Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã “hạ cánh” an toàn?

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã “hạ cánh” an toàn?
Tin tức vào ngày 30 tháng 8 loan đi, Bộ Công Thương Việt Nam vừa có quyết định bà nguyên Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đủ điều kiện để nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, kể từ ngày 1 tháng 9 năm 2017. "Dần dần trong nội bộ cũng có sự giằng co gì đấy. Thứ hai nữa, họ nhận thấy lý lẽ cũng không vững vàng và cứ nếu làm tới thì sẽ gây ra sự căm phẫn thì người ta phải xử hòa trong lúc tình hình bê bối nhiều thứ quá. Bê bối trong chuyện ông Trịnh Vĩnh Bình, chuyện ông Trịnh Xuân Thanh, chuyện Đồng Tâm, chuyện ở Bộ Y Tế…Cho nên người ta rối bòng bong thì người ta phải làm dịu bớt, cũng là cách ‘rút củi đáy nồi’ thôi" - GS. Tương Lai

Bà Hồ Thị Kim Thoa bắt tay vị đại biểu Liên minh Châu Âu sau 
khi ký thỏa thuận song phương. Ảnh chụp hôm 25/8/2014
Chấp thuận cho nghỉ hưu

Bà Hồ Thị Kim Thoa được dư luận chú ý đến qua quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách trong vai trò Thứ trưởng Bộ Công thương hồi hạ tuần tháng 1 năm 2017, cùng thời điểm ông Vũ Huy Hoàng nhận quyết định kỷ luật xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016.

Theo kết luận của của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bà Hồ Thị Kim Thoa đã vi phạm trong việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh trái quy định, thực hiện không đúng nguyên tắc, quy định ký quyết định bổ nhiệm và điều động một số cán bộ trong nhiệm kỳ 2011-2016.

Ngay sau khi Thủ tướng ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Văn phòng Chính phủ gửi công văn hỏa tốc đến bốn cơ quan cấp bộ, gồm Tài Chính, Kế Hoạch & Đầu Tư, Công Thương và Thanh tra Chính phủ yêu cầu phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra và thanh tra tài sản của bà Kim Thoa và phải báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong Quý II năm nay.

Vào cuối tháng 6 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra kết luận Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa kê khai tài sản gian dối trong thời gian dài, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. Bên cạnh đó, bà Kim Thoa còn có dấu hiệu vi phạm trong thời gian giữ các chức vụ quan trọng tại Công ty Cổ phần Điện Quang, từ năm 2004 đến năm 2010. Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định việc làm sai trái của bà Kim Thoa là nghiêm trọng và phải xem xét hình thức kỷ luật.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã nộp đơn xin thôi việc đến Ban lãnh đạo của Bộ Công Thương vào tối ngày 1 tháng 8, đồng thời cũng tạm nghỉ phép từ ngày này.

Qua việc nộp đơn xin thôi việc của bà Kim Thoa, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, ông Lê Quang Thưởng nói với báo giới trong nước rằng “Không có chuyện Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa xin thôi việc là xong”. Tại cuộc họp báo của Chính phủ chiều ngày 3 tháng 8, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết theo quy định, trường hợp đang trong giai đoạn xem xét, điều tra thì không được chấp thuận thôi việc.

Ngày 8 tháng 8, văn phòng Trung ương Đảng ra thông báo miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ban cán sự Đảng đối với Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và bà Kim Thoa bị miễn nhiệm chức thứ trưởng vào ngày 16 tháng 8. Truyền thông quốc nội dẫn lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng Bộ Công Thương sẽ giao nhiệm vụ mới cho bà Kim Thoa sau khi bà bị cách chức thứ trưởng.

Dư luận đồn đoán vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh bị Đức cáo buộc chính quyền Việt Nam đã bắt cóc đem về nước hồi cuối tháng 7 và những diễn tiến liên quan trường hợp của bà Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa có thể sẽ là một vụ “đại án”, mau chóng được lôi ra ánh sáng trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà người đứng đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tổ chức ở Hà Nội vào sáng ngày 31 tháng 7 tuyên bố rằng “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”.

Hiệu quả của chống tham nhũng?

000_RS7HZ.jpg
Bản tin ông Trịnh Xuân Thanh đầu thú của Đài
truyền hình VTV1, phát sóng ngày 4/08/2017. Photo: AFP
Tuy nhiên, thông tin mới nhất cho biết Bộ Công Thương Việt Nam ban hành quyết định đối với nguyên Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đủ điều kiện để nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, kể từ ngày 1 tháng 9 năm 2017. Tin này làm dấy lên thắc mắc phải chăng đây là dấu hiệu của một “con hổ” đã không sa lưới trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Đài RFA nêu vấn đề với Giáo sư Tương Lai và được Giáo sư chia sẻ quan điểm suy luận cá nhân mà ông cho rằng rất dè dặt để nhận xét về vấn đề này:

“Lúc đầu họ định biến trường hợp của bà Kim Thoa thành vụ án hình sự về chuyện tham nhũng và kê khai tài sản của bà cũng như không cho bà xin thôi việc. Nhưng dần dần trong nội bộ cũng có sự giằng co gì đấy, là một và thứ hai nữa là họ nhận thấy lý lẽ cũng không vững vàng và cứ nếu làm tới thì sẽ gây ra sự căm phẫn thì người ta phải xử hòa trong lúc tình hình bê bối nhiều thứ quá. Bê bối trong chuyện ông Trịnh Vĩnh Bình, chuyện ông Trịnh Xuân Thanh, chuyện Đồng Tâm, chuyện ở Bộ Y Tế…Cho nên người ta rối bòng bong thì người ta phải làm dịu bớt, cũng là cách ‘rút củi đáy nồi’ thôi.”

Vấn đề là hiện nay nếu có luật pháp thì đưa ra đàng hoàng, tội đến đâu xử đến đấy. Ai xà xẻo bao nhiêu, tiền của tước đoạt thì lấy lại nộp cho công quỹ. Những anh có chức có quyền đều nhà cao cửa rộng. Hãy hỏi nhà tiền đâu ra với đồng lương như thế? Tước đoạt lại tất cả bọn lưu manh ăn cướp của dân của nước lâu nay, không từ ai hết - Ông Nguyễn Khắc Mai
Chúng tôi cũng trao đổi với một số nhà quan sát tình hình Việt Nam và nhận được câu trả lời không chỉ trường hợp mới nhất của nguyên Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa mà trước đó là trường hợp xử lý ông cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng hay những trường hợp của giới chức lãnh đạo khác như nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Trần Văn Truyền…đều có kết cục giống như nhau là “đâu lại vào đó”, họ vẫn “bình chân như vại” mà dân chúng gọi là “hạ cánh” an toàn.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, từng lên tiếng với RFA rằng cần phải xử lý các trường hợp sai phạm, tham nhũng của giới chức lãnh đạo theo quy định của luật pháp. Ông Nguyễn Khắc Mai nói:

“Vấn đề là hiện nay nếu có luật pháp thì đưa ra đàng hoàng, tội đến đâu xử đến đấy. Ai xà xẻo bao nhiêu, tiền của tước đoạt thì lấy lại nộp cho công quỹ. Những anh có chức có quyền đều nhà cao cửa rộng. Hãy hỏi nhà tiền đâu ra với đồng lương như thế? Tước đoạt lại tất cả bọn lưu manh ăn cướp của dân của nước lâu nay, không từ ai hết. Từ Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng đến Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Phú Trọng rồi Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc... phải xem xét lại cho rành mạch chứ còn hiện nay là phe nọ đánh phe kia vậy thôi”.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trong khi đa số dân chúng trong nước tỏ ra không có niềm tin đối với chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xướng sẽ mang lại hiệu quả tích cực nào qua vụ tiêu cực, tham nhũng xảy ra ở Bộ Công Thương thời ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng, giới nhân sĩ trí thức khẳng định nếu như Đảng Cộng Sản lãnh đạo không xử lý đến nơi đến chốn vụ việc vừa nêu thì rõ ràng Chính phủ Việt Nam chỉ là “rút củi đáy nồi”, chứ không phải củi tươi cũng cháy trong lò đã nóng, theo như lời tuyên bố khẳng khái của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

(RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét