan trọng nhất. Tướng chỉ là sự biểu hiện của tâm, tâm phát sinh ra tướng. Tâm càng đẹp thì tướng càng đẹp, tâm càng xấu thì tướng càng xấu. 

Những lời này cũng nói rõ: Tướng mạo một người sẽ theo tâm niệm thiện ác tốt xấu của họ mà thay đổi theo.

Cho dù hiện tại chúng ta ban đầu có tướng mạo hung ác, nhưng nếu chúng ta thường xuyên khởi tâm từ bi, tướng mạo hung ác kia không lâu sẽ chuyển hóa thành cát tướng. Ngược lại, dù hiện tại mặt chúng ta đầy phúc tướng, nếu chúng ta không biết làm việc thiện tích đức, thường xuyên khởi lên ý niệm tham lam và oán hận, thì phúc tướng sẽ dần dần biến mất. Cho nên, tâm là đầu mối then chốt của tướng mạo, nhìn tướng không bằng nhìn tâm.

Chúng ta hằng ngày phải tiêu hao nhiều năng lượng do tâm vọng tưởng gây ra. Vì vậy, chúng ta phải cần nạp nhiều năng lượng vào cơ thể để cho tâm vọng tưởng hoạt động. Theo các nhà khoa học não bộ của chúng ta là nơi tiêu thụ năng lượng nhiều nhất. Một người thất tình hay bị chấn động lớn khoảng một tuần có thể giảm mất vài cân, thậm chí còn làm suy sụp cơ thể.

Đại đa số chúng sinh, những người bình thường, để tâm vọng tưởng hoạt động quá mạnh. Họ luôn nhớ về những kỷ niệm thời quá khứ, hồi tưởng lại những chuyện vui, chuyện buồn. Vui thì cười khinh khích 1 mình, buồn thì ngồi rơi lệ, tiếc thương. Đó chỉ là những cái ảo vọng đang đánh lừa cảm giác. Người có trí biết nó là vọng, là tưởng nên dừng lại ngay và không bị nó dắt dẫn, lôi kéo.

Tuy nhiên thực hành không dễ. Người già thì vọng về quá khứ, người trẻ thì mơ ước về tương lai. Đôi khi cái mơ ước là động lực để chúng ta phát triển, nhưng mơ ước phải gắn liền với khả năng thực tế của mình. Mơ ước không gắn liền với khả năng hiện thực thì nó cũng chỉ là vọng tưởng mà thôi. Nên Phật dạy:

"Do mong việc sắp tới,
Do than việc đã qua,
Nên kẻ ngu héo mòn,
Như lau xanh rời cành."

Đó là cách nhìn của các nhà nghiên cứu nhân tướng về tâm và tướng. Nhưng làm thế nào để có được tâm và tướng tốt đẹp thì chúng ta nên tìm hiểu về những lời dạy của người xưa. Cha ông ta đã tổng kết 36 cách thay đổi tâm tướng con người như sau:

1. Biết rõ làm quan vất vả, nhưng vẫn nguyện ý vì công bộc của nhân dân, phục vụ đại chúng.

2. Làm việc cương nhu kết hợp.

3. Hâm mộ thiện hành, thân cận quân tử.

4. Có thức ăn ngon sẽ chia cho người khác.

5. Không thân cận tiểu nhân.

6. Thường xuyên tích âm đức, tạo thuận lợi cho người.

7. Từ nhỏ có thể giúp làm việc nhà.

8. Không ghê tởm, chán ghét những người đến ăn xin.

9. Kiềm chế bản thân, làm lợi cho người khác.

10. Không thúc đẩy việc ác, không muốn sát sinh.



11. Nghe hoặc gặp chuyện, tâm không hoảng sợ.

12. Giao ước với người khác thì không thất tín.

13. Không dễ dàng thay đổi hành vi và đạo đức.

14. Trước khi ngủ thường tĩnh tâm suy nghĩ về sai lầm của mình.

15. Dũng cảm tiến lên, không chìm đắm trong quá khứ, cũng không đắc chí vì những chuyện đã qua.

16. Không để người khác căm ghét.

17. Không bào chữa hay che đậy khuyết điểm của mình.

18. Ân cần, chu đáo khi làm việc gì đó cho người khác.

19. Không quên lòng tốt, sự giúp đỡ nhận được từ người khác.

20. Tâm rộng lượng.

21. Không lấn át người thiện, không sợ kẻ ác.

22. Thương xót và giúp đỡ trẻ mồ côi, góa phụ và những người túng thiếu.

23. Không giúp kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu.

24. Không quên tình bạn cũ.

25. Luôn làm những việc có lợi cho cộng đồng.

26. Không nói nhiều, không nói dối.

27. Nhận quà từ người khác, tâm sinh hổ thẹn.

28. Nói chuyện có trước sau, giọng nói nhẹ nhàng.

29. Không ngắt lời khi người khác đang nói.

30. Thường xuyên nói về việc thiện và ưu điểm của người khác.

31. Không coi thường quần áo thô và đồ ăn đơn giản.

32. Thực hiện cương nhu phù hợp bất cứ lúc nào.

33. Khi nghe được lời nói tốt và việc tốt thì làm theo không mệt mỏi.

34. Thấu hiểu nỗi đói khát, vất vả của người khác, luôn thể hiện sự cảm thông.

35. Không nhớ đến lỗi lầm, việc xấu của người khác.

36. Bạn cũ gặp khó khăn, tận lực giúp đỡ.

Nguồn: Tổng hợp từ bài trên mạng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét