Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

Kênh NL–TN và văn hóa sống của một bộ phận người Sài Gòn

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và văn hóa sống của một bộ phận người Sài Gòn
Một trong những tiếng thơm lớn mà chính quyền lấy làm hãnh diện là đã có công cải tạo môi trường nguyên con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè của Sài Gòn và mở rộng hai con đường dọc theo hai bờ kênh này. Có hồi, một quan chức còn nói con kênh này giờ đây trong sạch và xinh đẹp không khác gì dòng sông Seine chảy qua Paris…

Vay World Bank đến $650 triệu để cải tạo con kênh, thế mà dân vẫn vô tư xả rác!

Hồi tôi còn học lớp 12 ở trường làng, cô giáo dạy địa lý kể rằng “ở Sài Gòn có một con kênh đen ngòm. Đó là con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè”. Tôi lỡ miệng nói đùa “kênh đen ngòm, ai xả rác mà đen?”.

Cô bỗng nhìn tôi, cái nhìn thông cảm, rồi tay vuốt nhẹ vào tay tôi như nói “hãy yên lòng!” (nhại theo bài vọng cổ “Hoa Mua trắng” của soạn giả Ngự Bình, do nghệ sĩ Phượng Liên ca mùi: “Tôi lỡ miệng nói đùa bông hoa rừng ai để ý mà mua. Chị bỗng nhìn tôi, cái nhìn thông cảm, rồi tay vuốt nhẹ vào tay tôi như nói “hãy yên lòng!”).

1. Nhà nước được tiếng thơm là đã lo cho dân

Và tôi yên lòng chờ đợi đến năm 1993, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM thực hiện dự án cải tạo môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè giai đoạn I từ năm 1993 đến Tháng Tám 2012, với số tiền là 8,600 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của World Bank là 5,252 tỷ đồng (tương đương $200 triệu theo tỷ giá lúc đó), còn vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là 3,348 tỷ đồng.

Song song, với dự án này trong giai đoạn I, TP.HCM đã bỏ ra hơn 554 tỷ đồng để mở rộng hai con đường dọc theo bờ kênh là đường Trường Sa và Hoàng Sa, từ 7 mét lên 9 mét, với tổng chiều dài là 15 cây số.

Còn dòng kênh có chiều dài khoảng 9 cây số, bắt đầu từ cửa cống hộp tại giao điểm giữa hai con đường Út Tịch và Lê Bình, quận Tân Bình, lần lượt chảy qua các quận: Tân Bình, quận 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, quận Nhứt và đổ ra cửa sông Sài Gòn, tại vị trí xưởng đóng tàu Ba Son cũ.

Trong khi chờ đợi Sở Giao thông Vận tải TP.HCM thực hiện tiếp giai đoạn II (từ năm 2014 đến năm 2020) của dự án cải tạo môi trường đối với lưu vực này, dân sống quanh đây và dân khắp mọi nơi đã tề tựu về đây xả rác rồi. Cho nên khi thực hiện giai đoạn II, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho nạo vét luôn lòng kênh đã chứa đầy rác.

Trong giai đoạn II, UBND TP.HCM cũng đề nghị World Bank cho thành phố vay $450 triệu, cộng với số nợ $200 triệu vay của giai đoạn trước, nâng khoản vay lên đến $650 triệu!

Có một điều là cần xác định là chính người dân phải đóng thuế vào ngân sách thì UBND TP.HCM mới có tiền trả nợ cho World Bank, vì thế món nợ càng cao thì nhà nước thâu thuế càng cao, ai khổ? Ngay cả số tiền mà nhà nước góp vốn cho dự án thì cũng lấy từ ngân sách của UBND TP.HCM, tức từ tiền thuế của dân chứ ở đâu ra?

2. Dân vô tư hành xử vô văn hóa

Vậy mà dân vẫn cứ trơ trơ xả rác tiếp xuống dòng kênh, khiến nhà nước phải hình thành “Đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè” đóng đô tại bến tàu nằm ở đường Trường Sa, quận Phú Nhuận.

Hằng ngày “Đội vớt rác” đều đặn đi vớt rác trong lòng kênh. Kết quả là thoạt nhìn trên bề mặt dòng kênh từ xa thì tưởng chừng như dòng kênh có vẻ sạch sẽ hơn trước, tuy nhiên nếu quan sát ở cự ly gần và kỹ thì sẽ thấy rất nhiều thể loại rác đang trôi lềnh bềnh: vỏ chai đựng đồ uống, bao bì mì ăn liền, hộp xốp đựng đồ ăn, bọc nylon, vỏ bình đựng nhớt, các miếng bể của thùng xốp, chai bia thủy tinh…

Đội vớt rác trên kênh đã trưng bày những thứ phế liệu này trên một chiếc thuyền lững lờ giữa mặt kênh nhằm cảnh báo dân nhưng có vẻ vô ích, vì có lẽ họ không biết rằng chai nhựa mất ít nhất 400 năm – 600 năm, còn chai thủy tinh mất từ một ngàn năm – một triệu năm để tự phân hủy trong môi trường.

Dù cho “Đội vớt rác” có vớt mỏi tay thì dòng kênh vẫn cứ đầy rác, vì dân không chỉ xả rác xuống dòng kênh, mà còn xả rác trong công viên dọc theo bờ kênh. Hai con đường dọc bờ kênh cũng cùng chung số phận là trở thành bãi rác: dưới các gầm cầu bắc ngang hai con đường đầy rác sinh hoạt, có những đoạn đường trở thành khu vực tập hợp rác rất nhếch nhác.

Khi mưa xuống thì rác “du lịch” từ công viên và trên hai con đường xuống dòng kênh. Thêm vào đó là rác mà phe dân xả khắp nơi ở thành phố chui xuống cống, rồi từ cống chui ra dòng kênh.

Kết quả thì dòng kênh tiếp tục bị ô nhiễm, làm cho sinh vật nước ở đây “ngủm củ tỏi”. Ngay từ sau giai đoạn I, thì khu vực này trở thành “phố ăn nhậu cà phê cà pháo”, càng làm cho khu vực này trở nên phức tạp, ồn ào. Các quán ăn nhậu và cà phê trên hai con đường này tiện thể cứ đem rác ra tống ở công viên, bao rác nào cũng bự “sầm bành chảng”.

Những hành vi “rác rưởi” khác bên dòng kênh

Dòng kênh và hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè không chỉ có “chức năng là bãi rác” mà còn có những hành vi “rác rưởi” khác như: nhà vệ sinh lộ thiên cho đám đàn ông và thú cưng; trại nuôi gà của mấy tay chơi đá gà cá độ; nơi câu cá giải trí hay nơi bắt cá mưu sinh của những người đàn ông tứ xứ; bãi phóng sinh các sinh vật sống dưới nước; điểm hẹn hò của các đôi tình nhân; bàn nhậu của mấy tên bợm nhậu; sào phơi đồ của dân trong khu vực; giường nằm của mấy tên bụi đời; thậm chí, tệ hơn, thành chỗ đi đại tiện cho một số người…

Bởi vì khu vực này trở thành “đa chức năng” nên bất cứ lúc nào đi ngang qua, người dân cũng có thể chứng kiến những cảnh chướng tai gai mắt.

Giữa ban ngày ban mặt có những người đàn ông ngang nhiên đi tiểu ở những bụi cây, gốc cây trong công viên ở bờ kênh hoặc có khi xỉa “cái đó” qua hàng rào bờ kênh để “xả nước” xuống dòng kênh. Những người đàn ông này thường là những bợm nhậu từ các quán nhậu ở hai con đường dọc bờ kênh, những tài xế xe công nghệ (xe gắn máy và xe hơi).

Mặc dù có bảng cấm không được câu cá, cấm chích điện bắt cá, vậy mà có rất nhiều người câu cá ở hai bên bờ kênh. Khi hỏi câu cá để làm gì, có người trả lời là “cho vui”. Thậm chí lúc khuya còn có những người đàn ông chèo ghe đi chích điện bắt cá hay đứng trên bờ cầm cái vợt xúc cá trong lòng kênh.

Cứ mỗi độ mùng 1 và ngày Rằm hay Tết Nguyên đán thì có những người mang đủ thể loại sinh vật nước đến đây phóng sinh xuống dòng kênh. Có những người đem một lần tới năm bao bánh mì quăng xuống cho cá ở đây ăn, dù có người đến xin cũng không cho, vì họ thà cho cá ăn để tạo phước chứ nhất định không cho người đang đói xin.

Đành rằng băng ghế công viên là nơi hẹn hò lứa đôi. Tuy nhiên, một số cặp “làm lố” nên có một nhà thờ trên đường Hoàng Sa phải treo tấm bảng ghi: “Khu vực trước nhà thờ. Xin các đôi nam nữ giữ trang nghiêm lịch sự” vì đôi khi còn có xác “áo mưa” (bao cao su) trong đống rác bị xả dưới ghế.

Quá nửa đêm thì công viên bờ kè biến thành phiên tụ tập của các nhân viên phục vụ quán nhậu, hoặc họ cùng nhau nhậu, hoặc họ cùng nhau đánh bài. Còn nữa, dân khắp mọi nơi bất kể giờ giấc, mang chó ra công viên nơi đây cho đi tiểu và đại tiện. Người đi bộ hoặc chạy bộ tập thể dục ở đây không khéo thì đạp phải phân chó!

Lại có cả những người sống trong khu vực này còn đem quần áo ra vắt trên hàng rào bờ kênh để phơi. Thế nhưng, cảnh tượng sợ nhất là khi bắt gặp ai đó đang đi đại tiện trong công viên ở đây.

Dân làm quá hổng lẽ nhà nước không có hành động gì thì coi cũng kỳ. Nên nhà nước cũng treo bảng cấm câu cá, cấm bắt cá, cấm tụ tập, rồi cũng có vài ông bảo vệ dạo vòng vòng để nhắc nhở khi “lỡ” thấy ai đó đang làm lố.

Mà chắc mấy ổng không đi kiểm tra thường xuyên nên lúc nào nơi đây cũng có những cảnh bị lố, mà lố quá thành ra lố bịch.

Rồi ai trả tiền cho những “đội quân” vớt rác và bảo vệ này? Dĩ nhiên cũng là ngân sách của nhà nước, mà ngân sách ấy hình thành từ tiền thuế của phe dân.

Cuối cùng thì nhà nước cũng có tiếng thơm là đã lo cho dân, đã cải tạo môi trường cho dân, nhưng người dân vẫn trơ trơ “xả rác đủ thể loại” xuống dòng kênh và hai bên bờ kênh, rồi để coi bên nào tốn tiền hơn thì biết!

Nguồn: Trên mạng
















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét