Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Liệu có tội ác nào hơn tội ác này?

NHỮNG ĐỚN ĐAU UẤT NGHẸN
Saomai Pham - Phải là có người nhà nằm bệnh viện, bạn mới hiểu điều này: có một con đường vô hình được "đốt lên" để soi cho tỏ đường đi nước bước bởi các phong bì. Đích đến là các bác sĩ được gọi là có uy tín nhất trong lĩnh vực mà người nhà bạn mang bệnh. Không ai ở Việt Nam lại đi nhờ vả trình bày suông cả. Người ta nói với chúng tôi rằng tất cả mọi cánh cửa đều mở được bằng tiền! Và hỡi ôi chính là tôi đã phải thừa nhận là điều này đúng!
Tôi học được những thành ngữ Việt Nam hiện đại qua chính những gì tôi đã có dịp mắt thấy tai nghe ở Việt Nam. Một vài trong số những thành ngữ ấy là: "Mắt không nhìn thấy tim không đau" hoặc "Khuất mắt trông coi"...

Thường thì người ta chỉ giải thích và "vận" những câu thành ngữ này trong lĩnh vực tình ái. Nhưng tôi lại nghĩ khác. Những điều tôi đã nhìn thấy khiến trái tim tôi không nguôi đớn đau và day dứt lại liên quan đến điều lớn lao nhức nhối hơn nhiều: đó là những vấn đề liên quan đến thuốc men, đến khám chữa bệnh, đến bàn tay bẩn sạch của những người thầy thuốc và đến cả những cao quý cũng như ... đã nhuốm màu thấp hèn tàn nhẫn của nghề này.

Trái tim con người không chỉ có khả năng đau đớn thương tổn bởi những khổ đau riêng tư. Trái tim mỗi một con người tử tế đều biết đau những nỗi đau của đồng loại. Nỗi đau đớn ấy lớn lao đến mức tôi đã từng ước giá như mình không sở hữu một trái tim con người!

Trong vòng hai năm, từ 2008 đến 2009, tôi liên tục có mặt ở Việt Nam và đã đi mòn lối đi của hầu hết các bệnh viện. Nhưng đi lại nhiều nhất, để lại những ám ảnh nhất là Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có người thân của tôi vào bệnh viện thì vào cổng chính, nhưng ra thì lại ra ở một cánh cổng khác!

Điều đầu tiên đập vào mắt là ... cái sự đông của bệnh viện. Thôi thì đủ cả già trẻ lớn bé nằm ngồi chen chúc ngổn ngang từ sân vườn đến các hành lang. Thậm chí từng bậc cầu thang lên xuống cũng có hàng dãy người ngồi nép vào để không ảnh hưởng đến đường đi lối lại của người khác. Tất cả mọi người đều có chung một khuôn mặt thất thần, ngơ ngác và mệt mỏi. Họ im lặng câm nín. Nếu cần nói thì cũng chỉ nói vừa đủ nghe.

Nhìn họ tôi tự hỏi: ai trong số họ còn le lói hy vọng? Ai trong số họ đã kiệt quệ tiền nong? Và ai... ai nữa đã biết chắc chắn rằng chỉ nay mai thôi, gần lắm rồi, ngay cả việc câm nín chen chân ở đây thôi mà cũng không còn có cơ hội. Đường sống đã không còn. Trước mặt đã là con đường chết!

Chúng tôi cùng người nhà của mình đã trải qua đủ các công đoạn cũng như quy trình khám chữa bệnh. Như mọi gia đình khác, gia đình chúng tôi cũng có tâm lý "còn nước còn tát" và tâm lý phó thác hoàn toàn, tin tưởng hoàn toàn vào những thầy thuốc khoác áo blouse trắng của bệnh viện.

Phải là có người nhà nằm bệnh viện, bạn mới hiểu điều này: có một con đường vô hình được "đốt lên" để soi cho tỏ đường đi nước bước bởi các phong bì. Đích đến là các bác sĩ được gọi là có uy tín nhất trong lĩnh vực mà người nhà bạn mang bệnh. Không ai ở Việt Nam lại đi nhờ vả trình bày suông cả. Người ta nói với chúng tôi rằng tất cả mọi cánh cửa đều mở được bằng tiền! Và hỡi ôi chính là tôi đã phải thừa nhận là điều này đúng!

Xin được nói ngay, chúng tôi không hề gặp bất cứ một y tá hoặc thầy thuốc nào chủ động vòi vĩnh tiền nong quà cáp cả. Mà là gia đình chúng tôi tự nguyện đưa. Chúng tôi luôn nói câu "thôi thì trăm sự nhờ anh... nhờ chị... nhờ cô... nhờ chú...". Chúng tôi luôn thở phào nhẹ nhõm bảo nhau: "May quá. Họ nhận cho rồi!".

Trong túi tôi lúc nào cũng có sẵn phong bì. Sự thật là khi đó, trong túi tôi luôn luôn có một sấp phong bì!

Tâm lý chung của bệnh nhân và người nhà của họ là nhắm mắt chấp nhận mọi điều. Có phải cầm cái đơn thuốc để đi mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ mới hiểu tâm lý này: ừ thì có nghe rằng có sự móc nối giữa các nhà thuốc, các công ty dược với các bác sĩ kê đơn thuốc đấy, nhưng chẳng lẽ lại bảo " tôi không mua đâu. Thôi cứ để cho người nhà tôi "đi"?"... 

Đau lòng lắm. Càng đau lòng càng bảo nhau phải cố cắn răng mà chịu đựng. Càng đau càng bấu víu vào câu "thôi thì vận hạn nó vậy thì phải chịu chứ biết kêu ai?"

Thử hỏi người dân thường thấp cổ bé họng như gia đình chúng tôi khi có tai ương ập xuống, không đổ cho muôn sự là tại số phận thì còn biết kêu ai?

Vậy mà lại không phải vậy. Có những cái chết của con người không phải bởi bàn tay nghiệt ngã của số phận. Rất nhiều bệnh nhân ung thư đã chết oan uổng bởi chính bàn tay của những người mà họ đã nhất mực tin tưởng.

Đã có những người mặc áo blouse trắng một tay cầm "phong bì trăm sự" của người nhà bệnh nhân đưa cho, một tay kia lạnh lùng nhẫn tâm gạt những bệnh nhân ấy vào danh sách những người sẽ chết.

Đương nhiên là họ vẫn nói: "chúng tôi đã làm mọi cách có thể". Còn gia đình bệnh nhân thì nuốt nước mắt để lo hậu sự cho người nhà mình. Trong lòng vẫn đinh ninh một điều "thôi, sống chết đã có số rồi". Không ai dám nghĩ oan cho các lương y...

Vì sao lại có chuyện đó?

Vì có những thế lực ngầm, bất nhân, thất đức câu kết với nhau góp phần đem đến cái chết cho người bệnh.

Ai thì cũng biết một sự thật: Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới. Có thể nói gia đình nào ở Việt Nam cũng có người đang mắc bệnh hoặc đã chết vì ung thư. 

Tôi không biết trong số những bệnh nhân ung thư ấy, có bao nhiêu phần trăm là do di truyền. Nhưng có lẽ cũng không nhiều bằng những nguyên nhân khách quan như ô nhiễm nguồn nước, như việc sử dụng thường xuyên những thực phẩm có nhiễm độc tố hóa học.

Còn một nguyên nhân nữa, oái oăm thay, và cũng đau lòng thay, lại đến từ "những đao phủ áo trắng".

Có ai làm ơn đưa cho tôi số liệu đã có bao nhiêu bệnh nhân ung thư trong mười, mười lăm năm trở lại đây chết vì đã sử dụng phải thuốc giả? Đau lòng làm sao khi nghĩ đến rất có thể người nhà của các bạn, người nhà của chúng tôi cũng chết vì nguyên nhân ấy?

Tại Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu đưa ra xét xử vụ nguyên Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần VN Pharma và đồng bọn nhập hàng chục nghìn hộp thuốc điều trị ung thư giả.

Thế đấy. Hàng chục nghìn hộp thuốc điều trị cho người bệnh ung thư lại là những hộp thuốc giả! 

Cái số lượng thuốc giả ấy đã bóc toẹt ra sự cấu kết bẩn thỉu giữa Công ty dược với các bác sĩ.

Số tiền mỗi hộp thuốc giả công ty nhập có 20 USD, nhưng giá bán cho bệnh nhân đã lên 74 USD. Riêng số tiền hoa hồng công ty này trả cho các bác sĩ đã lên tới 7,5 tỉ Việt Nam đồng.

Vậy là nhờ vào những "thiên thần áo trắng" được viết trong nháy nháy và được nói bằng một giọng điệu mỉa mai, tài sản bệnh nhân thì khánh kiệt, bệnh thì vẫn mang vào người và họ đã rơi tự do xuống huyệt mộ.

Liệu có tội ác nào hơn tội ác này?

Saomai Pham.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét