Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Người Việt không ưa TQ, còn quan chức thì muốn...

Người tiêu dùng VN không ưa TQ, còn quan chức thì muốn dĩ hòa
Ralph Jennings - Cô Hà Trần ở thành phố Hồ Chí Minh mỗi khi đi mua đồ ăn, quần áo hay đồ điện tử, thường tránh mua hàng nhập từ nước láng giềng khổng lồ phương Bắc. Cô nói hàng “thì dổm,” còn Trung Quốc thì chẳng tử tế gì với Việt Nam. Ảnh: Một người mẫu quảng cáo cho xe máy Zongshen của Trung Quốc tại hội chợ triển lãm ô-tô ở Hà Nội, Việt Nam năm 2008 (ảnh tư liệu ngày 11/6/2008)
“Trung Quốc xuất nhiều hàng chất lượng kém sang Việt Nam. Chúng tôi biết rằng họ không xuất khẩu hàng kém chất lượng như vậy cho các nước khác trên thế giới. Do đó chúng tôi tránh mua hàng Trung Quốc,” cô Hà, 24 tuổi, nhân viên của một hãng thiết kế ở Sài Gòn. Người Việt chuộng hàng Nhật và hàng Âu, Mỹ hơn. “Chúng tôi đã nhiều lần xài hàng Trung Quốc trước đây, và nhận thấy chúng rất dễ hư, vỡ.”

Cô Hà nói quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc còn là “một yếu tố” nữa khiến người tiêu dùng không muốn mua hàng Trung Quốc.

Cô Hà không phải là một khách hàng hiếm hoi không thích hàng Trung Quốc. Người tiêu dùng trên cả nước Việt Nam thường tránh mua hàng “Made-in-China” để bày tỏ bất mãn đối với hàng chất lượng thấp từ một nước từ bao đời nay hay tranh chấp, xâm lấn đất nước của họ. Hai nước thường xuyên mâu thuẫn với nhau, chẳng hạn như tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hiện nay mà trước đó đã từng xảy ra những trận hải chiến vào năm 1974 và 1988. Hai bên cũng đã xung đột trên bộ hồi thập niên 1970.

Việt Nam cảm thấy Trung Quốc lấn át trong tranh chấp lãnh hải với việc Bắc Kinh dùng quân đội hùng mạnh hơn kiểm soát quần đảo Hoàng Sa đang trong tranh chấp.

Theo dự báo của nhóm tư vấn Bostom Consulting Group, người tiêu dùng đang trở thành một thế lực ngày càng lớn mạnh ở Việt Nam với hơn một phần ba của dân số 93 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu và những con số đó sẽ tăng mạnh từ nay cho đến năm 2020. Xuất khẩu hàng hóa tăng nhanh góp phần vào sự giàu có đang tăng của Việt Nam bằng việc tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm kể từ năm 2012.

“Nếu người mua tìm được một sản phẩm cùng giá, và họ xác định được là một cái là hàng Trung Quốc và một cái là hàng Nhật, Hàn Quốc hay của nước nào khác, quý vị sẽ đoán được là họ chọn hàng nào,” ông Oscar Mussons, một chuyên gia kỳ cựu của nhóm tư vấn doanh nghiệp Dezan Shira & Associates ở Sài Gòn, nhận xét. “Người Việt không xem Trung Quốc là một nước đàn anh, mà là đối thủ.”

Ông Mussons nói: “Điều này là do những vấn đề xảy ra hồi gần đây, như việc Trung Quốc tấn công những biểu tượng của quốc gia như chiếm các hải đảo trên Biển Đông. Đối với người Việt Nam, đó là những điều không thể nào chấp nhận được, cho dù công chúng không được nghe nói đến nhiều, hay chính phủ tìm cách bưng bít những thông tin đó.”

Các giới chức Việt Nam tìm cách giảm nhẹ những tranh chấp chính trị với Trung Quốc kể từ khi xảy ra những vụ bạo loạn chống Trung Quốc năm 2014 đã khiến hơn 20 người thiệt mạng và làm cho các nhà đầu tư nước ngoài lo sợ. Việc Trung Quốc đưa dàn khoan dầu trong vùng biển tranh chấp đã châm ngòi cho các cuộc bạo động.

Nhưng Việt Nam vẫn xem Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất. Theo truyền thông báo chí tại Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước trong bốn tháng đầu năm nay lên dến 25,5 tỉ đôla. Các nhà sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng phải lệ thuộc vào nguyên liệu thô của Trung Quốc.

Ngoài những vấn đề chính trị, đa số người tiêu dùng Việt Nam cho rằng Trung Quốc xuất hàng chấp lượng kém sang Việt Nam. Các công ty khổng lồ của Trung Quốc, lớn hơn các đối thủ Việt Nam nhiều, thường bán tháo hàng tồn kho, hàng thừa của họ sang Việt Nam.

Ông Jason Moy, chủ nhiệm nhóm tư vấn Bostom Consulting Group ở Singapore, nhận xét: “Đối với người tiêu dùng Việt Nam nói chung, hàng Trung Quốc bị xem là hàng chất lượng thấp. Một số đúng như vậy trong thực tế, nhưng cũng có những thông tin bị mạng xã hội lèo lái tạo ra thành kiến xấu.” Người có thu nhập thất, học thấp có thể bị chi phối bởi những thông tin định kiến đó, ông Moy nói thêm. “Do đó, hàng Trung Quốc thường đứng chót trong ưu tiên chọn lựa, hay chỉ trong danh sách dự phòng.”

Giày dép, đồi chơi, nhu yếu phẩm bán qua biên giới với giá rất rẻ có thể đã làm hàng Trung Quốc bị tai tiếng ở Việt Nam, nhưng người có thu nhập thấp mua chúng với giá rẻ, theo nhận định của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia của Viện nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak ở Singapore. Hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc bán qua đường biên giới vào Việt Nam có nhiều trường hợp đã bóp chết thị trường truyền thống của Việt Nam, ông Hiệp nói thêm.

Tẩy chay có tổ chức đối với hàng Trung Quốc tiếp theo sau các vụ bạo động hồi năm 2014 không kéo dài được bao nhiêu, bởi vì người nghèo ở Việt Nam không kham nổi giá cả đắt đỏ hơn của những nguồn hàng khác.

Mặc dù điện thoại di động Trung Quốc đang tạo được uy tín đáng kể trên thị trường Việt Nam, cô Hà nói rằng cô đã từng mua một chiếc điện thoại Trung Quốc cho mẹ của cô chỉ đơn thuần là giá của nó rẻ, hợp với túi tiền. “Xài được vài tháng thì hỏng,” cô nói, và gia đình phải mua một chiếc điện thoại khác.

Chỉ có dép kẹp của Trung Quốc là đáng giá, vì chỉ một đôla một đôi, nên có thể dùng vài lần rồi bỏ cũng không sao.

Tiến sĩ Hiệp nói: “Người tiêu dùng hiểu rõ tiêu chuẩn thấp, chất lượng kém của hàng Trung Quốc. Theo tôi, một trong những lý do là đa số hàng Trung Quốc là hàng tiểu thủ công nghệ được nhập theo đường tiểu ngạch, không theo đường chính ngạch.”

Người tiêu dùng nhiều tiền hơn đánh giá hàng Nhật có chất lượng cao nhất, nhất là xe máy và đồ dùng điện tử, theo nhận định của ông Moy. Thực phẩm và đồ điện tử của Hàn Quốc cũng giành được uy tín trên thị trường Việt Nam.

25/08/2017
Ralph Jennings
(VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét