Kiều hối về VN năm 2017 sẽ tụt giảm về 10 năm trước?
Thiền Lâm - Hai hiện tượng lạ đang xảy ra đồng thời: trong lúc cơ quan thống kê Việt Nam vẫn “quên” công bố số liệu kiều hối về nước này trong 6 tháng đầu năm 2017, những dự báo của Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center) của Mỹ lại cho thấy kiều hối về Việt Nam năm 2017 chỉ có 5,4 tỷ USD.Vào những năm trước khi lượng kiều hối dồn dập đổ về “quê nhà”, Tổng cục Thống kê thường rất mau mắn công bố kết quả thu hút kiều hối ngay đầu tháng Bảy hoặc thậm chí trước khi kết thúc tháng Sáu hàng năm. Nhưng vào năm nay, đã gần hết tháng Tám mà vẫn chưa có con số thống kê nào trên bình diện quốc gia về nguồn tiền quý giá này.
Cho tới nay, vẫn chỉ có con số kiều hối duy nhất về Sài Gòn trong 6 tháng đầu năm 2017được công bố: khoảng 2,1 tỷ USD.
Trong khi đó, trang VietFact dẫn nguồn từ Pew Research Center cho biết: Theo báo cáo Dòng kiều hối quốc tế của Pew Research Center, năm 2015 có tổng cộng 13,2 tỷ USD kiều hối đổ về Việt Nam. Đến năm 2016, con số này giảm còn 9 tỷ USD (giảm 31,8%), và số lượng kiều hối 6 tháng đầu năm 2017 TP.HCM tiếp nhận được 2,1 tỷ USD. Trong khi đó khu vực này thường chiếm khoảng 58% tổng lượng kiều hối hàng năm, như vậy có thể dự đoán kiều hối 6 tháng đầu năm 2017 sẽ rơi vào khoảng 3,6 tỷ USD. Và với dự báo 6 tháng cuối năm 2017, lượng kiều hối còn bị giảm 50% do tác động của việc chính phủ Việt Nam duy trì lãi suất đồng USD 0% và FED tăng lãi suất, kiều hối năm 2017 sẽ vào khoảng 5,4 tỷ USD, giảm 39,7% so với năm 2016.
Nếu dự báo của Pew là chính xác, đây sẽ là một cú giáng rất nặng nề không chỉ đối với nền kinh tế Việt Nam vốn đang lặn ngụp trong năm suy thoái thứ chín liên tiếp tính từ 2008, mà còn khiến phá sản hàng loạt động tác của chính quyền Việt Nam nhằm kêu gọi “khúc ruột ngàn dặm” gửi tiền về.
Trong thực tế, cho dù Việt Nam tăng lãi suất gửi đồng USD trong thời gian tới, động tác này cũng khó làm hấp dẫn thêm lượng tiền kiều hối ở nước ngoài gửi về. Lý do đơn giản là mặc dù Ngân nhà nhà nước Việt nam đã duy trì chính sách gửi đồng USD với lãi suất bằng 0 trong cả năm qua, vẫn có nhiều người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp tìm cách lách luật bằng việc vẫn gửi USD vào ngân hàng rồi ngay sau đó, họ lại thế chấp sổ tiết kiệm để vay lại VNĐ với lãi suất 4%-5%/năm, tiếp tục gửi tiết kiệm VNĐ với lãi 6%-7%. Như vậy, người gửi USD đã có mức sinh lời 2%/năm, và các ngân hàng thương mại vẫn đang huy động USD với mức lãi suất là 2%. Do đó, nếu Ngân hàng nhà nước tăng lãi suất huy động USD lên 0,25-0,5% thì cũng chỉ là bước đi nhằm dần dần hợp thức hóa những gì mà các ngân hàng thương mại đang làm, chứ không thể tăng huy động thêm USD cho nền kinh tế.
Trước khi sụt mạnh vào năm 2016, lượng kiều
hối về Việt Nam đã tăng khoảng gần 100 lần.
Hiện trạng nền kinh tế lại đang quá cần đến USD để phục vụ nhập khẩu và trả nợ cho nước ngoài. Con số “gom USD” mới nhất được Thống đốc Lê Minh Hưng công bố là gần 10 tỷ USD trong năm 2016, đưa kho dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên đến 41 tỷ USD. Một phần lớn trong con số gần 10 tỷ USD mua vào được xác định từ nguồn trôi nổi trong dân chúng. Tuy nhiên, con số này cũng mới chỉ thỏa mãn được khoảng 2,3 tháng nhập khẩu do nhu cầu nhập khẩu tăng lên. Cùng lúc, mỗi năm Việt Nam phải trả nợ từ 10 – 12 tỷ USD cho các chủ nợ quốc tế.
Vậy “đào” đâu ra ngoại tệ mạnh?
Gần đây, một lần nữa chính phủ và Ngân hàng nhà nước phải “tìm mọi cách để huy động nguồn lực vàng, USD trong dân”. Tuy thế, việc dự trữ ngoại hối chỉ tăng từ 41 tỷ USD lên 42 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2017 lại cho thấy, lượng USD nằm dưới gối của người dân có thể chẳng còn nhiều để “tìm mọi cách huy động”.
Nếu dự báo của Pew Research Center về kiều hối năm 2017 về Việt Nam chỉ có 5,4 tỷ USD là đúng, đây sẽ là cú tụt hậu có giá bằng 10 năm: mức kiều hối 2017 sẽ tụt về năm 2007.
Một số người Việt hải ngoại cho biết nếu cách đây 5-6 năm, họ thường chọn phương án gửi tiền về Việt nam để đầu tư, thì nay có đến 9/10 người hải ngoại chọn cách gửi tiền hoặc đầu tư ở nước ngoài. Nguyên do không chỉ là mặt bằng lãi suất gửi USD ở Việt Nam quá thấp, mà còn bởi do kinh tế suy thoái nên thị trường kinh doanh và sản xuất ở Việt Nam sinh lời rất thấp. Một nguyên do khác không thể bỏ qua là tình hình chính trị ở Việt Nam đầy biến động, bất ổn và có thể gây rủi ro cao mà khó làm cho “kiều bào ta” yên tâm gửi tiền về…
Thiền Lâm
(Cali Today)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét